Các nước phương Tây đã cam kết hơn 1,5 tỷ Euro (1,55 tỷ USD) tiền mặt, trang thiết bị và đào tạo để tăng cường khả năng quân sự của Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga của quốc gia Đông Âu, Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch Morten Bodskov cho biết.
Khoản tiền trên, được một nhóm 26 quốc gia cam kết tại một hội nghị ở Copenhagen (Đan Mạch) hôm 11/8, sẽ được sử dụng để cung cấp vũ khí, tên lửa và đạn dược hiện có và tăng cường sản xuất vũ khí mới cho Ukraine, cũng như để huấn luyện binh sĩ Ukraine và phục vụ công tác rà phá bom mìn ở các khu vực bị ảnh hưởng ở Ukraine.
Hiện viện trợ quân sự của Liên minh châu Âu (EU) cho Ukraine đã lên tới 2 tỷ Euro, của Anh là 2,3 tỷ Bảng và của Mỹ là 9,8 tỷ USD.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine”, ông Bodskov tuyên bố, cho biết thêm rằng Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan, Slovakia và Cộng hòa Séc cũng bày tỏ sự sẵn sàng mở rộng sản xuất các hệ thống pháo, đạn dược và các thiết bị quân sự khác cho Ukraine.
Anh, quốc gia đã viện trợ các hệ thống vũ khí tiên tiến cho Ukraine và cung cấp huấn luyện quân sự cho hàng nghìn binh sĩ của Kiev, hôm 11/8 cam kết tài trợ thêm 300 triệu Euro, bao gồm các hệ thống tên lửa phóng loạt và tên lửa dẫn đường chính xác M31A1 có thể tấn công mục tiêu ở cự ly xa 80 km (50 dặm).
Ông Wallace cho rằng khoản cam kết viện trợ mới đã chứng tỏ rằng cộng đồng quốc tế kiên định trong việc ngăn cản cái mà ông gọi là “tham vọng của ông Putin ở Ukraine”, và Bộ trưởng Quốc phòng Anh cũng cho rằng quyết tâm đó đang được đền đáp.
“Tổng thống Putin chắc hẳn đã đánh cược rằng đến tháng 8... tất cả chúng ta sẽ chán ngấy cuộc xung đột này và cộng đồng quốc tế sẽ chia rẽ. Hội nghị hôm nay là bằng chứng cho thấy điều ngược lại”, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cho biết.
“Cho đến nay các lực lượng Nga đã thất bại và không có khả năng thành công trong việc chiếm cứ Ukraine. Cuộc tấn công của họ đã chùn bước và liên tục được điều chỉnh lại đến mức chúng thực sự chỉ tập trung vào các khu vực ở phía Nam và phía Đông Ukraine”, Bộ trưởng Wallace tuyên bố.
Các cam kết được đưa ra sau khi chính quyền Kiev liên tục đưa ra lời kêu gọi phương Tây gửi thêm vũ khí, bao gồm cả pháo tầm xa, khi Ukraine cố gắng lật ngược tình thế trong cuộc xung đột với Nga, bắt đầu từ ngày 24/2.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov nói, ông không thể tiết lộ chi tiết về cách thức hỗ trợ quân sự sẽ được sử dụng nhưng cho biết ông hài lòng với thỏa thuận đạt được với các nước tài trợ về hỗ trợ lâu dài.
“Tôi rất vui vì tất cả chúng ta đều có nhận thức chung rằng không có thời gian để mệt mỏi”, ông nói, đồng thời cảm ơn các đồng minh châu Âu vì đã trở thành những “đối tác đáng tin cậy” của Ukraine.
Trong một bài đăng trên Twitter, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine viết: “Giá xăng và nhiên liệu tăng ở phương Tây là cái giá nhỏ cho hòa bình. Người Ukraine phải trả giá cho hòa bình ở phần còn lại của châu Âu bằng mạng sống của họ. Chúng ta phải chiếm ưu thế trước kẻ địch và giải phóng các vùng lãnh thổ của chúng ta, bao gồm cả Crimea. Đối với tôi, mọi thứ không thể đều có thể xảy ra, chỉ cần có thời gian”.
Đầu tháng này, Ukraine xác nhận đã nhận được thêm vũ khí chính xác hạng nặng từ Đức và Mỹ.
