Xuân về Mường So, ăn món... lá ngón xào tỏi độc nhất vô nhị

Xuân về Mường So, ăn món... lá ngón xào tỏi độc nhất vô nhị

Thứ 7, 21/01/2017 | 19:29
0
Ít người biết rằng, cây lá ngón độc thường nở hoa trong khoảng thời gian từ tháng Sáu tới tháng Mười, còn cây lá ngón ăn được lại nở hoa vào dịp gần Tết Nguyên đán.

Nói đến lá ngón, không ít người rùng mình bởi sự độc hại của nó. Nhưng ít ai biết rằng, cũng có một loại lá khác mang tên lá ngón lại trở thành đặc sản của người Thái mỗi độ Tết đến xuân về nơi miền biên viễn Lai Châu.

Lá ngón bán ở chợ là rau đặc sản

7h sáng nhưng con đường dẫn chúng tôi từ TP.Lai Châu vào huyện Phong Thổ vẫn ken đặc sương mù. Mặc dù đã nai nịt khá chắc chắn nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy lạnh đến thấu xương. Vất vả và đầy hiểm nguy là vậy, nhưng hy vọng sẽ được thử những “tuyệt ẩm” của người Thái trắng ở xã Mường So, trong đó có món lá ngón xào tỏi, khiến chúng tôi thêm phần quyết tâm.

10h, trung tâm xã Mường So hiện ra trước mắt. Khác với những làng, xã khác nơi chúng tôi từng đi qua, Mường So có phần trù phú và khá giả hơn nhiều. Toàn bộ con đường liên xã đã được đổ bê tông thẳng tắp, những ngôi nhà cao tầng, khang trang mọc lên ở trung tâm xã Mường So...

Ngày chúng tôi đến Mường So cũng là ngày diễn ra phiên chợ. Hàng trăm thứ hàng hóa được người dân bản địa đưa xuống mời chào, bày bán với nhiều sắc màu đặc trưng của những phiên chợ vùng cao. Dạo quanh vài vòng chợ thì quả thật, ở vùng đất này, lá ngón được các tiểu thương bày bán như rau ở những khu chợ dưới miền xuôi, giống hệt như lời giới thiệu của anh bạn đồng nghiệp nói với chúng tôi trước đó: “Ăn phải lá ngón là chết người. Nhưng lá ngón ở Mường So thì lại là đặc sản. Không tin các ông cứ đi tìm hiểu rồi sẽ rõ”.

Xã hội - Xuân về Mường So, ăn món... lá ngón xào tỏi độc nhất vô nhị

 Lá ngón được bán ở phiên chợ

Thấy có khách tìm đến, người phụ nữ dân tộc Thái trắng nhanh miệng mời chào: “Các chú mua rau rừng đi, tươi ngon lắm. Hôm nay có cả lá ngón, dịp Tết nên khan hiếm, các chú mua về mà ăn dần. Các chú mà ăn có khi lại nghiện chứ chẳng chơi”.

Để tìm hiểu về nguồn gốc và đặc tính của loại lá này, chúng tôi tìm đến nhà ông Lò Văn Bắc, người nắm giữ lịch sử lâu đời của dân tộc Thái trắng cũng như những gốc tích của nền văn hóa mang đầy nét riêng biệt. 60 tuổi, ông Bắc vẫn còn tráng kiện và đôi mắt rất tinh anh. Rót chén nước trà đặc quánh mời khách, ông nói với chúng tôi bằng chất giọng khá đặc trưng: “Chỉ Mường So mới có loại lá ngón này thôi. Các chú đợi một lát, tôi hái rồi xào uống rượu nhỉ?”.

Sự hiếu khách của ông Bắc đã khiến những vị khách dưới xuôi như chúng tôi càng muốn tìm hiểu về thứ lá ngón ăn không chết người kia. Nhanh nhảu hái những chiếc lá xanh non mơn mởn, ông Bắc tranh thủ giới thiệu. Từ đời cha ông, các cụ đã biết vào rừng hái loại lá này về nấu ăn. Lá này nấu ăn rất ngon, có mùi thơm đặc biệt nên nhà này truyền tai nhà khác kéo nhau vào rừng hái lá ngón. Về sau, người dân lấy thân cây lá ngón về trồng tại vườn để ăn dần.

Xã hội - Xuân về Mường So, ăn món... lá ngón xào tỏi độc nhất vô nhị (Hình 2).

Đĩa rau lá ngón xào tỏi.

Cũng theo lời ông Bắc, ngày trước, dân làng cũng từng mang 2 loại lá ngón này ra so sánh với nhau. Cây lá ngón ăn được ở xã Mường So cũng có thân leo giống như cây lá ngón độc, nhưng lá của nó tròn và ngắn hơn, bản lá to như bàn tay.

Sau một thời gian mang về trồng tại vườn, người dân phát hiện hoa của 2 loại cây này cũng khác nhau. Cây lá ngón độc thường nở hoa trong khoảng thời gian từ tháng Sáu tới tháng Mười, còn cây lá ngón ăn được lại nở hoa vào dịp gần Tết Nguyên đán. Từ đó, người Thái trắng ở Mường So bắt đầu dùng lá và hoa của cây này để luộc, nấu canh hoặc làm các món xào thay rau rừng. Món ăn này dần trở nên phổ biến và quen thuộc trong những bữa cơm của dân bản.

