Vì sao bác sĩ Chiêm Quốc Thái bức xúc rời phiên tòa phúc thẩm vụ xét xử vợ cũ thuê người truy sát?

Võ Công Thư

Sau nhiều ngày xét xử, TAND Cấp cao tại TP.HCM quyết định không hủy án, chỉ chấp nhận một phần kháng nghị tăng án với kẻ chủ mưu, các nội dung khác tòa phúc thẩm giữ nguyên.

Bác sĩ Chiêm Quốc Thái bị vợ cũ thuê người truy sát

Trong vụ án bác sĩ Chiêm Quốc Thái bị truy sát trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, quận 1, TP.HCM vừa được TAND Cấp cao tại TP.HCM xét xử sơ thẩm, cáo trạng cáo buộc bị cáo Vũ Thụy Hồng Ngọc, SN 1978, vợ cũ ông Thái, ngụ quận 1 đóng vai trò chủ mưu, thuê người chém chồng cũ bị thương. Bà Ngọc bị xét xử về tội Cố ý gây thương tích, theo khoản 1, Điều 104 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Bà Ngọc kết hôn với bác sĩ Chiêm Quốc Thái tại Mỹ vào tháng 9/2011. Chung sống chưa lâu, cả hai xảy ra mâu thuẫn nên quyết định ly hôn, tự phân chia tài sản. Bà Ngọc quay về Mỹ, nhưng không làm thủ tục ly hôn như thỏa thuận. Tháng 12/2015, bà Ngọc âm thầm quay về Việt Nam, dùng hôn thú tại Mỹ tiếp tục nộp đơn lên TAND quận 1 làm thủ tục ly hôn với chồng, đòi chia tài sản với số tiền lên đến 200 tỷ đồng và đề nghị phong tỏa toàn bộ tài sản của bác sĩ Chiêm Quốc Thái.

Từ đó, giữa ông Thái và bà Ngọc thường xuyên xảy ra mâu thuẫn trầm trọng. Tháng 3/2018, bà Ngọc gặp Phan Nguyễn Duy Thanh (SN 1981, Giám đốc công ty Vệ sĩ Song Thanh, trụ sở quận Tân Phú, TP.HCM), thuê Thanh đánh dằn mặt ông Thái với giá 1 tỷ đồng, chuyển trước 500 triệu.

Nhận tiền, Thanh giao việc cho các đàn em của mình là Nguyễn Thanh Phong, Phạm Văn Ngôn, Nguyễn Trần Thanh Tuấn, Chống Thín Sáng và Danh Tiến thực hiện. Tối 28/3/2018, khi bác sĩ Thái vừa bước ra từ 1 nhà hàng trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, quận 1, bị nhóm người đi trên 2 xe máy ập đến chém. Vụ truy sát khiến ông Thái bị thương, phải khâu 20 mũi, tỷ lệ thương tích được xác định là 5%.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Công an TP.HCM đã bắt giữ Phan Nguyễn Duy Thanh và 5 đàn em. Tại cơ quan điều tra, các nghi can thừa nhận được bà Ngọc thuê chém ông Thái với giá 1 tỷ đồng. Từ lời khai của các đối tượng này, cơ quan điều tra xác định vợ bác sĩ Thái là bà Vũ Thụy Hồng Ngọc có liên quan đến việc thuê người chém chồng bị thương nên tiến hành bắt giữ.

TAND TP.HCM sau đó xét xử và tuyên phạt bị cáo Vũ Thụy Hồng Ngọc mức án 18 tháng tù; Phan Nguyễn Duy Thanh 15 tháng tù. Các bị cáo còn lại cùng bị tuyên phạt 16 tháng tù giam về cùng tội Cố ý gây thương tích.

Ông Chiêm Quốc Thái cho rằng bà Hoa Sen mới là chủ mưu

Sau bản án, ông Chiêm Quốc Thái kháng cáo yêu cầu hủy án. Đơn kháng cáo của ông Thái nêu, việc TAND TP.HCM không xem xét đến hành vi của bà Trần Hoa Sen (ngụ quận 10, TP.HCM) trong vụ án là yếu tố bỏ lọt tội phạm.

“Bà Trần Hoa Sen là một mắt xích quan trọng, đồng phạm giúp sức để hành vi chém tôi được thực hiện và hoàn thành… Theo lời khai của bà Ngọc, bà Ngọc đã đưa cho bà Sen 2 lần, mỗi lần 500 triệu. Một lần tại phòng ngủ nhà bà Sen và 1 lần tại nhà vệ sinh phòng khám của bà Sen, hoàn toàn phù hợp với số tiền bà Ngọc thỏa thuận thuê ông Thanh chém tôi giá 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, bà Sen chỉ thừa nhận đã nhận 500 triệu của bà Ngọc tại nhà vệ sinh. Tôi đề nghị cấp phúc thẩm làm rõ có hay không bà Sen là người đã nhận số tiền 500 triệu đồng còn lại”, đơn kháng cáo thể hiện.

Bên cạnh đó, ông Chiêm Quốc Thái kháng cáo yêu cầu xem xét xử lý bà Phạm Thị Như Khuê về việc không tố giác tội phạm. Ngoài bà Sen và bà Khuê, ông Thái còn kháng cao đề nghị cấp phúc thẩm làm rõ có hay không việc 2 bị cáo Phạm Văn Ngôn (SN 1985, ngụ quận Tân Phú), Nguyễn Trần Thanh Tuấn (SN 1990, ngụ quận Tân Phú, TP.HCM) có hành vi cố sát ông chứ không phải chỉ đánh dằn mặt.

