Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hồi đầu tháng này nói Mỹ vẫn mong muốn các đồng minh NATO nâng mức ngân sách quốc phòng lên 2% GDP.
Theo tờ Politico, vấn đề hỗ trợ cho Ukraine đang là chủ đề gây mâu thuẫn giữa Mỹ và các đồng minh NATO ở châu Âu. Trước khi xung đột ở Ukraine nổ ra, Mỹ đã mâu thuẫn với đồng minh về khoản chi ngân sách quốc phòng tương đương 2% GDP.
Nhiều quốc gia trong liên minh NATO phớt lờ cảnh báo của Mỹ và vẫn chi ngân sách quốc phòng dưới mức này. Đến khi xung đột Ukraine nổ ra, mâu thuẫn lại càng trở nên sâu sắc khi riêng khoản hỗ trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine đã lên tới hơn 17 tỷ USD, trong khi các nước châu Âu hỗ trợ rất hạn chế.
Trong bối cảnh các cuộc khảo sát cho thấy đảng Cộng hòa nhiều khả năng sẽ giành lại Hạ viện hoặc Thượng viện từ tay đảng Dân chủ, các nghị sĩ đảng Cộng hòa đã bày tỏ quan điểm rằng châu Âu cần đóng góp nhiều hơn.
"Các đồng minh của chúng ta cần phải tự nhìn nhận và giải quyết vấn đề của chính họ trước khi mong muốn chúng ta tiếp tục hỗ trợ thêm", hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa Tim Burchett, thành viên Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, nói.
Các chính phủ châu Âu đã cam kết hỗ trợ hàng tỉ USD cho Ukraine, bao gồm hỗ trợ quân sự. Trên thực tế, các khoản giải ngân diễn ra rất chậm và mất nhiều tháng để vũ khí của Anh, Pháp hay Đức tới Ukraine.
Trong khi đó, các nghị sĩ đảng Cộng hòa cho rằng, cuộc xung đột ở Ukraine tạo ra thách thức đối với châu Âu nhiều hơn là với Mỹ, nên các đồng minh châu Âu cần đảm nhận vai trò chính.
Theo Politico, việc Mỹ còn tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ cho Ukraine hay không, phụ thuộc vào việc đảng Cộng hòa có thể kiểm soát Quốc hội Mỹ đến mức nào trong cuộc bầu cử giữa kỳ diễn ra vào tháng tới.
"Mỹ không chấp nhận những gì Nga đang làm ở Ukraine. Nhưng thách thức từ Trung Quốc hay các băng đảng ma túy Nam Mỹ đang là vấn đề cấp thiết hơn với Mỹ", hạ nghị sĩ Burchett nói.
"Trong bối cảnh suy thoái như hiện nay, việc tiếp tục thanh toán các khoản hỗ trợ cho Ukraine cần phải xem xét lại", lãnh đạo phe thiểu số đảng Cộng hòa ở Hạ viện, Kevin McCarthy nói.
Quân đội Ukraine đang đẩy mạnh phản công Nga ở miền nam.
"Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang chưa tập trung giải quyết vấn đề đối nội hay vấn đề biên giới. Ukraine quan trọng nhưng đó không phải là vấn đề duy nhất mà chúng ta cần giải quyết và cũng không thể cứ giải ngân mãi được".
Đảng Cộng hòa đang rất quan tâm đến tiếng nói của người dân Mỹ. Trong các cuộc khảo sát gần đây, ngày càng nhiều người Mỹ bày tỏ quan điểm rằng Washington đang hỗ trợ quá nhiều cho Kiev.
Tỉ lệ người Mỹ bày tỏ quan điểm như vậy đã tăng từ 7% trong tháng 3 lên 20% trong tháng 9 năm nay, theo cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew. Đối với các cử tri đảng Cộng hòa, tỉ lệ này đã tăng lên 32%.
Tổng thống Joe Biden hiện dễ dàng nhận được sự ủng hộ trong việc chi ngân sách hỗ trợ Ukraine, do đảng Dân chủ chiếm đa số trong Quốc hội. Nhưng trong vài tháng tới, mọi chuyện có thể sẽ không dễ dàng như vậy, các nhà phân tích nhận định.
Max Bergmann, giám đốc Chương trình Châu Âu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nói: “Mọi việc ngày càng trở nên khó khăn hơn bởi vì chúng ta đang làm tất cả, châu Âu thì không".
Tại châu Âu, các chính trị gia đang theo dõi sát sao các diễn biến ở Mỹ trong cuộc bầu cử giữa kỳ. "Châu Âu có thể sẽ phải thay đổi chính sách tương tự sự thay đổi ở Mỹ vào tháng tới", Martin Quencez, nhà nghiên cứu tại Quỹ Marshall của Đức ở Paris, nói.
Nhưng cũng có quan điểm ở châu Âu cho rằng chưa có gì cần lo lắng. "Vấn đề duy trì hỗ trợ cho Ukraine cũng được một bộ phận các nghị sĩ đảng Cộng hòa ủng hộ", David McAllister, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Nghị viện Châu Âu, nói.
Ông MCAllister nói châu Âu đã rất cố gắng để thể hiện sự ủng hộ với Ukraine, bao gồm tăng các khoản hỗ trợ cho Kiev, tham gia huấn luyện binh sĩ Ukraine và thống nhất về khoản chi cho các quốc gia đã gửi vũ khí cho Ukraine.
Trong khi đó, chính trị gia Ba Lan Witold Waszczykowski, Phó chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Nghị viện Châu Âu, nói: "Ba Lan và các nước ở sườn phía đông của NATO đã không thể thuyết phục châu Âu hỗ trợ mạnh hơn nữa cho Ukraine".
"Một số quốc gia châu Âu đang có quan điểm muốn bình thường hóa quan hệ kinh tế với Nga", chính trị gia Ba Lan nói, theo Politico.
Đăng Nguyễn - Potilico