Vị “luật sư” đặc biệt trong vụ án thế kỷ

Vị “luật sư” đặc biệt trong vụ án thế kỷ

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:45
0
Kỳ án Vua Lốp đã từng làm làng báo nước nhà những năm 80 của thế kỷ trước sôi sục vì oan án. Vào thời đó, hơn 40 đầu báo, trong đó có những tờ báo lớn như Quân Đội Nhân Dân, Văn Nghệ, Lao Động, Thanh Niên, Tuổi Trẻ... đều vào cuộc phanh phui sai phạm, thiếu sót của chính quyền địa phương gây ra oan trái cho Vua Lốp Nguyễn Văn Chẩn.

Nhưng trong số tác phẩm viết về Vua Lốp, được người ta nhớ nhiều nhất là bài báo "Lời khai của bị can" của nhà văn, nhà báo Trần Huy Quang. Ông cũng chính là người đã khơi mào cuộc đòi công lý trên báo chí cho Vua Lốp.

Người khơi mào

Hiện nhà văn, nhà báo Trần Huy Quang, hiện đang công tác tại Hội nhà văn Hà Nội (Số 9, Phố Nguyễn Đình Chiểu, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Trong không gian dịu mát của một ngày đầu tháng 9/2012, ông Quang vội thu xếp cuộc họp bên hội nhà văn để trò chuyện với chúng tôi về kỳ án Vua Lốp như đã hẹn trước. Ngay từ những tiếp xúc đầu tiên, người đối diện đã dễ cảm nhận được ở ông có cái gì đó bộc trực, cởi mở rất dễ mến.

Xã hội - Vị “luật sư” đặc biệt trong vụ án thế kỷ

Vua lốp Nguyễn Văn Chẩn (bên trái ảnh).

Nhắc đến bài báo "Lời khai của bị can" nổi tiếng một thời, ông Quang quan niệm rằng, đã là nhà văn, nhà báo thì phải viết về nỗi khổ, sự oan khuất của nhân dân, đứng về phía nhân dân và đặc biệt là phải có bản linh nghề nghiệp, phải chống tiêu cực. Thế hệ các anh sống giữa hai thời kỳ bao cấp và đổi mới của đất nước nên các anh có ánh mắt nhìn đời sâu sắc đến lạ. Ông Trần Huy Quang xúc động chia sẻ: "Thế hệ của tôi và ông Nguyễn Văn Chẩn (Vua lốp) sống ở thời kỳ đất nước chưa đổi mới nên có nhiều thăng trầm trong khát vọng làm giàu, khát vọng đổi đời".

Ông Quang phân tích: "Đấy là những năm trước 1986, đất nước ta đang vận hành theo cơ chế bao cấp. Vật tư, hàng hóa đều do Nhà nước quản lý, các thực phẩm từ nhỏ nhất như thịt, cá, trứng, sữa đều phải mua bằng tem phiếu. Nước ta chủ trương xóa bỏ tư hữu, không có gì là của tư, đến mua sắt thép cũng là phạm pháp. Cả nước thực hiện chính sách cấm chợ ngăn sông nên người dân không thể làm giàu. Nhân dân không được sản xuất cá thể mặc dù xã hội đang thiếu hàng hóa. Khi đất nước tồn tại mâu thuẫn lớn đó, thì hiện tượng Vua lốp tự mình mày mò, tái tạo sản xuất và giàu lên rõ rệt được coi là có vấn đề. Nhưng tôi nghĩ rằng, "Vua lốp là người tạo ra hàng hóa cho xã hội, điều đó phải được ghi nhận và trân trọng chứ không thể bị tiêu diệt. Tôi rất cảm phục ông - người đã tiên phong thực hiện khát vọng kinh doanh làm giàu của một lớp người trong thời kỳ đó".

Dưới cái nhìn của một người cầm bút công tâm, Trần Huy Quang đã thấu hiểu sự bứt phá cũng như khát vọng của Vua lốp chính là mở đường cho người dân tự do sản xuất hàng hóa để làm giàu cho xã hội. Chính vì thế, sự nổi lên của Vua lốp và những lần ông Chẩn bị ngồi tù, nhà cửa, nguyên vật liệu bị tịch thu, công cụ sản xuất bị thu giữ cùng với những chồng đơn cao như núi của vợ chồng ông Vua Lốp gửi đến các cơ quan công quyền để kêu oan như mũi tên đâm mạnh vào trực quan của anh. "Tôi nhận thấy, trường hợp Vua lốp có cái gì đó không ổn và trí óc buộc tôi phải cầm bút làm một cái gì đó", ông Quang chia sẻ thêm.

Chính sự minh mẫn của trí óc và một trái tim đồng cảm, ông đã cầm bút và bài viết đầu tiên: "Câu chuyện vua lốp hay tất cả cho sản xuất". Bài viết của ông khi đó được đọc trên sóng phát thanh và đến năm 1986 thì được in trên báo Văn nghệ. Ngay lập tức, bài viết đó đã tạo được dư chấn mạnh mẽ đến đông đảo người dân. Khắp các ngõ xóm đều rộ lên thông tin về Vua lốp Nguyễn Văn Chẩn. Cùng trong thời gian này, hàng loạt các tờ báo khác, các phương tiện thông tin đại chúng trong nước đều đưa tin bài về Vua lốp. Do đó, Trần Huy Quang như được chắp thêm đôi cánh trong hành trình lên tiếng bảo vệ, đòi lại danh dự, công bằng cho Vua lốp Nguyễn Văn Chẩn.