Moscow, vốn cáo buộc phương Tây kéo dài xung đột bằng cách “bơm” thêm vũ khí cho Ukraine, tuyên bố rằng họ đang tiến hành một “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine nhằm bảo vệ an ninh của Nga trước sự mở rộng của NATO.
Tổng thống Zelenskyy cảnh báo tình trạng rò rỉ thông tin chiến sự
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy hôm 11/8 đã yêu cầu các quan chức ngừng chia sẻ với các phóng viên về các chiến thuật quân sự của Kiev trong cuộc chiến chống lại Nga, nói rằng những bình luận như vậy là “hết sức vô trách nhiệm”.
Sau loạt vụ nổ phá hủy một căn cứ không quân Nga ở Crimea hôm 9/8, tờ New York Times và Washington Post (Mỹ) dẫn lời các quan chức Ukraine giấu tên nói rằng các lực lượng của Kiev chịu trách nhiệm về vụ việc. Trong khi đó, chính quyền ở Kiev từ chối cho biết liệu họ có đứng sau các vụ nổ đó hay không.
“Giao tranh chắc chắn không phải là lúc dành cho những tuyên bố viển vông và ồn ào. Các vị càng tiết lộ ít chi tiết về các kế hoạch phòng thủ của chúng ta, thì càng tốt cho việc thực hiện các kế hoạch phòng thủ đó”, ông Zelenskyy cho biết trong bài phát biểu video hàng đêm hôm 11/8.
“Nếu các vị muốn tạo ra những tiêu đề ấn tượng, đó là một chuyện – nhưng điều đó là cực kỳ vô trách nhiệm. Nếu các vị muốn chiến thắng cho Ukraine, đó là một việc khác, và các vị nên nhận thức được trách nhiệm của mình đối với mọi lời mình nói về kế hoạch phòng thủ hoặc phản công của nước ta”.
Trong một diễn biến khác, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Anna Malyar cho biết, cơ quan an ninh Ukraine đã mở một cuộc điều tra về một trong những trường hợp mà các quan chức đã trò chuyện với báo chí.
“Một vụ rò rỉ như thế này làm gián đoạn kế hoạch của các lực lượng vũ trang Ukraine kể từ khi kẻ thù điều chỉnh hành động của mình và sử dụng thông tin này để chống lại chúng tôi”, bà Malyar cho biết trên Facebook.
Các bức ảnh do một công ty vệ tinh công bố cho thấy 3 miệng hố lớn gần giống hệt nhau, nơi các tòa nhà ở căn cứ không quân Nga bị tấn công. Có thể nhìn thấy tàn tích của ít nhất 8 chiếc máy bay chiến đấu đã bị thiêu rụi.
Ông Zelenskyy đã gửi lời cảnh báo của mình tới các quan chức địa phương và quân đội cũng như những người khác mà ông cho biết đang bình luận về các sự kiện ở mặt trận.
Tháng trước, ông đã bãi nhiệm một người bạn cũ với tư cách là người đứng đầu cơ quan an ninh nội địa (SBU) và một đồng minh khác là công tố viên hàng đầu trong cuộc “thanh lọc nội bộ” lớn nhất của chính quyền Kiev kể từ khi xung đột nổ ra, với lý do họ đã thất bại trong việc loại bỏ gián điệp Nga.
Giao tranh dữ dội trên hầu khắp Ukraine
Các nhà chức trách Ukraine hôm 11/8 thông báo 120 tên lửa đã đánh trúng khu vực gần thành phố Nikopol thuộc vùng Dnipropetrovsk, miền Trung Ukraine, và pháo kích dữ dội ở Donetsk, miền Đông, khi cuộc tấn công của Nga tiếp tục suốt đêm qua.
Ông Valentyn Resnichenko, Thống đốc Dnipropetrovsk, cho biết các cuộc tấn công qua đêm đã kiến 3 người thiệt mạng và 7 người bị thương.
Trong một cuộc họp ngắn buổi sáng, Bộ Tổng tham mưu Ukraine báo cáo, “Kẻ địch đang tập trung nỗ lực để thiết lập quyền kiểm soát hoàn toàn đối với lãnh thổ của các khu vực Luhansk và Donetsk”. Báo cáo còn trích dẫn hơn 60 mục tiêu quân sự và dân sự.
