Việc xử lý chưa nghiêm, người dân bức xúc

Việc xử lý chưa nghiêm, người dân bức xúc

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:45
0
Những án mạng nghiêm trọng liên quan đến nạn trộm chó xảy ra liên tục trong thời gian qua khiến dư luận rùng mình. Nhiều câu hỏi được đặt ra, đâu là lý, đâu là tình khi người dân dùng "luật rừng" tự xử những "cẩu tặc" mức án cao nhất.

Xung quanh vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược (Bộ Công an).

Tự “xử” là vi phạm pháp luật

Những năm gần đây, đội quân bắt trộm chó "lộng hành" ở khắp các tỉnh thành trên cả nước gây bức xúc trong quần chúng. Ông có nhìn nhận gì về hiện trạng này?

Theo quan điểm của tôi, hiện tượng trộm chó ngày càng diễn biến phức tạp và có dấu hiệu không bình thường. Đối tượng ăn trộm thường hoạt động một cách có hệ thống, tổ chức và vô cùng manh động. Chúng sẵn sàng chống trả một cách quyết liệt người truy đuổi, tấn công bất kỳ ai ngăn cản đường tháo chạy của chúng. Thậm chí, "đội quân" này còn có hành động thù hằn đối với những gia đình bị trộm. Việc người dân căm phẫn, sẵn sàng truy bắt, xử lý những "cẩu tặc" cũng xuất phát từ nguyên do đó.

Xã hội - Việc xử lý chưa nghiêm, người dân bức xúc

Thiếu tướng Lê Văn Cương.

Bắt được kẻ trộm chó, thay vì giao cho cơ quan chức năng để giáo dục, xử lý, người dân lại hò nhau đánh chết cho hả giận dẫn tới hậu quả khôn lường. Ông đánh giá thế nào về thực tế này?

Nói gì thì nói, hành vi đánh chết người là vi phạm luật Hình sự. Người dân phản ứng trước cái xấu là điều đương nhiên nhưng họ cũng phải biết rằng họ không có quyền xử tội người trộm chó bằng việc đánh chết đối tượng. Hành vi trộm chó của "cẩu tặc" bị xử lý hành chính hay hình sự, xử lý ra sao... thuộc thẩm quyền, nhiệm vụ của các cơ quan chức năng, người dân không thể tự "xử".

Đặt trong trường hợp vừa xảy ra mới đây, khi đốt xe, đánh bị thương hay đánh chết "cẩu tặc", người dân đã tự đẩy mình vào tình thế vi phạm pháp luật và tệ hơn nữa là họ đã làm vô hiệu hóa bộ máy chính quyền ở đó. Không thể phủ nhận, đó là những hành vi có ý thức, mục đích rõ ràng, và phải bị xử lý theo pháp luật. Chiếu theo mức độ, những hành vi đó có thể cấu thành tội hủy hoại tài sản, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng hoặc có thể là tội giết người.

Những người dân vốn hiền lành, chất phác tại sao bỗng nhiên lại manh động, hung hãn, sẵn sàng lấy mạng "cẩu tặc" như vậy, thưa ông?

Đó là điều cần xem xét. Đúng như bạn nói, bản thân người dân trước đây có thể rất hiền lành, chất phác, chưa từng vi phạm pháp luật nhưng khi truy đuổi kẻ trộm chó họ sẵn sàng "xuống tay" tự "xử". Nguyên nhân sâu xa xuất phát từ thực tế người dân không tin vào việc xử lý những kẻ trộm chó của chính quyền địa phương. Các cơ quan chức năng chỉ bắt một hai hôm, xử phạt khoản tiền nào đó rồi thả mà không truy tố trước pháp luật. Họ không tin chính quyền sẽ xử lý nghiêm minh loại tội phạm này nên họ lựa chọn phương thức phạm pháp.

