Việt Nam mở lại đường bay quốc tế, được không?

Nguyễn Lâm

Không thể phủ nhận những lợi ích mà việc mở cửa đường bay quốc tế đem lại cho nền kinh tế của mỗi quốc gia nói chung và Việt nam nói riêng. Song, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 thì nhà chức trách cần nghiên cứu kỹ lưỡng, tránh tình trạng “gậy ông đập lưng ông”.

Đề xuất mở lại đường bay quốc tế vào cuối tháng Bảy

Mới đây, cục Hàng không Việt Nam đề xuất nghiên cứu khôi phục dần các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ đưa khách vào Việt Nam từ cuối tháng Bảy.

Theo đó, để đảm bảo an toàn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, việc mở lại các đường bay quốc tế sẽ phải tuân thủ hàng loạt điều kiện chặt chẽ. Đồng thời, vẫn duy trì và đảm bảo tính khả thi, không nên hạn chế nguồn khách, bao gồm cả nguồn khách du lịch, với điều kiện khách đảm bảo quy định được phép nhập cảnh.

Cụ thể, đường bay quốc tế có thể mở đến các quốc gia/vùng lãnh thổ không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng trong 30 ngày liên tục. Khách phải có giấy chứng nhận âm tính SARS-CoV2 được cấp trong vòng 3 ngày trước ngày dự kiến thực hiện chuyến bay.

Ngoài ra, khách phải được xét nghiệm nhanh bằng bộ kit xét nghiệm SARS-CoV2 tại cảng hàng không đến của Việt Nam. Chi phí xét nghiệm do hãng hàng không chi trả. Hành khách nhập cảnh phải lưu trú tại các địa điểm do UBND cấp tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương xác định và có trả phí.

Thông tin trên ngay sau khi đăng tải đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận, bên cạnh những ý kiến ủng hộ việc mở lại đường bay quốc tế vào cuối tháng Bảy tới thì vẫn còn nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại việc này sẽ ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở nước ta.

ĐBQH Phạm Văn Hoà, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

Với tiêu chí, an toàn là trên hết, ĐBQH Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - cho rằng chúng ta cần tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, chỉ tiếp nhận hành khách đến từ khu vực an toàn, tuyệt đối không để người dân có tâm lý chủ quan, sinh hoạt thiếu kiểm soát. Hơn nữa, việc kiểm soát dịch bệnh và phát triển kinh tế phải có sự kết hợp hài hòa, không thể vì quá tập trung phòng dịch mà để kinh tế nước nhà suy yếu, đời sống nhân dân khó khăn.

Cẩn trọng phản tác dụng

ĐBQH Phạm Văn Hòa bày tỏ việc mở lại đường bay quốc tế là một trong những biện pháp giúp hồi phục nền kinh tế đã bị tổn thương do dịch Covid - 19: “Có thể thấy, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến hầu hết các ngành, lĩnh vực sản xuất và dịch vụ ở nước ta bị suy giảm. Trong đó có một số ngành, lĩnh vực đình trệ hoặc đóng băng, gần như không có hoạt động sản xuất, kinh doanh như các ngành thương mại, dịch vụ, du lịch,… và đặc biệt là ngành vận tải hàng không”.

Lợi ích là thấy do, nhưng theo ông Hòa, chúng ta cần thận trọng và đảm bảo y tế khi mở cửa: “Trước thực trạng một số quốc gia trên thế giới vẫn đang có diễn biến phức tạp thì Việt Nam cần thận trọng trong việc mở lại những đường bay quốc tế, luôn đề cao công tác kiểm soát chặt chẽ đối với tất cả hành khách.

Để đảm bảo an toàn cho người dân, tôi cho rằng trước mắt chúng ta chỉ nên mở cửa đường bay quốc tế để đón những hành khách thật sự cần thiết như các chuyên gia kinh tế, kỹ thuật, các nhà tư vấn,… để kiểm soát trong một khoảng thời gian trước các hoạt động trở lại bình thường”.

Đồng tình với việc nên hạn chế những hành khách được phép tới Việt Nam, chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực cho rằng: “Việt Nam nên cân nhắc tới việc mở lại đường bay quốc tế với một số quốc gia cơ bản đã khống chế được dịch bệnh, đáp ứng được những yêu cầu về kiểm soát dịch mà nước ta đặt ra.

Chúng ta có thể xem xét, học hỏi cách mà Singapore kiểm soát hành khách quốc tế khi di chuyển tới nước này. Cụ thể, nếu hành khách đó đã từng ở quốc gia cơ bản đã kiểm soát được dịch Covid-19 trong vòng 14 ngày liên tiếp thì sẽ không cần cách ly nữa”.

“Nguyên tắc số một của mỗi quốc gia là đảm bảo an toàn cho người dân, không thể vì lợi ích kinh tế mà ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người dân. Do đó, cần phải nghiên cứu, xem xét việc mở lại đường bay quốc tế”, TS Lực nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên, người phát ngôn bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, căn cứ tình hình và nhu cầu của hai bên, Việt Nam đang xem xét kỹ lưỡng, trao đổi với một số nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản về việc từng bước nối lại đi lại.

Việc nối lại đi lại như thế nào sẽ dựa trên cơ sở bảo đảm tuân thủ các biện pháp phòng dịch với các điều kiện cụ thể, không được để lây lan dịch bệnh, trước mắt là tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyên gia.

Bà Lê Thị Thu Hằng, người phát ngôn bộ Ngoại giao.

Đặc biệt, việc mở lại đường bay quốc tế sẽ được thực hiện hai chiều để tạo điều kiện cho người lao động đã có hợp đồng, du học sinh,… có thể quay trở lại làm việc bình thường.

Theo chuyên gia giao thông Nguyễn Hữu Đức cho rằng, Việt Nam đang được truyền thông và dư luận quốc tế đánh giá tích cực về nỗ lực và biện pháp trong công tác kiểm soát dịch Covid-19. Do đó, nếu không kiểm soát tốt tình hình thì trước mắt, không may để xảy ra những trường hợp đáng tiếc sẽ ảnh hưởng đến an toàn của chính những người dân Việt Nam, tiếp đó là mối quan hệ ngoại giao với các quốc gia khác trên thế giới.

“Những nước trên 30 ngày không có ca lây nhiễm mới về cơ bản tương đối an toàn. Tôi cho rằng, không nên đóng cửa lâu dài bởi nhu cầu về kinh tế cũng đang được đặt ra hàng ngày. Vào cuối tháng Bảy, dự định mở lại đường bay quốc tế thì tôi hy vọng thời điểm đó dịch Covid sẽ tiến triển tốt hơn. Tuy nhiên, tôi nhấn mạnh mở đường bay nhưng phải có kiểm tra, giám sát. Khi đã mở đường bay quốc tế thì không thể cách ly tập trung được mà chỉ kiểm tra tại cửa khẩu, đo thân nhiệt, khai báo y tế, cử người theo dõi ở địa phương có người nhập cảnh di chuyển đến…

Chắc chắn điều này sẽ khiến việc kiểm soát dịch bệnh khó khăn, vất vả hơn, thậm chí có thể xuất hiện thêm các ca bệnh mới. Nhưng, hiện nay cần cân nhắc giữa lợi ích kinh tế và lợi ích sức khỏe, không thể đóng cửa đường bay mãi, việc cần làm lúc này là tăng cường kiểm tra, giám sát. Cần đầu tư cho ngành y tế để kiểm soát chặt chẽ hơn bởi dịch Covid-19 trên thế giới có thể sẽ còn kéo dài” - PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng cục Y tế Dự phòng, bộ Y tế. (Hoàng Bích).

N.L