Ước mơ về một lớp học kín gió ở bản nghèo đất Điện Biên

Ước mơ về một lớp học kín gió ở bản nghèo đất Điện Biên

Thứ 5, 22/12/2016 | 11:06
0
Có sân xi măng để vui chơi, có bàn ghế cho các cháu học, có căn phòng trụ được những ngày mưa, gió lạnh, đó là ước mơ của thầy cô giáo ở trường Mầm non Nậm Chà (Lai Châu).

Lớp học trống hoác phía bên kia cây cầu tre nứa ọp ẹp

Trường mầm non Nậm Chà (xã Nậm Chà, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu) cách Hà Nội khoảng 500km. Ở đó, hàng ngày vẫn đang nuôi dưỡng ước mơ về một ngôi trường có nền bê tông, có đầy đủ bàn ghế, tường kín gió và sân chơi… cho hơn 300 em học sinh.

Và chúng tôi tìm tới Nậm Chà khi cây cầu tạm bằng nứa, tre ẽo uột, ọp ẹp dẫn vào trường mầm non vừa được bà con làm lại sau khi bị cơn lũ cuốn trôi. Qua cuộc điện thoại trước đó với cô Trần Thị Kim Dung – Hiệu trưởng trường Mầm non Nậm Chà chúng tôi được biết, đây là lần thứ 4 cây cầu này bị cuốn trôi như thế.

“Cây cầu này cứ lũ lên là trôi mà đây là con đường chính và dễ đi nhất của bà con trong bản. Nhớ thời gian đầu tôi lên đây công tác gần như tôi phải bò mới vượt qua được cây cầu ấy vì… sợ”, cô Dung chia sẻ khi đoàn chúng tôi đang ngược sông Đà hơn 10km, mất hơn 2 tiếng lênh đênh sông nước để đến được xã Nậm Chà.

Lúc đi qua cây câu ấy, ngồi trên xe, chúng tôi cảm giác chiếc cầu rung lên bần bật và sẵn sàng đổ sập bất cứ lúc nào nếu phải gồng mình quá sức. Cố giữ thăng bằng tay lái, chúng tôi tiếp tục ngồi xe máy leo lên những đoạn đèo dốc 45 độ. Người ngồi sau phải bám chặt, ngồi nguyên vị trí, thỉnh thoảng nín thở qua đoạn đường nhỏ chỉ vừa bánh xe. Chúng tôi nhiều phen thót tim, chẳng dám nhìn sang hai bên và phải mất gần 1 giờ đồng hồ để chinh phục đoạn đường chưa đầy 5 cây số dẫn lên điểm trường chính.

Xã hội - Ước mơ về một lớp học kín gió ở bản nghèo đất Điện Biên

 Đường đi vào trường Mầm non Nậm Chà bùn đất nhão nhoét sau cơn mưa

Điểm trường chính hiện ra trước mắt chúng tôi là 3 phòng học nhỏ đơn sơ ghép bằng gỗ, trong phòng trống hếch trống hoác, chẳng có đồ chơi, vỏn vẹn hơn chục vỏ hộp sữa còn cắm nguyên ống hút. Tiếp chúng tôi là cô Hiệu trưởng và một số thầy cô trong trường.

Thấy ánh mắt chúng tôi đổ dồn về những vỏ hộp sữa ấy, cô Dung cười bảo: “Đây là sữa lần trước có đoàn từ thiện đến cho các con, uống xong các con để vỏ lại làm đồ chơi”. Dường như từ nhiều, rất nhiều năm nay, học sinh ở đây vẫn giữ lại những thứ mà nhiều người bỏ đi ấy để tận dụng làm đồ chơi cho mình.

Chúng tôi lại gần hơn lớp học trống hoác ấy. Thấy chúng tôi bước vào, những đôi mắt thơ ngây của các em học sinh nhìn nửa như muốn lại gần làm quen, nửa như sợ hãi và đầy xa lạ.

Giới thiệu với chúng tôi từng em học sinh, cô Dung lại hướng mắt ra khoảng sân rộng phía trước, khoảng sân chỉ toàn đất đỏ, bụi mù. Bên ngoài đó, một vài em đang chân trần chơi đùa trên nền đất, tất cả chúng đều nhem nhuốc, bộ quần áo mỏng cũng đã xỉn màu. Trời Lai Châu hôm ấy lạnh 6 độ.

Thấy người lạ, những đứa trẻ đang nghịch chơi ấy bẽn lẽn, lấp ló sau lưng nhau, rồi chạy ù ra suối. Chúng lấm lem, làn da đỏ xỉn như chính màu của dòng sông, màu đất nơi đó.

