Vụ án 'con ruồi nửa tỷ':VKS và luật sư tranh luận khái niệm 'bị hại'

Vụ án 'con ruồi nửa tỷ':VKS và luật sư tranh luận khái niệm 'bị hại'

Thứ 3, 27/12/2016 | 17:05
0
Tại phiên tòa Võ Văn Minh, phần tranh luận thực sự nóng khi luật sư bảo vệ cho Võ Văn Minh và Viện KSND tỉnh Tiền Giang đưa ra các ý kiến của mình. Báo NĐT xin gửi đến bạn đọc phần tranh luận này.

Công dân có quyền tố giác tội phạm

Pháp luật - Vụ án 'con ruồi nửa tỷ':VKS và luật sư tranh luận khái niệm 'bị hại'

Bị cáo Võ Văn Minh.

1/ Luật sư Phạm Hoài Nam (bảo vệ cho Võ Văn Minh ): Đề nghị xem xét biên bản bắt người phạm tội quả tang là không khách quan. Ngày 23/1, Công ty Tân Hiệp Phát có đơn tố giác nhưng anh Trương Tiểu Long (nhân viên Công ty Tân Hiệp Phát – PV) là người nộp mà không chứng minh được có ủy quyền bằng văn bản của bà Trần Ngọc Bích (giám đốc điều hành Công ty Tân Hiệp Phát – PV). Người tiếp nhận yêu cầu tố giác là ông Trần Chí Tâm (điều tra viên Công an tỉnh Tiền Giang – PV). Đi bắt quả tang cũng là ông Trần Chí Tâm và điều tra viên được phân công cũng là ông Trần Chí Tâm.

KSV: Theo Điều 101 Bộ luật TTHS (đọc luật): Công dân có thể tố giác tội phạm với CQĐT, VKS, Tòa án hoặc với các cơ quan khác, tổ chức. Nếu tố giác bằng miệng thì cơ quan, tổ chức tiếp nhận phải lập biên bản và có chữ ký của người tố giác. Cơ quan, tổ chức khi phát hiện hoặc nhận được tố giác của công dân phải báo tin ngay về tội phạm cho CQĐT bằng văn bản. Như vậy, ông Long có quyền tố giác tội phạm mà không cần được ủy quyền của bà Bích. Yêu cầu của luật sư Nam là không thỏa đáng. VKS xác định việc tố giác là quyền của công dân, bất cứ ai cũng có quyền tố giác. Để tố giác không bắt buộc phải có giấy ủy quyền. Về việc ông Tâm là người tiếp nhận, đi bắt quả tang và cũng là điều tra viên được phân công, luật sư Nam không đưa ra được căn cứ pháp lý thể hiện rằng như vậy là không khách quan.

2/ Luật sư Phạm Hoài Nam: Ngày 12 và 13/3, ông Tâm đã cho phép 2 luật sư của Công ty Tân Hiệp Phát cùng tham dự cung. Điều này dẫn đến khả năng làm lộ các bí mật của việc điều tra.

Luật sư Nguyễn Tấn Thi (bảo vệ cho Võ Văn Minh): Đề nghị xem xét vấn đề một cách toàn diện. Từ đó, vụ án này không thể đưa ra xét xử được bởi lẽ những thông tin điều tra đã được công bố vì điều tra viên đã cho phép 2 luật sư của Tân Hiệp Phát dự cung dẫn đến không còn khách quan. Về Giấy chứng nhận người bào chữa: ngày 3/2, luật sư gửi đơn yêu cầu cấp, ngày 5/2 mới ký phát hành nhưng 9/2 mới chuyển đến văn phòng luật sư chúng tôi.

Điều tra viên đã hỏi Võ Văn Minh có cần luật sư hay không. Võ Văn Minh trả lời khi nào cần thì yêu cầu trong khi trước đó chúng tôi đã được cấp giấy chứng nhận người bào chữa. Chúng tôi cũng có đơn yêu cầu dự toàn bộ các buổi lấy cung thì xảy ra việc 2 luật sư của Tân Hiệp Phát cùng dự buổi cung ngày 12 và 13/2. Luật sư đã khiếu nại việc này CQĐT và VKS nhưng không được trả lời. Ngày 27/3, tôi tiếp tục dự cung nhưng được điều tra viên thông báo là không cần nữa. Điều này khiến luật sư không tham gia đầy đủ để bảo vệ cho Võ Văn Minh. Chúng tôi cảm thấy có lỗi với bị cáo.

Chúng tôi không dám phủ định toàn bộ nội dung điều tra, cho rằng là phi pháp nhưng các nội dung điều tra đã không còn là cơ sở khách quan giải quyết. Mặc dù không được dự cung nhưng điều tra viên vẫn tiếp tục lấy cung. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền bào chữa của luật sư và quyền được bào chữa của bị cáo.

