"Việc này nhà trường không thể kiểm soát"

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:07
0
– Nguoiduatin.vn đã có bài phản ánh “Muốn đỗ đại học, phải nộp 4 triệu “chống trượt” liên quan đến việc đào tạo liên thông từ cao đẳng lên đại học của Học viện Tài chính.

Sau sự việc này, PV Nguoiduatin.vn đã có buổi làm việc với đại diện của trường Học viện Tài chính, nhà trường đã khẳng định không liên quan đến cơ sở tuyển sinh này.

PGS TS Phạm Văn Liên, Trưởng ban Quản lý đào tạo Học viện Tài Chính khẳng định: “Trong năm sáu năm trở lại đây, kể từ khi PGS. TS Ngô Thế Chi nhận chức, Học viện Tài chính chưa xảy ra bất kỳ một trường hợp tiêu cực nào trong tất cả các loại hình tuyển sinh, từ đại học, tại chức, liên thông, đến sau đại học. Bộ Giáo dục và Bộ Tài chính đã đánh giá rất cao hoạt động của nhà trường trong công tác phòng chống tiêu cực trong tuyển sinh và đào tạo.

Tất cả các khâu tuyển sinh được nhà trường quản lý rất chặt chẽ, triển khai bài bản theo từng bước và nhất thiết phải thông qua bằng các văn bản, quyết định có sự phê duyệt của Giám đốc Học viện. Chẳng hạn, khi có quyết định về việc tổ chức tuyển sinh hệ liên thông đại học, nhà trường sẽ có những thông báo cụ thể về việc thu hồ sơ, thu lệ phí thi, thời gian thi, chương trình đào tạo, thời gian học… đến các đơn vị liên kết. Các thông báo này đều được giám đốc học viện thông qua và có ký duyệt, đóng dấu”.

Ảnh minh họa

Ông cũng cho biết thêm: "Trong số tất cả các đơn vị liên kết triển khai công tác tuyển sinh hệ liên thông của nhà trường, từ trước đến nay, chưa có bất kỳ một đơn vị nào vi phạm nguyên tắc làm việc do nhà trường quy định. Tất cả các đơn vị này đều thực hiện rất tốt yêu cầu tuyển sinh của nhà trường, đảm bảo tuyển chọn được đội ngũ sinh viên thực sự có năng lực và kiến thức để đào tạo tiếp.

Năm nay, Học viện Tài chính không có bất cứ một thông báo nào về việc tuyển sinh hệ liên thông tại các trung tâm dạy nghề. Việc các trung tâm dạy nghề lợi dụng uy tín của nhà trường để trục lợi cá nhân là chắc chắn có, tuy nhiên nhà trường không thể kiểm soát được việc này.

Mỗi năm, nhà trường được bộ giáo dục cho phép tuyển sinh 2000 chỉ tiêu bao gồm hệ tại chức, liên thông.… Con số này là quá ít so với nhu cầu thực tế hiện nay. Số lượng tuyển vào có hạn, trong khi đó các hồ sơ đăng ký dự thi lại quá nhiều. Trước tình hình đó nhiều cơ sở tuyển sinh đã nắm được nhu cầu mong muốn chắc một chân trong học viện mà lợi dụng sự cả tin của họ để lừa bán hồ sơ lấy tiền".

Ông Ngô Văn Hiền, Chánh Văn phòng trường Học viện Tài chính cho biết: Theo tôi, có thể những kẻ gian đã lợi dụng sự cả tin của những người mua hồ sơ bằng cách dụ họ nộp tiền cho mình và hứa sẽ âm thầm giúp đỡ hoặc nhờ cậy người quen trong các trường. Thực chất, những kẻ gian chỉ tự nhận là có đường dây giúp đỡ còn trên thực tế, họ hoàn toàn không có được sự móc nối với cá nhân nào trong các trường đại học cả. Các sĩ tử vẫn phải tự lực cánh sinh. Nếu thí sinh thi đỗ, những người này sẽ nhận là nhờ sự giúp sức của họ các sĩ tử mới được như thế, còn nếu trượt thì họ sẽ trả lại một nửa hoặc toàn bộ số tiền. Làm như thế, đương nhiên những kẻ gian chẳng mất chút sức lực nào, ngược lại rất dễ dàng rút được tiền của những người nhẹ dạ cả tin.

Hà Trang - Hồng Thanh