Vì sao giá xăng, dầu giảm liên tiếp, giá cả hàng hóa vẫn đứng yên?

Vì sao giá xăng, dầu giảm liên tiếp, giá cả hàng hóa vẫn đứng yên?

Vũ Thu Hương

Vũ Thu Hương

Thứ 7, 30/07/2022 19:00

Dù giá xăng, dầu đã liên tục được điều chỉnh giảm nhưng giá thực phẩm, rau quả… vẫn đứng yên. Vai trò của việc điều tiết giá vì thế cần chú trọng hơn bao giờ.

Chuyện “đục nước béo cò” của một bộ phận tiểu thương

Theo VOV, mặc dù giá các mặt hàng xăng, dầu đã liên tục được điều chỉnh giảm và giảm mạnh trong suốt gần 1 tháng qua - nhờ vào đà giảm của giá xăng dầu trên thị trường thế giới, cùng với việc giảm thuế/phí môi trường và quyết tâm của Chính phủ, các ngành chức năng trong điều hành, nỗ lực của doanh nghiệp đảm bảo nguồn cung ứng xăng, dầu phục vụ đi lại của nhân dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế.

Vậy mà, suốt gần 1 tuần qua, khi xăng dầu đã giảm giá mạnh tới lần thứ 3 liên tiếp, nhưng các loại hàng hoá, dịch vụ trên thị trường hầu như vẫn “giậm chân tại chỗ”.

Theo Kinh tế và Đô thị, khảo sát tại một số chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội như chợ: Thành Công, Hà Đông, Phùng Khoang… cho thấy, giá các loại rau xanh, thực phẩm tươi sống, đồ khô, dầu ăn, mì tôm… đều neo ở mức cao. Cụ thể, thịt lợn dao động từ 110.000 – 150.000 đồng/kg (tăng 20.000 đồng/kg so với tháng trước); dầu ăn Simply có giá 130.000 đồng/chai 2 lít (tăng 15.000 đồng); mì tôm tăng từ 10.000 – 15.000 đồng/thùng…

Xu hướng thị trường - Vì sao giá xăng, dầu giảm liên tiếp, giá cả hàng hóa vẫn đứng yên?

Khi xăng dầu đã giảm giá mạnh tới lần thứ 3 liên tiếp, nhưng các loại hàng hoá, dịch vụ trên thị trường hầu như vẫn “giậm chân tại chỗ”. Ảnh minh hoạ từ internet

VOV cho hay giá cả hàng hóa phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có xăng dầu. Theo tính toán, giá xăng dầu tác động trực tiếp và mạnh nhất đến ngành vận với tỷ trọng khoảng 30-40% chi phí của ngành này, và chiếm tỷ trọng dưới 4% đối với với ngành sản xuất hàng hóa khác. Khi xăng dầu tăng 10% tạo áp lực tăng giá trực tiếp lên các loại hàng hóa khoảng 3-4%.

Mặc dù rất thông cảm với doanh nghiệp, tiểu thương khi hàng loạt nguyên, vật liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các ngành sản xuất (từ năng lượng - nhiên liệu đến hoá chất, phân bón, thức ăn chăn nuôi…) đều có sự gia tăng về giá do ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga - Ukraine và lạm phát cao tại nhiều quốc gia… Song, giới phân tích khẳng định: rất nhiều loại hàng hoá, dịch vụ đã tạo lập một “mặt bằng giá mới”, cao hơn nhiều so với đà tăng của giá xăng, dầu và các loại hàng hoá nguyên liệu đầu vào là không thể chấp nhận được!

Ghi nhận những ngày qua nhiều trung tâm thương mại, hệ thống phân phối bán lẻ đã tiết giảm tối đa chi phí và lợi nhuận để giảm giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống cho người tiêu dùng, song, tỷ lệ này là quá nhỏ. Hơn 70% tiêu dùng trong các gia đình, từ quả trứng, mớ rau, con cá, miếng thịt… đều từ chợ truyền thống, phục vụ đại bộ phận người dân cả nước.

Việc tăng từ vài trăm, đến vài nghìn, thậm chí là vài chục nghìn đối với mỗi kg thực phẩm - nghĩa là đã tăng tới vài chục - thậm chí là cả trăm %, là đang có chuyện “đục nước béo cò”, “té nước theo mưa” của một bộ phận không nhỏ tiểu thương, những người kinh doanh, đưa hàng hoá đến tay người tiêu dùng.

Tăng cường kiểm soát giá các loại hàng hoá

Theo VOV, mặc dù mong muốn người tiêu dùng thông thái hơn trong lựa chọn hàng hoá, dịch vụ; kêu gọi - đề cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và các nhà sản xuất - kinh doanh, cùng chia sẻ gánh nặng với cộng đồng… Song, giới phân tích cũng viện dẫn các quy định từ “Luật giá” - quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong quản lý, điều tiết giá. 

Đồng thời nhấn mạnh việc tăng cường kiểm soát giá các loại hàng hóa, đặc biệt là những hàng hóa thực hiện bình ổn giá (là những loại hàng hóa thiết yếu cho sản xuất, đời sống), như: xăng dầu, vật tư xây dựng, cước phí vận tải, nguyên liệu đầu vào của nông nghiệp…

Rõ ràng, giá xăng dầu giảm liên tục ngay trong những ngày đầu, tháng đầu của quý 3 có tác dụng rất lớn trong việc giảm áp lực về giá các mặt hàng trong rổ hàng hóa tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI), qua đó góp phần quan trọng trong việc kiểm soát lạm phát những tháng cuối năm và cả năm 2022 này.

Nỗ lực để giảm giá xăng dầu của Chính phủ thời gian qua là rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, việc giảm tác động của các “chi phí đẩy” - một trong những giải pháp để giảm áp lực lạm phát thì lại chưa đạt được như kỳ vọng.

Theo tính toán, tại kỳ điều hành ngày 1/8 tới đây giá xăng dầu trong nước khả năng sẽ tiếp tục giảm. Cùng với biện pháp điều hành, tạo dư địa để có thể giảm giá sâu hơn mặt hàng xăng dầu, các chuyên gia khuyến nghị cũng cần có ngay các biện pháp kiểm soát, đánh giá tác động của giá xăng dầu lên giá của các sản phẩm hàng hóa bán ra, đặc biệt là các loại hàng hóa cơ bản, thiết yếu. Chỉ khi kiểm soát giá tốt thì thị trường sẽ tự điều chỉnh về mức hợp lý - và đó là trách nhiệm thuôc về cơ quan quản lý.

Chia sẻ về vấn đề này với Kinh tế và Đô thị, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết, thông thường, khi giá xăng dầu tăng sẽ tác động đến giá các loại hàng hóa khác và tạo nên mặt bằng giá mới. Do đó, cơ quan quản lý Nhà nước phải can thiệp ngay từ đầu. Mặc dù giá xăng dầu đã giảm nhưng phía nhà cung ứng nguyên liệu, hàng hóa vẫn đang nghe ngóng, cân nhắc, còn đang nghi ngại liệu giá xăng có giảm ở mức bền vững không. Cần tăng cường kiểm soát giá các loại hàng hóa, đặc biệt là những hàng hóa thực hiện bình ổn giá, bao gồm giá xăng dầu, vật tư xây dựng, cước phí vận tải, nguyên liệu đầu vào của nông nghiệp, giá một số thiết bị vật tư, y tế, giáo dục.

Đào Vũ (T/h)

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.