Vì lợi nhỏ rước họa lớn

Vì lợi nhỏ rước họa lớn

Ngô Thị Hồng Duyên

Ngô Thị Hồng Duyên

Thứ 3, 04/05/2021 20:40

Virus SARS-CoV-2 đang khiến cả thế giới lo lắng về mức độ lây lan, phức tạp và khó lường với những biến chủng mới. Bước sang năm Covid thứ 2, Việt Nam đã trải qua 3 đợt dịch, bài học Ấn Độ sờ sờ trước mắt, vậy nhưng nhiều người vẫn không biết sợ, vì lợi nhỏ rước họa lớn?

Những ngày qua, cả thế giới đang dành sự quan tâm đặc biệt cho Ấn Độ - quốc gia liên tiếp trong những ngày qua lập “các kỷ lục” về số ca mắc mới và số ca tử vong. Nhiều nhà phân tích thế giới cho rằng các lễ hội, hoạt động văn hóa và tâm linh, tập trung đông người đã khiến Ấn Độ “đào hố tự chôn mình” rơi vào vực thẳm đại dịch.

Những cảnh tượng đau lòng chưa từng có xuất hiện tràn ngập trên các phương tiện truyền thông đại chúng cho thấy hiện thực thảm khốc mà quốc gia đông dân thứ hai thế giới đang phải đối mặt. Bệnh viện quá tải, người bệnh tử vong vì không được điều trị, lò hỏa thiên chồng chất tử thi… là những nỗi đau hiện hữu mà người dân Ấn Độ đang phải đối mặt.

Những gì mà Ấn Độ đang phải trải qua là hồi chuông cảnh tỉnh cho nhiều quốc gia về công tác phòng chống dịch COVID-19, trong đó có Việt Nam.

Tại Việt Nam, sau làn sóng thứ nhất, tháng 3/2020 – 4/2020, làn sóng thứ hai, tháng 7/2020 – 9/2020, làn sóng thứ ba, tháng 1/2021 – 3/2021, chúng ta đang bước vào làn sóng dịch thứ 4 có thể sẽ tàn khốc hơn cả 3 làn sóng dịch trên như lời Bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thành Long từng dự đoán.

Trước kỳ nghỉ lễ dài ngày, trong cộng đồng đã có ca mắc Covid-19 mới, các cơ quan chức năng liên tục cảnh báo nhưng rất nhiều người vẫn chủ quan. Nhìn vào những bãi biển, khu du lịch từ Nam chí Bắc đông nghịt người khiến ai nấy đều hoảng sợ. Trong 4 ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5, các địa danh du lịch như Sa Pa, Đà Lạt, Vũng Tàu, Nha Trang, đâu đâu cũng xuất hiện cảnh xe và người ùn ùn chen lấn. Ước tính sơ bộ, trong 2 đêm 30/4 và 1/5, Đà Lạt đón khoảng 125.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 2.500 lượt. Tổng lượng khách tăng ngoài dự kiến khiến nhà hàng, quán cà phê nổi tiếng ở phố núi không thoát khỏi cảnh quá tải. Giám đốc sở Du lịch Kiên Giang cho biết kỳ nghỉ lễ này tỉnh dự kiến đón khoảng 160.000 khách du lịch, trong đó Phú Quốc chiếm 50%... Con số chắc cũng không nhỏ tại Nha Trang, Đà Nẵng, Sầm Sơn...

Cứ thử tưởng tượng, nếu như trong những “biển người" ấy, có một vài trường hợp mắc Covid-19, không biết cả nước sẽ truy vết thế nào, dịch bùng phát và lan rộng ra sao?

Bệnh dịch rình rập có từ nguyên nhân vô ý nhưng cũng đến từ sự cố tính, có tính toán tư lợi của những kẻ bất nhân. Những kẻ này tiếp tay cho việc rước mầm dịch Covid-19 vào Việt Nam bằng việc móc nối, tổ chức đường dây đưa người nước ngoài nhập cảnh trái phép Việt Nam. Những vụ tổ chức nhập cảnh trái phép được lực lượng công an triệt phá trên khắp cả nước.

Mới đây, Công an TP Hà Nội đã khởi tố 2 nữ sinh về hành vi tổ chức cho người nước ngoài khác nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Hai cô gái này đã giúp 17 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép thuê nhà ở Hà Nội.

Trước tình hình dịch bệnh căng thẳng nhiều người cho rằng hành vi của 2 nữ sinh vì lợi nhỏ của bản thân mà có nguy cơ gây hại lớn cho đất nước. Đó là tội ác! Nó có thể hủy hoại công sức, nỗ lực của toàn xã hội trong suốt nhiều tháng qua - những thời điểm mà chúng ta gặp muôn vàn khó khăn, phải đánh đổi rất nhiều nguồn lực xã hội để đổi lấy một môi trường an toàn cho cộng đồng.

Sự chủ quan, mất cảnh giác với dịch bệnh sẽ phải trả giá đắt. "Cái giá" của tâm lý chủ quan sẽ không chỉ là những thiệt hại kinh tế khi chính quyền phải tái áp đặt các biện pháp phong tỏa, mà là sức khỏe, tính mạng của con người cũng bị đe dọa.

Giáo sư Andrew Easton (Đại học Warwick, Anh) trong một bài trả lời phỏng vấn gần đây đã chỉ ra tình hình nghiêm trọng của dịch Covid-19 hiện nay một phần do thế giới không ghi nhận những bài học từ các đại dịch trước đây và thiếu sự chuẩn bị cần thiết.

Vị giáo sư cũng nhấn mạnh tình hình tại Ấn Độ chính là hồi chuông cảnh tỉnh toàn cầu của thái độ chủ quan và thiếu phòng bị.

Bởi vậy, thay vì tụ tập đông người chỉ vì thỏa mãn nhu cầu cá nhân mỗi người cần nêu cao ý thức vì cộng đồng. Những người vì lợi ích của bản thân đang tiếp tay cho tội phạm tổ chức đưa người nhập cảnh trái phép hãy tự vấn lương tâm.

Phòng chống dịch không phải là việc của các cơ quan, ban ngành chức năng mà nó là ý thức trách nhiệm cá nhân của mỗi người dân được biến thành hành động cụ thể.

An Yên

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.