“Yêu râu xanh” đứng trên bục giảng, nỗi đau học đường

Cẩm Mịch

Những năm gần đây, dư luận liên tiếp bức xúc khi hàng loạt vụ dâm ô, xâm hại tình dục cứ “nối đuôi nhau” xảy ra trong môi trường học đường, nơi vốn được coi là lành mạnh nhất, an toàn nhất. Đáng buồn thay, không ít thủ phạm trong số đó lại chính là các thầy giáo, cán bộ quản lý giáo dục.

Giáo viên phẫn nộ, xấu hổ thay những đồng nghiệp

Trong những ngày vừa qua, báo chí đã liên tục thông tin về hai vụ dâm ô trong học đường, mà trong đó, nạn nhân không chỉ là cả học sinh mà còn có cả giáo viên, từ trường phổ thông đến giảng đường đại học.

Trước đó, những vụ dâm ô, xâm hại tình dục mà thủ phạm “núp” dưới danh nghĩa thầy giáo, thậm chí là Hiệu trưởng, Giám đốc cơ sở giáo dục vẫn còn xuất hiện hàng loạt, vụ này chưa kịp lắng xuống thì vụ khác đã tiếp tục gây chấn động.

Có thể kể đến hàng loạt vụ dâm ô, xâm hại nổi cộm gần đây nhất, như Hiệu trưởng ở Phú Thọ dâm ô hàng hoạt nam sinh, thầy giáo dâm ô hàng loạt học sinh nữ ở Bắc Giang, hay thầy giáo xâm hại khiến nữ sinh mang thai ở Lào Cai, thầy giáo nhắn tin “gạ tình” nữ sinh ở Thái Bình... Chua xót hơn khi đó chỉ mới là phần nổi của tảng băng chìm!

Trước mỗi vụ việc, dư luận lại càng thêm chua xót, bức xúc khi môi trường học đường vốn được xem là ngôi nhà thứ hai, nơi an toàn và lành mạnh nhất, lại bỗng chốc trở thành “địa ngục” đối với nhiều học sinh, cả nam lẫn nữ. Đặc biệt, nhiều giáo viên tỏ ra vô cùng phẫn nộ với những hành vi bôi nhọ nghề giáo.

Theo bà Lê Thị Thúy Nga, Hiệu trưởng trường THCS Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội), những hành vi này thực sự đáng lên án: “Đối với những vụ việc như vậy, đã vi phạm nghiêm trọng đạo đức nhà giáo, không xứng đáng đứng trong hàng ngũ sư phạm. Về phía nhà trường cũng như các cơ quan chức năng, phải có trách nhiệm xử lý nghiêm để trước hết, đòi lại công bằng cho nạn nhân, đồng thời, mang tính răn đe, phòng ngừa những hiện tượng tương tự”.

Thầy Nguyễn Hồng Quân, trường THCS Cốc Ly (Lào Cai) bày tỏ: “Hơn 20 năm gắn bó với bục giảng, mỗi khi nghe về những vụ việc đau lòng xảy ra ngay trong học đường hoặc thủ phạm lại chính là những người đồng nghiệp, tôi không khỏi bức xúc, đồng thời, xấu hổ thay cho họ. Vì sao, mang danh người thầy lại có thể có những hành vi đồi bại đến như vậy? Thật sự không xứng đáng đứng là một người giáo viên, chứ đứng nói đến là thủ trưởng của các đơn vị giáo dục như trong một số vụ việc...”.

Không giấu nổi bức xúc, thầy Nguyễn Văn Sơn, giáo viên trường tiểu học thị trấn Tằng Loỏng (Lào Cai) cũng chia sẻ: “Những người thầy giáo kia, khi đang là sinh viên sư phạm, không được rèn giũa đạo đức hay sao, không hề biết nhiệm vụ, trách nhiệm của người thầy là như thế nào hay sao? Người thầy vốn dĩ không chỉ là người truyền đạt kiến thức, mà còn là người cha, người mẹ thứ hai, có trách nhiệm quan tâm, chăm sóc học trò của mình như những đứa con trong gia đình. Chỉ có những ai vô nhân tính, mới có thể làm những điều tồi tệ đến như vậy đối với học sinh”.

Cô Trần Thị Điều, giáo viên trường THCS Lý Tự Trọng (Vĩnh Phúc) thì cho rằng: “Học đường vốn phải là nơi an toàn cho mỗi đứa trẻ, thì sau hàng loạt những vụ việc rúng động dư luận, liệu những đứa trẻ có còn dám tin vào nhà trường, tin vào người thầy nữa hay không? Chỉ vì những thỏa mãn cá nhân mà những kẻ mang danh người thầy đã bất chấp, không ngại làm ô uế học đường, ô uế danh dự người giáo viên, làm tổn thương đến học sinh, đồng nghiệp, nhà trường...

Gây ra những hành vi như vậy, tôi mong rằng các cơ quan chức năng phải xử lý thật nghiêm, các nhà trường không bao che, dung túng, kẻo sau này lại “ngựa quen đường cũ”, hoặc vô tình “vẽ đường cho hươu chạy” với kẻ khác”.

