Vô pháp sẽ sớm… vô viện!

Thành công bước đầu của Chỉ thị 16 về giãn cách xã hội khiến số ca mắc Covid-19 tăng chậm lại. Song thay vì tiếp tục hợp tác, một số người dân có biểu hiện chủ quan nên vội vã lao ra đường. Đó là sự vô pháp cần phải lên án.

10h sáng 10/4/2020, Bộ Y tế cho biết, hiện không ghi nhận ca bệnh Covid-19 mới. Cả nước có 255 bệnh nhân Covid-19 tại 27 tỉnh, thành phố. Cùng ngày , thêm 14 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca âm tính Covid-19 sau điều trị lên 128 ca.

Đây có thể coi là thành công ban đầu của Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, trong đó thông điệp chính là yêu cầu người dân thực hiện giãn cách xã hội (ở trong nhà, chỉ ra ngoài khi thật cần thiết,…).

Thời điểm ngày 1/4, chúng ta đã sẵn sàng đương đầu với cao điểm lây nhiễm cộng đồng được dự đoán có thể lên tới 500 ca, thậm chí 1.000 ca trong tương lai gần.

Và may thay, số ca nhiễm chỉ tăng từ 212 lên 255 sau 10 ngày thực hiện giãn cách xã hội.

Thế nhưng, trong khi các cấp các ngành đang căng mình chống dịch ở “giai đoạn vàng” kiểm soát tình trạng lây nhiễm này thì từ vài ngày nay, nhiều người dân có tâm lý chủ quan, thở phào nhẹ nhõm nên mặc sức lao ra đường.

Phố phường Hà Nội lại sin sít xe cộ, công viên tấp nập người chạy bộ (thậm chí không đeo khẩu trang). Nhiều người tụ tập ăn chơi như thể đại dịch đã ở đâu đó rất xa chứ không phải đang rình rập cận kề.

Đêm 5/4, Đội CSĐT tội phạm về ma túy, Công an TP.Huế đột kích quán karaoke Hoàng Tử (257 Điện Biên Phủ, P.Trường An) phát hiện có 3 phòng hát đang hoạt động với 28 khách.

Tại Thanh Hoá, 23h đêm 6/4, Công an huyện Thọ Xuân bắt quả tang một nhóm 9 nam nữ thanh niên trong quán Bảo Bảo đang tập trung hát karaoke. Vụ việc đã khiến Chủ tịch UBND thị trấn Thọ Xuân - ông Ngô Văn Hùng bị đình chỉ công tác vào ngày 9/4.

Còn tại Hà Nội, ngày 7/4, Công an xã Hòa Nam (huyện Ứng Hoà, Hà Nội) kiểm tra hành chính quán karaoke Rubi ở thôn Nam Dương, xã Hòa Nam, cũng phát hiện có 4 phòng hát đang hoạt động với 24 khách hàng.

Không chỉ vội vã thoả mãn non với kết quả chống dịch bằng cách sớm thiết lập nhịp sống như cũ, nhiều người dân cũng bắt đầu “lạc quan tếu” rằng dịch bệnh sẽ không lan đến mình, cho nên lơ là các biện pháp phòng vệ cần thiết.

Chỉ từ ngày 28/3 đến nay, TP.HCM đã xử phạt 2.482 trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng với số tiền phạt 496 triệu đồng.

Thậm chí, sự vô pháp đã trở nên quá quắt đối với trường hợp người phụ nữ ở Hải Phòng hất tung máy đo thân nhiệt, tát công an hôm 3/4, hay cậu thanh niên ở Thái Bình hôm 8/4 không đội mũ bảo hiểm, không đeo khẩu trang nhưng lại đánh nhân viên kiểm dịch, tự “thông chốt” kiểm dịch để đi qua… Cả hai trường hợp này đều đã bị khởi tố hình sự ngay sau đó vài ngày.

Sự thật thì chúng ta đang ở đâu trong cuộc chiến chống lại Covid-19? Và vì sao một số người dân lại sớm chủ quan với dịch bệnh như vậy?

Đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, 210 quốc gia/vùng lãnh thổ đã phải chứng kiến 1.524.834 ca mắc với 88.965 ca tử vong (số liệu tối 9/4/2020).

Việt Nam tuy chưa có ca tử vong nào song hiện nay, ngoài 255 ca dương tính thì vẫn còn 74.941 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly), trong đó 720 cách ly tập trung tại bệnh viện, 24.329 cách ly tập trung tại cơ sở khác và 49.892 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Đặt giả thiết, chỉ cần vài người trong số 49.892 trường hợp tự cách ly tại nhà kia nếu đang ủ bệnh mà lại tung tăng ra ngoài đi tập thể dục, hát karaoke… thì hậu quả sẽ khủng khiếp đến mức nào?

Chúng ta nhớ rằng, chỉ 1 bệnh nhân 243 ở Hạ Lôi (Mê Linh, Hà Nội) đã khiến hơn 10.000 dân Hạ Lôi bị phong tỏa 28 ngày.

