Xuân về nhớ tục 'bói áo bắt bệnh'

Xuân về nhớ tục 'bói áo bắt bệnh'

Thứ 4, 30/01/2013 | 08:24
0
Giữa tiết trời căng tràn sức xuân vào dịp đầu năm mới, những người con Mường ở Phù Yên (Sơn La) lại háo hức với lễ hội Mợi. Khác với "tệ nạn phong bì" được lên án trong thời gian qua ở các bệnh viện, nơi đây, những người bệnh đến với "bác sỹ" của mình bằng tấm lòng và đó cũng là dịp làm sống lại nhiều nét văn hóa truyền thống.

"Bói áo... đoán bệnh"

Ngày cuối cùng của năm cũ, trong khi các gia đình bận rộn sắm sửa cho lễ cúng tổ tiên, con cháu sum vầy thì ở nhà  thầy Mợi (các thầy lang chữa bệnh), không khí khẩn trương tấp nập hơn rất nhiều. Thầy Mợi và các con hầu tất bật sửa sang bàn thờ, sắp đặt lại các đồ cho con cháu giặt giũ. Các khăn Mợi mang ra phơi khô rồi lại sắp đặt vào đúng chỗ qui định.

Thầy Mợi thông báo cho các con nuôi ở mường trên, bản dưới tình hình sức khoẻ và thời gian làm lễ hội để các con nuôi chuẩn bị lễ và sắp xếp thời gian về dự lễ hội Mợi. Từ  trước hôm diễn ra lễ hội, thầy Mợi cùng gia đình chuẩn bị dọn dẹp sửa soạn bàn thờ, sắp đặt gọn gàng các đồ thờ cúng, quét dọn nhà cửa sạch sẽ.

Cũng như nhiều dân tộc khác, người Mường ở xã Huy Tân (huyện Phù Yên, Sơn La) có kho tàng văn hóa dân gian đa dạng, phong phú với nhiều lễ hội như: Sắc bùa, hội xuống đồng (Khung mùa), hội cầu mưa, lễ rửa lá lúa (tháng 7 - 8 âm lịch), lễ cơm mới... Trong đó, lễ hội Mợi của người Mường cũng là một trong những nét văn hóa gìn giữ phong tục tri ân các thầy lang có tâm, có đức và tài năng. Các thầy Mợi không chỉ đóng vai trò là các "bác sỹ" thổ địa mà Mợi còn là người giữ lại linh hồn, sự gắn kết giữa những người Mường ở quanh vùng.

Thầy Mợi Đinh Thị Ình (75 tuổi,  xã Huy Tân) cho biết: "Mỗi dịp đầu năm, các gia đình Mợi lại tổ chức một lễ hội nho nhỏ nhằm tưởng nhớ tới tổ Mợi đã có công xây dựng, gìn giữ, phát triển các hoạt động văn hoá tâm linh quan trọng, tưởng nhớ tới những người có công sinh thành và khai khẩn mở mang đất Mường. Đây cũng là dịp các con nuôi ở mường trên, bản dưới về tạ ơn thầy Mợi đã chữa bệnh cứu người, mang lại hạnh phúc cho mọi nhà. Bởi thời điểm đó, nhân dân chủ yếu nhờ vào thầy lang chữa bệnh cứu người bằng những cây thuốc rừng rất quí, có khả năng chữa bệnh tốt".

Lạ & Cười - Xuân về nhớ tục 'bói áo bắt bệnh'

