Vụ thương binh bị vây đánh thương tích 80%, bỏ lại giữa đường: Vì sao vợ bị hại gào khóc giữa tòa?

Xuân Chinh

Liên quan đến vụ án các đối tượng vây đánh một thương binh, rồi bỏ lại giữa đường, gây tổn thương 80% sức khỏe, gia đình bị hại và luật sư cho rằng có việc bỏ lọt tội phạm, điều tra và truy tố không đúng tội danh… Hội đồng xét xử TAND huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) vừa tuyên trả hồ sơ cho VKS, yêu cầu điều tra bổ sung để làm rõ.

Ba hay bốn đối tượng vây đánh một thương binh?

Theo cáo trạng của VKSND huyện Thọ Xuân (VKS), sáng 27/10/2018, ông Nguyễn Văn Sơn (SN 1962), trú tại thôn 4, xã Xuân Hòa cùng với em ruột là Nguyễn Văn Trường (SN 1969), trú tại thôn Thượng Vôi, xã Xuân Hòa điều khiển xe trâu ra bãi sông Chu để lấy cát.

Khi cả hai đang xúc cát lên xe thì ông Phạm Văn Hiền (SN 1958), trú tại thôn Trung Thành, xã Xuân Hòa có đi đến và xảy ra tranh cãi với nhau. Ông Sơn đánh xe về, ông Trường tiếp tục đánh xe ra sông lấy cát, còn ông Hiền đi về nhà.

Khi ông Sơn đi qua nhà gặp ông Hiền và anh Thảo (con trai ông Hiền), hai bên tiếp tục tranh cãi và xô xát với nhau. Anh Thảo đã dùng tay đánh vào mặt ông Sơn gây chảy máu. Bà Pha (vợ ông Hiền) phát hiện sự việc tới can ngăn nên ông Sơn tiếp tục đánh xe trâu về nhà.

Đến khoảng 8h cùng ngày, ông Sơn và Trường điều khiển xe trâu chở cát từ bờ phía sông Chu về thì anh Thảo cũng lái xe công nông chở cát đi phía sau. Khi các bên điều khiển phương tiện đến khu vực ngã tư thôn Trung Thành thì xảy ra mâu thuẫn, tranh cãi nhau, ông Hiền đã đứng ra can ngăn.

Các bị cáo tại phiên tòa.

Lúc này, Nguyễn Văn Quang (SN 1999), trú tại thôn Trung Thành đi xe trâu ngang qua thấy Trường và Sơn (bác họ của Quang) xảy ra mâu thuẫn với anh Thảo nên vội chạy về nhà thông báo sự việc với bố mình là Nguyễn Bá Hùng.

Quang chạy ra vườn lấy gậy gỗ, điều khiển xe máy chở bố mình đi ra phía ngã tư thôn Trung Thành, nơi anh Thảo và hai bác họ đang tranh cãi nhau. Đến nơi, Hùng, Sơn, Trường, Quang và bố con ông Hiền tiếp tục xảy ra mâu thuẫn với nhau.

Trường cầm gạch, Sơn cầm xẻng đứng tại ngã tư thôn Trung Thành, Quang đưa gậy cho bố là Hùng cầm để chạy về nhà gọi thêm người. Anh Thảo cầm dao quắm định xông vào đánh Sơn, nhưng được ông Hiền can ngăn. Sau đó, thấy Sơn dừng lại nên anh Thảo đã lái xe công nông bỏ đi.

Tiếp đó, giữa ông Hiền, Hùng và Trường xảy ra mâu thuẫn, tranh cãi nhau. Hùng dùng gậy gỗ đánh liên tiếp 2 cái vào mạng sườn bên trái của ông Hiền, nhưng bị ông này giật được hung khí và đánh lại Trường. Ông Hiền cầm gậy gỗ bỏ chạy ra phía sông Chu thì Hùng cầm xẻng cùng với Trường đuổi theo đánh ông này.

Quang về gọi người ra tới nơi thấy bố mình là Hùng và Trường đang đuổi theo đánh ông Hiền nên cùng tham gia. Quang dùng viên gạch ném trúng ngực trái, khiến ông Hiền loạng choạng, ngã đập đầu xuống đường bê tông.

Sau khi ông Hiền bị ngã, Trường chạy lại dùng tay bóp vào mặt, dằn đầu ông Hiền xuống đường và đấm ông này 2 cái vào mặt. Hùng cầm theo xẻng chạy đến, nhưng khi cách ông Hiền 3m thì dừng lại. Do thấy ông Hiền nằm im nên cả nhóm bỏ lại nạn nhân nằm giữa đường rồi đi về nhà. Ông Hiền được gia đình đưa tới bệnh viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.

