Vì sao lũ lụt hoành hành châu Á?

Không chỉ Việt Nam, nhiều quốc gia ở châu Á như Bangladesh, Trung Quốc, Campuchia… cũng đang phải gánh chịu những hậu quả khắc nghiệt từ lũ lụt. Điều này xuất phát từ nhiều lý do cả về tự nhiên lẫn phi tự nhiên.

img

Nobiron, thiếu phụ 54 tuổi sống gần con sông Brahmaputra phía Bắc Bangladesh đã chứng kiến ngôi nhà và tất cả đồ đạc của mình bị phá hủy khi lũ quét qua làng vào tháng 6 và tháng 7 vừa qua. "Tôi chẳng còn gì cả”, bà chia sẻ với tờ Nikkei Asia. "Tôi chưa từng mất mát nhiều đến thế vì lũ lụt. Ngôi nhà tổ tiên để lại đã trôi theo dòng nước cùng với toàn bộ những gì tôi dành dụm được cả đời".

Bangladesh là quốc gia nằm ở vùng đồng bằng vốn thường xuyên hứng chịu lũ lụt vì gió mùa. Năm nay, quốc gia Nam Á đã chứng kiến những hậu quả thảm khốc chưa từng có vì mưa lũ. Có thời điểm, đến 1/3 diện tích quốc gia bị nước nhấn chìm. Nhưng Bangladesh không phải là nạn nhân duy nhất gánh chịu cơn giận của thiên nhiên. Kể từ tháng 6, các đợt mưa lớn đã gây ra lũ lụt diện rộng trên nhiều khu vực phía Đông, Đông Nam và Nam Á. Ngay cả các quốc gia như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Indonesia, Nepal, Pakistan, Ấn Độ cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ. Hàng triệu người mất nhà cửa và tổn thất về sinh mạng cũng lên đến hàng trăm người.

"Mô hình dự đoán cho thấy tình hình biến đổi khí hậu tại châu Á sẽ dẫn đến nhiều lũ lụt hơn, đặc biệt là vào mùa mưa”, Homero Paltan Lopez, chuyên gia nghiên cứu nước từ ĐH Oxford nhấn mạnh. Tại Đông Nam Á, đã có 17 triệu người chịu ảnh hưởng vì lũ lụt trong năm nay và tình hình sẽ còn tệ hơn khi mùa mưa bão đang đến.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng lũ lụt ngày càng cực đoan và nghiêm trọng. "Vấn đề không chỉ là lũ, mà còn là chu kỳ nước, là dòng chảy - những thứ ngày càng có nhiều biến động và trở nên khó dự đoán", Lopez cho biết. Các chuyên gia cũng giải thích, các yếu tố khác như biến đổi khí hậu, khí thải nhà kính và một số yếu tố phi khí hậu như di cư và phát triển xã hội cũng là nguyên nhân gây nên thiên tai khó lường.

Bên cạnh đó, chúng ta vẫn nói nhiều đến những tác động khác từ con người như chặt phá rừng bừa bãi, cải tạo đất đai, phát triển cơ sở hạ tầng dày đặc… phần nào đó làm mất đi những rào chắn chống lụt tự nhiên, khiến cho hậu quả về lũ lụt không được kiểm soát. Các yếu tố này khiến các khu vực dân cư sinh sống dễ bị ngập hơn, kể cả khi bỏ qua tác động của biến đổi khí hậu.

Lũ lụt miền Trung năm 2020 được xem là một đợt lũ lụt lịch sử, được đặt mức báo động IV, gây ra rủi ro rất lớn, ảnh hưởng sâu rộng đến kinh tế – xã hội của khu vực. Các chuyên gia khí tượng cho biết miền Trung mưa triền miên trong những ngày qua dẫn tới lũ lịch sử là do tác động của nhiều hình thái thời tiết nguy hiểm. Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo khí hậu, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, mưa lũ là do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới, hiện tượng La Nina, tác động của biến đổi khí hậu với các hình thái thời tiết nguy hiểm như bão, không khí lạnh.

Với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình hình thời tiết khó nắm bắt, người dân miền Trung từ lâu đã xác định phải sống chung với lũ, cố gắng giảm thiểu thiệt hại về người và của. Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do mưa lũ gây ra, các địa phương cần bố trí các lực lượng kiểm soát, hướng dẫn, thông tin để đảm bảo an toàn cho người dân, tiến hành phương án sơ tán dân đến nơi an toàn. Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, thông tin kịp thời đến chính quyền và người dân để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.

Chúng ta phải xác định chống lũ là cuộc chiến lâu dài, từ năm này qua năm khác. Thiên tai là điều khó nắm bắt hay ngăn chặn hoàn toàn. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể giảm thiểu tác hại bằng những giải pháp chủ động trong dài hạn, như hạn chế tàn phá rừng bừa bãi, quy hoạch cơ sở hạ tầng khoa học. Hay những giải pháp ứng phó tình thế, như theo dõi chặt thông tin về tình hình thời tiết, trang bị các công cụ khẩn cấp, hỗ trợ mùa mưa bão, tham gia các sáng kiến như nhà phao chống lũ… Đã có nhiều bi kịch đau xót về người và của do cơn thịnh nộ của thiên nhiên, nhưng chúng ta có thể tránh được điều đó lặp lại vào những mùa lũ năm sau bằng cách chuẩn bị tốt hơn.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!

img