Xét xử đại án 200 triệu lít xăng lậu: Biết sai nhưng vì tình cảm anh em nên vẫn giúp

Xét xử đại án 200 triệu lít xăng lậu: Biết sai nhưng vì tình cảm anh em nên vẫn giúp

Nguyễn An Bình

Nguyễn An Bình

Thứ 4, 09/11/2022 19:59

Ngày 8-9/11, Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai tiến hành xét hỏi Lê Thanh Trung, 39 tuổi, ngụ Cần Thơ và nhóm đồng phạm tham gia giúp sức vận chuyển, mua bán xăng lậu.

Đặt ký hiệu cho khách hàng để mua bán xăng lậu

Theo cáo trạng, từ năm 2017 đến 2018, Lê Thanh Trung cùng Lương Đình Tiến góp vốn thành lập 4 công ty để hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực xăng dầu.

Từ năm 2020, Nguyễn Hữu Tứ liên hệ bán nguồn xăng nhập lậu cho Trung với giá thấp giá xăng bán lẻ của thị trường và Trung đồng ý. Từ thời điểm này, Công ty CP Nhiên liệu Tây Nam Bộ SFT của Lê Thanh Trung thuê 2 bồn chứa xăng tại kho Nam Phong để nhập xăng lậu từ các tàu của Tứ và xuất bán cho khách hàng của Trung và Tứ.

Hồ sơ điều tra - Xét xử đại án 200 triệu lít xăng lậu: Biết sai nhưng vì tình cảm anh em nên vẫn giúp

Bị cáo Lê Thanh Trung.

Ngoài ra, Trung còn điều động thêm các nhân viên gồm: Nguyễn Hữu Hiền, Trần Thị Cẩm Vân, Nguyễn Tiến Dũng cùng Trần Minh Giang thực hiện quản lý toàn bộ số liệu nhập, xuất và thông tin khách hàng mua xăng nhập lậu tại kho Nam Phong.

Trong đó, Nguyễn Hữu Hiền được giao quản lý, theo dõi số lượng, số tiền thanh toán, nhận và cùng cấp giá chiết khấu từ Nguyễn Hữu Tứ với các khách hàng. Hiền cũng mở tài khoản ngân hàng để nhận và lưu giữ số tiền thu lợi từ hoạt động buôn bán xăng dầu.

Ngoài ra, Trung trang bị 3 điện thoại cho Dũng, Vân, Giang để tạo nhóm chat “Anh em siêu nhân” trên ứng dụng WhatsApp do Dũng làm trưởng nhóm để trao đổi công việc nhập, xuất xăng lậu theo chỉ đạo của Trung. Ngoài tiền lương, mỗi tháng Trung trả thêm cho mỗi người từ 35-60 triệu đồng.

Để quản lý, theo dõi việc mua bán xăng nhập lậu, các bị cáo đã thống nhất đặt kí hiệu từ “TK01” đến “TK06” cho các khách hàng của Trung và Tứ.

Cáo trạng nêu, từ tháng 3/2020 đến tháng 2/2021, Lê Thanh Trung đã giúp Nguyễn Hữu Tứ (người mua 161 triệu lít xăng lậu từ Phan Thanh Hữu) quản lý, mua bán nguồn xăng nhập lậu với tổng số lượng 101 lít. Tổng số tiền Lê Thanh Trung thu lợi là 56 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí thì còn 44 tỷ đồng.

Tại phiên tòa, các bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Bị cáo Lê Thanh Trung khai nhận biết hành vi của mình là vi phạm pháp luật nhưng vì hám lợi nên vẫn làm. Bị cáo trình bày bản thân vô cùng ân hận và mong HĐXX xem xét.

Ngoài ra, bị cáo Trung cũng mong muốn HĐXX xem xét, tính toán lại chi phí hao hụt trong quá trình mua bán xăng lậu để xác định lại số tiền mà bị cáo đã thu lợi bất chính. Luật sư bào chữa cho bị cáo Trung cũng đã nộp cho HĐXX một số tài liệu chứng minh phần chi phí hao hụt nhiều hơn so với cáo trạng nêu.

Ngoài ra, Lê Thanh Trung cũng đồng ý nộp số tiền 50 tỷ đồng trong 2 tài khoản đã bị cơ quan điều tra phong tỏa nhằm khắc phục số tiền thu lợi bất chính của bản thân và các đồng phạm.

“Về mặt pháp luật bị cáo sai nhưng vì tình cảm anh em nên giúp”

Ngoài các bị cáo trên, cáo trạng cũng truy tố đối với Lương Đình Tiến (nguyên Phó Giám đốc Công ty xăng dầu Long An). Tiến được xác định đã giúp Lê Thanh Trung bán 5 triệu lít xăng lậu và nhận tiền thanh toán từ Công ty Phúc Lâm (TK02) của Trần Huy Lập.

Hồ sơ điều tra - Xét xử đại án 200 triệu lít xăng lậu: Biết sai nhưng vì tình cảm anh em nên vẫn giúp (Hình 2).

Bị cáo Lương Đình Tiến.

Theo các trạng, khi cần mua xăng nhập lậu, Trần Anh Tuấn (Phó Giám đốc Công ty Phúc Lâm) liên hệ với Tiến để thống nhất giá chiết khấu và số lượng mua. Sau đó Tiến liên hệ Nguyễn Hữu Hiền để lấy thông tin về số lượng và giá chiết khấu rồi báo lại cho Tuấn.

Việc thanh toán tiền mua xăng, Công ty Phúc Lâm thanh toán vào tài khoản của Tiến. Sau khi nhận được tiền, Tiến sẽ chuyển lại vào tài khoản cho Trung, Hiền hoặc Trịnh Thanh Vũ theo yêu cầu của Trung.

Bị cáo Lương Đình Tiến thừa nhận trước HĐXX về hành vi giúp sức mua bán xăng lậu của mình. Tiến khai mình là chỗ quen thân với Lê Thanh Trung, từ tháng 9/2020, Trung nhờ Tiến hỗ trợ khi có đơn hàng từ Công ty Phúc Lâm thì thực hiện giúp.

Tiến khai theo quy định của pháp luật thì Công ty Phúc Lâm là thương nhân đầu mối không được phép mua hàng của thương nhân phân phối (Công ty SWP của Lê Thanh Trung). Vì vậy Tiến phải đứng ra thực hiện giúp.

Tại phiên tòa, bị cáo Lương Đình Tiến trình bày bản thân rất ân hận vì hiểu rõ quy định pháp luật nhưng vẫn thực hiện hành vi vi phạm. Tiến cũng khai, bản thân không thu lợi gì từ việc làm này.   

“Về mặt pháp luật bị cáo sai nhưng vì tình cảm anh em nên bị cáo giúp đỡ mà không nghĩ gì nhiều”, bị cáo Tiến thừa nhận.

Ngoài ra, bị cáo Tiến cũng bày tỏ mong muốn nộp ngân sách số tiền 53.000 USD và 95 triệu đồng đã bị thu giữ trong quá trình điều tra.  

Mặc dù cáo trạng xác định thời điểm bị bắt, bị cáo Lương Đình Tiến được xác định chưa được hưởng lợi từ việc giúp Lê Thanh Trung bán xăng nhập lậu. Đồng thời, các luật sư cũng giải thích số tiền bị thu giữ trên có thể không liên quan đến vụ án, tuy nhiên bị cáo Lương Đình Tiến vẫn giữ nguyên nguyện vọng được nộp lại số tiền trên.  

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.