Xót xa phận đời người đàn bà hẩm phận

Xót xa phận đời người đàn bà hẩm phận

Thứ 5, 01/08/2013 | 10:16
0
10h, trời mưa tầm tã, bà B. vẫn tất tưởi khuân nốt những khay cá cuối cùng cho chủ tàu lên bờ để kịp giờ về nấu cơm trưa. Bà sợ về muộn, ông lại nổi cơn lôi đình, tống khứ bà ra khỏi nhà...

Khi má hồng làm phu khuân vác

Tình cờ, trong một lần mục sở thị cảng cá Cửa Sót (Thạch Kim, Hà Tĩnh), tôi được nghe kể về những phận đời phu khuân vác nơi cảng cá này. Trong số những người mà tôi đã gặp, chuyện về bà Phạm Thị B., sinh năm 1954 (ở thôn LH, huyện Thạch Kim, Hà Tĩnh) có thâm niên 20 năm làm phu khuân vác khiến tôi thấy nặng lòng và muốn viết riêng về cuộc đời "cơm hẩm, cháo hiu" mà bà đang trải qua.

Dẫn tôi đi trên con đường đầy cát, hơi nóng hầm hập bốc lên sau cơn mưa vội, gió thổi mang theo vị mặn mòi, tanh nồng của biển. Bước chân bà B. chênh chao khiến tôi liên tưởng đến những ngày mưa gió bão bùng hay khi nắng lửa cháy da cháy thịt, bà vẫn bám biển kiếm sống, tần tảo chăm chồng, nuôi con. Bà B. bảo: "Mùa khơi năm ni gió không nồng bằng mấy mùa trước. Nước cạn, tàu thuyền ra khơi ít, việc thì bữa đực bữa cái, người dân đang nhạt dần với biển!", giọng bà buồn buồn hòa vào tiếng sóng mênh mang...

Theo lời kể của bà B., bà lấy chồng ở cái tuổi mà các cụ vẫn ví "đã toan về già" và mối tình của bà cũng lắm nỗi truân chuyên. Hồi mới quen bà, ông Nguyễn Đức H. (sinh năm 1941, người cùng quê- PV) đã dang dở một lần đò. Ông làm công nhân ở Xí nghiệp cơ khí ngoài Hà Nội và đã có ba mặt con với vợ cũ. Ly hôn, ông từ bỏ luôn công việc ở Hà Nội rồi xin chuyển công tác về quê nhà. Cuối năm 1993, ông H. gặp bà B., hai người nên duyên vợ chồng với một đám cưới đơn giản chỉ có đại diện hai bên họ hàng. Cứ ngỡ, lấy chồng nhiều hơn tuổi lại từng trải, bà B. sẽ có nơi tựa vào vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, thế nhưng thức lâu mới biết đêm dài...

Kể về câu chuyện đời mình, đôi mắt bà B. trũng buồn, khuôn mặt như chất chứa một nỗi niềm u uất. Bà B. rầu rĩ nói: "Nhà tôi ở sát mép sóng, nơi ngày ngày vẫn đưa đón những con thuyền nối đuôi nhau vào, ra cảng cá Cửa Sót. Đời phu khuân vác thì cùng cực lắm cô ạ!". Nghe bà B. nói, lòng tôi như nghẹn lại. Tôi có thể cảm nhận được bà đang ám chỉ cuộc đời bà cũng như sóng đánh mạn thuyền. Chấp chới, lênh đênh. Nhìn bà buồn, một nỗi buồn không thể diễn tả!?

Xã hội - Xót xa phận đời người đàn bà hẩm phận

Bà Phạm Thị B. luôn cảm thấy tủi phận khi chồng sống như người xa lạ. Ảnh N.G

Vừa trò chuyện với chúng tôi, bà B. vừa gạt nước mắt đang lăn trên gò má, bà bảo rằng, 18 năm kết hôn là cũng bấy nhiêu thời gian bà sống trong phận tủi. Điều kiện gia đình nhà chồng khó khăn, anh em "kiến giả nhất phận", lúc khó khăn cũng không biết trông cậy vào ai. Bà B. giọng nghẹn lại: "Sau khi kết hôn một năm, tôi sinh cậu con trai đầu lòng. Khi ấy, tiền lương ông ấy còn mang về đều đặn để trang trải cuộc sống. Sau đó hai năm, tôi sinh thêm đứa nữa. Khó khăn càng chồng chất. Con mới được hai tháng, tôi đã phải ra cảng bốc cá thuê. Khi đứa nhỏ đầy tuổi, tuyệt nhiên ông ấy không mang về nhà bất kỳ một đồng nào. Mang tiếng vợ chồng nhưng mỗi người một túi tiền, ai kiếm người nấy tiêu, mình tôi một nách hai đứa, cực lắm".