Nhìn học trò, các thầy cô giáo kể, ở đây phụ nữ đa phần không biết nói tiếng Kinh, trẻ đến trường khổ lắm. Có phụ huynh đưa các em đi học phải băng qua đường rừng núi, nhà cách trường hàng mấy km. Mùa nắng đi còn dễ, mùa lũ lên những con nước như muốn nuốt trửng người đi đường...

Nhìn các em học sinh, cô Dung cười buồn và nhớ lại những mùa đông, cô trò quây quần cùng nhau bên đống lửa vì học sinh đến trường chỉ một bộ quần áo mỏng tang, chân không đi dép, không đi tất, ngồi học mà các em run lên bần bật, chân tay tím tái. Thương học trò, các cô đốt lửa cho các em ngồi sưởi.

Và hôm ấy, cũng bên đốm lửa sưởi ấm lúc trời đông, chúng tôi được nghe rất nhiều tâm tư, nguyện vọng của cô hiệu trưởng về nghề, về ước mơ có được lớp học kín gió, một cái sân lát nền xi măng để học sinh được thỏa sức chơi… ở nơi cách trung tâm huyện Nậm Nhùn chừng 60km.

Tâm sự chát lòng của người “gõ đầu trẻ”

Cô hiệu trưởng Trần Thị Kim Dung quê gốc ở Phú Thọ. Tuổi trẻ, vào năm 2007, cô Dung tình nguyện lên Lai Châu công tác, dù lúc đó gia đình phản đối nhưng với nhiệt huyết và ước mơ “cõng chữ lên vùng cao”, cô vẫn quyết tâm lên với các em học sinh vùng sâu, vùng xa vốn chịu nhiều thiệt thòi cả về vật chất lẫn tinh thần.

“Khi xin gia đình lên đây công tác, bố mẹ, người thân ai cũng phản đối vì cho rằng mình là con gái, đi xa quá, bố mẹ sẽ không yên tâm. Lúc đó, mình động viên bố mẹ: “Bố mẹ cứ để con đi, người khác làm được thì con cũng làm được”. Và mình khoác balo đi.

Lúc đi, bố mẹ khóc và níu kéo vì biết ở đây nghèo quá. Nơi mình đến, lúc ấy thậm chí chưa có điện lưới, chưa có sóng điện thoại. Muốn nghe điện thoại phải vượt quãng đường hơn 60km ra trung tâm huyện Nậm Nhùn. Mà mấy tháng trời mình mới ra huyện một lần, mỗi lần đi ra mất cả ngày đi đường vì đường khó đi. Mỗi lần ra gọi điện về nhà đều phải đợi một ngày mới được gọi vì chỉ có một trạm điện thoại nên mọi người phải xếp hàng. Lần nào nghe thấy giọng bố mẹ mình cũng không kìm được nước mắt vì nhớ.

Xã hội - Ước mơ về một lớp học kín gió ở bản nghèo đất Điện Biên (Hình 2).

Nhà ăn bán trú ở điểm trường trung tâm trường Mầm non Nậm Chà

Thời điểm ấy, muốn liên lạc với người thân, con đường nhanh nhất là viết thư. Sau đó có ai ra ngoài thành phố Lai Châu (lúc ấy là thị xã Lai Châu – PV) thì nhờ gửi giúp. Phải lâu lắm gia đình mới biết được tin và biết là con gái vẫn sống”, cô Dung tâm sự.

Chính sự đi lại khó khăn, những thiếu thốn về “điện, đường, trường, trạm” đã khiến cô Dung cho tới tận hôm nay vẫn mang trong mình một sự ân hận. Bởi lẽ, gày bố mất không kịp nhận tin để về, cũng không có mặt kịp thời đưa tang người có công sinh thành.

“Ngày bố mất, gia đình không liên lạc được với mình vì trong này không có sóng điện thoại nên đã liên lạc với phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT). Sau đó người của phòng GD&ĐT điện thoại cho hiệu trưởng nơi mình công tác nhưng hiệu trưởng lại đi họp ở xa. Nậm Nhùn hôm đó trời mưa to, rất to. Gia đình mình sau đó cũng viết thư để báo tin nhưng do mưa lớn nên người đưa thư không đưa vào được ngay. Vì vậy, 3 ngày sau mình mới nhận được thư thông báo bố mất. Mình mất thêm 2 ngày mới về đến nhà…

Ngày mình đi, bố vẫn còn khỏe mạnh nhưng vì bị cảm nên bố ra đi quá nhanh mà hai bố con không nhìn thấy nhau lần cuối. Đã mấy năm đã trôi qua nhưng mỗi lần kể lại chuyện này mình đều buồn da diết”, cô Dung tâm sự khi đôi mắt vẫn hướng về các học trò nhỏ của mình.

Xã hội - Ước mơ về một lớp học kín gió ở bản nghèo đất Điện Biên (Hình 3).

