Xóm

Xóm "nhặt xác" trên dòng nước độc

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:43
0
Bao nhiêu năm trôi qua, những người thuyền phu ở xóm chài ven Sông Đà ở khu vực xóm Tang Lang, xã Đá Đỏ, Phù Yên, Sơn La không ít lần gặp phải những xác chết trôi sông.

Người lái đò tên Vũ Kỳ với nước da sạm đen chỉ tay về một bản làng rồi nói: "Cái bản Tang Lang ấy còn gọi là xóm vớt xác đấy", tôi liền hỏi lại ngay vì sao lại có cái tên ấy thì thuyền phu Vũ Kỳ chầm chậm mái chèo dạt vào làng và kể: Chính ông là người ở xóm chài Tang Lang, đã mấy đời làm nghề sông nước. Hàng ngày ông ngoài việc đi đánh cá kiêm thêm chở khách quá giang.

Xã hội - Xóm 'nhặt xác' trên dòng nước độc

Thuyền của những người thợ vớt xác

"Người ở vùng khác nghe cái tên thì lạ, chứ người dân ở vùng này quá quen với công việc vớt xác rồi. Sở dĩ có cái tên ấy vì ở khúc sông chảy qua khu vực này thường có xác người chết trôi dạt đến. Những người dân chài thường ngày đi trên sông thấy vậy liền vớt rồi đem về chôn. Nhất là mùa mưa lũ có khi có tới hàng chục cái xác dạt về đây, thương người xấu số nên dân xóm Tang Lang lại ra vớt lên bờ chờ người thân đến nhận.

Nếu không có người đến nhận xác chết, khoảng 2 - 3 ngày sau họ sẽ tiến hành chôn cất tử tế. Chính vì thế, rải rác hai bên sông là những nấm mồ lạnh lẽo. Mộ cũng chỉ là một mô đất đắp, rồi nước lên xuống, lũ thượng nguồn đổ về nên mộ cũng không còn nhiều dấu tích nữa", ông Kỳ tâm sự.

Dừng lại sau những câu chuyện đượm buồn, thuyền phu già Vũ Kỳ bảo với tôi: “Nói là vậy, chứ không phải hoàn toàn những người dân ở Tang Lang đều đi vớt xác cả, cũng chỉ có gần chục người đủ sức để đeo đuổi cái thứ nghề trần gian chỉ có một ấy thôi. Ngoài cái tâm làm việc thiện ra, những người "thợ vớt xác" phải là người cực kì khỏe mạnh và có tài bơi lội, có thể vùng vẫy hàng tiếng đồng hồ trên sông nước, phải nắm rõ địa hình, độ nông sâu của dòng chảy để còn biết đường mà tránh việc không những không vớt được xác mà chính bản thân cũng dễ bị biến thành cái xác chết đuối trôi sông".

Gắn bó với con thuyền, mái chèo đã ngót 40 năm, cũng là từng ấy thời gian người thuyền phu Vũ Kỳ sống với cái nghề rùng rợn đi rà xác người. Ông bảo, cái nghề rà xác này cũng có nhiều điều kiêng kỵ ghê gớm lắm, đối với mỗi thợ rà xác khi đi tìm xác người chết trên sông cấm được cho người thân của kẻ xấu số ngồi lên thuyền đi rà xác cùng. Việc này không những làm việc tìm xác khó mà rất dễ đem lại tai nạn, vì người chết khi thấy người thân dễ “mủi lòng" mà kéo tất cả xuống dòng nước cùng mình.

Khi vớt được xác kẻ bạc mệnh mang lên bờ, người cùng huyết thống tuyệt đối không được có mặt. Nếu không, máu đen từ mũi, từ miệng xác chết phun ra không ngừng. Những chuyện như thế, không chỉ ông lái đò già Vũ Kỳ mà nhiều người ở xóm Tang Lang đã gặp phải. Tuy nhiên, chẳng một ai có thể lý giải được điều huyền bí đó, họ chỉ biết tuân thủ theo đúng những "dị luật" được truyền lại và rồi khi đến thế hệ tiếp nối, họ lại đem ra làm bài học đầu tiên trước khi cho con cái mình dấn thân vào nghiệp sông nước.

Các cụ cao niên bản Tang Lang kể lại: Cứ thế, năm này qua năm kia, ngày nào, tháng nào cũng có người chết trôi sông. Hành động đi vớt xác lâu dần dường như đã trở thành một công việc quen thuộc của những người dân miền sông nước nơi này. Cái tên "xóm vớt xác" cũng vì thế mà được hình thành từ chính cái công việc bất đắc dĩ vừa nhân đạo nhưng cũng đầy nỗi rùng rợn, khiếp đảm ấy.

C.T