VKS: Theo nguyên tắc, việc tiếp nhận khiếu nại, phân công giải quyết như thế nào là của CQĐT. Khi nào CQĐT không trả lời, hoặc trả lời không thoả đáng thì luật sư có thể khiếu nại thì VKS mới giải quyết. Tuy nhiên, theo thông tin tôi được biết, CQĐT có Quyết định số 1 ngày 25/5/2015 trả lời khiếu nại. Theo đó, không chấp nhận khiếu nại của luật sư về việc điều tra viên cho phép luật sư của Tân Hiệp Phát cùng dự cung. Tôi chỉ không hiểu vì sao luật sư lại không có được văn bản trả lời này. Về phần VKS, chúng tôi không tiếp nhận được bất cứ khiếu nại nào nên đã không giải quyết.

Về việc các lời khai tại CQĐT là không khách quan thì tại phiên toà hôm nay, chúng ta đều thấy rằng lời khai của bị cáo phù hợp so với lời khai tại các hồ sơ vụ án. Luật sư phải hiểu rằng, tại phiên toà hôm nay mới phản ánh đúng bản chất khách quan của việc điều tra chứ không phải là ở giai đoạn điều tra. Ngoài ra, cũng không có một căn cứ nào cho thấy quá trình điều tra bị lộ gây bất lợi cho bị cáo. Các thông tin hiện tại đều là qua báo đài, không thể hiện đúng bản chất quá trình điều tra, kể cả các thông tin mà các luật sư có cũng không hoàn toàn phản ánh đúng, chỉ có tại phiên tòa hôm nay mới thể hiện đúng bản chất của quá trình điều tra.

Đánh giá chứng cứ là việc của cơ quan tiến hành tố tụng

3/ Luật sư Phạm Hoài Nam: Chúng tôi đã hỏi và bà Bích xác nhận rằng, bà Bích được lấy lời khai tại trụ sở Công ty Tân Hiệp Phát. Như vậy là không đảm bảo khách quan.

VKS: Theo Điều 135 BLTTHS, việc lấy lời khai của nguyên đơn dân sự, người làm chứng,… có thể diễn ra tại nơi tiến hành điều tra hoặc nơi cư trú, nơi làm việc của người đó. Vì vậy, việc lấy lời khai bà Bích tại trụ sở Công ty Tân Hiệp Phát là đúng luật.

4/ Luật sư Phạm Hoài Nam: BL 204 Kết luận giám định chai nước đã bị mở ra. Tuy nhiên, Trương Tiểu Long khai tại BL 134 135 xác nhận nắp còn nguyên vẹn.

VKS: Lời khai của Trương Tiểu Long và kết luận giám định không có mâu thuẫn vì trước hết như lời khai của bà Bích, việc đánh giá chính xác lỗi của sản phẩm như thế nào cần phải được phân tích tại phòng lab, bình thường chỉ có thể đánh giá bằng cảm quan. Kết luận giám định được thực hiện bởi cơ quan chuyên môn nên xét tính chính xác phải hơn lời khai của Trương Tiểu Long. Cái nào phản ánh đúng sự thật khách quan thì phải dùng. Đây không phải là mâu thuẫn là là Trương Tiểu Long không đủ khả năng đánh giá chính xác.

5/ Luật sư Phạm Hoài Nam: Trong hồ sơ vụ án Võ Văn Minh và Tân Hiệp Phát trao đổi chai nước 500 triệu bỗng xuất hiện một bút lục là bản án một vụ án ở quận Bình Thạnh (TP.HCM). Điều này là không khách quan, vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội cho bị cáo. Nếu đáp ứng nguyên tắc này, lẽ ra phải đưa vụ án ở TP. Biên Hoà (tỉnh Đồng Nai) vào hồ sơ.

VKS: Các bên đều có quyền đưa ra những tài liệu để làm chứng cứ để chứng minh yêu cầu của mình và CQĐT có trách nhiệm tiếp nhận. Do đó, như bà Bích đã xác nhận, bà đưa tài liệu này vào thì CQĐT phải đưa vào hồ sơ vụ án, đánh bút lục. Tuy nhiên, việc đánh giá chứng cứ lại là chuyện khác, là việc của các cơ quan tiến hành tố tụng. Tương tự, luật sư bị cáo có quyền đưa vào các tài liệu có lợi cho bị cáo và CQĐT phải tiếp nhận. Nhưng việc đánh giá sử dụng phải thuộc quyền của các cơ quan tiến hành tố tụng. Do đó, việc đưa một bản án của TAND quận Bình Thạnh để chứng minh rằng không giải quyết bằng tiền mà bằng cách tặng cho sản phẩm thể hiện thái độ của công ty đối với khách hàng và được đề nghị đưa vào thì cơ quan điều tra phải đưa vào và việc này không làm ảnh hưởng đến bản chất vụ án.

