Viết giữa “đại thảm hoạ”

Nguyễn Minh Phương

Dẫn đầu thế giới về số ca lây nhiễm SARS-CoV-2, Mỹ có chủ quan chưa đánh giá đúng độ nguy hiểm và tốc độ lây lan của coronavirus khi nó bắt đầu xuất hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc. Nhưng một khi đã nhận thức được sự nguy hiểm của đại dịch Covid-19, họ hành động nhanh chóng và quyết liệt. Massachusetts đang trong “đại thảm hoạ”, ca lây nhiễm tăng trên dưới 1.000 mỗi ngày, ca tử vong tăng đến 50% sau 24 giờ, nhưng nếu mỗi cá nhân biết bảo vệ chính mình bằng tri thức và sự hiểu biết, việc lây lan Covid-19 có thể giảm nhẹ, hy vọng nạn dịch sẽ sớm qua đi.

Đại học Massachusetts (Boston)

Có nhiều ý kiến và các bài phân tích nguyên nhân vì sao Hoa Kỳ lâm vào tình cảnh “dẫn đầu” thế giới về số ca lây nhiễm coronavirus. Đúng là Mỹ có chủ quan chưa đánh giá đúng độ nguy hiểm và tốc độ lây lan của coronavirus này khi nó bắt đầu xuất hiện ở Vũ Hán. Nhưng một khi đã nhận thức được điều đó, họ hành động nhanh chóng và quyết liệt. Các chính quyền tiểu bang và địa phương hành động trước ngay cả khi tổng thống Trump ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn nước Mỹ. Trong bài này tôi chỉ đề cập đến những điều nước Mỹ, cụ thể là chính quyền và người dân bang Massachusetts đã làm gì để chống đỡ cơn đại hoạ này.

Ngày 27/3/2020 tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố “đại thảm hoạ” tại bang Massachusetts khi Covid-19 lây lan một cách chóng mặt. Tính đến ngày 31/3/2020, theo số liệu của Bộ Y tế bang Massachusetts, số ca bị nhiễm coronavirus là 6620, và số ca tử vong là 89. Theo các chuyên gia y tế đánh giá thì nạn dịch tại bang này sẽ lên đến đỉnh điểm trong khoảng 7-17/4/2020 và số ca tử vong có thể lên tới trên 1700. Chỉ một ngày sau khi thống đốc bang Charlie Baker đề nghị, tổng thống Trump đã thông qua quyết định chi ngân sách trợ giúp cho Massachusetts.

Cách đây 2 tháng, ca đầu tiên bị lây nhiễm tại Đại học Massachusetts, Boston được thông báo vào ngày 1/2/2020. Đó là trường hợp một sinh viên từ Vũ Hán trở về sau kì nghỉ. Thấy có triệu chứng nhiễm virus, anh này đã đến trung tâm y tế của trường và được xác định dương tính. Ban lãnh đạo trường gửi thư cho toàn thể sinh viên, giáo viên và nhân viên phòng ban về việc cách ly và điều trị cho anh này, cũng như cách ly những người anh ta đã tiếp xúc.

Ngày 27/3/2020 tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố “đại thảm hoạ” tại bang Massachusetts khi Covid-19 lây lan một cách chóng mặt. Tính đến ngày 31/3/2020, theo số liệu của Bộ Y tế bang Massachusetts, số ca bị nhiễm coronavirus là 6620, và số ca tử vong là 89. Theo các chuyên gia y tế đánh giá thì nạn dịch tại bang này sẽ lên đến đỉnh điểm trong khoảng 7-17/4/2020 và số ca tử vong có thể lên tới trên 1700. Chỉ một ngày sau khi thống đốc bang Charlie Baker đề nghị, tổng thống Trump đã thông qua quyết định chi ngân sách trợ giúp cho Massachusetts.

Dẫn đầu thế giới về số ca lây nhiễm SARS-CoV-2, Mỹ có chủ quan chưa đánh giá đúng độ nguy hiểm và tốc độ lây lan của coronavirus khi nó bắt đầu xuất hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc. Nhưng một khi đã nhận thức được sự nguy hiểm của đại dịch Covid-19, họ hành động nhanh chóng và quyết liệt. Massachusetts đang trong “đại thảm hoạ”, ca lây nhiễm tăng trên dưới 1.000 mỗi ngày, ca tử vong tăng đến 50% sau 24 giờ, nhưng nếu mỗi cá nhân biết bảo vệ chính mình bằng tri thức và sự hiểu biết, việc lây lan Covid-19 có thể giảm nhẹ, hy vọng nạn dịch sẽ sớm qua đi.

