Về làng Tấm nghe chuyện 'làm nhà' cho 'thế giới người âm'

Về làng Tấm nghe chuyện 'làm nhà' cho 'thế giới người âm'

Thứ 6, 22/03/2013 | 16:14
0
Trước đây nghề nông luôn gắn bó với người dân làng Tấm, nhưng từ khi nghĩa trang tỉnh Vĩnh Phúc chuyển về xã Định Trung, nhiều người dân ở đây từ nghề nông đã chuyển sang nghề bốc mộ, tu sửa và xây lăng mộ.

Nghiệp của người làng

Nhiều người dân thành phố Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc) đã không còn xa lạ với làng Tấm chuyên đi bốc mộ, tu sửa mộ và xây lăng mộ thuê nên chúng tôi hỏi thăm tìm đường đến làng Tấm không mấy khó khăn. Vào làng Tấm, phải đi men theo con đường nhỏ nằm sát chân nghĩa trang tỉnh Vĩnh Phúc. Đứng từ trong làng nhìn ra, khu nghĩa trang rộng mênh mông với diên tích rộng 12ha nằm trên một quả đồi lớn với những ngôi mộ xây dựng khang trang, được quy hoạch ngay ngắn theo hàng, theo dãy và theo từng bậc. Người dân vẫn thường gọi đùa với nhau là "thành phố của người chết". Đa phần, người dân làng Tấm trước đây đều làm nông nghiệp, gắn bó với mảnh đất ruộng, con trâu. Không ai nghĩ rằng cái nghề dịch vụ chăm sóc người chết này lại có ngày trở thành nghề chính, là nguồn thu nhập chủ yếu của người làng. Đó là từ khi nghĩa trang tỉnh có quyết định chuyển về sát chân làng Tấm.

Theo ông Hoàng Văn Tường, trưởng thôn Tấm, xã Định Trung, thành phố Vĩnh Yên thì làng Tấm được thành lập năm 1983, dân cư trong thôn đa số là người thuộc vùng Tích Sơn lên đây làm kinh tế. Lúc mới vào, ở đây chỉ là những đồi núi hoang vu, gò đất trống không, đủ những loại cây, cỏ dại, thiếu ruộng, thiếu nước, chẳng ai dám nghĩ tới chuyện giàu có. Với sự cần cù, siêng năng của người dân đã tạo nên những thửa ruộng để cấy lúa và trồng hoa màu. Nghề nông là chính nên dân làng Tấm chỉ trông mong vào những mẫu ruộng vỡ hoang nên khi thiếu nước, hệ thống tưới tiêu không có cuộc sống khó khăn lại đè lên đôi vai người dân nơi đây.

Tới năm 1999, nghĩa trang tỉnh Vĩnh Phúc được di dời đến đây, ngoài việc làm ruộng người dân làng Tấm làm luôn cả việc bốc mộ. Vì khối lượng công việc nhiều mà thiếu nhân công, ban quản lý nghĩa trang mới "cầu viện" tới nguồn nhân lực trong làng. Tuy nhiên, thời gian đầu, nghĩ tới việc phải tiếp xúc thường xuyên với người chết, đa phần người dân đều cảm thấy rùng mình, chỉ có những người đã có tuổi, nhiều kinh nghiệm sống trong làng mới dám nhận. Nghĩ tới việc phải tiếp xúc với xác người chết, đám thanh niên trai tráng trong làng không ai dám làm. Thời gian nông nhàn, họ lại kéo nhau lên thành phố lớn để kiếm việc làm thêm.

Tâm sự với phóng viên, ông Phạm Văn Bình (53 tuổi), người đã có nhiều năm kinh nghiệm trong việc cất, bốc mộ cho người chết tâm sự: "Cái nghề này cũng có nhiều nghiệt ngã lắm. Mình làm phúc là chủ yếu nhưng không phải ai cũng hiểu hết được những nhọc nhằn đi sớm về hôm, lại còn những rủi may, nguy hiểm phải đối mặt nữa".

Lạ & Cười - Về làng Tấm nghe chuyện 'làm nhà' cho 'thế giới người âm'

Xây nhà "ma" trở thành một cái nghiệp của phần lớn người dân làng Tấm

Trước kia đất còn mới nên những hài cốt được phân hủy hết, xương sạch hơn nên khi lấy cốt cũng bớt sợ. Càng về sau việc quy tập và chôn cất ngày một nhiều hơn nên xác cũng khó phân hủy hết. Người dân ở đây cho rằng vì được chôn cất nhiều năm nên đất ngày càng tốt lên, việc phân hủy chậm lại, trong khi nhiều người bị bệnh, phải dùng thuốc kháng sinh, hay phải xạ trị nhiều lần cũng làm cho xác khó phân hủy. Nhiều ngôi mộ đã hơn ba - bốn năm nhưng xác vẫn chưa phân huỷ hết. Muốn sang tiểu sành cho người chết, trước hết phải làm sạch rồi mới rửa và chuyển sang tiểu mới.