Cây cầu dẫn vào trường Mầm non Nậm Chà bị cơn lũ làm gẫy

Theo chân cô đến nhà ăn của trường, lòng chúng tôi quặn thắt, cổ họng nghẹn lại khi thấy nó giống túp lều hơn là phòng ăn. Căn phòng được dựng bằng liếp tre sơ sài, mái nhà phủ tấm bạt rộng, chỉ đủ che nắng, hễ trời mưa là dột. Đồ nấu bếp chỉ có 2 chiếc nồi, không có đồ đựng thức ăn, nấu xong đổ vào xô để chia cho các em. Vậy mà, nơi đây là chỗ ăn của bọn trẻ hàng ngày từ nhiều năm nay.

Hiện toàn xã Nậm Chà có 349 học sinh từ độ tuổi 3 – 5, chủ yếu là dân tộc Dao, H’Mông, Cống.

“Trẻ ở đây tự lập lắm. Thứ 7, chủ nhật nào bố mẹ cũng đến xin cô cho con nghỉ học để lên nương. Như trường hợp của em Chảo Tham Phú (5 tuổi, người dân tộc Dao – PV) hàng ngày vẫn theo anh chị đến trường mà không cần bố mẹ đưa đón. Có lần tôi đến bản vận động Phú đến trường, thấy cậu một tay cầm vốc cơm, tay kia là mấy hạt muối trắng, ăn ngon lành”, cô Dung nhớ lại.

Tiến lại gần hơn Phú, tôi chìa bàn tay mình ra hướng về phía em. Phú bẽn lẽn rồi cũng đưa đôi bàn tay nhem nhuốc của mình nắm hờ tay tôi.

Khi được hỏi, “Em ăn có no không?”, Phú thoáng chốc nhìn cô Dung rồi gật đầu. Sau đó, chúng tôi hỏi gì em cũng chỉ mím chặt môi, im lặng.

Ở trường mầm non Nậm Chà, bữa cơm chan nước lã là điều bình thường. Chính vì thế, từ ngày được Nhà nước hỗ trợ 120 nghìn đồng/ tháng cho mỗi học sinh, nhà trường tổ chức ăn bán trú, bữa có thịt, có cá, đậu... Từ đó, học trò Nậm Chà thích đến trường hơn.

Lúc chia tay, cô Dung nắm chặt tay chúng tôi tha thiết chia sẻ: “Mong muốn thì nhiều lắm, nhưng giờ tôi chỉ có ước mơ có sân xi măng để vui chơi, có bàn ghế cho các cháu học, có căn phòng trụ được những ngày mưa, gió lạnh”.

Nguyễn Huệ

Cùng tác giả

Nữ hộ sinh trong vụ trao nhầm trẻ sơ sinh ở Ba Vì lên tiếng

Thứ 5, 12/07/2018 | 10:39
Vừa qua, hai nữ hộ sinh liên quan tới vụ trao nhầm con suốt 6 năm ở bệnh viện Đa khoa Ba Vì đã chính thức lên tiếng.

Xác định bố mẹ ruột của hai đứa trẻ bị trao nhầm ở BVĐK Ba Vì

Thứ 4, 11/07/2018 | 21:17
Sự việc gia đình phản ánh bệnh viện Đa Khoa Ba Vì trao nhầm trẻ sơ sinh 6 năm trước đã được BV xác nhận. Tại đây, danh tính bố mẹ đẻ của 2 cháu bé đã được làm rõ.

Khởi tố lái xe tải lùi xe khiến thai phụ và bé 3 tuổi tử vong

Thứ 6, 08/06/2018 | 20:46
Ngày 8/6, Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cho biết, đã ra quyết định khởi tố bị can và tạm giam 3 tháng đối với Bùi Tuấn Anh (SN 1992, HKTT tại Khu 7, Trạm Thản, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ) về tội Vi phạm quy định khi tham gia giao thông đường bộ.

Chủ đầu tư "đá" trách nhiệm cho chủ bể bơi vụ bé trai đuối nước ở tòa nhà Golden Land

Thứ 4, 06/06/2018 | 12:10
Đại diện ban Quản lý tòa nhà Golden Land cho biết, đơn vị đã yêu cầu chủ bể bơi Fitness Garden xử lý cho êm đẹp theo đúng pháp luật và đúng hợp đồng đã cam kết với ban quản lý.

Hy vọng phép màu cho em bé trồi khỏi bụng mẹ sau vụ tai nạn giao thông

Thứ 5, 31/05/2018 | 12:01
Thấy bé trồi ra khỏi bụng mẹ sau vụ tai nạn, mọi người đã nhanh chóng lại đỡ em bé, cắt dây rốn rồi đưa đi bệnh viện.