Tấm bia chữ 'Thần' kỳ bí ở ốc đảo xứ Thanh

Tấm bia chữ 'Thần' kỳ bí ở ốc đảo xứ Thanh

Thứ 3, 28/05/2013 | 09:21
0
Dù rằng chẳng hiểu được ý nghĩa của tấm bia chữ Thần nằm chênh vênh trên vách núi, nhưng vợ chồng lão nông Mai Xuân Thuần ở xã Nga Thiện, huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) đã tự nguyện canh giữ suốt hơn 20 năm qua với một tâm niệm: Cái gì của người xưa để lại sẽ có giá trị với đời sau.

Con đường độc đạo dẫn đến tấm bia đá lạ

Để mục sở thị tấm bia khắc chữ Thần huyền bí này, chúng tôi phải ngược dòng sông Hoạt, bắt đầu từ ngã ba sông Chính Đại thuộc địa phận xã Nga Điền xuôi về xã Nga Thiện. Tuy quãng đường chỉ dài chừng độ 3km, nhưng chúng tôi phải đi đò hết gần 2 giờ đồng hồ mới đến được với tấm bia chữ Thần. Dòng sông Hoạt uốn lượn quanh co giữa  hai dẫy núi đá vôi cao sừng sững,  đã tạo nên phong cảnh sơn thủy hữu tình ở nơi đây. Lênh đênh trên thuyền, chúng tôi mới cảm nhận được sự hoang sơ, vắng lặng khi đi qua cửa Thần phù - cánh cửa độc đạo để đến với tấm bia chữ Thần.

Vùng đất ven biển của huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) xưa kia là một cửa biển mênh mông sóng nước. Nơi đây, gắn liền với nhiều chiến tích lịch sử đánh giặc ngoại xâm của cha ông. Người dân xứ Thanh thường nhắc đến vùng đất này gắn liền với nhiều huyền tích lịch sử bằng những câu chuyện đẫm màu truyền thuyết như: Chàng Từ Thức gặp nàng Giáng Hương, Mai An Tiêm ở đảo hoang... Theo đó, từ bao đời nay, sự tồn tại của tấm bia chữ Thần ở nơi đây cũng gắn liền với những câu chuyện huyền bí.

Trong lúc chèo thuyền đưa chúng tôi qua cửa Thần phù, ông Đinh Văn Toán (64 tuổi), trú tại xóm 7, xã Nga Điền, là một người đã hơn 30 năm làm nghề lái đò cho du khách và những người muốn tìm hiểu về chữ Thần ở nơi đây cho hay: "Khi lớn lên tôi đã thấy có tấm bia rồi. Tuy nhiên, với người dân như tôi nguồn gốc, niên đại và giá trị của tấm bia là vấn đề nằm ngoài tầm hiểu biết".

"Bất cứ ai lúc mới nhìn vào tấm bia đều không thể biết cái chữ to khắc trên đó là chữ gì đâu, vì tấm bia bị người dân bắc thang leo lên đục mất một phần rồi. Kể cả cái chữ to nhất cũng bị người dân đục mất một góc. Thêm vào đó, do tấm bia nằm lửng lơ trên vách núi, nên nước mưa từ trên đỉnh núi chảy xuống đã làm rêu xanh bám vào làm mờ chữ. Người dân chúng tôi chỉ gọi là bia khắc chữ Hán, chứ không biết đấy là chữ gì. Trước kia tôi có chở một đoàn nghiên cứu đến, sau khi họ bắc thang lên xem và nói là cái chữ to nhất khắc trên tấm bia là chữ Thần. Bởi vậy, người dân chúng tôi mới gọi là bia chữ Thần", - ông Toán cho biết thêm.

