Phạt 'nguội' trên đại lộ Thăng Long: 'Chế tài còn chưa hoàn thiện'

Phạt 'nguội' trên đại lộ Thăng Long: 'Chế tài còn chưa hoàn thiện'

Thứ 3, 26/02/2013 | 15:19
0
"Đây là hình thức văn minh, cần thiết. Tôi hoàn toàn ủng hộ. Tuy nhiên tôi vẫn còn nhiều điểm e ngại". Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Mạnh Hùng, chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam về hình thức xử phạt "nguội" mà Sở GTVT Hà Nội dự định sẽ áp dụng trên đại lộ Thăng Long.

Sở GTVT Hà Nội cho hay sẽ trình lên UBND TP. Hà Nội đề án thí điểm hệ thống quản lý giao thông thông minh trên đại lộ Thăng Long, trong đó có xử lý vi phạm giao thông theo hình thức phạt "nguội". Ông nhìn nhận  thế nào về hình thức phạt này?

Tôi cho rằng hình thức phạt "nguội" khá phổ biến ở nhiều nước. Chủ phương tiện vi phạm sẽ được gửi thông báo bị phạt để tự đến nộp phạt. Nếu người đó chưa đến sẽ có giấy gọi lần 1, nếu vẫn chưa nộp thì lần 2 sẽ tăng mức phạt, lần thứ 3 thì đưa ra tòa xét xử. Đây là hình thức văn minh, cần thiết. Tôi hoàn toàn ủng hộ. Tuy nhiên tôi vẫn còn nhiều điểm e ngại...

Ông có thể nói rõ hơn những mặt được cũng như những điểm khiến ông còn e ngại của hình thức phạt này?

Ưu điểm của phương pháp này khá nhiều, chính vì thế nó được áp dụng nhiều ở các nước tiên tiến. Phạt "nguội" sẽ khiến cơ quan công quyền đỡ mất thời gian lập biên bản, tiết kiệm thời gian cho cả người vi phạm và người thi hành công vụ, giúp người vi phạm giản đơn hoá các thủ tục nộp phạt khi vi phạm.

Điều tôi còn e ngại đó là cơ sở pháp lý chưa hoàn thiện, khi thực hiện lại chưa nghiêm. Cần phải có chế tài với người bị phạt. Ví dụ như khi tôi bị phạt "nguội", tôi không đến nộp phạt thì xử lý như thế nào? Nếu lần thứ hai cơ quan chức năng gửi về thì hình thức phạt có tăng lên không? Ở các nước khác nếu người bị phạt không thực hiện thì sẽ bị ra tòa xử. Nhưng ở nước ta chưa có chế tài này. Tôi sợ rằng hiệu lực của hình thức phạt "nguội" còn hạn  chế bởi chế tài chưa hoàn thiện.

Ô tô-Xe máy - Phạt 'nguội' trên đại lộ Thăng Long: 'Chế tài còn chưa hoàn thiện'

Ông Nguyễn Mạnh Hùng.

Đây có thể được xem là phương pháp hữu hiệu giúp hạn chế được tình trạng nhức nhối mang tên "mãi lộ"?

Đúng vậy. Đây cũng là cơ hội để giảm thiểu sự thỏa thuận giữa người thi hành công vụ và người vi phạm.

Đặc điểm của Việt Nam là xe máy qua nhiều đời chủ mà không làm thủ tục sang tên đổi chủ. Như vậy việc xử phạt "nguội" có gặp nhiều khó khăn không thưa ông?

Đây cũng là điều khó nhưng Nhà nước đang thực hiện để việc chuyển đổi xe chính chủ được tiến hành nhanh chóng hơn. Bộ công an cũng đang cởi mở hơn trong việc chuyển đăng ký sở hữu xe. Chính sách thuế cũng đang được đề xuất giảm mức thu đối với xe đăng ký lần thứ 2 trở đi về mức chung 2% trên toàn quốc (hiện tại là 10-12% tùy địa phương)... Những biện pháp này được đánh giá là sẽ có tác động tích cực đối với thị trường xe cũ, đặc biệt là góp phần khuyến khích người dân làm thủ tục sang tên, đổi biển theo đúng quy định, giúp công tác quản lý của các cơ quan chức năng bớt khó khăn. Tôi tin chắc thời gian ngắn tới thì việc xe chính chủ hay không chính chủ sẽ được giải quyết nhanh.