Ông Hiền bị các đối tượng vây đánh chấn thương sọ não, rồi bỏ lại giữa đường. Kết quả trưng cầu giám định xác định, ông Hiền bị đánh tổn thương 80% sức khỏe, hiện liệt tứ chi và phải sống thực vật suốt đời.

Kết quả trưng cầu giám định của viện Khoa học Hình sự (bộ Công an) xác định, ông Phạm Văn Hiền bị chấn thương sọ não, vỡ xương chẩm trái, tụ máu màng cứng vùng chẩm trái, tụ máu vùng màng cứng thái dương phải, tụ máu dưới màng cứng liền đại não, phù xung quanh, tụ máu não thất … Ông Phạm Văn Hiền bị các đối tượng đánh tổn thương 80% sức khỏe.

Các bị cáo Nguyễn Bá Quang, Nguyễn Bá Hùng và Nguyễn Văn Trường bị VKS truy tố ra trước tòa về tội Cố ý gây thương tích theo Khoản 4, điều 134 Bộ luật Hình sự.

Theo tìm hiểu của PV, để giữ được tính mạng cho ông Hiền, sau gần 2 năm điều trị tại các bệnh viện (Đa khoa Thanh Hóa, Việt Đức, Y học Cổ truyền quân đội …) gia đình nạn nhân đã tiêu tốn hàng tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện tại ông Hiền bị liệt tứ chi, đại tiện, tiểu tiện không thể tự chủ và gần như phải sống thực vật suốt đời.

Vợ bị hại gào khóc giữa tòa vì cho rằng CQĐT, VKS bỏ lọt tội phạm, truy tố sai tội danh

Là người đại diện hợp pháp của bị hại, bà Nguyễn Thị Pha (SN 1963), trú tại thôn Trung Thành, xã Xuân Hòa (vợ ông Hiền) được tòa triệu tập tham dự phiên xét xử vụ án chồng mình. Tại phiên tòa, bà Pha cho rằng, việc CQĐT và VKS khởi tố, truy tố các bị cáo tội Cố ý gây thương tích là không đúng với bản chất vụ án. Đây là vụ án Giết người có tổ chức.

Ngoài ra, theo tài liệu có trong hồ sơ vụ án, các bị cáo và nhân chứng nhiều lần khai nhận nhìn thấy ông Nguyễn Văn Sơn cầm xẻng đuổi đánh ông Hiền. Việc, CQĐT và VKS không khởi tố, truy tố ông Sơn là bỏ lọt tội phạm. Bà Pha cũng cho rằng, ông Sơn là người cầm đầu, tổ chức và trực tiếp đánh ông Hiền.

Theo ghi nhận của PV, tại các phiên xét xử, các cơ quan tố tụng và các luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị hại Phạm Văn Hiền nhiều lần công bố các hồ sơ (biên bản ghi lời khai, bút lục) thể hiện các bị cáo, nhân chứng khai nhận nhìn thấy ông Sơn cầm xẻng đuổi, đánh ông Hiền.

Bà Pha tiều tụy sau gần 2 năm chăm chồng là một thương binh phải sống thực vật tại các bệnh viện do bị vây đánh

Luật sư Đặng Văn Cường – Văn phòng luật sư Chính Pháp (người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Hiền) nêu quan điểm: “Về tội danh, trong vụ án này CQĐT khởi tố 3 bị can về tội Cố ý gây thương tích theo khoản 4, điều 134 Bộ luật hình sự và xác định Sơn không phạm tội, mà chỉ là người làm chứng thì đại diện hợp pháp của gia đình bị hại không đồng ý với tội danh này.

Tội Cố ý gây thương tích là thực hiện hành vi với lỗi cố ý và xâm hại sức khỏe của người khác, không xâm hại đến tính mạng. Trong hồ sơ vụ án có ít nhất 3 nguồn tài liệu chứng minh các bị cáo có nói “giết chết ông Hiền”, bản thân bị cáo này khai bị cáo khác, bản thân người làm chứng khai ra bị cáo; ngoài ra các bị cáo thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, bỏ mặc hậu quả chết người xảy ra, việc nạn nhân Hiền không chết là do ngoài ý chí của các bị cáo và được gia đình cấp cứu kịp thời.

