Về Hà Nam săn

Về Hà Nam săn "gà sách đỏ" đón Tết

Chủ nhật, 27/01/2013 | 10:59
0
Những người khách tìm về Hà Nam mua gà làm thực phẩm cho ngày tết đều phấn khởi, vì mâm cỗ cúng có con gà đồng, mà lại là "gà sách đỏ" thì lại càng hay.

Cứ dịp cận tết, thương lái khắp các nơi lại đánh xe về tận xã Tiên Phong (Duy Tiên, Hà Nam) để đặt mua giống gà Móng có tên trong sách đỏ (danh sách động vật cần bảo vệ). Có người mua để thưởng thức nhằm thỏa trí tò mò về giống gà quý, nhưng cũng có người mua để… chơi. Chẳng thế mà giới nuôi gà vẫn thường truyền tai nhau là "thiên hạ đệ nhất gà Móng". Trong những ngày cận kề Tết Nguyên đán Quý Tỵ, gà Móng được nuôi "độc nhất" ở xã Tiên Phong càng trở nên "sốt xình xịch" và được nhiều người săn tìm.

"Thiên hạ đệ nhất gà Móng"

Được bao bọc bởi sông Châu Giang, người dân xã Tiên Phong trước kia sống chủ yếu bằng nghề trồng dâu nuôi tằm, gặp nhiều khó khăn nhưng chính vì địa hình chia cắt, không có trục đường chính mà nơi đây từ xưa đến nay vẫn giữ được nguồn gene quý của giống gà Móng thuần chủng. Nhiều năm nay Tiên Phong Hà Nam được tôn là nơi nuôi "gà sách đỏ" độc nhất ở Việt Nam.

Xã hội - Về Hà Nam săn 'gà sách đỏ' đón Tết

Ông Nguyễn Văn Thắm, chủ trang trại gà Móng thôn Dưỡng Thọ đang cho gà ăn

Dẫn khách tham quan loại gà quý hiếm nhưng được nuôi rộng rãi trong xã, ông Trần Quốc Thắng, Phó chủ tịch UBND xã Tiên Phong lý giải, "gà sách đỏ" là giống gà cổ thuần chủng, chân to, có thân hình giống gà Hồ (Bắc Giang), chất lượng thịt ngon như gà Đông Cảo (Hưng Yên). "Năm 2003 trong một lần khảo sát thực trạng nuôi gà ở xã Tiên Phong, một cán bộ sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam đã vô tình phát hiện ra giống gà Móng quý và sau đó đưa lên viện Chăn nuôi (bộ NN&PTNT) để xét nghiệm. Kết quả là gene của giống gà Móng thuộc loại quý hiếm và ngay trong năm đó gà Móng được ghi vào sách đỏ", ông Thắng vui vẻ kể khi giống gà cổ ở xã được ghi danh.

Được liệt vào sách đỏ nhưng loại gà này được người dân Tiên Phong nuôi phổ biến và là loài vật duy nhất không bị cấm nuôi, buôn bán, vận chuyển theo quy định về bảo tồn theo cách mới. Vì thế nhiều năm trở lại đây, xã Tiên Phong ngày càng nhân rộng giống gà quý hiếm này.

Là người có kinh nghiệm nuôi gà Móng lâu năm trong xã, ông Trần Xuân Xưởng (66 tuổi) ở thôn An Mông 1 được nhiều nơi đặt mua gà giống, gà thịt. Chỉ tay về phía đàn gà đang giành nhau mổ từng hạt thóc, ông Xưởng cho biết: "Giống gà Móng có từ thời xưa các cụ để lại. Dân làng cứ để nuôi rồi nhân giống hết đời này qua đời khác. Nhiều nhà nghiên cứu đã hỏi các vị cao niên trong làng nhưng không ai biết rõ loại gà này có mặt ở làng vào khoảng thời gian nào".

Từng lứa gà được ông Xưởng nhốt tách đàn. Theo ông, nên phân loại gà trống, mái riêng để tiện chăm sóc. Gà trống thường có màu đỏ tía, chân to bằng tay trẻ em, vảy thẳng hàng không xù xì như gà Đông Cảo (Hưng Yên), còn gà mái lông trắng nhạt. Hiện ông đang nuôi 150 con gà Móng đẻ thuần chủng và hơn 300 con gà "hậu bị".

