Thiết bị đo nồng độ… “được mùa”
Từ ngày 1/1, luật Phòng chống tác hại rượu bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực. Lần đầu tiên người đi xe đạp vi phạm nồng độ cồn sẽ bị xử phạt cao nhất tới 600.000 đồng. Với tài xế ôtô, mức phạt tối đa 40 triệu đồng; tài xế xe máy 8 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 24 tháng.
Mức phạt nghiêm và có sức răn đe này đang khiến các “tín đồ nhậu” lo lắng và mỗi khi bạn nhậu rủ họ đều băn khoăn, lo lắng.
Khi không thể khước từ và vẫn phải thường xuyên đi nhậu thì đã không ít người “xách tay” theo thiết bị đo nồng độ cồn và tìm hàng nghìn cách để đối phó với CSGT.
Lợi dụng tâm lý này của dân nhậu, hàng loại thiết bị đo nồng độ cồn được tung ra trên thị trường với nhiều loại giá.
PV tìm một địa chỉ bán máy đo nồng độ cồn và kiểm tra lượng bia rượu thì được nhân viên tại địa chỉ web này giới thiệu rất nhiều loại máy có mệnh giá từ 2 triệu đến 15 triệu đồng. Chị L. (nhân viên bán hàng) hồ hởi nói: “Thời gian gần đây máy đo nồng độ cồn tại nhà em lại đông người hỏi đến vậy, cứ như “được mùa” ấy. Có người còn đặt một lúc 2 đến 3 cái để dùng dần”.
Theo lời chị L., máy đo nồng độ cồn của “cửa hàng” chị được nhập khẩu nên yên tâm về chất lượng. Những loại máy này đều chính hãng và có giá rẻ nhất. Khi PV hỏi về chất lượng cũng như mức độ bảo hành thì chị L. nhanh miệng: “Cứ mua về, uống bia rượu vào thổi cái lên luôn. Đo còn chuẩn cực chuẩn. Những loại máy này nhỏ gọn có thể cầm tay, để trong túi xách, trong xe. Có nó đi uống rượu, bia cũng yên tâm hơn nhiều. Người dùng chỉ cần khởi động thiết bị máy sẽ cho ra thông tin chính xác trong vài giây”, nhân viên L. phân tích.
Nhưng khi PV hỏi rõ hơn về nguồn gốc xuất xứ thì chị L. ậm ừ: “Chỉ cần biết máy nhập khẩu là sẽ tốt, thổi lên được nồng độ cồn thì quá chính xác, cần gì phải hỏi nhiều”.
Để tìm hiểu thêm, PV đã vào tiếp một số trang mạng điện tử và cửa hàng điện tử thì đều được giới thiệu rằng họ có những thiết bị đo nồng độ cồn rất chuẩn xác. Nguồn gốc xuất xứ đều là hàng nhập khẩu.
Anh Ph. (bán thiết bị điện tử tại Hà Đông, Hà Nội) cho hay: “Thực ra mấy hôm nay thiết bị đo nồng độ cồn mới đắt khách như vậy. Chứ trước ế ẩm lắm, vì ai cần. Nhiều người họ có tiền, họ ngại gì mà không mua hàng đắt, hàng chất lượng để phòng thân. Nói thực, về có dùng được hay thổi lên hay không còn tùy thuộc vào độ may mắn của khách hàng”.
“Uống rượu, bia rồi có “xách tay” theo thiết bị đo nồng độ cồn cũng như không”
Đã từng là “nạn nhân” của thiết bị đo nồng độ cồn, anh Q. buồn rầu nói: “Từ khi xử “gắt” việc uống bia rượu khi lái xe tôi lo sợ lắm. Nhưng bạn bè mời cứ từ chối mãi sao được. Vì thế, để an toàn tôi đã mua sản phẩm giải rượu cộng theo đó là thiết bị đo nồng độ cồn. Khi mua tôi cũng đã hỏi rất kỹ nhân viên bán hàng và tin tưởng vào thiết bị này lắm. Nhưng, sự thật thì không như thế.
Hôm đó, bạn rủ đi nhậu tôi đã tự tin mang theo hai “bùa hộ mệnh” của mình. Nhậu xong tôi dùng sản phẩm giải rượu sau đó thử thổi thiết bị đo nồng độ cồn thì thấy không lên, hoặc lên rất thấp.
Ai ngờ, chúng tôi đã bị lực lượng chức năng kiểm tra và nồng độ cồn trong người tôi đã vượt quá quy định cho phép. Sau này tôi mới biết, máy đo nồng độ cồn mà tôi sử dụng chỉ là hàng Trung Quốc, các chỉ số sai lệch và nhảy lung tung hết”.
Còn anh Vinh cũng đã mua thiết bị đo nồng độ cồn, nhưng vì không có tiền nên anh mua loại rẻ. Mặc dù vợ anh cảnh báo nhưng anh không tin. “Tôi đặt trên mạng nên đã đặt dính loại máy rởm. Khi hàng được gửi về nhà, tôi uống rượu thổi nồng độ cồn thì không lên. Trong khi, vợ tôi uống có cốc nước ngọt thổi lại lên. Đúng là bi hài! Vậy nên, từ giờ đi nhậu tôi sẽ hạn chế uống bia rượu, nếu có uống tôi sẽ gọi vợ đón hoặc thuê xe về để an toàn hơn”.
Chia sẻ với PV về việc một số “tín đồ nhậu” đang săn lùng thiết bị đo nồng độ cồn, Đại úy Trần Quang Chinh, Đội phó Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) số 6, CA Hà Nội cho biết: “Việc mua máy đo nồng độ cồn không nên. Vì bản thân mình uống bao nhiêu là do mình cảm nhận biết được. Nếu không sử dụng rượu bia khi lái xe thì không có cơ quan chức năng nào xử lý cả. Phải là những trường hợp chúng tôi thấy có hiện tượng sử dụng bia rượu chúng tôi mới yêu cầu dừng xe để kiểm tra.
Các loại thiết bị đo nồng độ cồn trên thị trường hiện nay có chính xác hay không là không thể biết được vì đây là các trang mạng đưa lên, cũng chưa có cơ quan chức năng nào kiểm chứng. Vì thế, người dân hãy hạn chế uống bia rượu và khi có nồng độ cồn trong người hãy có ý thức tham gia giao thông bằng các phương tiện khác như taxi, grab, gọi người thân... để bảo vệ cho chính bản thân mình và những người xung quanh".
Mai Thu