6/ Luật sư Phạm Hoài Nam: Việc đưa luật sư của Tân Hiệp Phát vào dự cung là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, làm lộ bí mật của điều tra. KSV cũng có mặt tại buổi hôm đó nhưng không có động thái gì.

Luật sư Nguyễn Tấn Thi: Chúng tôi không được dự cung đầy đủ (trả lời cho phần tranh luận của luật sư ở mục 2).

VKS: Hiện chưa có quy định nào cấm việc đưa luật sư của Tân Hiệp Phát, nguyên đơn dân sự hay người bị hại vào dự cung. Còn việc có làm lộ kết quả điều tra hay không thì tại phiên toà hôm nay đã cho thấy không có chứng cứ chứng minh kết quả điều tra bị lộ bởi luật sư của Tân Hiệp Phát. Chúng tôi đã có buổi làm việc với CQĐT về việc này và cho rằng, theo Điều 4, Điều 10 BLTTHS, CQĐT được áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ. Từ đó việc cho phép luật sư của Tân Hiệp Phát dự cung nhằm xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ là không vi phạm tố tụng. Điều 10 BLTTHS, Khoảng 3 Điều 59, Điều 3 Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự 2004, và luật luật sư cũng không có quy định cấm luật sư tham gia.

VKS chưa nhận được khiếu nại của luật sư về việc không được dự cung. Tại phiên toà hôm nay, việc xét hỏi đã được thực hiện đầy đủ và chúng tôi không cần dùng đến các bản cung của điều tra vẫn có thể giải quyết được vụ việc. Tuy nhiên, tại phiên toà hôm nay, bị cáo cũng đã thừa nhận toàn bộ lời khai ở giai đoạn điều tra.

Kết luận điều tra đã xác định rõ

7/ Luật sư Nguyễn Tấn Thi: Về quyết định đưa vụ án ra xét xử, chúng tôi đã yêu cầu thư ký Loan nhưng không được giao quyết định kịp thời. Chúng tôi quan tâm đến quyết định vì quan tâm đến tư cách của những người tham gia tố tụng. Quyết định ngày hôm nay không có người bị hại trong khi giai đoạn điều tra xác định Công ty Tân Hiệp Phát là người bị hại. Vậy thì ai mới là người bị hại? Trong tội cưỡng đoạt tài sản, phải có người bị hại, đó là người bị Võ Văn Minh uy hiếp tinh thần. Nếu không có người bị hại cụ thể nghĩa là không có người bị uy hiếp tinh thần cụ thể dẫn đến không có việc uy hiếp tinh thần đồng nghĩa với việc không có người phạm tội.

Chúng tôi hiểu rằng, vấn đề cơ bản của xét xử là xem xét hồ sơ nhưng chúng tôi xem xét vấn đề một cách khách quan toàn diện. Tiếc là vắng mặt một số người làm chứng, không có sự tham gia của điều tra viên.

Xác định tư cách tố tụng cũng có những sai sót. Người làm chứng phải là người hoàn toàn khách quan. Trong khi đó, ông Dưỡng là người lập biên bản, một biên bản như của CQĐT. Trương Tiểu Long thì vắng mặt không xác định được đã nhiều lần thương lượng với Võ Văn Minh như thế nào… Họ đều là nhân viên của Tân Hiệp Phát nên không thể khách quan được dẫn đến không thể là người làm chứng. Chúng tôi đã đề nghị thay đổi tư cách của họ ở phần thủ tục, họ phải là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

VKS: Việc giao quyết định sẽ do HĐXX xem xét trả lời.

Đối với người làm chứng, luật sư cho rằng người làm chứng phải khách quan. Việc xác định tư cách tố tụng, của người làm chứng là thẩm quyền của HĐXX dựa trên cơ sở quy định của pháp luật chứ không dựa vào đánh giá chủ quan của luật sư.

Việc phân tích về lý luận của khái niệm người bị hại theo nghĩa hẹp hay nghĩa rộng chúng tôi không bàn ở đây vì không liên quan trực tiếp đến vụ việc này. Tuy nhiên, với quan điểm không có người bị hại thì không có người phạm tội đối với tội cưỡng đoạt tài sản (Điều 135 BLHS) của luật sư là cần phải xem xét lại. Điều 135 chỉ xác định có một người cụ thể bị uy hiếp về tinh thần chứ không bắt buộc phải xác định có người bị hại cụ thể. Tại phiên toà hôm nay, đã xác định được bà Bích là người bị uy hiếp về tinh thần. Còn về tổ chức bị xâm phạm đến tài sản thì phải được xác định là nguyên đơn dân sự. Do vậy, xét cấu thành tội phạm như quy định tại Điều 135 BLHS thì đã đầy đủ.