"Để chọn được những con gà Móng bố, mẹ ưng ý tôi chọn lựa những con mã đẹp, con trống phải đạt trọng lượng 4,5 - 5kg thân thon gọn, con mái từ 3 - 4kg để đời con sau này to và nuôi nhanh lớn. Gà mái đẻ một năm là tôi lại xuất bán hết. Nếu để gà đẻ tiếp, chất lượng trứng sẽ giảm" -  ông Xưởng chia sẻ.

Xã hội - Về Hà Nam săn 'gà sách đỏ' đón Tết (Hình 2).

Giống gà Móng đặc biệt của xã Tiên Phong

Chăm "gà sách đỏ" đón Tết

Người dân làng An Mông dường như cũng đã bắt nhịp với "cơ chế thị trường" nhanh nhạy, nên đã "ém sẵn" lứa gà cho dịp Tết Nguyên đán. Hộ ông Nguyễn Văn Thắm (50 tuổi) thôn Dưỡng Thọ đã tận dụng 3ha đất vườn rồi mạnh dạn đầu tư mở trang trại nuôi loại gà này. Tết này nếu gia đình ông xuất hết phải lên đến hơn ba tạ gà, nhân với giá ngót nghét trăm ngàn một kg, thì lợi nhuận thu được từ gà cũng lên tới vài chục triệu đồng.

Theo ông Thắm, sau 7 đến 8 tháng là gà Móng bắt đầu đẻ, trung bình 1 con gà mái đẻ từ 200 - 230 trứng/năm. Trứng gà giống giá hơn 10 nghìn đồng, nếu ấp nở gà con có giá gần 20 nghìn đồng/con. Loại gà này dễ nuôi, tỉ lệ đậu trứng cao đến hơn 80%, sau  6 tháng là có thể xuất bán được". Hiện tại ông đang nuôi hơn 1.000 con gà thương phẩm phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ với giá bán từ 170 - 180 nghìn/kg. Trừ chi phí chăn nuôi, mỗi năm gia đình ông thu hàng trăm triệu đồng.

"Gà Móng con khi mới nở bao giờ màu lông cũng trắng mây, chân vàng. Gà trưởng thành chân rất to như tay trẻ em. Kẽ chân gà có các đường viền đỏ, vảy thẳng hàng. Đặc biệt, tiếng gáy của gà Móng trầm mà không bổng như các loài gà khác", ông chủ Thắm tiết lộ.

Năm 2009, trang trại của ông Thắm được chọn để triển khai dự án bảo tồn gene gà Móng do tỉnh Hà Nam hỗ trợ, thực hiện trong 50 năm với tổng số tiền dự án lên đến 7 tỉ đồng. Nhận thấy lợi nhuận từ việc chăn nuôi gà, nhiều người dân các tỉnh lân cận như Thanh Hóa, Nam Định, Hưng Yên... đã đến học hỏi kinh nghiệm, mua con giống để nhân rộng giống gà quý này .

Ông Thắm cho biết thêm: "Gần đây có rất nhiều khách và chủ nhà hàng ở Hà Nội, Hải Phòng và cả khách ở TP.HCM đến đặt mua gà Móng cho tết nhưng tôi không đáp ứng được. Bởi tết này gia đình chỉ phục vụ được trên 4 tấn gà thương phẩm".

Vốn là gia đình khó khăn, bà Hoàng Thị Hoa (52 tuổi) ở thôn Dưỡng Thọ đã vay mượn tiền để đầu tư nuôi gà Móng. Từ hơn 50 con ban đầu đến nay, sau gần 10 năm, gia đình bà hiện nuôi hơn 1.000 con, trong đó có hơn 400 con gà mái đẻ. Bà Hoa cho biết, nuôi gà Móng lãi cao, chi phí đầu tư chuồng trại ít. Con giống đắt nên gia đình bà đem trứng đi ấp lấy giống nuôi.

Chỉ tay vào con gà trống đứng cạnh đàn gà mái, bà Hoa vui vẻ cho biết: "Con gà này có trọng lượng gần 6kg, cách đây mấy hôm có vị khách từ Hà Nội về hỏi mua với giá 2,5 triệu đồng để ăn tết nhưng tôi không bán vì nó là con to và oai phong nhất đàn nên gia đình tôi muốn giữ lại nhân giống".

