Vụ án hồ Bodom: Màn thôi miên người sống sót và nghi vấn hung thủ xuất hiện trong đám tang 3 nạn nhân

Mạnh Kiên

Vào một buổi sáng tháng 6/1960, 4 thiếu niên cắm trại bên hồ Bodom nổi tiếng ở Phần Lan đã bị tấn công. Ba người người thiệt mạng và chỉ còn một người sống sót. Cho đến ngày nay, đây vẫn là một trong những bí ẩn lớn nhất của Phần Lan.

Đêm thảm kịch

Cách Thủ đô Helsinki khoảng 20 km là thị trấn nhỏ Espoo, nơi có hồ Bodom nổi tiếng với vẻ đẹp thanh bình. Ngày 5/6/1960, có 4 thiếu niên dựng lều nghỉ ngơi bên hồ. Họ là hai đôi tình nhân, gồm Seppo Boisman và Tuulikki Mäki, Nils Gustafsson và Irmeli Björklund. Cả hai nam đều 18 tuổi và hai cô gái ở độ tuổi 15.

Khoảng 22h đêm, 4 người cùng nhau đi ngủ. Điều gì đã xảy ra từ lúc đó đến sáng hôm sau vẫn còn là một bí ẩn. Vào khoảng 11 giờ sáng ngày 6/6, một người đàn ông đang bơi ở hồ Bodom thì phát hiện cảnh tượng kinh hoàng bên hồ. Ai đó đã tấn công các thiếu niên qua lớp vải lều, khiến ba người chết và một người bất tỉnh. Tất cả đều mang trên người nhiều vết đâm và bầm tím, bao gồm cả Nils Gustaffson – nạn nhân vẫn còn sống, được phát hiện đang nằm trên nóc lều với bạn gái Björklund. Cặp đôi Mäki và Boisman nằm chết bên trong. Căn lều bị xé nát và một số vật dụng như quần áo và tiền bị lấy đi.

Cảnh sát nhận định cuộc tấn công xảy ra vào khoảng từ 4 giờ sáng đến 6 giờ sáng. Tuy nhiên, họ không thể xác định được vũ khí giết người nào đã khiến 3 nạn nhân tử nạn. Trên thực tế, cảnh sát không bao giờ tìm thấy hung khí. Một số quần áo của nhóm được tìm thấy dính đầy máu cách địa điểm giết người khoảng 500m, và điều kỳ lạ là kẻ giết người đã lấy trộm chìa khóa xe máy của nạn nhân Boisman, nhưng không trộm chính chiếc xe.

Cảnh sát đã kêu gọi quân đội hỗ trợ tìm kiếm trong khu vực nhưng có rất ít manh mối được phát hiện. Các nhà chức trách cũng đã bất cẩn trong việc bảo vệ hiện trường khi để nhiều người đi lại, vô tình xóa dấu vết các bằng chứng.

Kẻ tình nghi

Cảnh sát đã chỉ ra một số nghi phạm có thể là kẻ giết người ở hồ Bodom, bao gồm cả nạn nhân còn sống, Nils Gustafsson. Người này khai rằng đêm đó anh ta đã bị tấn công trước nhưng dường như thủ phạm nghĩ Gustafsson đã chết nên đã đi tìm các nạn nhân khác. Gustafsson khai rằng đã nhìn thấy kẻ giết người mặc đồ màu đỏ đen, nhưng không nhìn rõ mặt.

Kỳ lạ hơn là có người thậm chí đã thú nhận mình chính là kẻ sát nhân ở hồ Bodom. Tuy nhiên, những người thú nhận đó đều được xác định là có mặt ở nơi khác vào đêm vụ việc xảy ra. Nghi phạm đầu tiên là một tên tội phạm có tên Pentti Soininen, kẻ từng giết bạn tù vào năm 1960. Soininen sống gần địa điểm giết người. Tuy nhiên, lúc đó hắn chỉ mới 14 tuổi. Thật khó tin một đứa trẻ 14 tuổi có thể chế ngự cả 4 người cùng một lúc và lại đủ tinh quái để xóa bỏ mọi dấu vết như vậy. Trong một cái kết kỳ lạ, Pentti Soininen đã treo cổ tự sát vào ngày 6/6/1969 – đúng ngày kỷ niệm 9 năm vụ giết người.

Karl Valdemar Gyllstrom – kẻ sống trong khu vực - là nghi phạm đáng nghi nhất của cảnh sát. Theo các báo cáo, Gyllstrom đã thú nhận vụ giết người với người hàng xóm trong lúc say xỉn, mặc dù sau đó ông ta đã phủ nhận điều đó. Gyllstrom là một người đàn ông cay độc, ghét bỏ trẻ em và những người cắm trại.

Vài ngày sau vụ giết người, Gyllstrom bị trông thấy đang đổ bê tông vào một cái giếng trong khu vườn sau nhà mình, mà một số người tin rằng có thể ông đã vứt bỏ vũ khí giết người hoặc các vật dụng của nạn nhân. Kỳ lạ là cảnh sát đã không hề theo dõi vụ việc này.