8/ Luật sư Phạm Hoài Nam: Kết luận giám định không xác định ai là người cạy phá chai nước. Không xác định được bị cáo Minh là người làm ra chai nước có ruồi. Và cho rằng nếu chai nước này bị lỗi là do từ phía Tân Hiệp Phát thì bị cáo không có tội.

KSV: Việc cho ruồi vào chai nước do ai thực hiện không ảnh hưởng đến cấu thành tội phạm. Kết luận điều tra cũng có xác định đây là một vụ án khác không liên quan đến vụ án này.

Về chai nước có lỗi là do công ty thì bị cáo không có tội, còn ngược lại lỗi chai nước là do bị cáo thì bị cáo có tội thì là suy luận không có căn cứ. Ở đây lỗi của chai nước là điều kiện, dù chai nước có là lỗi do công ty thì bị cáo cũng dùng điều kiện là lo lắng về uy tín thương hiệu và dùng các hành vi khách quan nhằm mục đích đe dọa chiếm đoạt tiền thì cũng là cấu thành tội phạm.

9/ Luật sư Phạm Hoài Nam: Chính vì có sự thoả thuận bồi thường nên theo tôi nhận định việc Võ Văn Minh yêu cầu Tân Hiệp Phát trả tiền để trao đổi chai nước là theo luật bảo vệ người tiêu dùng Khoản 6 Điều 8 Luật Bảo vệ người tiêu dùng.

VKS: Bị cáo không phải là người tiêu dùng. Luật Bảo vệ người tiêu dùng có quy định tại Khoản 1, Điều 3, Người tiêu dùng là người mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, tổ chức. Bị cáo chỉ là Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, tức là tổ chức, cá nhân thực hiện một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi. Tại phần xét hỏi, tôi có xác định rõ và bị cáo đã thừa nhận là bị cáo không có thiệt hại gì khi phát hiện chai nước có ruồi. Về quan điểm cho rằng đây là giao dịch dân sự, đây không phải là giao dịch dân sự vì giao dịch dân sự phải dựa trên nguyên tắc tự nguyện giữa hai bên, ở đây Tân Hiệp Phát không tự nguyện nên không thể là giao dịch dân sự.

10/ Luật sư Nguyễn Tấn Thi: Lời khai của Tân Hiệp Phát không thống nhất với nhau qua phần xét hỏi đã thấy điều đó. Long khai làm theo quy trình và không có thẩm quyền gọi điện báo cho Giám đốc nhưng bà Bích là khai rằng có được Long báo cáo.

VKS: Không đi sâu vào tổ chức nội bộ của Tân Hiệp Phát.

NHÓM PVPL

 

 

Tag: ve chai
Cùng chuyên mục

Hải Dương: Tiêu hủy 10.000 con vịt giống

Thứ 5, 25/04/2024 | 22:47
Cục QLTT tỉnh Hải Dương đã phát hiện, bắt giữ, xử lý nhiều vụ việc vi phạm kinh doanh gà, vịt giống không có xuất xứ, không thực hiện kiểm dịch theo quy định.

Nạo vét, tuồn cát ra ngoài tỉnh: Chủ tịch Bình Định chỉ đạo kiểm tra

Thứ 5, 25/04/2024 | 21:53
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định vừa có văn bản chỉ đạo Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn kiểm tra, xử lý vụ việc Người Đưa Tin phản ánh.

Tp.HCM cảnh báo chiêu lừa dịp lễ 30/4 - 1/5

Thứ 5, 25/04/2024 | 20:31
Bên cạnh lưu ý người dân cảnh giác với các chiêu lừa đảo vào dịp lễ 30/4 và 1/5, Công an Tp.HCM sẽ huy động 100% lực lượng CSGT tuần tra, kiểm soát.

An Giang: Khởi tố 2 cán bộ VPĐKĐĐ chi nhánh Long Xuyên

Thứ 5, 25/04/2024 | 20:02
Cả 2 bị can là cán bộ VPĐKĐĐ chi nhánh Long Xuyên cùng bị khởi tố để điều tra cùng về hành vi Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Hoãn xử vụ BV thẩm mỹ Nam An kiện Cty quản lý Hoa hậu Lê Hoàng Phương

Thứ 5, 25/04/2024 | 19:32
Sau khi đặt nhiều cầu hỏi cho Công ty Sen Vàng, đại diện Bệnh viện thẩm mỹ Nam An đã đề nghị dừng xét xử và được tòa chấp nhận.
     
Nổi bật trong ngày

Hải Dương: Tiêu hủy 10.000 con vịt giống

Thứ 5, 25/04/2024 | 22:47
Cục QLTT tỉnh Hải Dương đã phát hiện, bắt giữ, xử lý nhiều vụ việc vi phạm kinh doanh gà, vịt giống không có xuất xứ, không thực hiện kiểm dịch theo quy định.