Cả tháng 2, cuộc sống vẫn thanh bình như chuyện con virus này giống như cúm mùa. Các cửa hàng, cửa hiệu, khách sạn, nhà hàng vẫn sáng đèn đêm ngày. Các trường đại học vẫn hoạt động bình thường. Thỉnh thoảng, hiệu trưởng gửi thư cho sinh viên, giảng viên và nhân viên cập nhật tình hình Covid-19, rằng mọi sự vẫn còn trong tầm kiểm soát và luôn sẵn sàng ứng phó khi có những quyết định của Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát Dịch bệnh CDC.

Khách sạn Liberty, TP.Cambridge

Chỉ sau khi hội thảo của Công ty Công nghệ Sinh học Đa quốc gia Biogen diễn ra tại Boston vào cuối tháng hai, số người bị nhiễm virus tăng lên với tốc độ chóng mặt, phần lớn là từ những người tham gia hội thảo này. Trong 4 ngày liên tiếp từ 7 -10/3, các ca lây nhiễm tăng từ 13, 28, 41, rồi 92 vào ngày 10/3. Cùng ngày, thống đốc bang Charlie Baker ban bố tình trạng khẩn cấp và tất cả bắt đầu “vào trận”.

Tôi chứng kiến thành phố Boston và một vài thành phố khác trong bang Massachusetts thay đổi hoàn toàn sau một đêm: các phương tiện giao thông công cộng được giãn khoảng cách bên trong, hành khách ngồi cách nhau 2-3 m. Người dân được khuyến cáo ở nhà và không nên dùng các phương tiện đó nếu không thật cần thiết. Các doanh nghiệp, cửa hàng, dịch vụ không thiết yếu đều đóng cửa. Chỉ những dịch vụ thiết yếu như: thực phẩm, y tế, năng lượng, xăng, các cơ quan chính phủ và báo chí là còn làm việc. Các trường đại học cũng như phổ thông chuyển sang học online. Mọi quyết định từ cấp lãnh đạo bang, đến các thành phố, thị trấn, các tổ chức, các trường đại học và phổ thông, được triển khai nhanh chóng và mọi người “răm rắp” chấp hành.

Tại trường đại học Massachusetts Boston, nơi tôi làm việc, sinh viên, giảng viên và cán bộ nhân viên nhận được cả một “cơn mưa” thư điện tử - emails. Thư từ chủ tịch của hệ thống đại học bang gồm 5 trường có tên là UMass, thư của hiệu trưởng UMass Boston, chủ nhiệm khoa, bộ môn, hiệp hội, nghiệp đoàn. Nội dung thông báo tỉ mỉ, kĩ lưỡng về chính sách đối phó với nạn dịch. Sinh viên và giảng viên được bộ phận công nghệ thông tin trong trường hướng dẫn cách học và dạy online thông qua các hội thảo trực tuyến hoặc phụ đạo theo yêu cầu cá nhân. Sách trong thư viện được số hóa. Một không khí khẩn trương chuẩn bị cho mọi sự đổi thay. Và mỗi thành viên trong cộng đồng phải phản ứng thật nhanh để thích nghi với sự đổi thay đó.

Tại các bệnh viện, những ca tái khám định kì đều huỷ bỏ, chỉ những ca phẫu thuật bất khả kháng vẫn được tiến hành. Bệnh viện Mắt Massachusetts có hẳn một quy trình phức tạp hạn chế người vào bệnh viện, bệnh nhân và nhân viên y tế được bố trí đi vào các cửa, hoặc sử dụng thang máy khác nhau để hạn chế lây nhiễm.

Giãn khoảng cách tiếp xúc (social distance) là một mệnh lệnh. Ngay cả trong siêu thị, dù rất đông người, họ vẫn kiên nhẫn xếp hàng cách nhau 6 bộ – 1,8m theo quy định. Một số cửa hàng nhỏ chỉ cho phép khoảng 20 người vào, khi có người ra họ mới cho phép người mới vào. Các hiệu thuốc sẵn sàng giao hàng đến tận nhà miễn phí để giảm thiểu khách hàng.