Bi kịch của người đi trước thời đại

Trong ký ức của ông Quang, sự kiện một thời anh lăn lộn tìm công lý cho Vua lốp là rất đáng. Bởi vào thời điểm đất nước kinh tế còn nhiều khó khăn, một người sáng tạo, dám dấn thân phát minh, sản xuất ra những sản phẩm như dày dép, lốp xe và nhiều sản phẩm khác có cả những mặt hàng trong nước chưa thể sản xuất được mà phải nhập hàng từ các nước khác. Nhất là sản phẩm lốp xe, chúng ta phải nhập với giá thành cao, sản phẩm nhập vào trong nước nhỏ lẻ, lại phân phối theo hệ thống cửa hàng bách hóa, không đủ đáp ứng cho người dân. Sự khát khao một cơ chế kinh tế mở, người dân được tự do lựa chọn là không thể. Đúng lúc đó, sản phẩm của Vua Lốp xuất hiện, đem lại hy vọng, chờ đợi của người tiêu dùng. Và nếu những lãnh đạo địa phương, nơi Vua Lốp sinh sống và sản xuất nhận ra rằng, đó là kỳ vọng của nên kinh tế nước nhà, cần được khuyến khích, tạo điều kiện. Nhưng ngược lại, khi chưa kịp mở rộng sản xuất thì hết lần này đến lần khác, "Vua Lốp đã dính vào kỳ án.

Theo ông Quang, những oan khuất của Vua Lốp như khắc sâu vào tâm trí của những người muốn vươn lên làm giầu, không còn ai dám mơ đến cuộc cải cách nào cả. Ngay đến những người cầm bút, là lớp người mơ tưởng nhất cũng nản lòng. Đến mãi sau này, thời kỳ đất nước đổi mới, ở đó người dân được tự do kinh doanh cá thể, sản xuất hàng hóa thì những người như ông Quang lại tụ lại với nhau mà tiếc cho Vua Lốp. "Với tôi, ông Chẩn làm một người anh hùng trong lao động sản xuất. Ông ấy là người đầu tiên tiên phong sáng tạo sản xuất, có bước đột phá và làm giàu chính đáng. Những cống hiến của ông Chẩn trong nghề làm bút Trường Sơn, lốp Quyết Thắng đã minh chứng cho một con người bình thường làm được những việc phi thường trong thời kỳ đó", nhà văn, nhà báo Trần Huy Quang cho biết.

Nhìn lại toàn bộ kỳ án Vua Lốp có thể thấy, vào thời điểm đó, cả nước biết đến với nhiều giai thoại xung quanh nhân vật này. Cùng với nhiều bài báo, "Câu chuyện vua lốp hay tất cả cho sản xuất" của Trần Huy Quang đã làm sáng rõ chân dung Vua lốp Nguyễn Văn Chẩn là một người đáng trọng, có cái nhìn đi trước thời đại. Vua Lốp, dù đã bị bắt, đi tù, trốn tránh nhưng cũng đã dũng cảm đối mặt và gan góc lăn lộn mưu sinh với khát vọng đổi đời. Vào thời kỳ đó, chỉ có Vua Lốp táo bạo làm giàu đi trước thời cuộc. Không thể phủ nhận thành quả lao động sản xuất chính đáng của Vua Lốp dù mãi đến năm 1990, ông mới được trả lại nhà và một phần tài sản. Điều đó minh chứng cho sự kiên tâm của những con người tin vào công lý.

Ông Quang cho biết thêm, khi Vua Lốp được giải oán, được trả lại trong sạch càng hun đúc lên ngọn lửa đam mê cho những người cầm bút như ông và nhiều người cầm bút chân chính, đấu tranh vì sự tiến bộ của đất nước. Đúc rút từ kỳ án Vua Lốp, ông Quang nói: "Trên đời này, không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh vượt qua những ranh giới ấy và Vua lốp đã kiên nhẫn, dũng cảm làm được điều ít người vượt qua được đó".

Vuột mất cơ hội kinh doanh hiếm có

Cũng theo ông Quang kể lại, vào thời điểm sau năm 1983, nhiều tờ báo đã chạy những dòng tít lớn liên quan đến việc một tập đoàn sản xuất lớn nhất thế giới (trụ sở đóng tại Pháp) đã cử người sang Việt Nam tìm gặp Vua Lốp để cùng hợp tác sản xuất lốp xe. Nhưng khi đại diện của hãng sản xuất lốp này đến Hà Nội thì ông Chẩn đang vướng vào oan án, mọi nhà cửa, vật liệu, xưởng sản xuất bị niêm phong. Vị đại diện này không có cơ hội để gặp gỡ trò chuyện với Vua Lốp huống hồ nói gì đến làm ăn. Ông Quang nói: "Lúc biết tin người đại diện của hãng sản xuất lốp nổi tiếng đó bỏ về Pháp vì e ngại thì chúng tôi, những người đã đấu tranh cho những oan khuất của ông Chẩn tiếc rẻ lắm. Giá mà thời nay, "Vua Lốp chắc chắn là người thành công lớn, được trọng vọng rồi.

Chu Mai - Trần Tâm

(Còn nữa)