Hiện nay tỷ lệ ô tô sang tên đổi chủ cao hơn xe máy. Vậy phải chăng chính sách này áp dụng hiệu quả với ô tô hơn là với xe máy?

Phạt "nguội" áp dụng cho cả ô tô và xe máy không thể chỉ áp dụng cho một loại phương tiện. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện nay phương pháp này sẽ hiệu quả với ô tô hơn, với xe máy thì khó khăn. Bởi nhiều xe máy được thay đổi chủ đến 5, 6 thậm chí là 8, 9 lần nhưng chưa sang tên đổi chủ. Khi xe vi phạm thì không biết người chủ thực sự của xe là ai, vì thế áp dụng với xe máy gặp nhiều khó khăn.

Nhìn một cách tổng quan ông cho rằng, ở Việt Nam hiện nay áp dụng phương pháp này có khả thi hay không?

Đây là hình thức tiên tiến, không xảy ra tiêu cực. Nhưng với Việt Nam hiện nay chế tài chưa hoàn thiệu thì hình thức này hiệu quả chưa cao.

Vậy để phương pháp này có hiệu quả chúng ta cần phải làm gì?

Trong các nghị định của Chính phủ về xử phạt chưa có quy định nào về việc xử phạt "nguội". Vì vậy cần bổ sung phương pháp này vào nghị định để người thi hành công vụ có cơ sở pháp lý thực hiện. Đồng thời cần ghi rõ nếu người bị phạt không đến nộp phạt thì phải thông báo lần thứ nhất để tăng mức xử phạt, 2 lần không đến thì cơ quan có biện pháp cưỡng chế, ra tòa.

Bộ Công an phải giải quyết sớm  thông tư 36, giảm thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho người dân sang tên đổi chủ. Thứ hai là về chính sách thuế cần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.

Xin cảm ơn ông!          

 Ngoài nhiệm vụ chủ yếu là tổ chức giao thông, khai thác tuyến đường hiệu quả và giảm ùn tắc, các camera được lắp đặt trên đường cũng sẽ ghi hình các hành vi vi phạm giao thông như chạy xe quá tốc độ, xe quá khổ quá tải…, cung cấp dữ liệu vi phạm cho CSGT thực hiện xử phạt.

Trình tự của việc xử phạt "nguội" qua hình ảnh  như sau: Trước tiên phải xác minh chủ phương tiện vi phạm qua hồ sơ đăng ký lưu trữ, kế đến ra thông báo và mời chủ phương tiện tới trụ sở làm việc. Sau 3 lần gửi giấy mời mà người điều khiển phương tiện không xuất hiện, buộc cơ quan chức năng phải cử cán bộ chiến sĩ xuống xác minh người đứng tên phương tiện trong giấy phép đăng ký ở công an phường sở tại.  

Thành Huế

Nhiều lực lượng được dừng xe và xử phạt

Thứ 6, 01/02/2013 | 15:15
Các lực lượng có thẩm quyền dừng phương tiện và xử phạt hành vi vi phạm cũng không được tùy tiện dừng phương tiện mà chỉ được dừng để kiếm soát khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm hoặc đã có hành vi vi phạm.

Doanh nghiệp có thể phá sản vì xử phạt

Thứ 2, 04/02/2013 | 14:19
Với việc đưa ra hàng loạt mức phạt nghiêm khắc đối với những hành vi vi phạm trong lĩnh vực lao động, với cách hoạt động như hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đứng trước nguy cơ phá sản nếu như bị xử phạt những lỗi lên đến hàng trăm triệu đồng.

Giảm phí trước bạ ô tô xuống 10%, thị trường có khởi sắc?

Thứ 6, 18/01/2013 | 08:21
Song song với việc "bơm" tiền để giải cứu thị trường bất động sản, những ngày đầu năm 2013, Chính phủ đã có nhiều quyết sách quan trọng để hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội. Đó là việc giảm phí trước bạ xuống 10% để kích thích thị trường ô tô, giải thoát tình trạng "èo uột" của ngành này trong năm vừa qua.

Công nghiệp ô tô Việt Nam phát triển theo hướng nào?

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:03
Một độc giả đã gửi thư đến tòa soạn Nguoiduatin.vn chia sẻ những nghiên cứu tâm huyết của anh về hướng đi cho ngành công nghiệp ô tô hiện nay ở Việt Nam.