Khi "cẩu tặc" lộng hành, họ chấp nhận đánh hội đồng, có thể dẫn đến việc thủ phạm tử vong để được hả dạ. Mặt khác, người dân cũng muốn gửi một "thông điệp" cảnh báo đến những tên "cẩu tặc" khác lấy đó làm bài học để tránh xa khu vực này. Nếu tiếp tục ăn trộm sẽ phải chịu chung số phận. Có thể họ không ý thức được việc mình gây ra đã vi phạm luật Hình sự và họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Chính quyền địa phương những nơi đó yếu kém

Tuy nhiên, nhiều người băn khoăn, sẽ rất khó xác định ai là thủ phạm gây ra cái chết cho nạn nhân, bởi người ra tay là cả đám đông. Đây là bế tắc đối với cơ quan điều tra. Ông nhìn nhận thế nào về vấn đề này?

Điều này hoàn toàn chính xác. Phải khẳng định rằng sẽ rất khó xác định được đích danh thủ phạm. Theo tôi được biết, nhiều vụ đánh người trộm chó xảy ra cùng chung kịch bản, người trong làng cùng xông vào đánh, không có người cầm đầu, chủ mưu. Người đấm, người đạp, người dùng tay, người dùng gạch đá, gậy gộc. Người lớn có, phụ nữ có, kể cả trẻ em cũng tham gia. Nhiều người ra tay, thủ phạm là một đám đông. Cơ quan điều tra rất khó có thể xác định được ai là người gây ra cái chết cho nạn nhân. Thực tế, nhiều vụ án xảy ra nhưng cuối cùng vẫn không thể điều tra quy trách nhiệm được. Án mạng đã xảy ra nhưng phá án lại là một thách thức đối với cơ quan pháp luật.

Một số người cho rằng, để cho cái ác lộng hành mà nguyên nhân bắt đầu từ các vụ trộm chó vừa qua có trách nhiệm rất lớn của chính quyền địa phương. Quan điểm của ông thế nào?

Tôi nhớ cách đây gần 20 năm, làng quê cũng rộ lên nạn "cẩu tặc". Người dân cũng áp dụng "luật rừng" để xử lý lũ trộm chó, chính quyền địa phương gần như không thể trấn áp được. Sau một thời gian dài có vẻ yên bình, hiện nay, hiện tượng này lại bùng phát trở lại. Gốc rễ của hiện tượng này theo tôi là sự khó khăn của đời sống, sự thiếu trách nhiệm của chính quyền địa phương. Chính quyền địa phương có nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn, vậy mà họ lại cho rằng các "đội quân" trộm chó rất hung hăng, nạn trộm chó là nan giải, khó giải quyết... rồi bất lực trước loại tội phạm này.

Phải nói thẳng đây chính là sự yếu kém của các cấp chính quyền địa phương khi để cho "đội quân" trộm chó lộng hành không những ban đêm mà còn cả ban ngày. Khi chính quyền địa phương bất lực, không thể giải quyết được những yêu cầu chính đáng của người dân, tất nhiên họ phải có cách giải quyết để tự bảo vệ tài sản của mình.

Mỗi tên trộm chó nếu trót lọt có thể kiếm vài triệu mỗi đêm, số tiền kiếm được quá lớn trong khi nếu sa lưới họ chỉ bị phạt từ 6 đến 3 năm tù và thường được "thả" rất nhanh. Có ý kiến cho rằng hệ thống pháp luật của chúng ta vẫn chưa đủ sức răn đe, thưa ông?

Tôi được biết, phần lớn tên trộm chó bị bắt thường được cho về rất nhanh, quá lắm cũng chỉ dăm ba tháng. Từ thực tế này nảy ra vấn đề, cần chấn chỉnh hoạt động của các cơ quan quyền lực Nhà nước để nhân dân tin vào chính quyền. Bên cạnh đó, nó cũng bộc lộ bất cập của hệ thống luật pháp. Những người áp dụng pháp luật, thực thi pháp luật vận dụng ra sao, có thực sự quyết tâm làm đến cùng hay không và đặc biệt là các cấp chính quyền địa phương có làm hết trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân hay chưa?

Xin cảm ơn ông!

Anh Đức