Văn hóa tham gia giao thông - “mạnh ai nấy đi”

Văn hóa tham gia giao thông - “mạnh ai nấy đi”

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:49
0
Trước thực trạng giao thông ở Hà Nội mạnh ai người nấy đi, nhiều chuyên gia cho rằng văn hóa tham gia giao thông không thể trông chờ sự tự giác mà cần có thiết chế bắt buộc.

Tắc từ nhà ra phố

Chị Nguyễn Thu Hằng (1951 đường Giải Phóng- Hà Nội) cho biết: “Hơn 10 năm qua, ngày nào tôi cũng đi làm qua đường Trường Chinh. Cũng chừng ấy năm, tôi vẫn thường xuyên bắt gặp cảnh người tham gia giao thông chen lấn, đánh võng, tạt đầu xe người khác để “nhoi” lên phía trước. Cũng bởi nếp nghĩ, lối văn hóa tham gia giao thông mạnh ai người nấy đi khiến cho giao thông lúc nào cũng lộn xộn, tắc nghẽn”.

Xã hội - Văn hóa tham gia giao thông - “mạnh ai nấy đi”

Cảnh tượng tham gia giao thông tùy tiện diễn ra phổ biến ở Hà Nội.

Chị Hằng nhắc lại câu chuyện một vài năm trước, đường Trường Chinh được ví là “cung đường ám ảnh” của mỗi người dân khi tham gia giao thông. Cảnh tắc đường 1-2 tiếng đồng hồ là chuyện không hiếm gặp. Tắc từ đường vào ngõ. Đường Trường Chinh điển hình là đường “xương cá”- có nhiều ngõ nhỏ. Bất cứ con ngõ nào cũng “tắc tịt”, người tham gia giao thông tắt máy đứng im một chỗ chờ… thông thoáng.

Nhưng theo quan sát của PV Người đưa tin, không chỉ riêng đường Trường Chinh mà hầu hết ở các cung đường, mặc dù đã phân làn, thông thoáng, mỗi nút giao thông (ngã ba, ngã tư…) đều có CSGT chốt chặn, hướng dẫn người giao thông đi đúng làn đường, nhưng đường phố vẫn tắc. Nguyên nhân chính từ ý thức của người tham gia giao thông.

Ai cũng đổ lỗi cho đường chật, hạ tầng cơ sở chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Nhưng, có ai tự đặt câu hỏi mình đã thực hiện đúng theo pháp luật? Cảnh người tham gia giao thông lấn làn đường phổ biến đến mức thành “chuyện thường ngày ở huyện”. Đường Trường Chinh, có khi làn đường ngược chiều bị lấn hết 2/3 khiến giao thông lúc nào cũng lộn xộn. Người vi phạm giao thông không đếm xuể.

Tắc đường, người dân “phi” lên vỉa hè, “đua” nhau vượt đèn đỏ. Bị tuýt còi, họ xin xỏ, nếu không được họ “quay ngoắt” thái độ chửi bới, mắng mỏ… công an. Thế mới có chuyện, số vụ chống người thi hành công vụ ngày càng gia tăng khi lối hành xử của người tham gia giao thông còn thêm chút hơi men, dựa “bóng” người này, người khác.

Đặc biệt, Hà Nội vào những ngày gặp mưa lớn thì giao thông lại càng lộn xộn, bất tuân luật lệ. Ai cũng muốn chọn cung đường tiện nhất, ngắn nhất- dù có đi ngược chiều, vượt đèn đỏ, lấn vỉa hè- để tránh bị lội nước. Điển hình kiểu giao thông “tiện nhất, ngắn nhất” phải kể đến đoạn đường đầu cầu vượt nhẹ Láng Hạ - Thái Hà. Dù bị cấm nhưng nhiều người cố tìm cách để sang đường, trong khi cách đó chỉ khoảng 100m là vị trí được phép đảo chiều.