Đeo khẩu trang hay không là một câu chuyện về sự khác biệt giữa văn hoá Đông - Tây. Người Mỹ cho là khẩu trang không thể ngăn được bất kỳ một con virus nào, mà chỉ ngăn bụi. Chỉ người ốm cần đeo khẩu trang để không lây sang người khoẻ mạnh. Ngay cả trong bệnh viện, y tá không đeo khẩu trang, chỉ ê- kíp mổ mới dùng trong phòng phẫu thuật. Tuy nhiên, sự lây lan chóng mặt và kinh nghiệm của các nước châu Á, đã làm cho người Mỹ thay đổi. Ra đường đã có người đeo khẩu trang. Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát Dịch bệnh CDC hiện đang cân nhắc việc khuyến cáo người dân đeo khẩu trang tại nơi công cộng. Tôi cho rằng người Mỹ không bảo thủ. Tuy nhiên cũng cần có thời gian để họ thay đổi cách nhìn nhận một việc tuy nhỏ, nhưng lại có ý nghĩa lớn trong cuộc chiến chống đại dịch. Chỉ nay mai thôi, tôi đoán tất cả sẽ đeo khẩu trang khi ra đường.

Với người vô gia cư, chính quyền địa phương thành phố Cambridge, nơi tôi sống, đã dùng trung tâm thể thao của trường trung học làm nơi trú ngụ cho họ. Chính quyền cũng kêu gọi một số nhà hàng cung cấp thức ăn miễn phí cho người vô gia cư.

Đường Broaday, TP.Cambridge

Phần lớn người dân, nhất là những người còn làm việc online, tự giác ngồi nhà, cho dù việc ở nhà chỉ là khuyến cáo nên làm chứ không phải là bắt buộc với sự giám sát của cảnh sát như ở một số quốc gia. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp rất lo lắng vì họ chỉ cầm cự được lâu nhất là 2 tháng. Họ cần chính quyền trợ giúp.

Tôi vô cùng cảm phục những người nơi tuyến đầu, trước hết là các nhân viên y tế, người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân với một sự rủi ro rất lớn. Tôi đã đến 3 bệnh viện ngay sau khi tình trạng khẩn cấp được ban bố, và chứng kiến không khí trong bệnh viện. Họ vẫn giữ được phong cách chuyên nghiệp và rất tình người. Tiếp đến là các nhân viên bán hàng thực phẩm và dược phẩm, những người lái xe tải cung cấp hàng và những người điều khiển các phương tiện giao thông công cộng. Đã có nhiều người bị lây nhiễm, nhưng họ vẫn phải làm việc trong hoàn cảnh hiện nay để nhu cầu tối thiểu của người dân vẫn được đảm bảo. Họ là những người anh hùng.

Nhiều người lo lắng cho tôi khi biết Massachusetts đang trong “đại thảm hoạ” và các ca lây nhiễm tăng trên dưới 1000 mỗi ngày, số ca tử vong tăng đến 50% sau 24 giờ, từ 56 tới 89 và sẽ còn tăng mạnh trong hai tuần tới.

Nhưng nếu mỗi cá nhân biết bảo vệ chính mình bằng tri thức và sự hiểu biết, có công việc tại nhà, chấp hành nghiêm chỉnh những khuyến cáo và quy định của chính quyền bang hay địa phương, việc lây lan có thể giảm nhẹ và hy vọng nạn dịch sẽ sớm qua đi.

Tại thời điểm này, nhìn từ trên cao, thành phố Boston toàn một màu xám xịt, vắng lặng. Những con phố lớn hoàn toàn im ắng. Nhưng bên trong nó vẫn là sức sống mãnh liệt. Những gì con người cần vẫn có: Thức ăn, thuốc uống, dịch vụ y tế, điện lực, gas, cơ quan chính phủ, truyền thông và cả... rượu nữa. Một hệ thống giáo dục online cho mọi cấp độ vẫn đang vận hành. Hy vọng cuộc sống sẽ hồi sinh vào một ngày không xa.

Cambridge, 04/2020

Nguyễn Minh Phương (Đại học Masachusetts, Mỹ)