1.800 ngày “thử lửa” ở Syria: Nga hạ bệ ngôi vương của Mỹ, xưng hùng Trung Đông

Mạnh Kiên

5 năm trước, Nga bước vào cuộc chiến Syria khiến tình hình trên thực địa đột ngột thay đổi và chấm dứt sự lan rộng của chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo ở nước này.

Vào ngày 30/9/2015, Nga bắt đầu chiến dịch không kích chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria để đáp lại yêu cầu trợ giúp quân sự từ Chính phủ hợp pháp của Tổng thống Bashar al-Assad lãnh đạo.

"Tất cả chúng ta đều biết rằng hàng nghìn người từ các nước châu Âu, Nga và khu vực hậu Xô Viết đã gia nhập hàng ngũ của cái gọi là tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo, một tổ chức khủng bố mà tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa - không liên quan gì đến Hồi giáo chân chính”, Tổng thống Vladimir Putin nói tại cuộc họp thành viên chính phủ vào ngày hôm đó. "Không cần phải là một chuyên gia để nhận thấy rằng nếu khủng bố thành công ở Syria, chúng chắc chắn sẽ mang họa về đất nước mình, và điều này bao gồm cả Nga".

Thay đổi cuộc chơi

Sự can dự của Nga đã trở thành một bước ngoặt đối với Syria, quốc gia đã chìm trong chiến tranh kể từ năm 2011. Một tài liệu giải mật do Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA) biên soạn vào năm 2012 đã chỉ ra rằng, các lực lượng chính thúc đẩy cuộc nổi dậy ở Syria là những người theo phong trào Salafi, Tổ chức Anh em Hồi giáo và al-Qaeda ở Iraq (AQI), đã "ủng hộ phe đối lập Syria ngay từ đầu, cả về mặt ý thức hệ và thông qua truyền thông". Vào thời điểm đó, Mỹ và châu Âu đã phát tín hiệu ủng hộ với phe nổi dậy Syria "ôn hòa" và kêu gọi ông Assad từ chức.

Vào tháng 9/2014, Mỹ can thiệp vào Syria với lý do bước vào cuộc chiến chống lại IS, một tổ chức khủng bố nổi lên từ AQI. Quân đội Mỹ dẫn đầu một liên minh gồm một số thành viên trong khu vực và bên ngoài - bao gồm các lực lượng từ Anh, Pháp, Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ, Canada, Australia – để hỗ trợ cho phe nổi dậy Syria và Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) nòng cốt là người Kurd.

Ngoài hành động quân sự của liên quân do Mỹ dẫn đầu, hàng chục nghìn, thậm chí là hàng trăm nghìn chiến binh đã đổ vào Syria từ Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan, Lebanon và Iraq, theo Ghassan Kadi, chuyên gia về Trung Đông và nhà phân tích chính trị Syria.

"Họ được trang bị vũ khí và huấn luyện, mạnh mẽ", ông nhấn mạnh. "Nếu không sử dụng sức mạnh không quân nhắm mục tiêu, việc loại bỏ những lực lượng như vậy sẽ là một nhiệm vụ rất khó thực hiện trên mặt đất".

Chuyên gia về Trung Đông cho biết, với diễn biến đó, có nhiều khả năng những kẻ khủng bố sẽ giành chiến thắng. Việc những kẻ khủng bố nắm quyền lãnh đạo sẽ làm thay đổi bản chất của đất nước Syria.

Đến tháng 9/2015, các nhóm thánh chiến đã tiến rất gần đến Thủ đô Damascus của Syria, nơi được dự đoán sẽ chỉ còn khoảng hai ba tuần nữa là rơi vào tay các nhóm khủng bố do nước ngoài hậu thuẫn, nhà báo Basma Qaddour từ tờ The Syria Times kể lại.

Theo các nhà quan sát, động thái quân sự của Moscow vào ngày 30/9/2015 được coi là một "bước ngoặt lớn". "Vai trò lớn nhất mà Nga thực hiện về mặt quân sự là sử dụng sức mạnh không quân và năng lực chiến đấu trong môi trường đô thị dày đặc", chuyên gia Ghassan Kadi lưu ý. "Điều này làm nghiêng cán cân quyền lực bất lợi cho những kẻ xâm lược và có lợi cho quân đội Syria".

Liên minh Nga-Syria đã đạt được những mục tiêu gì?

Đến tháng 12/2017, liên quân Nga-Syria đã tiêu diệt 60.318 tay súng thánh chiến, trong đó có 819 thủ lĩnh khủng bố và giải phóng 1.024 khu định cư, đáng chú ý nhất là các thành phố chiến lược như Aleppo, Palmyra, Akerbat, Deir ez-Zor, Meyadin và Abu Kemal.

Được sự hỗ trợ của không quân Nga, quân đội Syria đã loại bỏ các thành trì chính của khủng bố, còn lại Idlib là điểm nóng thánh chiến duy nhất trong cả nước. Do đó, sự hiện diện của quân đội Nga trên mặt đất và chiến dịch chống khủng bố trên không thành công đã khiến bất kỳ cuộc tấn công tổng lực nào trong tương lai của NATO đều trở nên vô nghĩa, theo chuyên gia Ghassan Kadi.