TP.HCM hiện là nơi được đánh giá là có văn hóa giao thông nhất cả nước. Theo ghi nhận của P, ở TP. này hiếm khi có tình trạng lấn làn đường, vượt đèn đỏ… Hầu hết những người tham gia giao thông ở TP. này đều rất tự giác, dù có hay không có bóng dáng của cảnh sát giao thông.

Giao thông không theo... luật lệ?

TS.Trịnh Trung Hòa cho rằng, thói quen xấu của không ít người tham gia giao thông là đường ta, ta cứ đi và hàng loạt các hành vi như không quan sát khi điều khiển phương tiện giao thông, không tuân thủ các biển báo giao thông, không biết nhường đường, nhường chỗ cho người già, trẻ em, phụ nữ mang thai khi tham gia các phương tiện công cộng.

Trao đổi với PV, PGS.TS. Nguyễn Văn Thụ, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch và quản lý giao thông vận tải chia sẻ: “Tôi đã không ít lần chứng kiến cảnh cả đoàn học sinh cùng kéo nhau đi qua đường, các em không chịu chờ đèn, các phương tiện khác đều phải nhường đường cho chúng. Đấy là tâm lý đám đông, cậy thế đông người nên cứ đi các xe phải dừng hết”. Theo cảm quan của PGS. Thụ thì người dân TP.HCM vẫn nghiêm túc hơn, chấp hành luật lệ giao thông tốt hơn người dân Hà Nội. Cảnh tượng cảnh sát giao thông lao lên nắp capo cũng …chỉ có ở Hà Nội.

Xã hội - Văn hóa tham gia giao thông - “mạnh ai nấy đi” (Hình 2).

PGS.TS. Nguyễn Văn Thụ

PGS. Thụ thẳng thắn nói: “Văn hóa giao thông của ta hiện nay là lựa nhau mà đi chứ không theo luật lệ, và chủ yếu là tiện, họ đi theo cách tiện nhất cho mình, không quan tâm đến người khác thế nào”

Bàn về lý do vì sao giao thông Hà Nội, càng chống càng…tắc, PGS. Thụ bày tỏ quan điểm đó là do pháp luật chưa được áp dụng nghiêm, tạo điều kiện cho lối sống tùy tiện. “Ngay như công an, thấy người đi bộ vi phạm, nhiều khi cũng nhân nhượng bỏ qua. Nhiều trường hợp vi phạm cũng có thể xin là cho”, PGS. Thụ nói.

Tuy nhiên, theo thượng tá Trần Sơn- Cục Cảnh sát Đường bộ đường sắt: “Lực lượng CSGT của ta hiện nay mỏng quá, không thể chỗ nào cũng đứng được. Vì thế, nhiều điểm, người giao thông cứ “vô tư” vi phạm”. Cũng theo thượng tá Trần Sơn, mức phạt như hiện nay là khá cao nhưng quan trọng là phải có cơ chế giám sát xử lý vi phạm nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật”.

Các chuyên gia nhận định, hiện nay việc thi hành luật không nghiêm túc đã tác động nhiều tới văn hóa tham gia giao thông, làm người dân xem thường pháp luật. Sự chưa nghiêm túc này cũng là vì ảnh hưởng của nền sản xuất nhỏ, vì cái lợi ích cá nhân mà bỏ qua sự nghiêm minh, công bằng của pháp luật. Không phải cứ xử phạt nhiều là người dân sợ và nghe theo, cái quan trọng nhất vẫn là vấn đề thực thi có công bằng, nghiêm minh không.

Thế nào là văn hóa giao thông?

Tại một cuộc hội thảo gần đây, TS. Trần Văn Miều, Viện Nghiên cứu Thanh niên nhìn nhận, xuất phát từ thực tế nhiều thanh niên vi phạm tha thiết xin lực lượng công an không gửi giấy báo về cho trường, cơ quan mình, ông Miều cho rằng: các cơ quan nhà nước nên xem xét để việc thu phí xử phạt vi phạm giao thông về các địa phương và đơn vị. Làm được như vậy, sẽ làm được hai việc: một là tránh những tiêu cực của lực lượng chức năng và hai là, phát huy vai trò của các cơ quan, đơn vị trong việc giáo dục, tuyên truyền, phê bình người vi phạm.