Chăn nuôi gà Móng đã trở thành nguồn thu nhập chính cho xã Tiên Phong. Theo báo cáo của UBND xã Tiên Phong, thu nhập từ lĩnh vực chăn nuôi chiếm 60% tổng thu nhập của xã, trong đó các hộ gia đình chủ yếu tập trung chăn nuôi gà Móng. Gà Móng là giống gà quý có chất lượng thịt thơm ngon và khả năng kháng dịch rất tốt, giờ đây đã được thị trường cả nước biết đến, thị trường tiêu thụ gà giống và gà thịt ngày càng lớn ở cả miền Nam lẫn miền Bắc. Mỗi tuần, lượng gà giống trên toàn xã được bán ra có thể lên tới hàng nghìn con. Gà thịt cũng được các khách sạn, nhà hàng ký hợp đồng thu mua. Mỗi 1kg gà Móng thịt có giá từ 130.000 đến 150.000 đồng. Gà giống mới nở là 18.000 đồng/con, sau một tháng nuôi, giá của gà giống có thể lên tới 40.000 đồng/con.

Ông Trần Quốc Thắng, Phó chủ tịch UBND xã Tiên Phong cho biết, đến nay xã có hơn 95% số hộ nuôi gà, với khoảng hơn 18 nghìn mái đẻ, hộ ít thì vài chục con, hộ nhiều thì hàng nghìn con theo mô hình trang trại.  "Giống gà Móng chỉ duy nhất xã Tiên Phong nuôi tốt. Rất nhiều nơi đến mua gà giống về nuôi thử nhưng sau đó hai ba lứa thì bị chết nên viện Chăn nuôi giám định địa phương chính là nơi lưu giữ nguồn gene tốt nhất. Từ khi gà Móng trở thành đặc sản, người dân trong xã đã vươn lên thoát nghèo. Nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư mở rộng theo mô hình trang trại chăn nuôi với số lượng lớn. Địa phương được Nhà nước hỗ trợ phòng chống dịch bệnh cho đàn gà nên thu nhập của người dân ngày càng ổn định hơn", ông Thắng phấn khởi nói.

 Bảo tồn giống gà quý

Ông Đỗ Đức Diện, Chi cục trưởng chi cục Chăn nuôi - thủy sản tỉnh Hà Nam cho biết, gà Móng từ xưa đã gắn bó với người dân xã Tiên Phong nên thích nghi với địa chất, khí hậu của vùng. "Loại gà này chỉ duy nhất xã Tiên Phong là nuôi được. Chúng chống chịu dịch bệnh tốt, năm 2003 nhiều địa phương lân cận gà bị cúm H5N1 nhưng chỉ duy nhất gà Móng không bị sao. Chúng tôi cũng đã nuôi thí điểm nhiều nơi nhưng không mang lại hiệu quả kinh tế. Hàng năm, chúng tôi cũng đầu tư kinh phí hỗ trợ để bảo tồn loại gà quý hiếm này", ông Diện nói thêm.

Cao Tuân

Khi “sách đỏ” thành... thực đơn

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:56
Lợi dụng sự lỏng lẻo trong quản lý dịch vụ bán hàng trực tuyến, rất nhiều người đã quảng cáo và kinh doanh các loài động vật hoang dã thuộc hàng quý hiếm của Việt Nam và cả thế giới một cách tự do trên mạng internet.

Tường trình từ mê cung nhà hàng “gà móng đỏ” vùng biên

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:52
Các em biết chiều thượng đế bằng các “đặc sản” mà không nơi nào có. Đó là điểm thu hút khách của các nhà hàng "gà móng đỏ" vùng biên.

Đi tìm "gà móng đỏ" ở vùng đỏ đen

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:47
Trước kia, khi nhắc tới "gà móng đỏ", người ta thường nhắc tới "đặc sản chân dài" của vùng biển Quảng Ninh, Cẩm Phả nhưng giờ đây khi nhắc tới cụm từ này phạm vi sử dụng lại có phạm vi rộng lớn hơn.

Động vật rất quý hiếm trong sách đỏ mắc lưới

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:51
Một con cá da trơn, mình dẹt, đuôi ngắn, đầu tròn, miệng nhỏ, hai vây ngắn, nặng khoảng 15kg vừa mới bị mắc lưới của một ngư dân ở Nghệ An. Con cá quý vừa cập bến đã thu hút rất đông người tới xem. Nhiều người khẳng định đây là cá Mặt trăng thuộc loại động vật rất quý hiếm, ghi trong sách đỏ Việt Nam.