Về vùng quê ăn chơi dịp lễ

Về vùng quê ăn chơi dịp lễ

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:06
0
Dịp nghỉ 30/4 1/5, những gia đình thành phố hay các cơ quan doanh nghiệp nô nức lên kế hoạch vui chơi hay tìm đến với những danh lam thắng cảnh nối tiếng trong và ngoài nước, còn những người dân thôn quê họ làm gì?

Có lẽ, không khí của ngày lễ mừng đất nước thống nhất và ngày quốc tế lao động chỉ thật rộn ràng và tưng bừng ở những thành phố lớn với những tour du lịch từ Nam chí Bắc, những chuyến đi đến khắp các vùng miền trên thế giới, những cuộc vui mua sắm tại các siêu thị, khu vui chơi giải trí… Khác với người thành phố, dịp lễ, những người dân quê lại có cách “ăn chơi” dân giã của riêng mình.

Thăm thú thủ đô

Ngược dòng người đang hối hả đổ về quê, nhiều gia đình sẽ lựa chọn cho mình những cuộc vui, thăm thú chốn đô thành. Anh Kiên quê ở Nam Định, hiện đang làm nghề xe ôm tại bến xe Mỹ Đình cho hay: “Gia đình tôi có hai cháu nhỏ, một cháu học lớp 2, một cháu học lớp 5, chẳng mấy khi thủ đô thưa người, tôi đã đưa vợ con lên chơi, đi công viên và đi vài món đồ trong siêu thị. Mỗi lần về quê tôi đều động viên các cháu cố gắng học tập bằng cách hứa sẽ đưa các con đi chơi trong dịp lễ này”.

Các địa điểm vui chơi ở trung tâm thủ đô thu hút đông đảo người dân HN và ngoại tỉnh

Nhân dịp này, Thành một học sinh cấp 3 quê ở Tân Yên – Bắc Giang cùng nhóm bạn của mình cũng quyết làm một chuyến lên Hà Nội. Thành nói: “Xe ngược lên thành phố ngày này không đông như xe về, chủ xe cũng không thể chặt chém được vì thông thường khách lên ngày này rất ít. Ngược lại, hết dịp lễ, khách ở Hà Nội về it, còn khách lên lại đông. Tranh thủ mấy ngày nghỉ, bọn em đi chơi cho tâm lý thoải mái để về ôn thi tốt nghiệp cho tốt”.

Tiếp chuyện với phóng viên Nguoiduatin, cô Huệ ( Ba Đình – Hà Nội) hồ hởi cho biết: “Dịp này gia đình tôi sẽ đón các bác ở trong quê lên chơi. Ngày thường, cả nhà đi làm suốt, họ hàng có lên cũng chẳng có thời gian để tiếp đón chu đáo. Bốn ngày lễ này thì rảnh rang rồi”.

Vui “Tết” thứ hai

Hầu hết các gia đình ở nông thôn đều có người làm việc và học tập tại các thành phố. 30/4 và 1/5 là dịp để họ về quê nghỉ ngơi bên gia đình. Những bữa cơm với đông đủ các thành viên trong gia đình lại trở nên vui vầy và ấm cúng hơn bao giờ hết.

Về quê những ngày lễ, khắp mọi đường thôn, ngõ xóm người ta có thể bắt gặp cảnh tay bắt, mặt mừng của những người đi làm xa quê, của những cô cậu sinh viên xa nhà lâu không về.

Bữa cơm gia đình với đông đủ các thành viên (Ảnh minh họa)

Từ chủ nhật tuần trước mẹ của Hằng – sinh viên hệ liên thông của Học viện Bưu chính viễn thông đã gọi điện nhắc nhỏm trước: “ Cuối tuần này con về, cả nhà sẽ làm bữa cơm liên hoan. Từ tết đến giờ mới về có một lần, cả nhà mong con lắm. Đợt này, anh trai con đi làm xa cũng về nữa. Gia đình ta sẽ tha hồ mà vui đây”.

Hằng cũng cho biết thêm: “Năm ngoái mình đi làm thêm nên không về, mẹ mình mong lắm. Năm nay mình chẳng tham công tiếc việc nữa, về quê cho vui. Những dịp nghỉ dài ngày như thế này, về quê vui lắm. Bạn bè có dịp gặp nhau đông đủ, anh em đi làm xa cũng về. Mọi người thường nói đùa là vui như tết ấy”.

Lao động theo nhịp ngày thường

Chẳng có được những niềm vui hay sự nghỉ ngơi dù là nhỏ nhoi, nhiều người dân thôn quê vẫn "thưởng thức" ngày nghỉ bằng những công việc như bao ngày khác. Người ra đồng vẫn ra đồng, người buôn bán vẫn buôn bán, người đi xây vẫn đi xây… Có lẽ khái niệm “ngày nghỉ” với họ là quá xa vời, thậm chí nhiều người còn không biết mình đang sống trong không khí tưng bừng của ngày hội non sông, ngày quốc tế lao động.

Những người nông dân vẫn miệt mài làm việc như bao ngày

Vác bình thuốc sâu nặng trĩu ra đồng, ông Đảo (Bắc Giang) vẫn nhiệt tình trả lời câu hỏi vui của phóng viên: “Quốc tế lao động mà bác không nghỉ ngơi à?” – “Quốc tế lao động thì vẫn phải lao động thôi. Người nhà quê thì cứ gì ngày lễ ngày nghỉ. Có biết đến ngày đó thì cũng là xem qua tivi, nghe đài hay thấy thôn xóm treo nhiều cờ quạt, băng rôn thôi”.

Phạm Hạnh