Có bắt buộc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi 3, mũi 4?
Trao đổi Vnexpress, PGS Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa Y tế Công cộng, Trường Đại học Y Dược Tp.HCM, miễn dịch cộng đồng sẽ giảm theo thời gian, do đó vẫn cần tiêm vắc-xin mũi nhắc lại. Việc này không chỉ tạo miễn dịch bền vững mà quan trọng là bảo vệ người tiêm.
Các nghiên cứu ghi nhận, tiêm vắc-xin mũi 4 giúp người lớn tuổi giảm 50% nguy cơ bệnh nặng so với người chỉ tiêm 3 mũi. Ở người trẻ tuổi, tiêm mũi 4 cũng giúp giảm 40% nguy cơ nhiễm Covid-19 có triệu chứng, từ đó giúp hạn chế nguy cơ gián đoạn công việc, học tập cũng như giảm nguy cơ bị hậu Covid-19.
"Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo, các nước có thể cân nhắc giữa lợi ích của mũi 4 và kinh phí bỏ ra mua vắc-xin. Nếu Việt Nam đã sẵn có vắc-xin, việc tiêm mũi nhắc lại sẽ có nhiều lợi ích", ông Dũng nói.
Đồng quan điểm, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế Tp.HCM cho rằng, vắc-xin ngừa Covid-19 là vũ khí quan trọng nhất để chấm dứt đại dịch, bảo vệ người dân, làm giảm nguy cơ tử vong nếu không may mắc bệnh. Việc tiêm các mũi nhắc lại nhằm khôi phục khả năng đáp ứng miễn dịch của cơ thể đã bị suy giảm theo thời gian, đặc biệt ở nhóm nguy cơ cao như trẻ em, người lớn tuổi và người mắc bệnh nền; bảo đảm duy trì miễn dịch cộng đồng, kiểm soát dịch bền vững.
Hiện, số vắc-xin Bộ Y tế tiếp nhận đủ để tiêm mũi 3, 4 cho người từ 18 tuổi trở lên và đủ để sử dụng tiêm hai liều cơ bản cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, trong tháng 6.
Tại Hội nghị tăng cường triển khai tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 chiều 13/6, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, Thủ tướng luôn nhắc Việt Nam kiểm soát được đại dịch Covid-19 nhờ một trong những nội dung quan trọng nhất là tiêm vắc-xin. Tỷ lệ tiêm mũi một, mũi hai của người dân nước ta rất cao so với nhiều nước trên thế giới. "Dù đất nước đã ở trạng thái bình thường mới nhưng chúng ta không thể lơ là, phải tiếp tục đẩy nhanh tiêm chủng các mũi tiếp theo", bà Hương nói.
Đặc biệt với nhóm nguy cơ cần tiêm mũi nhắc lại, theo bà Hương, phải đẩy mạnh tiêm cho người lao động tại khu công nghiệp, khu chế xuất để đảm bảo sản xuất; tiêm cho trẻ em để an toàn cho năm học mới. Đối với những người sợ gặp phản ứng phụ, các địa phương thu xếp cho họ tiêm ở cơ sở y tế, kể cả tiêm ngoài giờ.
Theo Bộ Y tế, nCoV liên tục tiến hóa, khó xác định tính nguy hiểm của các biến thể. Hiện, Omicron là biến thể phổ biến trên thế giới nhưng vẫn có thể xuất hiện loại mới, có khả năng làm giảm hiệu quả vắc-xin hoặc miễn dịch khiến người bệnh có triệu chứng nghiêm trọng hoặc tử vong, đặc biệt ở các nhóm dễ bị tổn thương. Do đó, vắc-xin tiếp tục được xem là "vũ khí chiến lược" quyết định nền tảng trong phòng chống Covid-19.
Theo số liệu trên VTC News, tính tới 16/6, cả nước tiêm được 224.618.268 liều vắc-xin phòng Covid-19. Trong đó số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 201.565.489 liều (Mũi 1: 71.488.085 liều; Mũi 2: 68.825.867 liều; Mũi 3: 1.507.422 liều; Mũi bổ sung: 15.024.928 liều; Mũi nhắc lại lần 1: 43.251.900 liều; Mũi nhắc lại lần 2: 1.467.287 liều). Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.510.814 liều (Mũi 1: 8.952.753 liều; Mũi 2: 8.558.061 liều). Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 5.541.965 liều (Mũi 1: 4.834.559 liều; Mũi 2: 707.406 liều).
Cuối tháng 5, Bộ Y tế có công điện đề nghị các tỉnh, thành phố tổ chức tiêm chủng mũi 4 cho nhóm từ 50 tuổi trở lên, cho người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng, người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với Covid-19 như cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu, công nhân, người làm việc trong các khu công nghiệp theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Hiện, một số địa phương bắt đầu triển khai tiêm vắc-xin mũi 4 cho người dân trong đó có Hà Nội, Tp.HCM và Quảng Ninh.
Lợi ích của việc tiêm phòng vắc-xin Covid-19 mũi 4
Theo trang Dailymail của Anh, kết quả phân tích từ một hệ thống dữ liệu thực tế tại Israel cho thấy mũi vắc-xin thứ 4 ngừa Covid-19 có thể giúp giảm khoảng 75% nguy cơ tử vong ở người trên 60 tuổi. Đây là nghiên cứu đầu tiên sử dụng hệ thống dữ liệu đời thực quy mô lớn như vậy.