Các lực lượng Nga đã tăng cường các cuộc tấn công vào khu vực Donetsk nói chung và thành phố Donetsk nói riêng sau khi giành quyền kiểm khu vực Luhansk. Các cuộc giao tranh ác liệt cũng đã được báo cáo xung quanh thị trấn Pisky (Donetsk, miền Đông), nơi các lực lượng thân Nga đã tuyên bố nắm quyền kiểm soát, trong khi phía Ukraine phủ nhận.
Ông Danil Bezsonov, một quan chức của Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng, cho biết trên Telegram: “Tình hình ở Pisky đang nóng. Thị trấn đã nằm trong quyền kiểm soát của chúng tôi, nhưng quân Ukraine vẫn đang kháng cự tại các địa điểm rải rác ở phía Bắc và phía Tây thị trấn”.
Ngược lại, ông Oleksiy Arestovych, một cố vấn của Tổng thống Ukraine, cho biết trong một cuộc phỏng vấn được chia sẻ trên YouTubehôm 11/8 rằng quân Nga không thành công trong việc tiến vào Pisky.
Thống đốc Luhansk của phía Ukraine, Serhiy Haidai, hôm 11/8 cho biết khu vực này đã chứng kiến sự hiện diện gia tăng của các lực lượng lính đánh thuê Nga, bao gồm cả công ty Wagner khét tiếng.
Giao tranh cũng bùng phát xung quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia bên ngoài thành phố Enerhodar, vùng Zaporizhzhia, miền Nam Ukraine.
Các hệ thống phòng không của Nga đã ngăn chặn các cuộc tấn công vào nhà máy cũng như thành phố Enerhodar gần đó do Nga kiểm soát, các phương tiện truyền thông nhà nước Nga đưa tin.
Đề xuất thiết lập khu vực phi quân sự xung quanh nhà máy Zaporizhzhia
Người đứng đầu Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres hôm 11/8 đã kêu gọi ngừng toàn bộ hoạt động quân sự xung quanh khu phức hợp điện hạt nhân Zaporizhzhia của Ukraine, khi Hội đồng Bảo an LHQ (UNSC) nhóm họp để thảo luận về tình hình.
“Cơ sở này không được sử dụng như một phần của bất kỳ hoạt động quân sự nào. Thay vào đó, cần có thỏa thuận khẩn cấp ở cấp độ kỹ thuật về chu vi phi quân sự hóa để đảm bảo an toàn cho khu vực”, ông Guterres cho biết trong một tuyên bố.
Mỹ - một thành viên thường trực của UNSC - ủng hộ lời kêu gọi thiết lập một khu vực phi quân sự xung quanh nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu này, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách kiểm soát vũ khí và an ninh quốc tế Bonnie Jenkins nói với UNSC. Bà cho rằng chuyến thăm của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) “không thể đợi lâu hơn nữa”.
Trong khi đó, ông Rafael Mariano Grossi, người đứng đầu IAEA, đã yêu cầu để cơ quan này tiếp cận nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia “càng sớm càng tốt” để đảm bảo an toàn sau khi nhiều cuộc tấn công xảy ra tại khu phức hợp.
“Tôi yêu cầu cả 2 bên hợp tác… và cho phép phái đoàn của IAEA tiếp cận nha máy càng sớm càng tốt”, ông Grossi cho biết trong một bài phát biểu trước UNSC.
Ông Grossi cũng cho biết, IAEA đã nhận được thông tin cập nhật từ cả Ukraine và Nga, nhưng 2 luồng thông tin được cung cấp thường mâu thuẫn với nhau.
“Vì vậy, tôi đề xuất, tôi khẩn cầu kêu gọi để IEAE thực hiện sứ mệnh này càng sớm càng tốt”, ông nói và cho biết thêm rằng việc ngăn chặn một thảm họa hạt nhân là “trách nhiệm tập thể”.
Đại sứ Nga tại LHQ Vasily Nebenzya, trong bài phát biểu trước UNSC hôm 11/8, đã cáo buộc Ukraine thực hiện các cuộc tấn công “vô đạo đức” vào nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia do Nga kiểm soát, từ đó “đẩy thế giới đến bờ vực của một thảm họa hạt nhân”.
“Chúng tôi đã nhiều lần cảnh báo các đồng nghiệp phương Tây của mình rằng nếu họ không đối thoại một cách hợp lý với chính quyền Kiev, thì Kiev sẽ thực hiện những bước đi tàn ác và phi lý nhất, mà hậu quả của nó sẽ vượt ra ngoài biên giới Ukraine”, ông Nebenzya nói.