Ngoài kháng cáo của ông Thái, VKSND TP.HCM cũng có kháng nghị theo hướng tăng hình phạt với bị cáo Phan Nguyễn Duy Thanh. Sau đó, cuối hạn kháng nghị theo luật, nhận thấy vụ án có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm cũng như vi phạm tố tụng, VKSND cấp cao tại TP.HCM kháng nghị yêu cầu hủy toàn bộ bản án sơ thẩm vì có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm với bà Trần Hoa Sen.

Bên cạnh đó, kháng nghị cũng phân tích việc nhiều bị cáo trong vụ án có tiền án, tiền sự nhưng được áp dụng tình tiết giảm nhẹ phạm tội lần đầu là chưa đúng. Các bị cáo phân công, lịch trình theo dõi, hoạt động theo kiểu băng nhóm xã hội đen coi thường pháp luật, coi thường tính mạng sức khỏe của người khác. Tuy nhiên, tòa sơ thẩm không áp dụng tình tiết phạm tội mang tính côn đồ đối với các bị cáo. Mức án mà cấp sơ thẩm tuyên với Duy Thanh là đối tượng cầm đầu lại thấp hơn các bị cáo khác là chưa thỏa đáng. Mức án dành cho các bị cáo khác cũng chưa đủ nghiêm khắc, chưa đủ sức răn đe.

Vắng mặt nhân vật bị "tố" là đồng phạm

Ngày 22/6, TAND Cấp cao tại TP.HCM mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án này sau nhiều lần hoãn tòa. Phiên tòa được mở theo kháng cáo hủy án của ông Chiêm Quốc Thái, kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của các bị cáo, kháng nghị tăng hình phạt đối với bị cáo Phan Nguyễn Duy Thanh của VKSND TP.HCM và kháng nghị hủy án của VKSND Cấp cao tại TP.HCM.

Để phục vụ việc xét xử, cấp phúc thẩm cũng triệu tập bà Trần Hoa Sen nhưng bà này có đơn xin vắng mặt. Sự vắng mặt của bà Sen cùng một số lý do khác nữa khiến ông Chiêm Quốc Thái bức xúc, bỏ ra ngoài ngay trong phần thủ tục. Ông Thái cũng không tham gia các phiên tòa sau đó. Tuy nhiên, tòa phúc thẩm vẫn quyết định xét xử vắng mặt ông Thái. Bởi, ông này đã có luật sư bảo vệ quyền lợi tại tòa.

Tại tòa, các bị cáo trong vụ án thừa nhận hành vi phạm tội, khẳng định được bà Ngọc thuê truy sát ông Thái nhưng không có ý định giết người mà chỉ đánh dằn mặt. Từ đó, các bị cáo mong tòa xét xét, giảm án cho mình.

Sau 4 ngày xét xử và nghị án, HĐXX cấp phúc thẩm cho rằng, kháng nghị của VKSND TP.HCM cho rằng bà Ngọc có hành vi côn đồ, phạm tội có tổ chức cần tăng án. Tuy nhiên, bị cáo Ngọc không tham gia thực hiện hành vi phạm tội. Việc các bị cáo khác chém ông Thái nằm ngoài sự mong muốn của bị cáo. Bị cáo phạm tội lần đầu, nhân thân tốt, mức án cấp sơ thẩm tuyên là có có cơ sở nên không chấp nhận kháng nghị tăng án.

Bị cáo Phan Nguyễn Duy Thanh có nhân thân xấu nhưng cấp sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Thanh mức án nhẹ hơn các đồng phạm khác là chưa tương xứng với hành vi phạm tội, cần chấp nhận kháng nghị tăng hình phạt tương xứng với mức độ, hành vi phạm tội của bị cáo này.

HĐXX cũng nhận định, các bị cáo không có động cơ giết người, vết thương do các bị cáo gây ra không gây nguy hiểm tới tính mạng của bị hại, nên không có cơ sở chuyển tội danh sang tội Giết người đối với các bị cáo. Bản án sơ thẩm dù có thiếu sót trong việc áp dụng điều luật nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án, không cần thiết phải hủy án theo kháng nghị của VKSND Cấp cao tại TP.HCM.

Đối với kháng cáo của ông Chiêm Quốc Thái về yêu cầu hủy án, điều tra vai trò của bà Trần Hoa Sen, cấp phúc thẩm cho rằng, trước đó tòa sơ thẩm đã nhiều lần trả hồ sơ để yêu cầu làm rõ vai trò của bà Sen nhưng kết quả điều tra không xác định được bà Sen có bàn bạc với Ngọc, Thanh trong việc chém ông Thái. Ông Thái có cung cấp một số tài liệu mới nhưng không đủ chứng minh việc bà Sen có vai trò trong vụ án nên không có cơ sở chấp nhận kháng cáo của ông Thái.

Từ các nhận định trên, HĐXX quyết định chấp nhận 1 phần kháng nghị của VKSND TP.HCM, tuyên tăng án từ 15 tháng tù lên 2 năm tù giam đối với bị cáo Phan Nguyễn Duy Thanh. Giữ nguyên bản án với các bị cáo khác. Riêng bị cáo Ngọc đã chấp hành xong bản án nên tòa hủy bỏ lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú của bị cáo này. Cấp phúc thẩm bác toàn bộ kháng cáo, kháng nghị khác, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm, HĐXX nhận định, dù chưa đủ căn cứ xác định bà Sen có vai trò đồng phạm, nhưng vẫn kiến nghị tiếp tục làm rõ vai trò người này trong vụ án khác theo quy định.

Công Thư