Thực đơn không thể thay thế trong ngày tết

Bữa cơm trưa được dọn ra trong căn nhà nhỏ của ông Bắc. Một đĩa thịt gà luộc chắc thơm, một chai rượu ngô và dĩ nhiên, không thể thiếu đĩa lá ngón xào tỏi thơm lừng. Nâng chén rượu cùng với chủ nhà, tôi vẫn “rờn rợn” khi thử miếng lá ngón đầu tiên. Những chén rượu ngô nồng ấm, cùng với đĩa lá ngón thơm ngậy khiến chúng tôi chếnh choáng, mang nhiều dư vị...

Tiếp tục tìm hiểu về loại cây đặc biệt này, chúng tôi sang nhà bà Trần Thị Thái (70 tuổi), thôn Tây Nguyên, xã Mường So để mua vài bó lá ngón về xuôi làm quà. Bà Thái vừa giới thiệu: “Loại lá ngón này ăn ngon lắm, xào với thịt thì hết ý. Còn nếu xào với hoa đu đủ đực thì khắc chế bệnh ung thư gan và điều trị bệnh gan nhiễm mỡ (?)”.

Theo lời bà Thái, bà vốn là người dưới xuôi lên Phong Thổ làm kinh tế mới. Ngày trước, khi nghe người dân trên này nói lá ngón là món ăn “tuyệt ẩm” của người Thái trắng, bà không tin. Nhưng vài lần đến một số hộ gia đình ở Mường So chúc Tết theo phong tục thì bà được họ mời thưởng thức món lá ngón xào tỏi, nó không hề gây chết người. Từ đó, bà đã mua cây lá ngón về trồng để lấy lá ăn cũng như tiếp khách phương xa. Do nhà bà trồng nhiều nên mỗi buổi sáng, bà thường hái khoảng chục bó mang ra chợ bán với giá 3-4.000 đồng/bó.

“Cứ mang ra bao nhiêu là hết bấy nhiêu. Nhiều hôm không còn lá ngón để mang ra chợ bán, một số người thích ăn lại vào tận nhà hỏi mua. Có người đang dùng lá để chữa bệnh gan nhiễm mỡ thấy hiệu quả nên cứ hỏi mua bằng được. Nếu dùng lá ngón để gói thịt chua thì rất hợp và dậy mùi. Ngày Tết, nhà nào mà có vườn cây lá ngón để đãi khách thì nhất rồi”, bà Thái cho biết thêm.

Xã hội - Xuân về Mường So, ăn món... lá ngón xào tỏi độc nhất vô nhị (Hình 3).

 Người dân địa phương đang giới thiệu về lá ngón ăn được cho tác giả.

Một điều đặc biệt nữa, trong lễ hội Kin Lẩu Khẩu Mẩu (lễ hội ẩm thực) của người Thái Mường So ngày xuân, chắc chắn phải có lá ngón. Đây là dịp để người dân tạ ơn thần linh, ông bà, tổ tiên đã ban phúc cho một vụ mùa bội thu. Lễ hội Kin Lẩu Khẩu Mẩu được tổ chức tại bản Huổi Én, xã Mường So với cuộc thi nấu ăn của người Thái. Các món ăn được người Thái kết hợp với các loại gia vị lấy trong rừng như: Mắc khén (hay còn gọi là hạt tiêu rừng), thảo quả... Những loại gia vị này được tẩm ướp cùng với thực phẩm tạo nên hương vị đặc trưng trong các món ăn của núi rừng Tây Bắc nói chung và người Thái nói riêng.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Thế Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu hồ hởi: “Đúng là ở Mường So người dân thường ăn một loại lá trông giống hệt lá ngón nhưng to hơn một chút. Ở các cuộc thi ẩm thực vùng miền, người Thái trắng cũng coi món lá ngón như một thứ đặc sản. Đến nay, chúng tôi cũng chưa biết chính xác tên khoa học của loài lá này, chỉ biết, nó ăn rất ngon và không có độc”.

 Cây lá ngón độc còn có tên là cỏ ngón

Theo lời ông Hải, cây lá ngón có độc ở vùng cao người dân thường gọi là cây cỏ ngón hay còn gọi là cây thuốc rút ruột. Đây là loại cây cực độc, lá hình trứng thuôn dài hoặc hơi có hình mác, đầu nhọn, phía cuống nhọn hay hơi tù, mép nguyên, hoa màu vàng mọc thành chùm ở đầu hay kẽ lá. Quả là dạng quả nang, hình thon ê-líp hay hình trứng, dài 1-1,4 x 0,6-0,8cm, nhẵn không lông, màu nâu. Hạt nhỏ cỡ 0,5cm, dạng từ hình e-líp tới hình thận, màu nâu nhạt, phần giữa có lông, có riềm cánh mỏng xung quanh giúp phát tán theo gió. Loại lá này độc đến mức một người chỉ cần ăn 3 lá là chất độc ngấm vào cơ thể và tử vong sau ít phút. Do đó cứ nghe đến lá ngón là người dân sợ hãi.

Nguyễn Bắc