Bắt bệnh, kê đơn

“Bắt bệnh” những vụ việc đau lòng trên, TS. Nguyễn Thị Kim Quý, hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam cho rằng: “Theo tôi, để xảy ra liên tiếp những vụ dâm ô, xâm hại tình dục ngay trong môi trường giáo dục, là do tổng thể đều có vấn đề. Về góc độ xã hội, vấn đề truyền thông, giáo dục kỹ năng chưa thực sự được đẩy mạnh, hoặc chỉ mang tính lý thuyết, không hướng dẫn thực hành. Luật pháp Việt Nam quy định xử lý chưa minh bạch, thích đáng. Thậm chí, nhiều địa phương, nhiều đơn vị còn bao che vì bệnh thành tích.

Trong khi đó, hiện tại, tiếng nói của tổ chức bảo vệ trẻ em không có trọng lượng, cũng không có một cơ quan chủ trì cụ thể để đứng ra xử lý những vụ việc tương tự, đội ngũ thì chỉ có về mặt hình thức còn hoạt động thì không đến nơi đến chốn.

Bên cạnh đó, “lỗ hổng” xuất phát từ gốc, từ khâu bắt đầu tuyển chọn sinh viên sư phạm, giáo dục đạo đức trong “cái nôi” đầu tiên đào tạo người thầy không được chú trọng. Môi trường đào tạo sư phạm mà chỉ chăm chăm truyền đạt kiến thức, thiếu giáo dục đạo đức, thậm chí, tạo ra những ông thầy thiếu hiểu biết về pháp luật. Đồng nghiệp thì “cả nể”, sợ động chạm nên không dám nói lên tiếng nói của mình, không dám tố cáo.

Chưa hết, dư luận xã hội nhiều khi vô tình chĩa mũi dùi về phía các nạn nhân, xì xào bàn tán, khiến họ không dám công khai. Cứ như vậy, họ tự nhủ, ai bảo vệ họ? Thậm chí, ngay cả những trường hợp giáo viên bị đồng nghiệp “giở trò”, trở thành nạn nhân cũng không dám lên tiếng vì e sợ dư luận, sợ sự bao che của những tập thể ưa thành tích, không muốn khơi sự việc ra vì sợ ảnh hưởng”... Chính những điều này đã khiến những vụ dâm ô, xâm hại “nối đuôi nhau” trong các nhà trường”.

Đồng tình với những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng đau lòng trong ngành giáo dục mà TS. Nguyễn Thị Kim Quý chỉ ra, ThS. Đỗ Nghiêm Thanh Phương, khoa Công tác xã hội, trường đại học Sư phạm Hà Nội gợi ý một số giải pháp: “Để có thể ngăn chặn những hiện tượng tiêu cực này, phải chú trọng tuyển sinh sư phạm và chú trọng đào tạo đạo đức. Để hạn chế thì phải bắt nguồn từ việc đào tạo đội ngũ giáo viên trong giảng đường đại học, không chỉ đào tạo chuyên môn, đào tạo nghiệp vụ sư phạm mà con phải chú trọng và đẩy mạnh đào tạo kỹ năng sống, hình thành năng lực, phẩm chất, đạo đức nhà giáo.

Bên cạnh đó, bộ GD&ĐT cũng cần có những tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho bản thân giáo viên, học sinh trong nhà trường, làm tốt công tác phòng ngừa. Đồng thời, để giải quyết những vấn đề xảy ra, cần thành lập và phát huy vai trò của phòng Công tác xã hội trong nhà trường, trực tiếp giúp đỡ những nạn nhân bị xâm hại”.

Triệt tiêu suy nghĩ bao che, nương nhẹ vì danh dự, thành tích

ĐBQH Tạ Văn Hạ, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên & Nhi đồng của Quốc hội trả lời phỏng vấn tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật.

Thưa ông, những năm gần đây, con số về những vụ dâm ô và xâm hại tình dục trong học đường, khi thủ phạm chính là những người thầy ngày càng tăng, lộ ra một vấn nạn vô cùng nhức nhối. Ông có suy nghĩ như thế nào trước những vụ việc này?

Trong một môi trường giáo dục được cho là an toàn đối với cả nhà giáo lẫn người học, nơi đào tạo tri thức và nhân cách cho mỗi con người, lại xảy ra những hiện tượng như vậy, thực sự đau lòng và đáng lên án. Đặc biệt, với truyền thống tôn sư trọng đạo vốn có của người Việt, nhân cách của nhà giáo phải được chú trọng hơn hết, mỗi nhà giáo phải là một tấm gương mẫu mực, ngoài truyền thụ kiến thức, còn phải gieo nhân cách cho học sinh, để học sinh biết ơn, ngưỡng mộ và tự hào... Vậy mà lại có những hành vi như vậy, thực sự không thể chấp nhận được!

Theo ông, hệ quả mà xã hội, ngành giáo dục phải gánh chịu sau mỗi vụ việc như vậy là thế nào?

