Việc giải quyết chế độ BHXH một lần cho đối tượng lao động người nước ngoài, người bị suy giảm khả năng lao động của cơ quan BHXH đang gặp vướng mắc, chờ hướng dẫn của các bộ, ngành chức năng.
Luật BHXH năm 2014 quy định người lao động (NLĐ) là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động, chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của Chính phủ. Bên cạnh đó, theo quy định tại Nghị định 143/2018/NĐ-CP, từ ngày 1-1-2022, lao động người nước ngoài bắt đầu đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất và được hưởng các chế độ hưu trí, tử tuất, BHXH một lần. Thế nhưng hiện nay việc giải quyết BHXH một lần cho đối tượng này đang bị ách tắc.
Chờ hướng dẫn
Ông Hwang Huyn Woong (quốc tịch Hàn Quốc) từng làm việc cho một doanh nghiệp sản xuất bao bì ở huyện Hóc Môn và có tham gia BHXH từ tháng 1-2022. Tháng 7-2022, ông xin nghỉ việc và được công ty khuyến nghị làm thủ tục để hưởng chế độ BHXH một lần. Sau đó, ông được cơ quan BHXH hướng dẫn làm thủ tục, ngoài sổ BHXH, đơn đề nghị hưởng BHXH một lần, quyết định thôi việc, ông còn phải tốn chi phí dịch bản hộ chiếu dịch sang tiếng Việt và công chứng để nộp kèm. Thế nhưng, từ khi hoàn tất thủ tục đến nay đã 2 tháng nhưng ông vẫn chưa được giải quyết chế độ BHXH một lần. "Theo quy định, trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan BHXH có trách nhiệm giải quyết và chi trả cho NLĐ, trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Song, khi tôi thắc mắc chỉ được phía BHXH trả lời miệng là việc giải quyết BHXH một lần cho lao động nước ngoài đang tạm ngưng chờ hướng dẫn" - ông Hwang Huyn Woong cho biết.
Ông Trần Dũng Hà, Phó Giám đốc BHXH TP HCM, cho hay tại thành phố hiện có 14.265 lao động người nước ngoài tham gia BHXH bắt buộc và có một số người đã đề nghị hưởng BHXH một lần, song cơ quan này tạm ngưng tiếp nhận vì chưa có hướng dẫn. Cụ thể, theo hướng dẫn tại khoản 7 điều 9 Nghị định số 143/2018/NĐ-CP, mức hưởng BHXH một lần đối với NLĐ nước ngoài thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 2 điều 60 Luật BHXH. Theo đó, mức hưởng BHXH một lần được tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm được tính bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi. Như vậy, trường hợp NLĐ nước ngoài có thời gian tham gia BHXH dưới 12 tháng thì chưa có căn cứ để tính mức hưởng nên cơ quan BHXH chưa thể giải quyết. Theo quy định, từ đầu năm 2022, NLĐ nước ngoài mới bắt đầu tham gia BHXH vào quỹ hưu trí, tử tuất và được hưởng BHXH một lần nên thời gian tính hưởng đều dưới 12 tháng, nghĩa là những trường hợp đề nghị hưởng đều đang bị ách tắc. BHXH TP HCM đã báo cáo tình trạng trên lên BHXH Việt Nam, BHXH Việt Nam cũng đã có công văn gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) và hiện vẫn đang chờ hướng dẫn.
Khó xác định suy giảm khả năng lao động
Theo điểm c khoản 1 điều 60 Luật BHXH, người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ trướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế cũng thuộc đối tượng được hưởng BHXH một lần. Song, theo BHXH TP HCM, việc giải quyết chế độ cho đối tượng này cũng đang bị vướng.
Đại diện BHXH TP HCM cho hay trong số các bệnh hiểm nghèo nguy hiểm đến tính mạng đủ điều kiện giải quyết trợ cấp BHXH một lần được quy định tại khoản 1 điều 60 Luật BHXH thì cơ quan BHXH rất khó xác định đối với bệnh lao, bệnh bại liệt vì không có cơ sở để kết luận trường hợp nào thì được coi là lao nặng, trường hợp liệt nào thì được coi là bại liệt. Mặt khác, theo khoản 2 điều 4 Thông tư số 56/2017/TT-BYT của Bộ Y tế, các bệnh được hưởng BHXH một lần gồm các bệnh, tật có mức suy giảm khả năng lao động hoặc mức độ khuyết tật từ 81% trở lên, không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được các hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hằng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn. Tuy nhiên, trên thực tế phát sinh nhiều trường hợp có thời gian đóng BHXH trên 20 năm, bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên nhưng trong biên bản kết luận của Hội đồng Giám định y khoa không ghi nội dung: "không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được các hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hằng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn" nên cơ quan BHXH không thể giải quyết, gây bức xúc cho NLĐ. Vì lẽ đó, BHXH TP HCM kiến nghị Bộ Y tế sớm có quy định cụ thể, rõ ràng hơn về các bệnh hiểm nghèo hoặc ban hành danh mục bệnh hiểm nghèo được hưởng BHXH một lần; phối hợp Bộ LĐ-TB-XH ban hành quy định chung về các bệnh có mức suy giảm khả năng lao động hoặc mức độ khuyết tật từ 81% trở lên thì được hưởng BHXH một lần nếu có yêu cầu.
Hạn chế ủy quyền
Theo khoản 6 điều 18 Luật BHXH, NLĐ có quyền ủy quyền cho người khác nhận lương hưu, trợ cấp BHXH. Song quy định này đang bị một số đối tượng lợi dụng để trục lợi quỹ BHXH thông qua việc thu gom, cầm cố, mua bán sổ BHXH với nhiều cách thức rất tinh vi. Để ngăn chặn tình trạng trên, BHXH TP HCM kiến nghị Bộ LĐ-TB-XH cần có quy định cụ thể số lần được ủy quyền và rút ngắn thời hạn ủy quyền tối đa là 3 tháng đối với trường hợp ủy quyền nhận thay trợ cấp BHXH một lần. Đồng thời, xem xét bổ sung quy định định kỳ khai báo thông tin để quản lý thông tin người hưởng qua hình thức ủy quyền.
Thu Hà