Việt Nam sẵn sàng làm cầu nối giữa EU và Đông Nam Á

Vũ Thu Hương

Vũ Thu Hương

Thứ 6, 27/10/2023 19:08

Việt Nam sẵn sàng làm cầu nối giúp EU kết nối với Đông Nam Á, mong muốn phối hợp chặt chẽ triển khai quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-EU cũng như trong giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu.

Nhân dịp tham dự Diễn đàn Cửa ngõ toàn cầu tại Bỉ, ngày 26/10/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã gặp làm việc với Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) - Đại diện cấp cao EU về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell, tiếp Cao ủy Khí hậu EU Wopke Hoeskstra.

Trong cuộc gặp với Phó Chủ tịch EC Josep Borrell, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao sáng kiến và chúc mừng EU tổ chức thành công Diễn đàn Cửa ngõ toàn cầu; cho rằng đây là khuôn khổ để các nước phát triển và đang phát triển hợp tác, bổ sung cho nhau cùng hướng tới phát triển bền vững.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam chủ trương đẩy mạnh, làm sâu sắc khuôn khổ đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam – EU, đề nghị hai bên triển khai đầy đủ, hiệu quả các cơ chế hợp tác sẵn có, làm sâu sắc trụ cột đầu tư thương mại thông qua việc triển khai Hiệp định EVFTA, các nước thành viên sớm phê chuẩn Hiệp định EVIPA và EC sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU đồng thời mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực tiềm năng như ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, nhất là thông qua khuôn khổ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).

Tiêu điểm - Việt Nam sẵn sàng làm cầu nối giữa EU và Đông Nam Á

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà gặp Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) - Đại diện cấp cao EU về Chính sách An ninh và Đối ngoại Josep Borrell. 

Việt Nam sẵn sàng làm cầu nối giúp EU kết nối với khu vực, mong muốn phối hợp chặt chẽ triển khai quan hệ đối tác chiến lược ASEAN – EU cũng như trong giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu.

Phó Chủ tịch EC Josep Borrell chúc mừng Việt Nam thành công trong công cuộc “đổi mới” và phát triển mọi mặt; khẳng định Việt Nam là đối tác quan trọng tại khu vực; đánh giá quan hệ Việt Nam – EU phát triển toàn diện, nhất là kinh tế - thương mại với việc phát huy tốt Hiệp định EVFTA giúp kim ngạch thương mại tăng 20% năm 2022.

Phó Chủ tịch EC cho rằng hợp tác còn nhiều dư địa, trong đó có lĩnh vực năng lượng; nhất trí tăng cường hợp tác toàn diện giữa hai bên nhất là việc triển khai đầy đủ hiệu quả Hiệp định EVFTA và các khuôn khổ hợp tác khác, EC xem xét sớm gỡ bỏ thẻ vàng đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam cũng như phối hợp chặt chẽ trong giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới; cam kết hỗ trợ Việt Nam trong khuôn khổ JETP hướng tới chuyển đổi năng lượng công bằng và phát triển bền vững.

Về IUU, Phó Chủ tịch EC ghi nhận tích cực nỗ lực của Việt Nam trong thời gian qua và đề nghị Việt Nam phối hợp chặt chẽ, thực thi đầy đủ các khuyến nghị của EC để có thể sớm gỡ bỏ thẻ vàng.

Hai bên chia sẻ quan điểm về các vấn đề quốc tế và khu vực, nhất trí duy trì hòa bình, ổn định, tự do, an toàn hàng không, hàng hải, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.

Tại cuộc tiếp Cao ủy Khí hậu EU Wopke Hoekstra, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao vai trò và đóng góp của EU trong việc thúc đẩy nỗ lực toàn cầu về ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là việc cung cấp tài chính hỗ trợ các nước đang phát triển giảm phát thải khí nhà kính và ứng phó với biến đổi khí hậu; khẳng định Việt Nam quyết tâm, chủ động thực hiện các cam kết tại COP26; đề nghị EU tiếp tục phối hợp chặt chẽ sớm hoàn tất Kế hoạch huy động nguồn lực triển khai Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).

Cao ủy Khí hậu EU đề nghị Việt Nam ủng hộ các sáng kiến của EU tại COP28, trong đó có Cam kết toàn cầu về năng lượng tái tạo và hiệu suất năng lượng; khẳng định EU luôn đồng hành với Việt Nam trong chuyển đổi xanh.

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.