Thầy Mợi thực hiện lễ cúng tại nhà

Lễ hội Mợi bao gồm phần lễ và phần hội, được tổ chức đan xen nhau. Lễ hội Mợi diễn ra trong thời gian một ngày. Thầy Mợi và các con hầu sẽ đảm nhiệm phần lễ. Từ sáng sớm, thầy Mợi và các con hầu đã chuẩn bị các mâm lễ cúng. Mâm cúng trong lễ hội ngoài các món phổ biến như gà, lợn còn có xôi 7 màu được làm từ gạo nếp ngon nhuộm bởi các loại lá cây rừng với các màu xanh, đỏ, tím, vàng, đen, trắng, hồng. Ngoài ra, lễ còn có món nộm rau rừng. Nộm được làm từ hoa giềng và các loại rau thập cẩm. Các loại rau thập cẩm cho vào đồ chín rồi cho ra đĩa, đây là một món ăn rất riêng biệt. Gói bánh nhắp, loại bánh được làm từ gạo nếp đem xay hoặc giã nhỏ mịn lấy lá chuối rừng gói lại rồi cho vào cái chõ để xôi cùng với quả đu đủ non. Một món nữa là các loại rau mâm chay. Món này được làm từ lá đu đủ, khoai sọ, quả chuối xanh, măng rừng, hoa cây giềng... tất cả đều đem đồ chín cho vào từng đĩa riêng dâng mời tổ tiên. Thầy Mợi chuẩn bị ba khăn có tua xanh, vàng, tím, một bó hương thơm để thầy nhai hương, một chiếc chuông đồng, một quạt giấy.

Vào lễ, thầy Mợi dùng lời hát đang - hát ví truyền thống của người Mường - mời tổ tiên Mợi từ trên trời xuống trần gian, sau đó mời tổ tiên bên nội, tổ tiên bên ngoại, thần thổ địa, thần sông, thần núi cùng với tổ Mợi về hưởng lễ, hương hoa, phù hộ cho con cháu, bản mường khỏe mạnh, làm ăn phát đạt.

Đặc biệt, trong lễ hội này, thầy Mợi sẽ bói áo bắt bệnh cho người dân. Người muốn được thầy xem bệnh phải mang lễ vật đến. Lễ vật gồm một cái áo và một mâm lễ. Trên mâm lễ có một chai rượu, tiền, gạo (tuỳ theo lòng hảo tâm của mỗi nguời), thầy Mợi xem áo và chẩn đoán bệnh. Với mỗi người được bói áo, thầy Mợi sẽ làm lễ buộc chỉ cổ tay. Dây chỉ được xe lại nhiều màu để thầy Mợi buộc chỉ cổ tay cho các con nuôi, những người ốm yếu cho mau khỏi bệnh, gặp nhiều điều tốt lành.

Giữ "hồn" cho bản sắc người Mường

Lễ hội được tổ chức trong hai ngày, bắt đầu từ ngày mùng 2 tháng giêng hàng năm. Phần lễ thường được tổ chức tại nhà thầy Mợi, phần hội được tổ chức ở trong nhà và ngoài trời, nơi có bãi đất rộng để nhân dân mường trên, bản dưới về tham gia vào các hoạt động của lễ hội. Con nuôi ở khắp các bản mường chuẩn bị lễ theo qui định, tất cả được đặt trên một chiếc mâm đan bằng nứa mang đến nhà thầy Mợi. Thầy sẽ đi qua các mâm cúng mời các thần linh và tổ tiên về dự lễ.

Hiện nay, với sự phát triển của hệ thống chăm sóc y tế đến từng thôn bản, thầy Mợi cũng đã bớt việc hơn xưa. Tuy nhiên, với những thầy Mợi có tâm đức, có những phương pháp chữa bệnh truyền thống hiệu quả, chữa những căn bệnh đơn giản vẫn được nhiều người trân trọng. Không chỉ là hình thức sơ khai của việc chữa bệnh tại thôn bản của người Mường, thầy Mợi còn là cầu nối, là người giữ "hồn" cho bản sắc người Mường giữa vùng đất Tây Bắc này. Bởi sau phần lễ, các thầy Mợi và các con hầu chuyển sang múa Mợi. Các nhạc cụ dân tộc cất lên tiếng trống, chiêng, tiếng khèn pí ôi, khèn lá, pí lúa, chuông đồng, khèn bè, chùm quả nhạc, đàn ống... Mọi người cùng nhau nhảy các điệu múa và tham gia các trò chơi dân gian.