Sau khi triển khai lực lượng quân cảnh để giám sát lệnh ngừng bắn tại các khu vực giảm leo thang mới và đồng ý với Damascus về việc thành lập một nhóm thường trực tại cơ sở hải quân Tartus và căn cứ không quân Hmeimim, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố rút quân khỏi các căn cứ thường trực vào tháng 12/2017. Tuy nhiên, Moscow vẫn tiếp tục hỗ trợ Syria. Về tổng thể, liên quân Nga-Syria đã tiêu diệt hơn 133.000 tay súng thánh chiến .

Song song với nỗ lực quân sự, Nga, cùng với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, đã dàn xếp các cuộc đàm phán hòa bình giữa phái đoàn Chính phủ Syria và các lực lượng đối lập ở Astana vào cuối tháng 12/2016. Trong những năm tiếp theo, các cuộc đàm phán theo định dạng Astana do Moscow, Tehran và Ankara dẫn đầu đã giúp giảm cường độ của các cuộc đụng độ trên thực địa bằng các ký kết các thỏa thuận ngừng bắn và thành lập bốn khu vực giảm leo thang ở quốc gia bị chiến tranh tàn phá.

Những trở ngại

Tuy nhiên, quá trình hòa giải phần lớn bị cản trở bởi sự hiện diện quân sự của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực, nhà báo Qaddour lập luận, nhấn mạnh rằng những thế lực nước ngoài này phải rút khỏi Syria.

Đề cập đến vấn đề các căn cứ quân sự của Mỹ-SDF trong khu vực, Qaddour cho rằng lực lượng kháng chiến của người dân Syria có khả năng sẽ đẩy lùi họ khỏi những khu vực này. Vào tháng 8/2020, các thủ lĩnh bộ tộc Syria ở Deir ez-Zor và Aleppo đã kêu gọi Mỹ và lực lượng ủy nhiệm người Kurd rời khỏi đây.

"Vấn đề là Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do Mỹ hậu thuẫn ở miền Đông Syria hiện đang kiểm soát khoảng 70% nguồn tài nguyên dầu mỏ quốc gia và một số cơ sở khí đốt có giá trị ở miền Đông Euphrates thuộc quyền kiểm soát của Mỹ”, Qaddour chỉ ra.

Ngoài ra, Idlib vẫn bị kiểm soát bởi các nhóm khủng bố, với 85% phần tử khủng bố ở Idlib có liên hệ với nhóm khủng bố thống trị ở đây là Hayat Tahrir al-Sham (HTS).

Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia giám sát khu vực giảm leo thang Idlib, đã tuyên bố sẽ tách phe đối lập ôn hòa khỏi những kẻ khủng bố, giải phóng đường cao tốc M4 và hình thành hành lang an ninh xung quanh đường cao tốc này. Theo Moscow và Ankara, các thỏa thuận này đang dần được thực hiện.

Nga giúp Syria hồi sinh nền kinh tế sau chiến tranh

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, hòa giải dường như là ưu tiên phía sau, vì vấn đề chính cần giải quyết lúc này là kinh tế, chuyên gia Kadi chỉ ra, trích dẫn vấn đề dầu mỏ ở Syria và đạo luật trừng phạt của Washington đang bóp nghẹt đất nước.

Trước tình hình đó, Damascus đang mở rộng quan hệ kinh doanh với Nga để tạo điều kiện phục hồi kinh tế. Trong chuyến thăm hồi tháng 9 của phái đoàn Nga tới Syria, Phó Thủ tướng Yuri Borisov nói với báo chí rằng Moscow đã trình một gói đề xuất kinh tế cho Syria vào tháng 7 nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng sau chiến tranh và các lệnh trừng phạt của Mỹ. Dự kiến, các đề xuất này sẽ được ấn định vào tháng 12/2020.

Chuyên gia Kadi lưu ý, những khó khăn kinh tế và áp lực do phương Tây gây ra đã thúc đẩy các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là Syria và Iran, hình thành các liên minh và đối tác kinh tế mới.

Theo ông, chính sách trừng phạt của Mỹ sẽ kết thúc khi "phương Tây không còn là trung tâm sản xuất, kể cả những mặt hàng tiên tiến". Nhà phân tích chính trị cho rằng trong tương lai gần các quốc gia như Nga, Trung Quốc, Iran, Syria, về lý thuyết, sẽ "có khả năng cung cấp cho nhau tất cả các nhu cầu cơ bản của họ mà không cần phải sử dụng đến hàng nhập khẩu của phương Tây".

Cuộc chiến Syria và các sự kiện tiếp theo trên thực địa một lần nữa chứng minh rằng những ngày của trật tự thế giới lấy phương Tây làm trung tâm thời hậu Chiến tranh Lạnh đã qua, nhà báo Basma Qaddour nêu quan điểm.

"Mỹ thúc đẩy một chương trình nghị sự chống lại cả thế giới để không phải đối mặt với thực tế khó khăn rằng họ không còn là siêu cường duy nhất trên toàn cầu và họ phải thích ứng với một thế giới ngày càng đa cực", nhà báo này kết luận.

M.K