“Thật không may, đó là những gì hiện đang xảy ra”, ông bổ sung.
Trong một diễn biến khác có liên quan, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy, trong bài phát biểu video hàng đêm hôm 11/8, đã kêu gọi cộng đồng quốc tế “phản ứng ngay lập tức” để buộc các lực lượng Nga rời khỏi nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia.
“Toàn bộ thế giới phải phản ứng ngay lập tức… Chỉ có sự rút lui hoàn toàn của người Nga mới đảm bảo an toàn hạt nhân cho toàn bộ châu Âu”, ông Zelenskyy tuyên bố.
Ukraine nêu mục tiêu sơ tán dân thường khỏi chiến trường miền Đông
Ukraine đặt mục tiêu sơ tán 2/3 cư dân khỏi các khu vực mà nước này kiểm soát ở chiến trường miền Đông Donetsk trước khi mùa đông ập đến, một phần do lo ngại người dân sẽ không thể giữ ấm trong bối cảnh cơ sở hạ tầng bị tàn phá do chiến tranh, Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk cho biết hôm 11/8.
Chính phủ có kế hoạch sơ tán khoảng 220.000 người trong tổng số khoảng 350.000 người, trong đó có 52.000 trẻ em, bà Vereshchuk đưa thông tin trong một cuộc họp báo.
Cuối tháng trước, Ukraine đã thông báo về việc sơ tán bắt buộc người dân khỏi khu vực Donetsk, nơi chứng kiến giao tranh ác liệt giữa các lực lượng của nước này với các lực lượng Nga.
Mặc dù các nhà chức trách mô tả việc sơ tán là "bắt buộc", người dân có thể chọn không tham gia bằng cách điền vào biểu mẫu tuyên bố ý định ở lại của họ.
Kể từ ngày 1/8, 3.904 người đã được sơ tán khỏi Donetsk, bà Vereshchuk cho biết, đồng thời nhấn mạnh rằng hàng nghìn người khác cũng nên rời đi trước khi mùa đông đến vì giao tranh đã phá hủy cơ sở hạ tầng điện và hệ thống sưởi ấm trong khu vực.
Công tác sơ tán dân có thể phải mở rộng đến các khu vực bị ảnh hưởng bởi cuộc giao tranh, chẳng hạn như các vùng Kherson, Kharkiv và Zaporizhzhia, Phó Thủ tướng Ukraine bổ sung.
Donetsk là một trong hai khu vực hợp thành Donbass ở miền Đông Ukraine, nơi mà Nga cho biết họ muốn giành quyền kiểm soát hoàn toàn.
McDonald’s chuẩn bị mở cửa trở lại ở Ukraine
McDonald's hôm 11/8 cho biết họ có kế hoạch mở lại một số cửa hàng ở Ukraine, bắt đầu từ các địa điểm ở thủ đô Kiev và miền Tây đất nước, những nơi xa chiến tuyến hơn.
McDonald’s đã tiếp tục trả lương cho hơn 10.000 nhân viên ở Ukraine kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở quốc gia Đông Âu, trong khi đã bán đứt việc kinh doanh chuỗi 850 nhà hàng của họ ở Nga cho một công ty địa phương.
Công ty này đã đổi tên thương hiệu trước khi mở cửa chuỗi nhà hàng này trở lại, với tên gọi Vkusno-i Tochka.
Trong một thông điệp gửi đến nhân viên, ông Paul Pomroy, Phó Chủ tịch McDonald’s phụ trách mảng thị trường quốc tế, cho biết ngày càng có nhiều người muốn thương hiệu đồ ăn nhanh nổi tiếng này nối lại hoạt động kinh doanh ở Ukraine vì điều này dù nhỏ nhoi, nhưng mang lại cảm giác về sự trở lại của cuộc sống bình thường.
Xung đột với Nga đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế Ukraine, với việc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo nền kinh tế của quốc gia Đông Âu sẽ giảm 35% vào năm 2022.
Trước giao tranh, McDonald’s điều hành 109 nhà hàng ở Ukraine. Tuy nhiên, họ không cho biết có bao nhiêu địa điểm trong số những nhà hàng này nằm trong kế hoạch mở cửa trở lại lần này.
Minh Đức (Theo DW, Al Jazeera, Reuters, Newsweek)