Xóa bỏ “rào cản” hộ khẩu, người dân có vướng mắc thủ tục hành chính?

Hương Lan- Nguyễn Hường (Thực hiện)

Chính phủ đang thể hiện quyết tâm rất lớn trong áp dụng công nghệ 4.0 vào quản lý dân cư, trong đó có việc loại bỏ hình thức sổ hộ khẩu thay bằng mã số định danh. Nhiều ý kiến lo ngại về tính khả thi của việc xóa bỏ “quyền năng” của sổ hộ khẩu, giảm thủ tục hành chính. Xung quanh vấn đề này, PV Người Đưa Tin Pháp Luật đã có cuộc trao đổi với ĐBQH Trần Thị Dung, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

Liệu có khả thi?

PV: Bà đánh giá như thế nào về tính khả thi của việc chuyển đổi quản lý công dân theo mã số định danh cá nhân?

ĐBQH Trần Thị Dung: Từ năm 2014, khi thông qua luật Căn cước công dân đã đặt ra vấn đề giảm bớt giấy tờ, thủ tục hành chính bằng thẻ căn cước. Thời điểm đó, Chính phủ nêu ra việc công an đang lưu trữ, khai thác, sử dụng có hiệu quả hệ thống tàng thư CMND với 60 triệu người và hệ thống tàng thư hộ khẩu với hơn 80 triệu nhân khẩu để minh chứng cho việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên toàn quốc đến năm 2020 là khả thi.

Bà Trần Thị Dung - Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

Tuy nhiên, đến nay đã quá mốc 1/1/2020 là hơn 6 tháng, bộ Công an báo cáo mới có 18 triệu công dân được cấp mã số định danh cá nhân, còn khoảng 80 triệu công dân nữa chưa được cấp và phải đến tháng 12/2020 mới hoàn thành.

Công tác này cần rất nhiều thời gian, đòi hỏi sự chính xác, có kiểm tra, đối soát chặt chẽ. Trong khi đó, việc đầu tư bố trí kinh phí cho hoạt động này còn hạn chế, với nguồn lực ngân sách hiện nay thì việc bố trí bảo đảm đủ 3.000 tỷ đồng cho bộ Công an là rất khó khăn.

Theo tôi, việc dự kiến áp dụng luật Cư trú với phương thức quản lý mới, dựa trên nền tảng của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, từ ngày 1/7/2021 như tờ trình của Chính phủ là khó có thể thực hiện được.

PV: Nhiều người e ngại các chính sách về đất đai, y tế, giáo dục… liên quan đến hộ tịch gia đình sẽ bị xáo trộn khi triển khai quản lý dân cư bằng mã số định danh. Bà nghĩ sao về điều này?

ĐBQH Trần Thị Dung: Việc quản lý cư trú theo phương thức mới này có nhiều ưu điểm nhưng cũng đòi hỏi đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý phải có trình độ, cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu công việc, sự kết nối với các cơ quan nhà nước, đặc biệt là nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức địa phương khi giải quyết các công việc của người dân liên quan đến hộ khẩu.

Theo tôi, cần có đánh giá tác động và có lộ trình thực hiện thay đổi phương thức quản lý dân cư, bảo đảm hạn chế tối đa việc xáo trộn đối với người dân. Nơi nào đủ điều kiện thì cho làm thử nghiệm, sau đó tổng kết, rút kinh nghiệm và nhân rộng phù hợp với nguồn lực, điều kiện thực tế của mỗi địa phương. Nếu chúng ta đồng loạt bỏ sổ hộ khẩu trên toàn quốc ngay mà thực hiện không hiệu quả, phải quay trở lại cách làm cũ, sẽ còn tốn kém hơn rất nhiều, tác động lớn đến đời sống của xã hội.

Đơn cử, ở nông thôn, nhất là khu vực dân tộc miền núi việc triển khai không hề đơn giản. Hiện nay sổ hộ khẩu là cơ sở pháp lý quan trọng được sử dụng khi người dân đến UBND xã để xin xác nhận thuộc hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước...

