“Vua cổ vật” ẩn mình giữa đại ngàn

“Vua cổ vật” ẩn mình giữa đại ngàn

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:46
0
Hơn 30 năm lặn lội săn tìm cổ vật, ông Alăng Linh (52 tuổi, trú thị trấn Prao, huyện Đông Giang, Quảng Nam) đã sưu tập cho mình một bảo tàng đồ cổ quý hiếm có tuổi đời hàng trăm năm tuổi.

Kiểu săn cổ vật có một không hai

Cái nắng gay gắt cuối tháng 7 đã không thể làm chùn bước chúng tôi khi đi tìm ngôi nhà của ông “vua cổ vật” Alăng Linh. Nghe kể về ông khá nhiều nhưng khi được gặp mặt, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi đằng sau dáng người nhỏ bé ấy lại là cả một câu chuyện tự hào về hành trình vào Nam ra Bắc tìm cổ vật của người con miền sơn cước này.

Sự kiện - “Vua cổ vật” ẩn mình giữa đại ngàn

Chiếc tẩu thuốc có từ đời vua gia Long luôn được ông Linh trân trọng và giữ bên mình.

"Suốt hơn 30 năm tìm kiếm, đôi chân của già đã đi nát cả núi rừng miền Tường Sơn này rồi. Thời đó gian khổ lắm, toàn đi bộ thồ hàng, không như bây giờ đâu!". Theo lời kể của già Linh, những năm đầu thập niên 90, trên địa bàn vùng núi Quảng Nam, nạn buôn bán đồ cổ đã liên tiếp xảy ra khiến nhiều cổ vật quý lần lượt về xuôi theo sức hút của đồng tiền.

Bên trong căn nhà gỗ khang trang, vừa chỉ về phía những cổ vật được sắp xếp trên gian bàn thờ, già Linh vừa thông tin cho chúng tôi biết về xuất xứ của những cổ vật này.

Già Linh bảo: "Những năm rộ lên tình trạng mua bán đồ cổ, rất nhiều cổ vật quý như chum, ché, chiêng, lư, luôn bị các thương gia soi mói, săn tìm. Thời đó, khó khăn và gian khổ vô cùng nên nhiều hộ gia đình có cổ vật không thể làm ngơ trước sự thiếu thốn về cuộc sống và tiền bạc. Do đó, tình trạng mua bán đồ cổ càng trở nên phức tạp và ngày càng gia tăng”.

Không thể thờ ơ đứng nhìn trước vấn nạn lần lượt cổ vật trên khắp bản làng vùng cao quê ông dần biến mất. Ông bèn nghĩ cách đi buôn thóc để đổi lấy các mặt hàng khác phục vụ nhu cầu trước mắt. Sau đó, ông gom góp tất cả của cải, tiền bạc để thu mua số cổ vật còn lại đang đứng trước nguy cơ biến mất.

Ông lặn lội khắp vùng miền núi thuộc các tỉnh miền Trung rồi lại xuống tận đồng bằng để săn tìm đồ cổ. Sau những chuyến đi, đến đâu ông cũng thấy đồng bào ai nấy đều hút thuốc lá. Vậy là ông chuyển sang nghề buôn thuốc lá, trực tiếp đem phân phối và đi bán, trao đổi tận các bản làng vùng cao khu 7 (thuộc các xã Gari, Ch'Ơm, Axan, Trhy của huyện Tây Giang, Quảng Nam bây giờ).

Không chỉ dừng lại ở đó, ông Linh còn bán thóc xuống đồng bằng để mua về những chiếc đồng hồ đeo tay, rồi đem bán, trao đổi với đồng bào vùng cao.

Sau này, khi đã có được hàng chục cổ vật trong nhà, ông Linh vẫn tiếp tục săn tìm sang các tỉnh lân cận. Hễ biết ở địa phương nào có cổ vật sắp bán đi, ông lại lặn lội tìm đến và tìm cách thu mua về nhà mình, rồi gom chúng thành một chỗ giữa nhà.

Có một điều đặc biệt là, cứ mỗi lần đưa cổ vật về, đích thân ông cũng đều cõng trên lưng với đoạn đường rừng dài có khi hàng trăm cây số mà không chịu để ai đó giúp sức.

Sự kiện - “Vua cổ vật” ẩn mình giữa đại ngàn (Hình 2).

Một góc bảo tàng cổ vật của ông Alăng Linh.

Bộ sưu tập hiếm có

Ông Linh cho biết, tất cả gia tài của mình lên đến con số vài tỷ đồng bởi chỉ tính đơn giản, trị giá của các loại cổ vật mà ông đang sở hữu có từ 10-150 triệu đồng/cái.

Trong đó, có 4 cái ché trị giá trên 150 triệu đồng/cái được ông bố trí ở gian giữa bàn thờ tổ tiên. Theo ông Linh, mặc dù tài sản của mình khá lớn so với mặt bằng chung của đồng bào vùng cao nhưng chưa bao giờ ông nghĩ sẽ bán chúng.

Đưa chúng tôi xem chiếc tẩu thuốc mà ông cho rằng có từ đời vua Gia Long, ông Linh khẳng định trên khắp đại ngàn này không có cái thứ hai. Chiếc tẩu thuốc là thành quả sau ba lần ông lặn lội vượt đường rừng đến tận xã A Vương (huyện Tây Giang, Quảng Nam) để thuyết phục gia chủ đổi ngang với "con trâu 9 gang tay". Đến nay có đến cả chục người xin mua lại cái tẩu với giá gần 2 lượng vàng nhưng ông đã nhất quyết không bán.

“Mình tìm mua đã khổ rồi, giờ mà bán mai mốt làm răng mà tìm lại nữa?”, ông Linh phân trần.

Kiếm cổ vật đã khó, giữ cổ vật lại càng khó hơn. Bởi theo ông Linh thì, thỉnh thoảng cách vài tháng lại có những người miền xuôi chuyên mua đồ cổ đến tìm để thuyết phục ông bán số cổ vật.

Ngay cách thời điểm chúng tôi đến vài tháng, cũng có mấy thương gia ở Lào đến tìm mua một bộ chiêng cổ với giá 100 triệu đồng nhưng ông nhất quyết không bán. Thậm chí, chỉ trong vòng vài tháng, có người vẫn tiếp tục lặn lội tìm hỏi mua mặc cho nhiều lần đều bất thành.

Ông Linh quả quyết: "Bây giờ già sẽ không bán cổ vật đâu. Già sẽ tiếp tục đi tìm cổ vật để bổ sung cho kho tàng của riêng mình. Sau này, nếu già chết đi, con cái già sẽ giữ gìn chúng như báu vật mà suốt một đời già đã săn tìm và gom góp”.

Vương Hoàng - Hiểu Anh