Một chuyên gia xã hội học cho rằng, tâm lý tham gia giao thông của người dân hiện này là tâm lý theo đám đông, adua. Cứ như thế, họ gieo hành vi thành thói quen, gieo thói quen thành ý thức. Vì thế, để xây dựng được văn hóa tham gia giao thông thì bên cạnh hoàn thiện thể chế, tổ chức tốt giao thông, thực thi pháp luật thì phải đẩy mạnh giáo dục.

Theo nhận định của nhà sử học Dương Trung Quốc, sự thiếu tương hợp giữa chủ thể giao thông và hạ tầng cơ sở giao thông khiến cho bất kỳ ai khi tham gia giao thông đều cần đến “văn hóa nhường nhịn”.

Ông cho rằng, giao thông tốt mà chỉ yêu cầu hạ tầng tốt thì chưa đủ mà quan trọng hơn hạ tầng, ấy chính là yếu tố con người. Ví như: cây cầu được đầu tư cơ sở hạ tầng cùng với những kĩ thuật tốt nhưng mà đường trên cầu vẫn bị nứt. Rồi đến lúc tham gia giao thông, người đi dọc người đi ngang, tất cả ào lên đi là tắc....cho đến khi có cảnh sát giao thông đến xử lý.

“Sự nhường nhịn cũng là lối sống có ích cho đời sống đô thị. Mọi người điều khiển phương tiện giao thông với hành vi của mình luôn là nhân tố cơ bản, quan trọng cần có trong văn hóa giao thông”, nhà sử học Dương Trung Quốc nói.

Nhìn nhận và lý giải giao thông trên góc độ văn hóa, TS. Khuất Việt Hùng- Đại học Giao thông vận tải lại đưa đến một cách nhìn về hệ thống giao thông bền vững. Theo đó, để bền vững phải đảm bảo khả năng tham gia giao thông thông suốt cho mọi nhu cầu vận tải, đảm bảo an toàn giao thông cho mọi hành vi tham gia giao thông, bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên, thúc đẩy phát triển đô thị và vùng ảnh hưởng.

Trong chiến lược phát triển giao thông đô thị, TS.Hùng đưa ra 3 giải pháp trong đó quản lý và điều tiết giao thông đô thị được đánh giá cao hơn cả do thân thiện, chi phí thấp và nhanh, linh hoạt. Đó là đưa người tham gia giao thông từ phương tiện cá nhân sang các phương tiện công cộng, phân luồng từ xa và dẫn đường cho người lái xe.

TS. Khuất Việt Hùng nhìn nhận: Bản thân mỗi người tham gia giao thông nên làm tốt ba điều: thực hiện đúng luật; phải biết phản ứng trước cộng đồng về những hành vi vi phạm giao thông; phải biết phản ứng, mạnh dạn có ý kiến với những quyết định không đúng của những người “đầy tớ” của nhân dân.

Cần có thiết chế bắt buộc

PGS.TS. Nguyễn Văn Thụ, nguyên viện trưởng Viện Quy hoạch và quản lý giao thông vận tải cho rằng: “Phải có thiết chế bắc buộc, bắt người dân chấp hành, không thể trông chờ tự giác được. Như với cầu đi bộ, để bắt người dân đi qua cầu ta có thể rào hết toàn bộ phía dưới đường, rào thật cao không để cho ai sang được thì họ sẽ đi lên cầu. Để xây dựng văn hóa giao thông, thay đổi thói quen ta phải cần thời gian dài, song khi có cơ chế bắt buộc, người dân sẽ nâng cao ý thức tham gia giao thông”.

Ngân Giang – Hoàng Mai