Những ngày gần đây, dư luận, đặc biệt là người dân vô cùng bức xúc khi phát ngôn của ông Phạm Thái Bình - Tổng giám đốc công ty Cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An - trao đổi tại toạ đàm “Xuất khẩu châu Âu từ lợi thế EVFTA, hàng Việt cần gì?” đã khẳng định, 90% người Việt Nam ăn gạo bẩn, có khi 90% là khiêm tốn...”.
Ý kiến này của ông Bình đang gây hoang mang cho người tiêu dùng, làn tổn hại đến uy tín, hình ảnh, thương hiệu của gạo Việt và ngành nông nghiệp Việt Nam.
PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp Luật đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng cục Trồng trọt (bộ NN&PTNT).
90% người dân Việt Nam ăn gạo bẩn là vô căn cứ.
PV: Chào ông, thông tin 90% người dân Việt Nam ăn gạo bẩn là như thế nào?
Ông Nguyễn Như Cường: Tôi xin khẳng định thông tin trên hoàn toàn sai sự thật. Bởi dựa theo thực tế những năm gần đây, chúng ta đều thấy gạo Việt Nam ngày càng khẳng định được uy tín, chất lượng trên thị trường quốc tế.
Mặc dù từ đầu năm 2020 đến nay, thị trường xuất khẩu gạo ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu giảm. Nhưng xuất khẩu gạo được xem là điểm sáng khi xuất khẩu được 4,5 triệu tấn và đạt 2,2 tỷ USD, giảm 1,7% về khối lượng nhưng tăng 10,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019, có thời điểm giá gạo Việt Nam còn vượt cả Thái Lan.
PV: Những năm qua, dư luận không phải không đề cập đến vấn đề sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong lúa gạo, nó có ít nhiều ảnh hưởng đến sản phẩm lúa gạo hay không?
Ông Nguyễn Như Cường: Thực ra vấn đề này không phải là mới, cũng không phải chỉ riêng mình nước ta, mà còn rất nhiều các nước sản xuất lúa gạo cũng rơi vào trường hợp tương tự. Nhưng quy trình để cây lúa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (thuốc) đến khi thu hoạch, người nông dân vẫn luôn đảm bảo các tiêu chí an toàn.
Ví như ở các tỉnh phía Nam thường có giai đoạn cuối cần phải phun thuốc trên lúa để trừ bệnh đạo ôn cổ bông và bệnh lem lép hạt. Loạt phun cuối thường được phun kép, muộn nhất cũng trước thu hoạch 20 - 25 ngày.
Với các tỉnh phía Bắc và Trung Bộ, các đợt phải phun thuốc muộn rất ít xảy ra, thường muộn nhất để trừ rầy lứa 6, lứa 7. Lúc này lúa mới chỉ chắc xanh đến đỏ đuôi. Vì vậy từ lúc phun tới lúc lúa gặt, thời gian còn khoảng 15 - 20 ngày nên nguy cơ tồn dư thuốc trên gạo vô cùng thấp.
Trong khi đó, các loại thuốc phòng trừ các bệnh trên có thời gian cách ly dài nhất cũng thường chỉ 7 ngày. Vì vậy kể cả trong trường hợp nông dân phải phun thuốc muộn, nguy cơ rủi ro có tồn dư thuốc trên gạo vượt mức dư lượng tối đa cho phép là vô cùng thấp.
Chất lượng lúa gạo Việt Nam vẫn đứng top đầu thế giới.
PV: Vậy theo ông, tiêu chuẩn gạo Việt Nam đang được đánh giá như thế nào?
Ông Nguyễn Như Cường: Dựa trên cơ sở trong xuất khẩu gạo hiện nay Việt Nam không phải “một mình một chợ”, mà còn phải cạnh tranh từ các đối thủ như Thái Lan, Ấn Độ, Campuchia… Nếu gạo Việt không khẳng định được chất lượng, đảm bảo được các yếu tố an toàn thực phẩm, chắc chắn gạo Việt Nam không có được kết quả xuất khẩu ấn tượng như vậy.