Làm nghề này không đơn giản là chuyển hài cốt của người đã khuất sang một ngôi mộ mới, mà yêu cầu người làm phải cẩn thận, tỉ mỉ và tuân theo các thủ tục một cách nghiêm ngặt. Nhiều người cũng phải mất một thời gian dài theo chân những người đi làm trước đó để quan sát, học hỏi rồi mới tách ra làm độc lập. Nghe thì dễ nhưng công đoạn thì nhiều, từ cách làm, cách sắp xếp hài cốt, thứ tự sắp xếp… để không bị nhầm lẫn giữa các bộ phận với nhau. Quan niệm giúp cho người chết được thoả nguyện yên nghỉ nên những người làm làm việc này trước hết phải có tâm rồi mới nói tới nghề.

Ông Bình trầm ngâm kể, nhiều người khi mới bốc mộ lần đầu không may để sót một một phần xương nào đó của người chết, thế là về chẳng có đêm nào ngủ yên, hình ảnh người chết cứ hiện về đòi lại những bộ phận còn thiếu của mình. Trong nghề nhiều năm nhưng cũng không ít những người lạnh gáy, rợn sống lưng khi gặp phải sự cố kiểu như vậy. Nhất là khi gặp phải những hài cốt vẫn còn nguyên vẹn, công đoạn xử lý còn phức tạp hơn nhiều.

Khi bốc mộ, người ta thường đào trước lớp đất phía trên, rồi đợi khi nào đến giờ tốt mới lật nắp tấm ván thiên lên. Để tránh cho xương không bị đen lúc lộ thiên nên việc bốc mộ thường diễn ra vào ban đêm và đưa được hài cốt sang nhà mới trước khi trời sáng. Giữa đêm khuya ngồi cạnh trông ngôi mộ đã bật nắp, người ngoài nghề sẽ thấy rùng rợn, quá sức tưởng tượng. Trong khi đó việc bốc mộ thường diễn ra vào cuối năm, hay mưa phùn, lạnh cắt da cắt thịt, nhiều người lại càng thấy ghê rợn hơn.

Cái tâm của ngh

Làng Tấm nằm cách nghĩa trang một con đường, do vậy mà người dân ở đây không còn xa lạ với việc đối diện hàng ngày với hàng trăm ngôi mộ. Trước đây, làng Tấm chỉ có vài người làm việc bốc mộ.  Về sau, việc bốc mộ cứ người này nối tiếp người kia và trở nên rầm rộ hơn.

Năm nào cũng vậy, từ tháng 8 âm lịch trở đi trên nghĩa trang cạnh làng Tấm cũng tấp nập người làm, người qua lại, người thăm viếng mộ… Những ngày cao điểm, nghĩa trang tỉnh Vĩnh Phúc không khác gì công trường đang dang dở, ban ngày inh ỏi tiếng cắt gạch, xi măng, vôi cát để ngổn ngang, ban đêm tiếng cuốc xẻng của những người đi bốc mộ vọng lại, phá tan bầu không khí tĩnh lặng vốn có của nó.

Hiện nay, làng Tấm có gần 100 hộ dân, nhưng có trên 100 người làm nghề bốc mộ. Nhà một người, nhà hai người làm nghề là chuyện bình thường. Điển hình là nhà cụ Thả có năm người con trai thì cả năm người đều làm nghề bốc mộ. Vào vụ, không chỉ những người đàn ông, con trai mới làm nghề mà trẻ con, phụ nữ đều ra nghĩa trang kiếm việc. Đàn ông, con trai thì làm công việc nặng nhọc hơn như bốc mộ, áp mộ, sửa mộ, còn phụ nữ, trẻ em thì dọn dẹp, lau chùi mộ và phát sạch cỏ dại. Theo những người thợ làm mộ thì việc tu tạo, sửa chữa chủ yếu là ốp, lát, quét sơn, xây tường bao, cây hương, cổng chào…tùy vào mức độ cần tu sửa của mỗi gia đình mà họ có thể ra giá với nhau. Họ nhận các công việc theo hình thức tính công nhật và lo trọn gói.

