Trong bài viết trên National Interest, chuyên gia về các vấn đề an ninh quốc gia Nikolas K. Gvosdev từ đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ đã đưa ra những tính toán và tác động địa chính trị của vắc xin Covid-19 “Sputnik-V" mà Nga công bố những ngày gần đây.
Chưa xét đến khía cạnh tính hiệu quả về mặt khoa học, nhưng rõ ràng “Sputnik-V" là nỗ lực để Nga thiết lập quyền lãnh đạo toàn cầu, dẫn dắt một số quốc gia tầm trung thoát khỏi cái bóng của Mỹ và Trung Quốc.
Tính toán của Nga
Ngay từ khi Covid-19 cho thấy sẽ không bùng phát một cách giới hạn về mặt địa lý ở một số khu vực nhất định gần Trung Quốc, mà đang trên đà trở thành đại dịch toàn cầu, Chính phủ Nga đã có hai phản ứng ban đầu.
Đầu tiên là tự tin tuyên bố rằng Nga sẽ được phong tỏa một cách hiệu quả khỏi đà lây nhiễm của virus. Thứ hai là các đề xuất mà Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh G-20 trực tuyến, trong đó ông đề nghị các cường quốc nên ngừng cạnh tranh và nỗ lực phối hợp với nhau để tìm ra giải pháp chung.
Cả hai điều này đã không thể trở thành sự thật theo ý muốn của Nga. Covid-19 không chỉ đến Nga, nó còn nhanh chóng thách thức hệ thống y tế Nga và khả năng ứng phó với cuộc khủng hoảng của chính quyền.
Do virus lây lan khắp đất nước trong lúc Điện Kremlin bắt tay vào cuộc chiến giá dầu với Saudi Arabia nên các gánh nặng kinh tế đã tăng lên đáng kể.
Nền kinh tế Nga đã mấp mé rơi vào ngưỡng tiêu cực trong năm 2020, với dự kiến khả năng phục hồi sớm nhất cũng sẽ không thể một sớm một chiều trong năm nay. Hơn nữa, đại dịch đã làm gián đoạn một trong những sự kiện quan trọng nhất đối với Chính phủ Nga - lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng trước Đức quốc xã.
Thay vì tiếp tục khẳng định mình là một nhân vật được lựa chọn để dẫn dắt nước Nga bước vào thập kỷ hỗn loạn 2020, đại dịch virus corona đã khiến ông Putin vắng mặt trên chính trường, trong khi Thủ tướng Mikhail Mishustin cũng được thông báo mắc Covid-19.
Đồng thời, chính quyền Donald Trump khẳng định rằng họ sẽ có cái nhìn về đại dịch qua lăng kính của khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết” và sẽ không ngần ngại thúc đẩy các lợi ích của Mỹ, đặc biệt nếu các đối thủ cạnh tranh đang bị tấn công bởi virus.
Trong khi Trung Quốc đã có những lời đề nghị giúp đỡ nhưng rõ ràng Nga hiểu rằng sẽ có những ràng buộc với bất kỳ khoản viện trợ nào từ quốc gia châu Á.
Đối với Điện Kremlin, mối lo ngại lớn nhất là các quốc gia khác sẽ thực hiện những bước đột phá quan trọng về phương pháp điều trị virus trước Nga - và sau đó sẽ khiến cho Nga càng suy yếu thêm vì virus trước khi đề nghị giúp đỡ, hoặc sử dụng vắc xin làm đòn bẩy để buộc Điện Kremlin phải nhượng bộ.
Hiệu quả chính trị
Thông báo về sự ra mắt của vắc xin “Sputnik V” - với lựa chọn tên gọi có chủ ý khi gắn kết với thành tích không gian xuất sắc của Liên Xô năm xưa - được coi là để hướng tới các mục đích chính trị.
Đầu tiên là trấn an người dân Nga rằng Nhà nước đang tiến tới một giải pháp và đang thực hiện nó mà không cần phải nhờ đến sự trợ giúp từ bên ngoài. Hơn nữa, nỗ lực này cũng được sử dụng để giải thích cho những hy sinh mà người Nga đã trải qua trong những năm gần đây do các lệnh trừng phạt của phương Tây. Nó như một lời kêu gọi rằng người dân Nga cần chấp nhận những thiệt thòi để duy trì sức mạnh của một cường quốc ở những khía cạnh khác, và trường hợp này là trong lĩnh vực an ninh y tế.
Thực tế đó là một sự trấn an cần thiết lúc này khi nền kinh tế Nga có khả năng sẽ không thể chịu được các lệnh trừng phạt kéo dài hơn nữa, giữa bối cảnh khó khăn ngày càng chồng chất.
Nhưng tính toán địa địa chính trị sâu xa nhất mà Sputnik V hướng đến lại chính là ở đấu trường bên ngoài. Moscow đã xác định được một liên minh mà họ muốn thâu nạp, cùng phát triển và trả tiền cho vắc xin, trong đó lựa chọn các đối tác ưu tiên của Nga được cho là khá thú vị.
Kirill Dmitriev, người đứng đầu Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga (RDIF), lưu ý rằng các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 sẽ được tổ chức ở Ấn Độ, Saudi Arabia, UAE, Brazil và Philippines.
Ngoài ra, ông Dmitriev hy vọng rằng việc sản xuất vắc xin sẽ diễn ra với các quan hệ đối tác tài chính và các cơ sở ở Ấn Độ, Hàn Quốc, Brazil, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ và Cuba.
Về bản chất, Nga không chỉ hướng tới đối tác chiến lược lâu đời là Ấn Độ mà còn tiếp cận với một loạt cường quốc tầm trung, hầu hết đều có xích mích trong mối quan hệ với Mỹ trong những năm gần đây, hoặc những quốc gia cảm thấy ít tin tưởng vào sự hỗ trợ từ Mỹ.
Đồng thời, đây là những quốc gia muốn có các lựa chọn ngoài việc phải chuyển hướng sang Trung Quốc. Họ muốn có một cách tiếp cận ngoài thế giới phương Tây và định vị Nga như một sự thay thế.
Chắc chắn, các quốc gia như Ấn Độ, Hàn Quốc hoặc Saudi Arabia sẽ không từ bỏ quan hệ với Mỹ cũng như ngừng hợp tác với các đối tác Mỹ và châu Âu để tìm cách chữa trị Covid-19 vì Nga cũng không đòi hỏi bất kỳ cam kết độc quyền nào.
Nhưng những quốc gia này - bao gồm cả những quốc gia có quan hệ chính trị và an ninh chặt chẽ với Mỹ - cũng không cần tiếp tục duy trì những đề nghị của Mỹ trong việc cô lập hoặc kiềm chế Nga.
Hy vọng của Nga về quan hệ đối tác với Mỹ đã chết từ lâu, nhưng Moscow cũng lo lắng về việc bị bóp nghẹt bởi vòng tay của Trung Quốc.
Sự ra mắt của vắc xin Covid-19 là nỗ lực của Nga nhằm thiết lập vai trò lãnh đạo của một nhóm tầm trung gồm các quốc gia muốn tránh lựa chọn chỉ có một trong hai giữa Washington hoặc Bắc Kinh — và là một phần trong nỗ lực của Tổng thống Putin nhằm duy trì vai trò lãnh đạo toàn cầu cho chính mình.