Viển vông chuyện cao rùa chữa ung thư

Viển vông chuyện cao rùa chữa ung thư

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:03
0
Tin đồn cao rùa vàng chữa bệnh ung thư, bệnh tim lan truyền trong dư luận, khiến nhiều người dù phải trả giá đắt đỏ đến đâu cũng cố mua được lạng "thần dược". Trong khi người dân "săn lùng" cao rùa vàng, các nhà khoa học lại dửng dưng trước thông tin này.

Họ cho rằng, tác dụng chữa ung thư và chữa bệnh tim của rùa vàng chỉ là lời đồn thổi vô trách nhiệm, không có cơ sở khoa học nào cả...

Cao “rùa pha mèo”

Tìm nhiều nơi để mua cao rùa, chúng tôi được giới thiệu một phụ nữ tên Thủy (Đại Từ- Thái Nguyên) chuyên rao bán cao rùa trên mạng, phóng viên không khỏi giật mình về công nghệ nấu cao "rùa pha mèo". Khi PV hỏi: "Em muốn mua cao rùa", người phụ nữ này nhát gừng: "Mùa nóng hàng hiếm lắm. Cao rùa phải mùa rét mới sẵn. Muốn bao nhiêu cũng có".

Rùa vàng (ảnh) khi nấu cao được đồn đoán chữa khỏi ung thư chỉ là chuyện viển vông

Tôi nài nỉ: "Nhà em có ông bác bị loét dạ dày nặng quá, cần ngay 2 lạng cao rùa, chị gắng giúp em". Sau một hồi lân la giới thiệu, làm quen, trình bày hoàn cảnh, người phụ nữ thương tình nhận lời nước đôi: "Để tôi hỏi lại xem có không, nếu có chiều tôi gọi lại". Và cuối cùng, buổi chiều (15/8) tôi cũng đã nhận được lời đề nghị giao hàng tận nhà với giá 1 triệu đồng/lạng (vì mua cao rùa trái mùa-PV).

Theo chị Thủy, cứ mùa đông gia đình chị lại đi gom mai rùa về nấu cao. Mỗi lạng cao giá bán từ 800- 900 ngàn đồng. Thủy bảo: "Nhà mình chuyên làm cao ngựa, nấu cao rùa chỉ là nấu thêm thôi. Giá bán cũng mềm, giúp mọi người chữa bệnh chứ không kinh doanh kiếm lời"(?!).

Khi PV hỏi: "Nhà có bí quyết nấu cao ngựa sao lại nấu thêm cao rùa?". Thủy bảo: "Cao rùa thời gian gần đây được nhiều người "chuộng", hỏi mua về chữa bệnh, đặc biệt bệnh dạ dày, đại tràng, thậm chí cả bệnh... ung thư, vì thế gia đình tôi cũng làm thêm để phục vụ nhu cầu người mua".

Tôi hỏi: "Cao rùa sao rẻ thế?". Thủy cười cười: "Mai rùa mua cũng rẻ thôi, chừng 200-250 ngàn đồng/kg (mua cả con chỉ 100-120 ngàn đồng/kg), vì thế giá cao rùa cũng không quá đắt". Thủy bật mí, để nấu cao rùa, họ thường dùng mai rùa và một ít xương mèo nấu kèm để "cô" cho dẻo. "Dù có xương mèo thì công dụng của cao rùa vẫn không đổi"(?!), Thủy quả quyết.

Được lời như cởi tấm lòng, Thủy nói về công nghệ nấu cao "rùa pha mèo" của gia đình theo kinh nghiệm dân gian. Thủy bảo nấu cao rùa được chia theo 4 công đoạn. Trước hết là công đoạn làm sạch, lấy yếm ngâm vào nước phèn (15%) trong một đêm, vớt ra đổ ngập nước đun sôi 1 - 2 phút. Sau đó, đem phơi hoặc sấy khô, đập dập ra từng khớp, rồi mỗi khớp đập ra thành 3 - 4 mảnh nhỏ, pha thêm một tỉ lệ xương mèo nhất định. Giai đoạn 3 là tẩm sao. Khi ấy phải lấy nước gừng (giã gừng nhỏ vắt lấy nước) tẩm 1 đêm rồi sao qua cho khô. Quá trình nấu cao, thường khi "cô" lại thì "cô" trên cát dày 5- 10 cm ở 80 độ, lúc gần được phải quấy liền tay. Cao rùa thường chỉ "cô" đến độ sệt được đóng vào chai, lọ sạch. "Loại cao này có thể để 3 năm không hỏng. Cao này có mùi tanh và thơm. Sở dĩ chỉ lấy cao rùa ở độ sệt để tránh mùa hè không bị chảy ra và đặc biệt không bị mất chất", Thủy bật mí.

Tìm trong cuốn "Những cây thuốc và vị thuốc quý của Việt Nam" do cố GS. Đỗ Tất Lợi chủ biên có ghi: "Ngoài các loại cao phổ biến như cao hổ, cao khỉ, cao trăn, người ta còn nấu cả cao rùa- còn gọi là cao quy bản. Thông thường cao rùa được nấu từ yếm rùa, kim quy, quy giáp, cao yếm rùa. Khi bắt được rùa, có khi người ta đập chết ngay bóc lấy yếm, cạo hết thịt, rửa sạch, phơi khô. Loại yếm rùa này là "huyết bản". Còn nếu nấu chín rồi mới bóc lấy yếm, lọc bỏ hết gân thịt thì gọi là "thang bản".