Qua quan sát, chúng tôi nhận thấy diện tích của tấm bia khoảng 1m22, được gắn lưng chừng trên vách núi. Tấm bia hướng về làng Hoàng Cương, xã Nga Thiện. Chữ Thần chủ đạo trên tấm bia được khắc nổi (dương tự), chiếm phần lớn diện tích của tấm bia. Tính từ mặt đất lên, tấm bia ở độ cao khoảng 10m. Xung quanh bốn góc bia được đục đẽo những đường vân rất kĩ càng. Về nguồn gốc, niên đại và giá trị của tấm bia chữ Thần cho đến nay vẫn đang còn nhiều tranh cãi, vì chưa có một công trình khoa học nào nghiên cứu sâu về nó.

Xã hội - Tấm bia chữ 'Thần' kỳ bí ở ốc đảo xứ Thanh

Ông Thuần chỉ tay về phía trước tấm bia chữ Thần.

Ông Mai Xuân Thuần, người đã suốt hơn 20 năm tự nguyện canh giữ tấm bia khẳng định: "Trên tấm bia này chỉ có chữ Thần, mà ở bốn góc ngang dọc cửa tấm bia đều có những dòng chữ Hán nhỏ được khắc chìm (âm tự). Đến nay, những dòng chữ nhỏ này không còn nữa, vì do trước đây dân làng ở bên sông bị dịch đau mắt, họ nghĩ do tấm bia chiếu vào làng gây ra, nên nhiều người dân đã đến bắc thang lên đục hết những chữ nhỏ này đi rồi".

Vợ chồng lão nông gác chữ không công

Trong quá trình tìm hiểu tấm bia, chúng tôi mới biết rằng, suốt hơn 20 năm qua, vợ chồng lão nông Mai Xuân Thuần (56 tuổi) sinh sống ở vùng đất hoang dưới chân núi đã tự nguyện canh giữ tấm bia huyền bí này, dù rằng họ không biết ý nghĩa của tấm bia chữ Thần. Vì vậy,  người dân ở xã Nga Thiện đã  ví vợ chồng ông Thuần là "hiện thân" của Mai An Tiêm ở đảo hoang.

Nói về vùng có tấm bia, ông Thuần khẳng định: "Vùng đất này trước khi vợ chồng tôi ra khai hoang lập nghiệp, nó giống như một ốc đảo hoang. Mùa lũ, xung quanh khu vực này nước ngập hết, chỉ còn lại khu đất mà tôi dựng lều ở là không bị ngập nước. Ở đây chẳng trồng được cây gì ngoài cây cói. Mấy năm trước có nước thuận lợi thì còn trồng được, chứ những năm gần đây, do người ta đắp đập ở cửa biển, nên không có nước chảy vào ruộng, cây cói không sống nổi, đành phải bỏ hoang ruộng đồng. Sở dĩ vợ chồng tôi tự nguyện canh giữ tấm bia suốt hơn 20 năm qua là vì tâm niệm: Cái gì của ông cha để lại chắc chắn sẽ có giá trị cho con cháu".

Nhắc đến tấm bia chữ Thần, ông Thuần kể: "Tôi cũng nghe nói về tấm bia ở núi đá này từ khi còn bé. Khi ra sinh sống ở đây, vợ chồng tôi chỉ biết khai hoang lập nghiệp chứ không để ý tới. Đến khi có nhiều đoàn đến nghiên cứu về xin trọ lại nhà tôi, nghe họ nói mới biết rõ là tấm bia này đã có từ hàng nghìn năm nay. Đây có thể là một di tích lịch sử của ông cha để lại,  nhưng do nó nằm ở nơi hoang sơ này, nên ít người quan tâm đến".

Hàng tháng, cứ đến ngày rằm hay ngày mùng một, vợ chồng ông Thuần lại sắm đĩa hoa quả, cùng nén hương đến dưới tấm bia chữ Thần để thắp. Ông Thuần tâm sự: "Tuy vợ chồng tôi không hiểu ý nghĩa của tấm bia, nhưng đó là của ông cha để lại, nên mình phải làm tròn đạo nghĩa, thắp nén hương thành kính cho phải đạo. Những năm gần đây, có rất nhiều người từ mãi huyện Hậu Lộc, Hoằng Hóa... cũng tìm đến nơi chữ "Thần" này để thắp hương cầu khấn. Nhiều người còn mang theo can, chai nhựa đế lấy nước trong cái hang nhỏ nằm dưới chữ Thần về uống. Tôi nghe họ nói là nước này chữa được bệnh, mình cũng không tin lắm".

ai khắc bia và có từ bao giờ?

