Xem xét lại cách phân làn mới ở TP. Hồ Chí Minh

Xem xét lại cách phân làn mới ở TP. Hồ Chí Minh

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:52
0
Việc phân làn giao thông ở TP.HCM với mục tiêu giảm ùn tắc dễ gây ra nhiều tác dụng ngược, làm khó cho người dân.

Từ ngày 2/5 vừa qua, Sở Giao thông và Vận tải (GTVT) TP.HCM đã tiến hành phân luồng xe gắn máy tại một số trục đường chính thường xuyên xảy ra kẹt xe, ùn tắt như đường Trường Chinh, Võ Văn Kiệt, Cộng Hòa, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Nguyễn Văn Linh… theo hướng cấm xe gắn máy đi vào làn ô tô vào giờ cao điểm. Cách phân luồng đột ngột trên đã gây ra tình trạng kẹt xe nghiêm trọng tại những điểm nút giao thông trên các con đường này.

Ô tô-Xe máy - Xem xét lại cách phân làn mới ở TP. Hồ Chí Minh

Tắc đường ở Trường Chinh sau khi phân làn.

Theo báo cáo của Sở GTVT TP.HCM, tổng chi phí cho việc phân luồng trên "ngốn" hết 50 tỷ đồng. Như vậy cứ mỗi km dải phân cách tiêu tốn hết 1,25 tỷ đồng. Dù rất kỳ vọng với đề xuất mang tính đột phá này nhưng do tầm nhìn hạn chế, thực hiện cứng nhắc, không đánh giá chính xác tình hình thực tế của mỗi con đường nên việc phân luồng đã trở thành một "thảm họa" gây ùn ứ nghiêm trọng hơn.

Trong tất cả các con đường được tổ chức phân luồng thì đường Trường Chinh đang chịu sự ùn ứ nghiêm trọng nhất. ước tính, nó ùn ứ gấp chục lần trước khi tổ chức phân luồng. Khi lưu thông qua đây, người dân phải hết sức khổ sở, vì tất cả các làn đường kẹt cứng xe máy.

Anh Trần Ngọc Tú, một người dân sống trên đường Trường Chinh, Q.Tân Bình, chia sẻ: "Gia đình tôi sống cạnh đoạn đường này đã nhiều năm. Trước đây đoạn này không hề bị kẹt xe hay ùn tắc, do vào giờ cao điểm CSGT vẫn linh động cho xe gắn máy lưu thông vào làn ô tô. Tuy nhiên từ đầu tháng 5 đến nay, cách phân luồng mới của TP. khiến tôi phải mướt mồ hôi qua đoạn đường này. Chỉ có gần 3km, nhưng hôm nào tôi cũng phải đi hết gần một tiếng mới thoát qua được".

Theo quan sát của PV Người đưa tin, hiện các công nhân đã bắt đầu phá cây xanh trên dải phân cách cứng để làm trạm xe buýt mới. Thế nhưng, theo nhiều người dân, điều này vẫn chưa hợp lý bởi khi nhà chờ, trạm dừng xe buýt được chuyển từ lề đường sang mép dải phân cách cứng sát với làn ôtô, người đi xe buýt sẽ khó vượt qua làn xe máy dày đặc để đến nhà chờ. Nguy hiểm hơn là vào ban đêm, nhiều người đi xe máy chạy rất ẩu có thể gây tai nạn cho những người đi đến trạm xe buýt.

Trước tình trạng trên, nhiều người so sánh: cùng là cửa ngõ lưu thông quan trọng ở TP. Hồ Chí Minh được xây dựng mở rộng 10 làn xe, nhưng do cách phân làn không khoa học dẫn đến tình trạng hướng Đông - Bắc (tuyến xa lộ Hà Nội) thì thông thoáng, còn hướng Tây- Bắc (tuyến Trường Chinh) thì ùn tắc nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận.

Một CSGT trực tại đoạn đường trên cho hay: "Mấy ngày qua chúng tôi phải đứng chốt để người dân chạy đúng làn. Chứng kiến cảnh ùn tắc khi hàng ngàn xe nhích từng chút một, chúng tôi cũng nóng ruột. Nhiều người dân xin được chạy qua làn ôtô thoát khỏi kẹt xe nhưng không thể làm trái quy định được." Từ thất bại của việc phân luồng trên đường Trường Chinh và nhiều tuyết đường khác, người dân TP. đang hết sức ngao ngán vì cách làm này.

Trao đổi với PV Người đưa tin, ông Lê Toàn - Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho rằng: "Việc ùn ứ trong những ngày qua không phải do Sở GTVT phân luồng mà do thực hiện đúng Luật Giao thông đường bộ. Theo ông Toàn, trước đây, xe máy thường chạy vào làn xe ôtô nhưng CSGT làm ngơ không xử phạt. Nay thực hiện nghiêm luật giao thông, người dân buộc phải đi đúng luật chứ không phải do phân luồng. ông Toàn cho biết, tới đây Sở sẽ nghiên cứu thêm nhiều giải pháp nữa để giải quyết tình trạng ùn tắc. Sau khi thực hiện tất cả các giải pháp trên, nếu vẫn tiếp tục kẹt xe thì Sở GTVT TP sẽ đề nghị cho phép xe máy lưu thông vào làn ôtô sát làn hỗn hợp. Khi đó, phải lắp đặt dải phân cách giữa các làn để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông.

Trước khi cấm cần khảo sát

TS Phạm Xuân Mai - giảng viên ngành Kỹ thuật giao thông, Đại học Bách Khoa TP.HCM cho biết: "Hiện, diện tích làn xe máy trên các tuyến đường quá nhỏ không thể đủ cho hàng ngàn xe qua đây vào giờ cao điểm nên chuyện bị ùn tắc xảy ra là tất nhiên. Lúc làm các tuyến đường này, người ta quy hoạch theo xu hướng giảm xe máy và tăng ôtô trong tương lai, nhưng hiện xe máy lại gấp 10 lần ôtô nên tất yếu sẽ ùn tắc. Trước khi thực hiện cấm xe máy vào làn ôtô phải khảo sát xem vào giờ cao điểm có bao nhiêu xe máy lưu thông trên các tuyến đường, xem lại diện tích của làn đường đó có đủ cho xe máy hay không. Nên chăng ngành giao thông phải làm thêm những dải phân cách mềm tại làn đường ôtô và cho phép xe máy lưu thông trong một số giờ nhất định. Sau này nếu cần thiết thì có thể tháo ra mà không gây lãng phí".

Vân Thiên