Một thân một mình suốt ngày quần quật khuân vác cá thuê cho các chủ tàu, kho đông lạnh, bà B. cũng chỉ kiếm được 60-80 nghìn đồng/ ngày. Những hôm tàu cá về nhiều, chủ tàu hào phóng bo thêm cho bà một vài con cá để cải thiện bữa ăn. Tiền kiếm về chẳng đáng bao, hai đứa con cũng dang dở học hành. Đã thế, chúng còn suốt ngày chơi bời, lêu lổng không chịu đi làm kiếm tiền phụ giúp mẹ. Giờ ông đã già, hàng ngày chỉ quanh quẩn ở nhà, đến bữa cơm cũng phải đợi bà về nấu. Bà B. buồn lắm, hễ không vừa ý là ông lại chửi bới, đánh đập, còn hai đứa con chỉ biết đi chơi tối ngày, hết tiền lại về vòi vĩnh mẹ. 

"Mi bỏ thuốc độc vào gạo khiến tau đau họng"

"Biết rằng những lúc đau ốm, khốn khó sẽ chẳng thể trông cậy vào ai, hàng ngày, tôi vẫn tằn tiện dành dụm 10- 15 nghìn đồng bỏ ống để tiết kiệm, ai đến chơi biếu tiền mua đồng quà, tấm bánh tôi đều cất vào ống tiết kiệm. Hồi cuối tháng 5, tôi tiết kiệm được hơn 300 nghìn đồng cũng bị ông ấy "móc" mất. Còn nhớ, năm ngoái, khi bà cô ruột ở miền Nam về quê chơi, thấy cảnh nghèo đã cho tôi một chỉ vàng làm vốn giắt lưng. Tôi đem khâu vào trong chăn bông và cất đi phòng khi ốm đau. Vậy nhưng, dù có giấu kỹ đến đâu ông ấy cũng tìm được...", bà Phạm Thị B. chia sẻ.

Giơ bàn tay chai sạn lên, bà B. rớm rớm nước mắt nói: "Ông ấy đánh tôi tím cả tay, chệch khớp ngón cái chỉ vì đi bốc cá thuê về muộn không kịp nấu cơm trưa".

Theo như lời kể của bà B., những trận đòn roi vô cớ mà bà phải hứng chịu chẳng thể nào nhớ hết được. Đi bốc cá thuê, hôm ít hàng được về sớm, ngày nhiều cá thì về muộn nhưng ông H. lúc nào cũng bán tín, bán nghi cho rằng bà giả vờ đi làm để... đi chơi?! Có hôm tất tưởi bốc cá ở cảng, về đến nhà 11h mà ông đã nổi cơn lôi đình, lạnh lùng vứt hết thức ăn bà vừa mua ra ngoài sân. Không những thế, nhiều hôm đi làm về muộn, ông còn thẳng thừng đuổi bà ra khỏi nhà và khóa chặt cửa cổng. Những lúc đó, bà B. lại phải lánh sang nhà hàng xóm để tránh cơn thịnh nộ của ông, đợi khi đêm xuống lén trèo tường rào vào nhà, nằm ngủ co quắp ngoài hiên chờ rạng sáng đi làm.

Trò chuyện với chúng tôi, bà B. rầu rĩ  kể, mười mấy năm qua, ông H. không mảy may bận tâm xem tương lai của hai đứa con sẽ ra sao. Tiền lương hưu 2,4 triệu đồng/tháng ông cũng giấu nhẹm. Tất cả mọi trang trải, chi phí trong nhà đều một tay bà gánh vác. Ngay cả khoản vay vốn 5 triệu đồng ưu đãi cho những hộ nghèo (vợ chồng bà B. vay để xin cho cậu con trai cả học lớp cơ khí nhưng nó bỏ dở giữa chừng-PV), bà cũng phải nai lưng ra trả hàng tháng. Hai đứa con trai đi chơi tối ngày, cứ tới bữa thì về. Bát đĩa, quần áo chúng quăng ra chậu, bà B. lại lọ mọ dọn dẹp đến khuya. Nghĩ mà thương...

Để có được những bữa cơm lành, canh ngọt với chồng con, bà B. đã không biết bao lần phải "nước mắt chảy xuôi", nín nhịn, chịu đựng đến tột cùng để gìn giữ cuộc sống gia đình. Bà chùng giọng nói: "Đến gạo, ông ấy cũng quản lý. Hàng tháng, tôi đong gạo về, ông ấy đều cho vào thùng gỗ khoá lại. Ông chỉ cho xúc gạo ra xô nhựa đủ để ăn trong vòng 10 ngày". Không những thế, những hôm trái gió trở trời, ông H. đau mỏi người, bị viêm họng lại đổ lỗi cho bà B. bán gạo ngon, mua gạo rẻ về trộn với thuốc độc hòng hại ông. Đến ngay cả xô nước hứng trên bể xuống, có vẩn đục, ông H. cũng bảo bà cho thuốc độc vào làm ông mắc bệnh. Để chứng minh xô nước hoàn toàn sạch bà B. lấy ca múc nước lên uống, ông H. lại quay sang đổi giọng: "Mi bỏ thuốc độc thì mi có thuốc giải. Mi bỏ thuốc độc vào gạo khiến tau đau họng!". Những lời ông nói khiến bà B. như chết đứng. Bà không thể nghĩ tình nghĩa vợ chồng mấy chục năm mà lúc nào ông cũng nghi oan, đổ tiếng ác cho bà.