Trong vụ việc này, qua kết luận giám định, qua kết quả điều trị, qua dấu vết để lại trên cơ thể nạn nhân cho thấy nạn nhân bị thương tích rất nhiều vị trí ở vùng đầu, gây chấn thương sọ não mà tổn thương 80% sức khỏe thì không thể do bị ném gạch ngã và tát vào mặt được.

Bị cáo Hùng khai rất nhiều lần, Sơn cầm xẻng tấn công vào trên vai trái của nạn nhân, nhưng ở vai của ông Hiền không có thương tích, mà chỉ có thương tích ở chẩm bên trái. Như vậy, nếu vết xẻng đó là đúng thì vị trí tiếp xúc cơ thể nạn nhân là chẩm trái trên đầu, chứ không phải là ở vai và thực tế vai không có thương tích.

Luật sư Đặng Văn Cường (người đứng dậy) cùng với đồng nghiệp trình bày quan điểm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại tại phiên tòa.

Ngoài ra, trong hồ sơ vụ án, có nhiều lời khai Sơn đánh vào phần đầu, Trường dùng xẻng đánh vào phần đầu của nạn nhân. Hiện tại, VKS thu giữ 2 cái xẻng, nhưng không ghi nhận việc dùng xẻng mà chỉ ghi nhận việc nạn nhân ngã. Nếu nạn nhân ngã thì không thể có những vết thương như vậy được và cơ chế hình thành vết thương của việc dùng xẻng đánh vào đầu và ngã đập đầu xuống đất là khác nhau.

Tại phiên tòa các bị cáo có quan hệ thân thiết, là bố con với nhau, không có mâu thuẫn với nhau, thậm chí còn cho nhau tiền để mang đi bồi thường cho bị hại thì không có lý do gì các bị cáo lại khai man, vụ oan cho nhau được.

4 - 5 tháng sau khi vụ án xảy ra, các bị cáo khai khớp và thống nhất với nhau là Sơn có dùng xẻng đánh ông Hiền. Nhưng, sau đó các bị cáo và nhân chứng đồng loạt thay đổi lời khai. Không thể có sự trùng hợp ngẫu nhiên như vậy. Từ đây, gia đình bị hại và luật sư nghi ngờ có việc liên thông nào đó giữa các bị cáo với nhau, thông cung, hoặc có sự dàn xếp, áp đặt nào đó với các bị cáo.

Các bị cáo có sử dụng hung khí nguy hiểm, đánh vào vùng trọng yếu của nạn nhân, dẫn tới hậu quả chết người có thể xảy ra thì hành vi đấy có dấu hiệu của tội Giết người. Hành vi của Sơn là rất rõ ràng qua lời khai của chính các bị cáo và lời khai của người làm chứng, đúng ra CQĐT phải khởi tố Sơn ngay từ thời gian mới xảy ra vụ án. Việc VKS cho rằng không đủ căn cứ để truy tố Sơn là không có cơ sở.

Hội đồng xét xử đã tuyên trả lại hồ sơ cho VKS để diều tra bổ sung theo đề nghị của gia đình bị hại và luật sư.

VKS còn cho rằng, mức bồi thường của gia đình nạn nhân đưa ra là quá nhiều và không có cơ sở. Luật quy định, toàn bộ tiền chi phí cứu chữa là phải bồi thường. Có vụ việc nạn nhân điều trị một hai tháng, có vụ nạn nhân điều trị nhiều năm, còn ông Hiền hiện tại vẫn nằm liệt giường. Tất cả các khoản yêu cầu bồi thường của gia đình nạn nhân có đầy đủ hóa đơn chứng từ. Về công chăm sóc, đối với người liệt giường thì phải có 2 người chăm sóc chứ không thể 1 người như VKS nói được.

VKS không chứng minh được các bị cáo đánh gì vào đầu nạn nhân và không làm rõ được thương tích nào thì do bị cáo nào gây ra.

Về khung hình phạt, VKS chỉ đề nghị cho các bị cáo từ 7 năm đến 7 năm 6 tháng tù. Trong khi đó, luật quy định, thương tích từ 61% trở lên thì khung hình phạt từ 7 – 14 năm tù. Trong vụ này, nạn nhân liệt tứ chi, sống thực vật thì đề nghị như vậy là quá nhẹ, không đủ sức răn đe”.

Sau quá trình nghị án, HĐXX tòa án nhân dân huyện Thọ Xuân đã tuyên trả hồ sơ vụ án cho VKS yêu cầu điều tra bổ sung để làm rõ những đề nghị của gia đình bị hại và luật sư.

X.C