Đám cháy không ảnh hưởng đến khu dân cư, nhưng tại một số điểm trong hốc đá, khe đá lực lượng chức năng ghi nhận vẫn còn cháy âm ỉ.
Ước tính ban đầu, diện tích đám cháy rộng hơn 6ha, đa số là tre, tầm vông và một phần nhỏ diện tích cây rừng.
Hiện, huyện Tri Tôn đang huy động phương tiện chữa cháy, cùng hơn 200 người tiếp cận các điểm khói, dùng bình chữa cháy đeo vai, bình nước xách tay và dụng cụ dập lửa để dập tắt hoàn toàn.
Trước đó, khoảng 10 giờ sáng 26/4, nhận được tin báo của Ban Chỉ huy quân sự xã Núi Tô về việc xảy ra cháy rừng tại khu vực Kẹt Càng Đước, thuộc ấp Tô Thuận, xã Núi Tô, huyện Tri Tôn.
Lực lượng kiểm lâm, quân sự, Ban Quản lý rừng, công an, chính quyền huyện Tri Tôn đã huy động gần 400 người cùng 2 xe tải chở nước và vật chất chữa cháy, 2 xe tải chở quân cùng hàng trăm máy chữa cháy đeo vai, máy bơm nước đồi núi đến hiện trường tham gia chữa cháy rừng.
Sau nhiều giờ nỗ lực, đến 16h30 cùng ngày, nơi xảy ra cháy rừng là khu vực dốc cao, nhiều đá lớn, đám cháy lan nhanh, khói nhiều, đá rơi từ trên cao xuống, khiến công tác chữa cháy gặp rất nhiều khó khăn, uy hiếp an toàn, tính mạng của lực lượng tham gia chữa cháy.
Sau khi bàn bạc, thống nhất giữa các lực lượng kiểm lâm, Ban Quản lý rừng, công an, quân sự và chính quyền địa phương đã thống nhất rút lực lượng chữa cháy xuống núi để bảo đảm an toàn.
Đối với vụ cháy rừng tầm vông tại khu vực đồi 400 thuộc núi Dài (ấp An Thành, xã Lương Phi, huyện Tri Tôn), Trạm Quản lý rừng và Hạt kiểm lâm liên huyện Tri Tôn - Thoại Sơn kết hợp lực lượng quân sự, công an và chính quyền, Nhân dân địa phương xã Lương Phi, với gần 200 người tham gia chữa cháy rừng.
Núi Cô Tô gọi tắt là núi Tô, còn có tên gọi khác là Phụng Hoàng sơn, cao hơn 600m và là một trong những ngọn núi thuộc dãy Thất Sơn, thuộc xã Cô Tô, Huyện Tri Tôn, An Giang. Núi Cô Tô nổi tiếng với nhiều tổ ong và sở hữu hàng trăm hệ thống hang động ngầm lớn.
Thanh Xuân - Hữu Hậu