Việc nghiên cứu nguồn gene quý đang bị bỏ lửng

Việc nghiên cứu nguồn gene quý đang bị bỏ lửng

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:44
0
Giống nhãn tím là một nguồn gene trái cây quý hiếm, nhưng đến nay việc nghiên cứu, đánh giá nguồn gene này vẫn bị bỏ lửng.

Theo các chuyên gia nghiên cứu nông nghiệp tại các tỉnh phía Nam cho biết hiện nay, toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long có trên 45.000 ha nhãn các loại, tập trung lớn nhất tại tỉnh Vĩnh Long với trên 9.000 ha, nhưng hầu như chưa có nơi nào có giống nhãn cho trái màu tím như ở gia đình ông Bảy Huy ở Sóc Trăng.

Xã hội - Việc nghiên cứu nguồn gene quý đang bị bỏ lửng

TS Võ Công Thành cho rằng hiện tượng đột biến khá lạ trên có liên quan tới di truyền

Trao đổi với PV Người đưa tin, ông Bảy Huy tâm sự: "Hiện nay, giống nhãn tím do tôi phát hiện vẫn chưa được cơ quan chức năng nghiên cứu và công nhận nguồn gene. Trước đây, nông dân Chín Hóa ở huyện Chợ Lách (Bến Tre) cũng tình cờ phát hiện ra giống sầu riêng cơm vàng hạt lép rất ngon, và sau đó được Bộ NN&PTNT công nhận sầu riêng Chín Hóa là giống cấp quốc gia.

Nay tôi cũng là nông dân, may mắn phát hiện ra giống nhãn tím rất lạ. Vì thế, tôi mong muốn được các nhà khoa học, ngành nông nghiệp… nghiên cứu kỹ về giống nhãn lạ này. Nếu là giống quý thì tôi sẵn sàng hợp tác cùng các cơ sở sản xuất giống, ngành liên quan… tăng cường nhân giống và phổ biến rộng".

Ông Bùi Thanh Liêm, trưởng phòng NN&PTNT huyện Chợ Lách (Bến Tre), Trưởng ban tổ chức lễ hội Trái ngon huyện Chợ Lách, thừa nhận: "Huyện Chợ Lách qua 12 năm tổ chức "lễ hội trái cây ngon", từng gặp rất nhiều loại trái cây lạ, độc đáo. Nhưng quả thật trái nhãn tím của nông dân Bảy Huy quá lạ, tôi chưa bao giờ nhìn thấy và không thể ngờ là tại miền Tây lại có một giống gene quý giá đến như vậy".

Nhận xét về cây nhãn tím, tiến sĩ Võ Công Thành, Bộ môn di truyền - chọn giống và ứng dụng công nghệ sinh học, khoa Nông nghiệp, trường ĐH Cần Thơ cho biết: "Đây là hiện tượng đột biến khá lạ trên cây nhãn có liên quan tới di truyền. Muốn rõ hơn về hiện tượng này, cũng như những biến đổi (nếu có) trong chất lượng trái, cần có những nghiên cứu, phân tích sâu hơn".

Hiện tượng đột biến trên cây nhãn

Tiến sĩ Nguyễn Thị Xuân Thu, Trưởng bộ môn Khoa học cây trồng, trường ĐH Cần Thơ, nhận định: "Trước mắt, có thể nói đây là hiện tượng đột biến hy hữu trên cây nhãn. Trong thiên nhiên, nhiều giống cây cũng có hiện tượng này song với nhãn tím, để có kết luận khoa học cần phải tiến hành nghiên cứu chuyên sâu".

P.Phúc