Không chỉ là những câu chuyện đau lòng với những hệ lụy nhất thời, ảnh hưởng trực tiếp đến tư tưởng, cuộc sống của nạn nhân, mà còn ảnh hưởng đến môi trường học đường, đến hình ảnh cao quý của những thầy cô giáo khác, ảnh hưởng đến nền giáo dục của Việt Nam. Đặc biệt, làm “méo mó” quan hệ tốt đẹp, trong sáng giữa người thầy và người trò, thậm chí, đã từng có những câu chuyện “đổi tình, đổi tiền lấy điểm”, thực sự làm hoen ố hình ảnh cao đẹp, tổn thương những tình cảm quý báu của người thầy vốn được đề cao trong truyền thống dân tộc.

Vậy, theo ông, những nguyên nhân nào dẫn đến một bộ phận nhà giáo có hành vi như vậy?

Chúng ta có thể tóm lược thêm một vài nguyên nhân dẫn đến những hiện tượng gây hoen ố danh dự trong ngành giáo dục hiện nay, trước hết, do tác động của kinh tế thị trường, chính thương mại hóa đã biến tướng mối quan hệ giữa thầy và trò. Bên cạnh đó, do sự xâm nhập của công nghệ, phim ảnh; do ảnh hưởng của đời sống kinh tế, tinh thần của cán bộ, giáo viên còn nhiều khó khăn, áp lực, không nhận được sự quan tâm sát sao của lãnh đạo, dẫn đến “bị bệnh”. Và quan trọng không kém, đó là khâu lựa chọn đầu vào đội ngũ sư phạm cũng như quá trình đào tạo và trau dồi đạo đức trong nhà trường chưa được thực hiện tốt, khiến những kẻ không biết giữ mình vẫn có thể làm thầy.

Trước vấn nạn nhức nhối, ông có đề xuất những giải pháp nào để góp phần đưa môi trường học đường trở lại an toàn và lành mạnh đúng nghĩa, thưa ông?

Trước hết, cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cả người dạy lẫn người học, đặc biệt, trang bị những kỹ năng cần thiết, nhất là đối với các em học sinh, để có thể tự bảo vệ mình. Quan trọng hơn, là yếu tố còn người, tuyển sinh và đào tạo sư phạm phải thực sự bài bản, chất lượng. Tất nhiên, song song với đó, là chế độ đãi ngộ dành cho giáo viên cũng phải tương xứng, tạo môi trường thực sự lành mạnh, thân thiện giảm áp lực, để các thầy cô yên tâm công tác. Trách nhiệm của ban Giám hiệu, các tổ chức đoàn thể tại cơ sở giáo dục là luôn quan tâm sát sao, phát hiện và chia sẻ kịp thời, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của cả giáo viên lẫn học sinh.

Đặc biệt, hiện tại, một số cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng nhận thức chưa đầy đủ, chưa sâu sắc, chưa thực sự quan tâm đến công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung và phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng, thậm chí, một số nơi còn coi nhẹ công tác này.

Chính vì vậy, chế tài xử lý chưa thực sự nghiêm minh, một số cơ quan, địa phương, người có thẩm quyền chưa làm hết trách nhiệm, việc xử lý một số vụ việc xâm hại trẻ em còn chậm. Công tác phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong việc phòng, chống xâm hại trẻ em trong nhiều trường hợp còn chưa hiệu quả.

Thậm chí, còn xuất hiện những chuyện nương nhẹ, nhân nhượng, bao che vì sợ ảnh hưởng đến phong trào, uy tín, danh hiệu của tổ chức, của đơn vị. Phải triệt tiêu được lối suy nghĩ ấy, mới có thể mang đến một môi trường lành mạnh. Đồng thời, cần vận động những người bị hại nên dũng cảm, tố cáo, đưa ra trước công luận để lên án, phê phán, nếu cứ e ngại không nói ra, thì vụ việc sẽ mãi mãi không được xử lý.

Trân trọng cảm ơn ông!

Những con số nhức nhối rung hồi chuông cảnh báo

Theo số liệu của bộ Công an, chỉ tính riêng năm 2017, cả nước có 1.592 vụ xâm hại trẻ em, với 1.757 đối tượng; 1.642 trẻ em bị bạo lực xâm hại, trong đó có 1.397 trẻ em bị xâm hại tình dục (chiếm 85% tổng số trẻ em bị xâm hại). Năm 2018, cả nước đã xảy ra 1.547 vụ xâm hại trẻ em (giảm 5% so với 2017); với 1.669 đối tượng; xâm hại 1.579 trẻ em bị xâm hại (giảm 4% so với 2017), trong đó 1.293 trẻ em bị xâm hại tình dục. Trong 2 năm 2017 - 2018, toàn quốc xảy ra tới 2.643 vụ xâm hại tình dục với 2.690 trẻ em bị xâm hại tình dục. Đáng chú ý, theo thống kê từ tạp chí Cảnh sát nhân dân, tỷ lệ trẻ em bị xâm hại tình dục bởi thầy giáo, nhân viên nhà trường trong tổng số vụ xếp ở vị trí số 2 với 6,2%.

C.M