Mở đường xuất khẩu nông thủy sản
Cần Thơ là thành phố lớn nhất khu vực ĐBSCL và được kỳ vọng trở thành trung tâm logistics để xuất khẩu các sản phẩm nông thủy sản - thế mạnh kinh tế chính của khu vực. Trong khi đó, Quảng Ninh có lợi thế rất lớn với 3 cửa khẩu với Trung Quốc cùng hệ thống đường cao tốc hiện đại, biến nơi đây thành trung tâm vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu lớn của cả nước. Tuy nhiên, 2 khu vực kinh tế lớn này lại chưa từng có đường bay thẳng nào để kết nối, liên kết kinh tế vùng.
Vietjet mở đường bay đầu tiên Cần Thơ-Vân Đồn để kết nối hai vùng kinh tế trọng điểm. Ảnh: Vietjet
Tại Hội nghị trao đổi kinh nghiệm giữa thành phố Cần Thơ và tỉnh Quảng Ninh mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký đã đưa ra viễn cảnh đầy tiềm năng xuất khẩu hàng thủy sản qua đường bay thẳng Cần Thơ - Vân Đồn do Vietjet khai thác. “2 giờ sáng bắt cua ở Cà Mau. 5 giờ cua lên máy bay ở Cần Thơ. 7 giờ cua ra đến sân bay Vân Đồn. 8 giờ có mặt ở cửa khẩu quốc tế Móng Cái. Con cua đi bằng tiếng chứ không tính bằng ngày nên không có chuyện mặc cả, không có chuyện ế hàng… Đây chính là ước mong của Việt Nam chúng ta, nhất là ĐBSCL”, ông Ký chia sẻ.
Vietjet mở đường bay đầu tiên Cần Thơ-Vân Đồn để kết nối hai vùng kinh tế trọng điểm. Ảnh: Vietjet
Vận tải hàng không được cho là hình thức vận tải lý tưởng đối với hàng thủy hải sản tươi sống, có giá trị cao, hay trái cây, hoa tươi… Đây đều là những thế mạnh của ĐBSCL nhưng số lượng và khối lượng mặt hàng xuất khẩu trong nhiều năm qua bị hạn chế phần nào vì chủ yếu phụ thuộc vào vận tải đường bộ vốn mất rất nhiều thời gian.
Khai thác tiềm năng du lịch
Đường bay mới kết nối giữa hai miền cũng được kỳ vọng sẽ mang lại nguồn khách du lịch trong nước và quốc tế đến hai khu vực này. Chị Nguyễn Xuân Ánh (Quảng Ninh) cho biết gia đình chị đã nhiều lần có ý định đi du lịch miền Tây sông nước nhưng đều không thành vì việc đi lại khá khó khăn, chi phí lại đắt đỏ hơn.
Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Quảng Ninh. Ảnh: ST
“Tôi tính sẽ phải bay vào Sài Gòn mất 2 tiếng, sau đó đi ô tô xuống Cần Thơ, mất cũng phải 3-4 tiếng nữa. Thời gian đi lại quá vất vả, nhất là nhà lại có người già, con nhỏ. Giờ có đường bay thẳng của Vietjet chỉ cần bay mất 2 tiếng là đến Cần Thơ, dễ dàng hơn rất nhiều rồi”, chị Ánh chia sẻ.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Sở Du lịch Cần Thơ, cho biết hạn chế trong việc đi lại là một trong những khó khăn khiến lượng khách du lịch đến Cần Thơ nói riêng và miền Tây nói chung vẫn chưa xứng với tiềm năng. “Với đường bay mới Cần Thơ - Vân Đồn, chúng tôi kỳ vọng sẽ thu hút thêm không chỉ khách du lịch nội địa mà cả khách quốc tế”, ông Tuấn nói.
Đường bay mới dự kiến sẽ thúc đẩy xuất khẩu thủy hải sản từ ĐBSCL sang Trung Quốc. Ảnh: ST
Quảng Ninh có Hạ Long, Cần Thơ với chợ nổi sông nước là những điểm du lịch hấp dẫn với hầu hết khách quốc tế, bao gồm cả khách Trung Quốc. Đường bay Cần Thơ-Vân Đồn sẽ là một lựa chọn hấp dẫn để khách du lịch quốc tế nối chuyến, tiếp tục khám phá các địa điểm mới tại Việt Nam.
Chợ nổi Cái Răng, Cần Thơ. Ảnh: ST
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Tổng giám đốc Vietjet, cho biết: “Vietjet tự hào là hãng tiên phong khai phá các đường bay mới, thúc đẩy giao lưu thương mại, du lịch của các địa phương, góp phần phát triển kinh tế của cả nước”.
Theo dự kiến, Vietjet sẽ chính thức khai thác đường bay Cần Thơ - Vân Đồn từ ngày 25/4 với tần suất 3 chuyến/tuần vào các ngày thứ Ba, Năm, Bảy, trở thành hãng hàng không đầu tiên kết nối hai vùng kinh tế trọng điểm của đất nước.