Nhớ lại những lời đồn đoán về lời nguyền liên quan đến tấm bia khiến dân làng bên sông bị đau mắt, ông Thuần cho hay: "Khi đó, tôi thấy nhiều người đến bắc thang lên đục tấm bia vào buổi tối, nên tôi đã báo công an đến ngăn họ. Qua tìm hiểu, tôi mới biết ở làng của họ xảy ra dịch đau mắt và họ cho rằng do tấm bia chiếu vào làng. Từ sự đồn đoán về lời nguyền của tấm bia làm cả làng gặp phải dịch đau mắt, nên họ mới tìm đến, rồi bắc thang lên đục tấm bia. Sau đó, cơ quan y tế về kiểm tra mới biết dịch đau mắt ở làng này là do dùng nguồn nước bị ô nhiễm sau trận lũ. Khi nguồn nước được xử lý, thì dịch đau mắt của làng họ cũng được dập tắt".

Khi chia tay chúng tôi, ông Thuần nói lên tâm nguyện: "Thiết mong các cơ quan chức năng quan tâm, cử các nhà nghiên cứu về nơi đây khảo sát, tìm hiểu, để sớm có những kết luận về giá trị đích thực của tấm bia. Nói thật, nếu không được sự quan tâm của các cơ quan chức năng, lỡ may người dân không hiểu về giá trị của nó mà phá hủy tấm bia thì thật là đáng tiếc".   

Những phỏng đoán

Ông Nguyễn Văn Hải, Phó trưởng Ban Quản lý di tích và danh thắng Thanh Hóa nhận định: "Bia chữ Thần nằm trên núi Bi, thuộc địa bàn xã Nga Thiện, huyện Nga Sơn. Theo sách Đại Nam nhất thống chí phỏng đoán là bia của Lê Thánh Tông, thời Lê sơ. Chắc chắn giá trị của nó ghi lại dấu ấn lịch sử một thời, do cha ông để lại. Chữ Thần có nghĩa là thần thánh. Đáng tiếc, hiện tại, chưa có công trình nào nghiên cứu chuyên sâu về tấm bia này và chưa được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa".   

Văn Cương

Những người canh giữ ngọn hải đăng cổ nhất Đông Nam Á

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:46
Chỉ vỏn vẹn có bảy người đàn ông sống trên một hoang đảo, mọi sinh hoạt hằng ngày đều phải tự túc.

Cặp "cận vệ" già 60 năm canh giữ thác nước thần

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:48
Câu chuyện về cặp "cận vệ" già cụ Hà Văn Nghệ và cụ Hà Thị Lênh ở thôn Đồng Chùa (xã Văn Luông, Tân Sơn – Phú Thọ) khiến nhiều người cảm thấy khâm phục.

Vì màu xanh của rừng: Gian nan giữ rừng

Thứ 5, 09/05/2013 | 14:29
Mùa khô hạn sắp qua, rừng bắt đầu thay lá mới. Trong tiết trời oi bức báo mưa đầu mùa, 14 cán bộ Trạm Kiểm lâm Rang Rang (Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai) thở phào khi rừng đã ngừng trút lá.

Người 10 năm dựng lều... canh mộ không công

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:59
Ở một vùng quê của Nghệ An, nhắc đến Chương "vườn mồ" ai cũng kính nể bởi trong con người lão chưa có khái niệm sợ ma. Để chứng minh điều đó là hiện hữu, lão làm ngay trên đỉnh đồi một cái lều để tiện cho việc nấu ăn và ngủ nghỉ ở đấy.