Vợ của Gyllstrom cung cấp chứng cứ ngoại phạm của chồng mình vào đêm xảy ra vụ án mạng, nói rằng Gyllstrom ở trên giường cả đêm. Tuy nhiên người vợ được cho là đã bị chính chồng mình hăm dọa để nói như vậy. Một số người dân địa phương cũng cho biết họ nhìn thấy Gyllstrom trở về nhà vào đầu giờ sáng ngày 6/6. Nhưng do bản tính hung bạo của Gyllstrom, họ quá sợ hãi nên đã gọi cảnh sát. Khả năng dính líu của Gyllstrom trong vụ án sớm kết thúc - tương tự như Pentti Soininen - khi người đàn ông này cũng tự sát vào năm 1969.

Tiếp đến, Hans Assmann, một điệp viên KGB cũng trở thành nghi phạm đáng chú ý trong vụ thảm sát ở hồ Bodom. Vào ngày 6/6/1960, Assmann đến bệnh viện phẫu thuật Helsinki trong tình trạng không tỉnh táo. Quần áo của ông xuất hiện những vết ố đỏ, nói lắp bắp và móng tay có vết bẩn.

Có lúc, Assmann giả vờ bất tỉnh để khiến các bác sĩ khám cho ông ta nhanh hơn những bệnh nhân khác. Khi điều này không hiệu quả, Assmann tỏ ra tức giận với nhân viên bệnh viện và sau đó yêu cầu rời đi. Điều thú vị là vào buổi sáng xảy ra vụ giết người ở hồ Bodom, có hai đứa trẻ tuyên bố đã nhìn thấy một “người đàn ông tóc vàng” chạy trốn khỏi hiện trường vụ án vào khoảng thời gian vụ án mạng xảy ra.

Assmann cũng có mái tóc dài màu vàng vào thời điểm xảy ra vụ giết người ở hồ Bodom. Khi thông tin này được công chúng biết đến, Assmann đã cạo trọc đầu hoàn toàn. Ngoài ra, bộ quần áo mà Assmann mặc khi nhập viện sáng hôm đó cũng phù hợp với mô tả của bọn trẻ.

Assmann sống ở khu vực hồ Bodom và hành vi của ông ta vào khoảng thời gian xảy ra vụ giết người là nguyên nhân gây nhiều nghi ngờ. Các thám tử tin rằng Assmann có liên quan đến vụ giết người ở khía cạnh nào đó, ngay cả khi người này không trực tiếp chịu trách nhiệm.

Hơn nữa, Assmann đã từng là một nghi phạm giết người trong vụ án nổi tiếng nhất lịch sử Phần Lan. Đó là vụ sát hại một cô gái Phần Lan 17 tuổi vào năm 1953. Ngoài ra, cảnh sát cũng phát hiện sự dính líu của Assman trong ít nhất ba vụ án khác chưa được giải quyết. Về sau, Assman vẫn không phải đối mặt với cáo buộc nào.

Ông Kẹ

Về nghi phạm cuối cùng, cũng là nạn nhân sống sót sau thảm kịch ngày hôm đó - Nils Gustafsson – đã sống một cuộc sống bình thường trong hơn 40 năm. Anh ta lập gia đình, có hai con và nghỉ hưu. Tuy nhiên, vào năm 2004, cảnh sát Phần Lan đã mở lại vụ án dựa trên việc phát hiện ra bằng chứng ADN mới.

Cảnh sát đã tìm thấy mẫu máu của nạn nhân trên giày của Gustafsson. Họ cũng xác định rằng kẻ giết người, dù có thể là ai, đã đi giày của Gustafsson trong hoặc sau vụ giết người. Giả thuyết mà cảnh sát đưa ra là Gustafsson đã nổi cơn ghen tuông với bạn gái Irmeli Björklund. Để giải thích tại sao Gustafsson cũng bị nhiều vết thương, cảnh sát cho rằng Gustafsson tự đâm và tự đánh mình bầm tím để giả vờ như mình cũng là nạn nhân.

Bạn gái của Gustafsson, Björklund, bị nhiều vết đâm nhất, điều này càng củng cố giả thuyết trên. Tuy nhiên, các quan điểm khác cho rằng Gustafsson sẽ không bị đẩy đến những thái cực ghen tuông như vậy ở tuổi thiếu niên.

Vào tháng 10/2005, tòa tuyên trắng án cho Gustafsson. Cuối cùng, danh tính của kẻ giết người thực sự vẫn là một bí ẩn. 60 năm sau, kẻ giết người bí ẩn ở hồ Bodom được ví như “Ông Kẹ” để các bậc cha mẹ ở Phần Lan dọa những đứa trẻ hư.

Nils Gustafsson từng được thôi miên để phác thảo lại khuôn mặt kẻ sát nhân. Đặc biệt hơn khi người ta phát hiện khuôn mặt phác thảo này rất giống với một người đàn ông xuất hiện trong bức ảnh chụp đám tang các nạn nhân. Người đàn ông đó hiện vẫn chưa rõ danh tính.

M.K