Các điệu múa được thể hiện trong lễ hội Mợi bao gồm: Múa xòe, múa khăn, múa trầu, múa kiếm, múa trồng bông dệt vải... Các điệu múa này vừa thể hiện tập quán truyền thống, vừa thể hiện các lễ nghi nông nghiệp. Các con hầu dỡ các ống tre xuống và gõ vào nhau, thổi khèn bè tạo nền nhạc rộn ràng cho các điệu múa. Vừa múa, bà Mợi vừa đi vòng quanh các con nuôi và bà con dân bản, bà dùng khăn quàng vào cổ mọi người để mời bà con dân bản vào cùng múa với thầy Mợi và các con hầu.

Sau khi các con nuôi được thầy Mợi cầu an, được say đắm trong những điệu múa, câu ca, lễ hội sẽ kết thúc bằng điệu múa trầu tiễn tổ tiên thầy Mợi về trời. Thầy Mợi Đinh Thị Ình cho biết: "Điệu múa trầu tiễn tổ tiên phải thể hiện thật dẻo, thật khéo để mong đến ngày nay sang năm còn mời tổ Mợi xuống trần gian dạy con cháu tập múa, làm nương, làm ruộng. Sau đó, thầy Mợi tổ chức một bữa cơm đoàn kết mời  các con hầu, các con nuôi và bà con dân bản. Quan trọng nhất là trong phần hội, mỗi thầy Mợi tích cực tham gia và dẫn trò, tổ chức cho nhân dân nhiều hoạt động tiêu biểu của cuộc sống đời thường, khuyên bảo nam nữ phải biết trân trọng và thật lòng trong tình yêu, gắn kết cùng nhau xây dựng cuộc sống".   

Làm sống lại các trò chơi dân gian

Điệu múa Mợi của người Mường vừa uyển chuyển, nhịp nhàng, vừa mạnh mẽ, say sưa. Càng về trưa thì số lượng người múa càng đông, tiếng nhạc càng rộn ràng. Sau thời gian nghỉ ăn trưa, buổi chiều các điệu múa lại được tiếp tục. Cùng với diễn các điệu múa là các trò chơi dân gian: Bói hoa, ném còn, kéo co, đánh chó, đánh chuyền, đánh quay, nhảy lò cò, chơi bi,  chơi ô ăn quan, nhảy dây, đánh yến... Các trò chơi dân gian diễn ra hào hứng, vui vẻ, thu hút được mọi lứa tuổi cùng tham dự.

Sơn N

Tục mua con: Một đứa trẻ = 1 trâu + 2 gà

Thứ 6, 18/01/2013 | 14:48
Đứa trẻ mập mạp trên lưng chị Bàn Thị Nghến vừa trong 1 năm tuổi. Chồng chị đã mua nó về lúc còn đỏ hỏn với giá 1 con trâu, 2 con gà.

Tục bú vú cứu trẻ thoát khỏi hủ tục chôn con theo mẹ

Thứ 2, 14/01/2013 | 09:11
Đã nhiều năm trôi qua, dù chỉ biết hủ tục "dọ-tơm-amí" tàn độc qua lời kể của ông bà và những người già nhưng mỗi khi nhớ lại chúng tôi vẫn cảm thấy ớn lạnh, xót xa. Người già ở Đắk-Rơ-Wa (Gia Lai) đã bật mí một luật tục, trong quá trình vượt cạn, nếu người mẹ chẳng may qua đời, đứa trẻ mới sinh sẽ khó tránh khỏi phán quyết "dọ-tơm-amí". Nghĩa là với phán quyết ấy, đứa trẻ đáng thương sẽ bị chôn sống theo mẹ.

Tục xăm mình rùng rợn của bộ tộc răng nhọn

Thứ 2, 14/01/2013 | 08:52
Người Mentawai coi việc mài răng là một cách làm đẹp và xăm mình là điều bắt buộc để đánh dấu từng giai đoạn trong cuộc đời.

Phẫn nộ lễ hội nhốt người ăn xin trong lồng sắt

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:45
– Trong khi các du khách vui chơi tại lễ hội thì những người ăn xin bị nhốt trong lồng sắt để tránh quấy rầy người tham quan.