Vẫn bệnh nhân 243 khi tiếp xúc gần với một Phó trưởng Công an phường Đông Ngạc (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), sau đó đồng chí công an này về sinh hoạt tại đơn vị khiến toàn bộ công an phường này (19 người) phải cách ly y tế.

Tại tỉnh Hà Nam, chỉ 1 vì 1 bệnh nhân 251 mà ngày 8/4 tỉnh đã phải phong tỏa và cách ly cả thôn Ngô Khê, xã Bình Nghĩa, huyện Bình Lục (là nơi cư trú của bệnh nhân). Bệnh viện Đa khoa Hà Nam phải cách ly 45 nhân viên y tế, phong tỏa khoa Nội Tiêu hóa nơi bệnh nhân 251 đang điều trị.

Biết bao nhiêu tiền của đã phải trích từ ngân sách nhà nước để trang trải các chi phí y tế, ăn ở cho người cách ly và lực lượng phục vụ? Bao nhiêu người mất công ăn việc làm?... Thiệt hại không thể nào tính toán hết được.

Trong khi đó, nhiều ngày qua, nhiều người dân, doanh nghiệp, tổ chức hội… lên tiếng đề xuất Chính phủ nhanh chóng cung cấp các gói cứu trợ, đề nghị giãn thuế, v.v… Thử hỏi, ngân sách còm cõi đang phải chịu áp lực đến mức nào?

Bởi vậy, mong những người dân trước khi định bước chân ra khỏi nhà hãy tự đặt câu hỏi với chính mình về động cơ ra ngoài. Ra ngoài vì cái gì? Có thật sự cần thiết không?

Cơm áo, gạo tiền ư? Mưu sinh ư? Ai cũng cần tiền, cần cơm ăn áo mặc. Nhưng ở nhà vài tuần không chết đói được. Càng không ai chết vì không được hát karaoke hay phải tập thể dục ở trong nhà.

Còn dịch bệnh thì đang ở ngoài đường rồi. Nếu cứ nghênh ngang đi lại, không lấy gì làm đảm bảo rằng con virus “ngang ngược” ấy sẽ chừa chúng ta ra. Vô pháp lắm thì sớm vô bệnh viện. Rồi lại bất cẩn lây cho người thân, cho cộng đồng. Hãy nhìn vào ca mắc số 19 (là bác ruột bệnh nhân số 17 ở Trúc Bạch) đã từng rơi vào nguy kịch phải thở máy. Nếu người thân chúng ta chẳng may thiệt mạng vì sự vô pháp của chúng ta, thì sự ân hận sẽ kéo dài đến bao giờ?

Hãy sáng suốt lựa chọn khi còn được lựa chọn. Ở nhà tốt hơn ở bệnh viện. Khoẻ mạnh tốt hơn bị bệnh. Giảm thu nhập vẫn tốt hơn phải chi cả đống tiền cho thuốc men…

Sự bất tiện của chúng ta khi phải tiết chế những thú vui thường ngày sẽ là xứng đáng khi có thể làm giảm thiệt hại cho Nhà nước và cho hàng triệu người khác trong cộng đồng.

Chúng ta còn được lựa chọn. Và khi vẫn còn cái quyền ấy trong tay, hãy nghĩ đến những người không được lựa chọn như chúng ta. Đó là những cán bộ y tế đang phải căng mình chống dịch. Họ làm việc bất kể ngày đêm, nhiều người đang mang thai, nhiều người khác nhiều ngày nay không được ôm con nhỏ vào lòng…., chỉ để cho chúng ta được an toàn trong nhà và ôm con chúng ta.

Ở nhà, lẽ nào lại khó thực hiện đến thế?!

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Cách ly tập trung và giải pháp sẻ chia khó khăn với Nhà nước

Thứ 5, 09/04/2020 | 19:00
Việc Đảng, Chính phủ ta trong thời gian qua đặc biệt chú trọng lo cách ly số người từ nước ngoài trở về với lượng người rất lớn quả là một cố gắng rất đáng ghi nhận. Song, có nên "cố quá“ như hiện nay hay là để xã hội hoá việc này một phần?

Phố vắng hoang vu từ lúc em...về

Thứ 5, 02/04/2020 | 07:00
Hà Nội ngày cá tháng Tư. Phố vắng hơn vì chống dịch, cách ly toàn xã hội, “Tỉnh nào ở tỉnh đó, huyện nào ở huyện đó, xã nào...”. Phố vắng vì Mi mô em từ đâu đến, vắng vì em đã bỏ phố về quê. Phố vắng đâu có gì đáng sợ vì Hà Nội đã nhiều lần vắng và còn hoang vu.

Chi phí cách ly và điều trị Covid-19: Thế nào là hợp lý?

Thứ 6, 27/03/2020 | 08:31
Chính sách miễn phí cách ly tập trung và điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 thể hiện bản chất tốt đẹp của xã hội ta. Song nếu áp dụng với vài chục nghìn người, trong đó có cả những người nước ngoài, Việt kiều, người có thu nhập cao…, thì lại là không công bằng đối với người dân nộp thuế khác.