Hơn nữa, chất lượng gạo của Việt Nam hiện nay đang theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, hay hữu cơ… Đây chỉ là các quy trình hướng dẫn để sản xuất không chỉ nhằm đảm bảo sản phẩm an toàn, mà còn có nhiều ý nghĩa như phúc lợi xã hội, thân thiện với môi trường, đảm bảo sản xuất bền vững, truy xuất nguồn gốc…
Khi có những nhận định về một ngành sản xuất quan trọng với người nông dân, thì cần có những căn cứ, số liệu chính xác, khoa học, không nên có những nhận xét mang tính cảm tính.
PV: Ông có thể cho biết thêm, những năm qua, ngành nông nghiệp Việt Nam đã đầu tư cho sản xuất lúa gạo đạt chuẩn ra sao?
Ông Nguyễn Như Cường: Những năm qua, Việt Nam đầu tư mạnh mẽ về khoa học công nghệ trong lĩnh vực sản xuất lúa gạo. Việt Nam đang có bộ giống lúa rất tốt, chất lượng gạo không chỉ được cải thiện mà còn đáp ứng cả yếu tố mùa vụ.
Các kỹ thuật canh tác như “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”… với mục tiêu giảm chi phí đầu vào, giảm lượng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tưới tiết kiệm nước nhưng vẫn tăng năng suất, chất lượng, giá cả. Những mô hình trên đang được triển khai rất nhiều ở các địa phương, giúp nông dân nâng cao chất lượng lúa, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Ngoài ra, Việt Nam mỗi năm xuất khẩu 6,5 - 6,7 triệu tấn gạo, đặc biệt là tham gia vào Hiệp định thương mại tư do. Thị trường nhập khẩu nào dù là cao cấp hay trung cấp thì những yêu cầu về an toàn thực phẩm, kiểm tra tồn dư thuốc bảo vệ thực vật đều phải đáp ứng. Khi họ kiểm tra đạt chất lượng an toàn thực phẩm thì họ mới nhập khẩu, nếu sản phẩm có vấn đề làm sao họ chấp nhận.
Chính vì thế, không có chuyện gạo ở ruộng này để ăn, gạo ở ruộng kia để xuất khẩu, nói tóm lại không có vùng riêng cho xuất khẩu hay tiêu dùng nội địa nên tôi khẳng định không có chuyện gạo Việt Nam không đạt chất lượng.
Ông Nguyễn Như Cường.
PV: Vậy, là một đơn vị trực tiếp quản lý vấn đề này, theo ông có nên xử lý người phát ngôn trên?
Ông Nguyễn Như Cường: Là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, mà trực tiếp là cục Trồng trọt, chúng tôi đã lên tiếng về việc này, chuyện cũng đã rõ mười mươi. Còn việc kiến nghị xử lý hay không còn tùy thuộc vào mức độ ảnh hưởng phát ngôn đó đến các hiệp hội hay doanh nghiệp ra sao. Đến lúc đó các đơn vị sẽ có ý kiến sau.
Xin chân thành cảm ơn ông!
Phân trần với báo chí, ông Phạm Thái Bình cho biết, nội dung trên được ông trao đổi hơn một tiếng đồng hồ, ngày 3/9 nhưng "nhà báo lại cắt khúc ra để gây sốt cộng đồng mạng, quy tội tôi".
"Tôi nói gạo "bẩn" ở đây là nói theo tiêu chuẩn chuyên ngành nông sản thực phẩm mà các nước trên thế giới đang nói tới và sử dụng. Cụ thể là trong lúa, gạo, rau, củ, trái cây, hoặc thủy sản sạch là sản xuất canh tác đạt tiêu chuẩn từ VietGAP; GlobalGAP hoặc hướng hữu cơ, organic. Còn không đạt tiêu chuẩn tối thiểu như trên là sản phẩm không an toàn", ông Bình nói.
Ông Bình phân tích, đã là gạo không an toàn người ta gọi là “bẩn” cũng không sai. Tôi nói “con số 90%” – ăn gạo chưa sạch là có căn cứ: Việt Nam trung bình mỗi năm canh tác 4,5 triệu ha đất lúa, trong đó hiện tại chưa đến 400 nghìn ha trồng lúa đạt tiêu chuẩn VietGAP để cho ra gạo an toàn. Như vậy, con số 90% là còn ít.
L.L