Vô cảm với đồng loại: Khi niềm tin đổ vỡ

Vô cảm với đồng loại: Khi niềm tin đổ vỡ

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:58
0
Thỉnh thoảng đọc tin tức, tôi lại cảm thấy đắng lòng trước cách cư xử của người với người.

Một em bé 2 tuổi người Trung Quốc bị xe cán, không ai quan tâm đến em, mãi đến lúc có người đưa em vào viện thì em cũng không thể qua khỏi vì vết thương quá nặng.

Một người vô gia cư ở Mỹ chết cóng bên vệ đường giữa trời mùa đông giá rét, đông đảo người đi ngang qua nhưng không có lấy một cái ngoảnh đầu nhìn lại.

Một người đàn ông ở Việt Nam bị thương do tai nạn giao thông, lắm người đứng lại nhìn do hiếu kì, vài kẻ tranh thủ hôi của, chỉ một số ít người quan tâm đến việc gọi cho cảnh sát và xe cấp cứu.

Những câu chuyện trên không hề hiếm. Tin tức lan truyền với tốc độ chóng mặt, bạn đọc phẫn nộ, cho rằng tình người đang dần bị xã hội hiện đại bào mòn. Tôi cũng trăn trở không ít, luôn tự hỏi rằng, chẳng lẽ trong 10 người qua đường, tìm một người tốt khó đến thế sao?

Xã hội - Vô cảm với đồng loại: Khi niềm tin đổ vỡNhiều bạn trẻ thắp nến tiễn biệt bé Yue Yue

Nhưng rồi, tôi đã nghe được những câu chuyện khác! Và biết đâu, những người tưởng như đã vô tâm lướt qua thảm cảnh của đồng loại ấy cũng đáng nhận được cái nhìn cảm thông từ phía dư luận.

Những màn kịch hoàn hảo

Ngày trước, đứa em họ của tôi đưa bà ngoại về nhà trên một chuyến xe buýt. Có một người phụ nữ đã lân la làm quen với ngoại, kể chuyện mình bị rạch túi, tiền bạc đều mất sạch, sau đó, ngỏ lời xin ngoại tiền mua vé xe về quê. Ngoại vì thương người nhưng còn cảnh giác, lại nghĩ mình cũng sẽ xuống bến xe khách Chợ Lớn chung với người phụ nữ ấy, nên hứa khi đến nơi sẽ dắt chị ta đi mua vé. Nào ngờ, chị ta chẳng những không cảm ơn mà còn lớn tiếng mắng ngoại ngay trên xe, mọi người ai nấy đều xoay đầu nhìn, ngoại chỉ còn biết thở dài buồn bã, không một lời phân bua.

Một người bạn của tôi thường đi học bằng xe buýt cũng từng kể lại, có một lần, cậu ta nhìn thấy một người đàn ông ăn mặc nhếch nhác xuất hiện trên xe, ông gặp hành khách, khóc lóc kể rằng mình bị gạt tiền. Vài người mủi lòng rút ví cho ông mấy chục ngàn, cậu bạn cũng xót xa đưa cho ông tờ mười ngàn. Bẵng đi chừng một tháng, trên chuyến xe buýt khác, cậu bạn tôi bất ngờ khi gặp lại người đàn ông ấy, vẫn là bộ đồ cũ, vẫn là kịch bản cũ, và vẫn có người lấy tiền ra cho. Cậu bạn tôi chỉ còn biết cười buồn, cả một câu cảnh báo người xung quanh cũng không dám nói vì sợ chuốc họa vào thân.

Xã hội - Vô cảm với đồng loại: Khi niềm tin đổ vỡ (Hình 2).

Trở lại chuyện đứa bé hai tuổi ở Trung Quốc, cách đây không lâu, cũng ở đất nước này, tôi đọc được dòng tâm sự trên báo của một bạn trẻ đã từng giúp một ông già bị xe tông. Ông ta nằm rên la ngay giữa phố, vài người đứng lại nhìn rồi tiếp tục rảo bước, bạn trẻ nọ quá bức xúc, bèn lao vào đỡ ông dậy, định đưa ông vào viện. Nào ngờ, chỉ vừa chạm vào người ông, ông đã la toáng lên rằng chính cậu đã làm ông bị gãy chân, rồi ông cứ thế nằm ăn vạ ngay giữa phố, níu chặt cậu thạnh niên, đòi tiền bồi thường. Cậu thanh niên bất lực, đành gọi cho cảnh sát. Những thủ tục tại đồn lại làm mất thêm của cậu vài ngày nữa cho đến lúc xác định được ông già ấy đích thị là lừa đảo.

Trên đây chỉ là vài trong số hàng ngàn câu chuyện tương tự vẫn đang diễn ra khắp mọi nơi. Hôm nay, bạn nghe chuyện một phụ nữ bị lừa hết tiền chỉ vì trót tin lời kẻ lạ. Ngày mai, bạn nghe tin một “dũng sĩ bắt cướp” bị giang hồ tấn công dằn mặt. Hôm sau, bạn lại đọc thấy tin một chủ tiệm vàng tự tay giao hơn 120 lượng vàng cho một kẻ được nghi là biết thuật thôi miên.

Một ngày khác nữa, bạn lại nghe chính người nhà của mình kể vừa bị thóa mạ nơi công cộng chỉ vì trót cảnh báo mọi người về hành vi lừa đảo của một kẻ xấu xa nào đó. Trong một cuộc sống có quá nhiều lường gạt, quá nhiều giả dối, liệu, những hành động được cho là vô tâm trước thảm cảnh của đồng loại là đáng trách, hay là đáng thương? Biết đâu, trong số những khuôn mặt lạnh lùng bỏ đi khi nhìn thấy một người bất hạnh bị xe tông, có người đã từng là nạn nhân của những trò lừa đảo vô đạo đức.

Lời kết

Dĩ nhiên, tôi viết bài này không phải để khuyên bạn rằng: “Hãy tiếp tục vô tâm đi!”, nhưng là để mong rằng bạn sẽ có một cái nhìn chân thực hơn trước những gì đang diễn ra quanh bạn. Cũng để hi vọng rằng, trước khi lên án một ai đó vô tâm, bạn hãy đặt mình vào hoàn cảnh của họ để cảm thông trước đã.

Bé gái Trung Quốc mất mạng, lỗi thuộc về những người qua đường thì ít, nhưng phần nhiều lại thuộc về chính những “kịch sĩ trên đường phố”. Cái bị xã hội ngày nay bào mòn không phải là cảm xúc, không phải là tình đồng loại, mà chính là niềm tin giữa con người với con người!

Mộc Hân

Cảm nhận cuộc sống cùng Người đưa tin blog

Độc giả có những cảm nhận về cuộc sống cần chia sẻ cùng bạn bè, người thân, hãy viết cảm xúc đó, và vui lòng gửi về chúng tôi theo địa chỉ email: blog@nguoiduatin.vn. Bài viết có tính chất phi thương mại nên không tính nhuận bút. Trân trọng!