Nếu bỏ sổ hộ khẩu giấy ngay thì tất cả UBND xã, cơ quan Nhà nước từ cơ sở sẽ phải trang bị toàn bộ hệ thống máy tính, trang thiết bị để có thể truy cập, bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc xác nhận thay vì việc chỉ kiểm tra sổ hộ khẩu như hiện nay.

Bảo mật thông tin cá nhân phải đặt lên hàng đầu

PV: Nếu bỏ sổ hộ khẩu và giấy tờ “ăn theo”, việc nhập cư về các thành phố lớn được dự đoán sẽ biến động thế nào, thưa bà?

ĐBQH Trần Thị Dung: Việc bảo đảm quyền tự do cư trú của công dân nhưng cũng phải đảm bảo hài hòa các yếu tố về hạ tầng giao thông, giáo dục, y tế, môi trường, chất lượng cuộc sống của người dân được quy định tại các điều của luật Thủ đô.

Bỏ sổ hộ khẩu, sẽ giảm bớt thủ tục phiền hà cho người dân

Theo hiến pháp, công dân có quyền sinh sống ở bất cứ địa phương nào. Kinh nghiệm ở các đô thị lớn trên thế giới, người ta không quản lý bằng hộ khẩu nhưng không phải ai muốn vào đó sống thế nào cũng được, bởi vì có những quy định như về an ninh trật tự, an toàn xã hội mà ai đến đó cũng phải tuân theo.

Đổi mới phương thức quản lý bằng mã số định danh hướng tới mục tiêu tiện lợi hơn cho người dân đi lại, sinh sống, học tập nhưng đồng thời phải có biện pháp không để gia tăng di dân và cư trú tự phát, kéo theo nhiều hệ lụy, khiến người sở tại không yên mà người nhập cư cũng không ổn.

PV: Nếu có sai sót về thông tin nhân thân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, người dân cần làm gì? Liệu có nguy cơ lộ, lọt thông tin cá nhân, thưa bà?

ĐBQH Trần Thị Dung: Vấn đề quan trọng trong việc bảo mật thông tin của người dân đó chính là cần đầu tư kết cấu hạ tầng thông tin. Đó là toàn bộ hệ thống phần cứng, hệ thống đường truyền, hệ thống trục và quan trọng là hệ thống cơ sở dữ liệu. Quyền riêng tư của công dân được hiến định, vậy ai được quyền chia sẻ, khai thác cơ sở dữ liệu đó? Phần lõi của cơ sở dữ liệu này thì Chính phủ cần thực hiện và có những cách thức quản lý thông tin phù hợp, có những lớp bảo mật và phân nhánh, phân quyền từng cấp khác nhau.

PV: Xin cảm ơn bà!

Đại biểu Bế Minh Đức (đoàn Cao Bằng) cho rằng, Chính phủ cần xác định lộ trình phù hợp để việc thực thi luật không gây ra xáo trộn, khó khăn cho cả người dân và nhà nước. Hiện nay, đối với người dân, sổ hộ khẩu là giấy tờ quan trọng, thông dụng để xác lập các giao dịch, quan hệ pháp luật cũng như xác định quan hệ nhân thân để hưởng quyền lợi và thực hiện nghĩa vụ công dân, như: Mua bán điện, nước, đăng ký dịch vụ điện thoại, thực hiện giao dịch với ngân hàng hay xác định để hưởng thừa kế, xác định diện hộ nghèo, cận nghèo hưởng chính sách… Vì vậy, việc hướng tới không công nhận giá trị pháp lý của sổ hộ khẩu, sổ tạm trú sẽ ảnh hưởng lớn đến các quy định về giấy tờ công dân trong thủ tục hành chính, tác động đến các chính sách quy định về hộ gia đình.

H.L-N.H