Do việc bốc mộ, tu sửa, xây mới diễn ra chủ yếu vào những tháng cuối năm. Khi đó ánh đèn điện ở nghĩa trang làm sáng rực cả một vùng trời. Cao điểm nhất là vào tháng 11, có ngày trong một đêm, người làng Tấm đã bốc được hơn 20 ngôi mộ.

Thông thường, để bốc một ngôi mộ phải mất một đến hai tiếng đồng hồ và cần tới bốn người làm việc cùng nhau. Khi đó, một người sẽ xếp, một người rửa và hai người còn lại thì nhặt xương. Chi phí cho việc bốc một ngôi mộ mất khoảng từ 2 triệu đến 2,5 triệu đồng, tuy nhiên nó còn phụ thuộc vào hài cốt lấy dễ hay khó, nếu gặp những ca khó sẽ tốn rất nhiều thời gian vào việc "xử lý" nên chi phí sẽ cao hơn. Công việc làm về đêm vất vả nhưng cuối năm, nhà nào ít cũng phải thu về năm triệu đến bảy triệu đồng, nhà nào nhiều cũng vài chục triệu đồng, có khi còn hơn thế nữa. Nhiều người làm việc mát tay, cẩn thận, có uy tín ở làng nên không chỉ được mọi người trong tỉnh biết đến mà còn được các gia đình ở những địa phương khác như Yên Bái, Hải Phòng đi xe xuống tận nhà đón đi làm.

Làm nghề lâu rồi thành quen chẳng ai còn thấy sợ việc bốc mộ, tu tạo, sửa chữa mộ nữa nên khi hỏi ai cũng bảo: "Mình trước làm lấy phúc, sau mới tiền lấy nên chẳng có gì phải sợ. Trong nghề thấy bình thường chứ người ngoài nhìn vào thấy "ghê sợ" lắm".

Chẳng vậy mà nhiều chàng trai trẻ của làng khi được hỏi đều không muốn cho ai biết mình làm nghề bốc mộ. Anh Bình (chuyên thầu việc xây mộ) tâm sự: "Lúc thanh niên đi tán gái, đố chú trai làng Tấm nào dám hé răng bảo anh làm nghề bốc mộ, vì nói vậy thì ai dám lấy cho dù mình có rất nhiều tiền đi chăng nữa".

Mỗi người đều có sự tự hào riêng, làng Tấm cũng vậy bởi họ chính là những người đã góp phần xây dựng cho ngôi nhà của những người đã khuất thêm đẹp hơn.   

Ông Hoàng Văn Tường, trưởng thôn Tấm cho biết: Làng Tấm làm việc trong khoảng từ tháng 8 cho đến hết tháng 3 âm lịch. Việc nằm sát khu nghĩa trang đã làm cho nguồn nước bị ô nhiễm, nhiều nhà dân sống trong khu vực giáp với nghĩa trang đã phải chuyển sâu vào trong để tránh ảnh hưởng đến sức khoẻ.

Quách Dung

Gọi hồn nhờ người âm... lãnh đạo doanh nghiệp

Thứ 3, 05/03/2013 | 10:43
Ngày nay, dịch vụ gọi hồn được mở rộng nhằm phục vụ nhu cầu đa dạng của nhiều người.

Chấn động chuyện đào mồ người chết tìm đồ cổ

Thứ 6, 22/03/2013 | 12:13
Thời gian vừa qua, dư luận tại huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An đang hoang mang bởi câu chuyện nhiều ngôi mộ bị đập phá một cách bí mật.

Đào mộ, trộm hộp sọ đòi chuộc 300 triệu đồng

Thứ 3, 19/03/2013 | 17:16
Sáng sớm, gia đình ông Nguyễn Hồng Quân, ở Quảng Yên - tỉnh Quảng Ninh bàng hoàng phát hiện mộ mẹ đẻ bị kẻ gian đào trộm trong đêm, lấy đi hộp sọ và để lại tờ giấy đòi chuộc với giá 300 triệu đồng cùng số điện thoại liên hệ.

Khi người chết phải nhường chỗ cho người sống

Thứ 5, 21/03/2013 | 09:20
Năm 2005, UBND TP.Hà Nội đã có Quyết định số 96/QĐ-UB thu hồi 85.331m2 đất thuộc các phường Thịnh Liệt và Hoàng Văn Thụ để giao cho UBND Q.Hoàng Mai làm chủ đầu tư dự án di dân tái định cư.