Nói về "bí quyết" nấu cao rùa, bà chủ N., chủ hiệu thuốc Đông y gia truyền P.T (Lãn Ông- Hà Nội) cho biết: Để có cao quy bản, trước hết phải ngâm yếm rùa vào nước để gân thịt còn sót lại rữa ra rồi cạo cho tróc hết; có khi đun chín để loại thịt cho dễ. Sau đó, cần dùng nước rửa sạch cho đến khi hết mùi; phơi khô, đập nhỏ, đun với nước nấu ba ngày ba đêm.

Cuối cùng là lọc loại bỏ bã, nước lọc được đem cô đặc, đổ vào khuôn, để nguội cắt thành từng miếng to nhỏ tùy ý. Hỏi chuyện cao rùa có xương mèo, bà chủ N. bóc mẽ cơ sở ở Đại Từ (Thái Nguyên) luôn: "Cao rùa nấu thường không có tạp chất. Nếu nấu cao rùa cùng với xương mèo thì công dụng không ai dám chắc sẽ đảm bảo".

Tin đồn, "thổi" quá... công năng

Theo tìm hiểu của PV, nhiều người đồn thổi về cao rùa vàng có công dụng chữa bách bệnh, đặc biệt chữa ung thư và chữa bệnh tim. Thậm chí, dư luận còn xôn xao chuyện thương lái trả giá 1kg rùa vàng khoảng 100-200 triệu đồng(!?).

Nói về sự đắt đỏ của các loại rùa và cao rùa hiện nay, GS.TS Mai Đình Yên, nguyên chủ nhiệm bộ môn động vật Đại học Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết: "Khi nghe chuyện này tôi phải bật cười. Tác dụng chữa ung thư và chữa bệnh tim của rùa vàng chỉ là lời đồn thổi vô trách nhiệm, không có cơ sở khoa học nào cả. Nhiều người tin vào công năng của rùa vàng lại bị "qua mặt", mua nhầm rùa sa nhân vì rất giống rùa vàng nhưng giá thực ra chỉ khoảng 100-200 ngàn đồng/kg".

Cao rùa chữa được ung thư "là chuyện nhảm nhí"

PGS.TS. Vũ Duy Thuần, Phó giám đốc Học viện Y dược học cổ truyền cho rằng: "Theo Đông y, cao quy bản là một vị thuốc vị ngọt, mặn, tính hàn bổ thận âm chữa ho lâu, di tinh, bạch đới, khí hư; chân tay, lưng gối đau nhức; lỵ kinh niên, sốt rét lâu ngày, cơ thể suy nhược, băng huyết, các bệnh trước và sau khi sinh nở, trẻ con yếu xương. Người ta thường dùng quy bản dưới dạng thuốc sắc, thuốc viên hay thuốc bột. Với cao quy bản, ngày uống 10-15g, chia làm 3 lần. Những người âm hư không nhiệt không dùng được. Tuy nhiên, thời gian gần đây có nhiều tin đồn "thổi" quá công năng của loại cao này. Đó là sự hoang tưởng".

PGS.TS. Thuần chia sẻ: "Rùa sống ở núi có nhiều loại (sơn quy). Loại đặc biệt quý là rùa vàng nhỏ bằng bàn tay, yếm ở giữa có hình chữ vương chéo, mỏng, soi thấy phía trong vàng đậm thường gọi là Kim quy hay Kim tiền quy. Loại rùa to hơn, yếm màu vàng nhạt, dày là hạng vừa. Song cũng sơn quy nhưng yếm to, màu đen, không dùng làm thuốc. Loại rùa sống ở nước (thủy quy) thường có yếm hoa, dày không dùng làm thuốc. Nói chung dùng yếm rùa làm cao thì phải chọn thứ yếm mỏng còn màng bọc bên ngoài, các miếng yếm còn dính vào nhau là tốt, còn loại yếm vụn nát, đen, mất màng hoặc lẫn lộn thứ yếm rùa khác là xấu".

Đem thắc mắc về việc nấu cao rùa kèm với xương mèo sẽ cô được cao cứng hơn, bảo quản lâu hơn, các chuyên gia ở Viện Đông y cho rằng không cần đến xương mèo, việc "rùa pha mèo" cũng chưa hẳn đã tốt. Có thể nấu cao rùa thành cao đặc như cao Ban long ( loại cao trong y học cổ truyền) được, cắt thành từng miếng 100g gói kỹ trong giấy bóng kính, mùa đông miếng cao vẫn tốt, sang mùa hè có mềm hơn, nhưng không chảy nhũn ra được.

Miếng cao này nếu đem để trong bình kín, dưới có lót vôi sống thì rất khô, cứng. Để có thể cắt cao quy bản thành miếng được, có nơi nấu chung yếm rùa với gạc hươu (l/2 quy bản và 1/2 gạc) gọi là Cao Quy Lộc Nhị Tiên. Thường cứ 10 yếm rùa chưa chế biến thì nấu được 1,80kg cao quy bản ở thể đặc (cắt thành miếng được).

Cao rùa nấu đúng phương pháp, sử dụng đúng cách được coi như một vị thuốc, song coi cao rùa vàng như "thần dược"- chữa ung thư, GS. Nguyễn Lân Dũng phản bác: "Đó là chuyện nhảm nhí. Nếu cao rùa vàng mà chữa được ung thư thì thế giới cũng phải tặng thưởng giải Nobel cho người nấu cao. Ung thư có hơn 500 nguyên nhân, để chữa ung thư chỉ có thể dùng xạ trị, phẫu thuật... Thế nhưng người dân lại mộng mị tin theo những tin đồn. Vì tin đồn này khiến cho loài rùa bị săn lùng và chết một cách oan uổng".

Vương Hà- Ngân Giang