Các nhà nghiên cứu đã tiến hành tổng hợp, phân tích dữ liệu của 260.000 người Israel và so sánh hiệu quả giữa mũi vắc-xin thứ 4 và mũi thứ 3 tiêm trước đó ít nhất 4 tháng.
Kết quả cho thấy, ngoài hiệu quả ngăn ngừa nguy cơ tử vong, mũi vắc-xin thứ 4 còn có thể giảm 62% nguy cơ bệnh chuyển nặng, giảm 68% nguy cơ nhập viện, 55% nguy cơ xuất hiện các triệu chứng khi nhiễm Covid-19, và giảm 45% nguy cơ mắc bệnh.
Từ dữ liệu trên, Phó Giáo sư về vi sinh vật học tế bào tại Đại học Reading của Anh, ông Simon Clarke, khuyến nghị Chính phủ Anh triển khai tiêm mũi vắc-xin thứ 4 ngừa Covid-19 cho tất cả những người trên 60 tuổi, thay vì chỉ nhắm đến nhóm người trên 75 tuổi như hiện nay.
Ông Clarke nhấn mạnh sự cần thiết phải hạ độ tuổi đủ điều kiện tiêm mũi thứ 4 trong nhóm người cao tuổi.
Tuy nhiên, một số chuyên gia khác cho rằng lợi ích của mũi tiêm thứ 4 trong việc ngăn chặn số ca tử vong không cao hơn so với mũi thứ 3.
WHO kêu gọi các quốc gia tăng tỉ lệ tiêm chủng
Theo TTXVN, trong một bản tổng hợp các nghiên cứu từ khắp thế giới, WHO cho biết tỉ lệ dân số có lượng kháng thể Covid-19 đáng kể đã tăng từ mức 16% vào tháng 2/2021 lên mức 67% vào tháng 10/2021.
Theo WHO, hơn 2/3 dân số thế giới có thể đã có lượng kháng thể Covid-19 đáng kể, có nghĩa là đã từng mắc bệnh hoặc đã được tiêm chủng.
Với sự xuất hiện của biến thể Omicron có tốc độ lan truyền nhanh, tỉ lệ này hiện nay có thể thậm chí còn cao hơn.
Mặc dù vắc-xin chỉ có tác dụng phòng ngừa ở mức vừa phải đối với biến thể Omicron, WHO vẫn kêu gọi các quốc gia tăng tỉ lệ tiêm chủng, đặc biệt là đối với những người thuộc nhóm nguy cơ cao, bởi miễn dịch nhờ tiêm vaccine có hiệu quả ngăn ngừa nguy cơ bệnh chuyển nặng cao hơn so với miễn dịch có được sau lần mắc trước đó.
Hầu hết các nghiên cứu cho thấy, những người vừa mắc Covid-19 vừa được tiêm chủng có khả năng phòng ngừa tốt nhất đối với nguy cơ bệnh diễn tiến nghiêm trọng, mặc dù vẫn chưa rõ kết quả này có đúng đối với các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 hay không.
Dữ liệu cho thấy lượng kháng thể Covid-19 ở trẻ em từ 9 tuổi trở xuống và những người trên 60 tuổi thấp hơn so với những người ở độ tuổi 20. Tại các nước có thu nhập thấp và trung bình, phần lớn trường hợp có kháng thể là do đã từng mắc Covid-19 hơn là nhờ tiêm chủng.
WHO cho biết lượng kháng thể thường giảm dần theo thời gian và mức độ cũng như khả năng tồn tại của miễn dịch phụ thuộc vào nhiều yếu tố, do vậy, cần thực hiện thêm các nghiên cứu để xác định khả năng phòng ngừa giảm như thế nào.
Biến thể phụ BA.4, BA.5 của Omicron gia tăng tại một số nước, Bộ Y tế chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch
Theo Bộ Y tế, SARS-CoV-2 liên tục tiến hóa, khó xác định tính chất nguy hiểm của các biến thể và mức độ tăng nặng và tử vong. Hiện, Omicron là biến thể phổ biến trên thế giới nhưng vẫn chưa phải là biến thể cuối cùng. Có thể xuất hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có khả năng làm giảm hiệu quả vắc-xin hoặc miễn dịch, khiến ca nhiễm có triệu chứng nghiêm trọng hoặc tử vong tăng lên, đặc biệt ở các nhóm dễ bị tổn thương.
Trước những biến thể khó lường, Bộ Y tế nhấn mạnh tiếp tục coi văc-xin là "vũ khí chiến lược", là yếu tố quyết định, nền tảng trong phòng, chống dịch Covid-19; đẩy mạnh tiêm vắc-xin mũi 3 cho đối tượng được chỉ định tiêm trong quý II/2022; hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho trẻ em từ 12-18 tuổi; đẩy nhanh tiến độ phân bổ vắc-xin tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, hoàn thành việc tiêm chủng trong quý II/2022 để bảo đảm an toàn cho trẻ trong kỳ nghỉ hè và chuẩn bị cho năm học mới.
Theo đó, Bộ Y tế tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch, sự xuất hiện của các biến chủng mới; thường xuyên trao đổi với WHO để cập nhật thông tin kịp thời, chính xác về các biến chủng. Xây dựng phương án bảo đảm công tác y tế ứng phó với các tình huống dịch Covid-19 giai đoạn 2022 - 2023.
Trúc Chi (t/h)