Vì sao Bình Thuận 'khuyên' không dùng nước ngầm gần bãi xỉ Vĩnh Tân?

Vì sao Bình Thuận 'khuyên' không dùng nước ngầm gần bãi xỉ Vĩnh Tân?

Chủ nhật, 30/04/2017 | 16:53
0
Kết quả phân tích nhiều mẫu thu tại bãi thải xỉ của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 cho thấy hàm lượng clorua trong nước ngầm vượt ngưỡng từ 1,2 – 18 lần.

Ngày 30/4, ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết vừa ký văn bản khuyến cáo người dân ngụ gần bãi xỉ của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 tạm thời không sử dụng nguồn nước giếng (nước ngầm) vào mục đích tưới tiêu cho cây trồng cũng như ăn uống do xác định khu vực này xảy ra ô nhiễm. Hiện sở TN&MT tỉnh Bình Thuận và UBND huyện Tuy Phong đang triển khai nội dung văn bản này đến người dân.

Xã hội - Vì sao Bình Thuận 'khuyên' không dùng nước ngầm gần bãi xỉ Vĩnh Tân?

 Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2

Cũng theo ông Hai, trước mắt, UBND tỉnh Bình Thuận đã yêu cầu công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân cung cấp toàn bộ hồ sơ thiết kế nhà máy có thể hiện điều kiện địa chất công trình, địa chất thủy văn; hồ sơ hoàn công bãi thải xỉ của nhà máy; báo cáo cụ thể việc sử dụng nguồn nước để tưới bãi thải xỉ; trộn tro bay trong thời gian qua như lưu lượng, chất lượng sử dụng của từng nguồn nước… để phục vụ cho việc xác định nguồn gây ô nhiễm đất, nước ngầm tại khu vực gần bãi thải xỉ.

UBND tỉnh Bình Thuận cũng yêu cầu ban Giám đốc công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân phải nhanh chóng xác định nguồn cung cấp nước bị ô nhiễm nhiễm mặn để cách ly, tuyệt đối không sử dụng cho mục đích tưới nước giảm thiểu bụi ở bãi thải xỉ. Đặc biệt là nguồn nước lấy từ nhà máy để phục vụ tưới tro, xỉ trong bãi thải xỉ. UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu kiên quyết xử lý nghiêm đối với các trường hợp gây ô nhiễm môi trường tại khu vực.

Ông Hai cho biết thêm, sau khi nắm được thông tin nhiều cây trồng nằm gần bãi thải xỉ của nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 khô héo, trụi lá; nhiều cây thì thối gốc; trong khi đó, cây trồng tại các khu vực xa hơn thì phát triển bình thường… cơ quan chức năng của tỉnh Bình Thuận đã tiến hành lấy hàng loạt mẫu tại bãi thải xỉ của nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2. Kết quả kiểm nghiệm xác định, hàm lượng clorua trong nước ngầm ở khu vực gần đó vượt ngưỡng từ 1,2 - 1,8 lần, hàm lượng tổng số muối tan trong đất gần bãi thải xỉ cho thấy đất tại khu vực này rất mặn.

“Hiện tại, cơ quan chức năng của tỉnh vẫn đang tìm nguyên nhân cụ thể gây ra tình trạng trên để có hướng khắc phục. Chúng tôi vẫn chưa có cơ sở kết luận nguyên nhân gây ra thực trạng trên là do tình trạng nước thẩm thấu từ bãi thải xỉ ra môi trường xung quanh gây ảnh hưởng đến hoa màu, nước sinh hoạt của người dân. Lý do là tại các thời điểm khảo sát không phát hiện dòng chảy từ bãi thải xỉ rò rỉ ra môi trường xung quanh”, ông Hai nói.

Xã hội - Vì sao Bình Thuận 'khuyên' không dùng nước ngầm gần bãi xỉ Vĩnh Tân? (Hình 2).

 Bãi thải xỉ than nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, nơi xảy ra sự cố.

Trả lời về việc cơ quan nào của tỉnh Bình Thuận sẽ chịu trách nhiệm chính trong việc tìm nguyên nhân sự cố, ông Hải cho hay, UBND tỉnh đã quyết định giao sở TN&MT tỉnh Bình Thuận chọn một đơn vị độc lập có đủ chức năng, năng lực để làm rõ nguyên nhân ô nhiễm đất, nước ngầm quanh khu vực bãi thải xỉ của nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2. Cùng với đó, sở TN&MT tỉnh Bình Thuận cũng được giao tiến hành đánh giá tình trạng nước giếng của các hộ dân bị nhiễm mặn, đất bị ngập úng nước và nhiễm mặn, phạm vi ảnh hưởng và mức độ thiệt hại... để đưa ra các giải pháp khắc phục cũng như bồi thường hỗ trợ cho các hộ dân, nếu xác định ảnh hưởng do bãi thải xỉ.

Thông tin về hướng giải quyết lâu dài đối với các hộ dân ngụ gần bãi thải xỉ của nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, ông Hải trả lời, việc xảy ra ô nhiễm này cho thấy cần phải có hướng giải quyết lâu dài đối với cuộc sống của người dân. Chính vì thế, UBND tỉnh Bình Thuận đã giao cho UBND huyện Tuy Phong xây dựng các lộ trình để di dời và bố trí đất sản xuất cho các hộ dân bị ảnh hưởng.

Cũng trao đổi với PV, lãnh đạo sở TN&MT tỉnh Bình Thuận cho biết, các đơn vị của Sở đang gấp rút thực hiện các công tác để xác định nguồn gây ô nhiễm nước, đất tại khu vực gần bãi thải xỉ của nhà máy. “Hiện các công tác này vẫn đang thực hiện nên chưa thể thông tin cho báo chí”, vị lãnh đạo này nói. 

Qua tìm hiểu của PV thì được biết, hiện phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49 - Công an Bình Thuận) đang thực hiện việc giám sát chặt các nhà máy tại khu vực trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân trong việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường. Thông tin từ PC49 cho biết, Công an tỉnh Bình Thuận sẽ kiên quyết xử lý nghiêm các hiện tượng gây hại đến môi trường và cuộc sống của người dân.

Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 thuộc trung tâm Điện lực Vĩnh Tân đóng tại địa bàn huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận do công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân điều hành, quản lý. Nhà máy do tổng công ty Phát điện 3 (tập đoàn Điện lực Việt Nam) làm chủ đầu tư. Nhà máy gồm 2 tổ máy với tổng công suất 1.244 MW, cung cấp khoảng 7,5 tỷ kWh/năm, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo cung ứng điện cho miền Nam. Riêng với vấn đề tái sử dụng tro, xỉ, hiện tại, công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân đã ký hợp đồng với công ty cổ phần Đầu tư Mãi Xanh, bao tiêu toàn bộ lượng tro, xỉ của nhà máy để sản xuất vật liệu xây dựng, gạch không nung. 

V.Cường - N.Trần