Hồi đầu tháng 6, bà đi chợ về muộn không kịp nấu bữa tối, ông nổi đóa đánh bà khiến bà đau cứng cổ không thể ngoái đầu lại trong vòng một tuần liền. Không dừng lại ở đó, ông "tố" bà với họ hàng hai bên rằng bà có quan hệ ngoài luồng và đòi ly hôn. Nói đến đây bà B. khóc nấc thành tiếng: "Với tính đa nghi, có lẽ đến khi "gần đất xa trời", ông ấy cũng đổ lỗi là do tôi hãm hại. Sống quá đáng quá thì tôi cũng rời bỏ nhà mà đi thôi. Đã ngoài 70 tuổi mà ông ấy vẫn chứng nào tật ấy".

Bà B. kể rằng: "Hồi ở với vợ cả, ông ấy cũng thường xuyên kiếm cớ gây chuyện. Thấy vợ đi làm về có tiền mua thịt, cá, ông bảo bà theo giai, được giai cho tiền. Vì thế, thịt cá mua về ông đổ hết xuống cống. Ông lấy xích khoá chặt xe đạp bắt vợ đi bộ đi làm. Thấy con đi câu được mẻ cá rô đồng về muộn, ông H. một mực cho rằng con đi chơi, ông liền tống cả con cá sống vào mồm và nói: "Cá rô ăn phân, hoá ra mi bắt tau ăn... phân à?". Hồi đó, nghe chuyện người ta kể lại, tôi đâu có tin. Nhưng, "ở trong chăn mới biết chăn có rận". Tôi chịu hết nổi rồi. Đã mấy lần tôi mua thuốc sâu về, khoá trái cửa định kết liễu cuộc đời mình nhưng nghĩ đến hai đứa con còn non dại nên tôi đành sống nhịn nhục vì con!".

Câu chuyện bà B. kể cho chúng tôi nghe lan man hết chuyện nọ đến chuyện kia, từ chuyện đời bà đến cách đối nhân xử thế ở đời. Bỗng dưng bà B. chua chát nói: "Bão lòng coi rứa mà khốc liệt không kém bão biển cô nhỉ?!"...

N.Giang

Nhọc nhằn những phận đời mưu sinh bằng nghề 'đổ máu'

Thứ 6, 26/07/2013 | 13:46
Hàng ngày, họ phải đi khắp nơi nhặt nhạnh những mảnh kính vỡ, phải chịu rách da, đổ máu với chi chít vết sẹo trên da. Nhưng người dân mang nỗi lòng xa xứ này, vẫn ngày ngày bám với nghề nhặt kính vỡ để mưu sinh.

Những phận đời ngâm mình dưới biển mưu sinh

Thứ 2, 17/06/2013 | 10:42
Tôi gặp em vào một buổi chiều tà trên biển Cửa Lò (Nghệ An), cô bé đội chiếc mũ lụp xụp che khuất tầm mắt, nhưng vẫn để lộ nụ cười rất tươi trong ánh hoàng hôn. Nhưng điều khiến tôi ám ảnh hơn cả là một cơ thể đang run vì lạnh giữa tiết trời vẫn còn hầm hập nóng của ngày hè tháng 6 miền Trung.

Người đàn bà hẩm phận và cái chết đầy uẩn khúc

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:43
Trên địa bàn huyện Lục Nam, những ngày qua người dân vẫn chưa hết bàng hoàng về cái chết thương tâm của bà lão 86 tuổi bị giết hại bằng 6 nhát dao quắm, nay lại thêm vụ án mạng thương tâm mà nạn nhân cũng là phụ nữ. Bà Nguyễn Thị T, 58 tuổi bị siết cổ đến chết với nghi án bị người thân sát hại.

Số phận hẩm hiu của bộ sưu tập đồ cổ khổng lồ

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:45
Giới sưu tầm đồ cổ khi nghe tới tên cụ Đức Minh (phố Quang Trung, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đều bày tỏ sự ngưỡng mộ. Cụ là người sưu tầm đồ cổ số 1 của Hà thành những năm 50 của thế kỷ trước.

Đừng ham cái nắp vung to khi cái nồi của mình nhỏ

Thứ 6, 24/05/2013 | 10:21
Anh ấy nghĩ rằng “thằng nhỏ” của mình... quá nhỏ, không “hoành tráng” như bạn bè. Anh ấy bảo rằng không phải anh lo lắng chuyện đó vì quá chú trọng vấn đề tình dục mà là sợ đường con cái sau này không suôn sẻ.

Hạnh phúc của người đàn bà hát bi ca

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:56
Người đàn bà đẹp xõa tóc cầm cây guitar đi trên đồng cỏ hoa, đó là hình ảnh ghi khắc vào tâm khảm công chúng yêu nhạc tình Việt Nam về một Hồng Hạnh ngọt ngào, đam mê của một thời không bao giờ mất. Thời của những ký ức buồn, những cuộc tình dang dở và nơi đó người ta gọi chị là Người đàn bà hát bi ca.