Nguyên nhân khiến ca bệnh Covid-19 tăng
Theo báo cáo của Bộ Y tế, số ca mắc Covid-19 đang có xu hướng gia tăng trong những ngày gần đây, trong đó địa phương ghi nhận nhiều nhất là Hà Nội.
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 tăng trở lại, Bộ Y tế đã có nhận định về tình hình dịch. Đồng thời, gửi công văn đến UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Thông tin về dịch Covid-19 tăng trở lại cũng nhận được nhiều sự quan tâm của người dân, song song với đó trên mạng xã hội xuất hiện các cách điều trị, phòng chống Covid-19.
Về nguyên nhân khiến ca mắc Covid-19 tại Hà Nội và các tỉnh miền Bắc tăng trở lại, Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga (Bộ Quốc phòng) cho hay, thời tiết nồm ẩm làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm các bệnh đường hô hấp tăng cao.
"Số người bị nhiễm virus đường hô hấp, cúm A, cúm B, thủy đậu, tay chân miệng… gia tăng khiến cho sức đề kháng chung bị suy giảm, cũng dễ mắc Covid-19 hơn. Cùng với đó, số đông người dân hiện nay chủ quan không thực hiện đúng thông điệp 2K. Do sức miễn dịch có được sau khi tiêm vắc-xin hoặc mắc Covid đã giảm dần, khiến nguy cơ tái nhiễm gia tăng", bác sĩ Hoàng nói với Người Đưa Tin.
Bên cạnh đó, cũng theo bác sĩ Hoàng, việc tăng cường giao thương, tiếp đón khách du lịch quốc tế cũng có thể là một nguyên nhân, tuy chưa có bằng chứng rõ ràng.
“Tại Hà Nội – nơi tập trung đô dân cư, mật độ dân số cao và khả năng miễn dịch của người dân nói chung không tốt bằng các tỉnh thành khác, do tình trạng ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn, sử dụng nhiều đồ ăn chế biến sẵn...”, BS Hoàng thông tin về số ca mắc Covid-19 tại Hà Nội nhiều.
Có nên lạm dụng thuốc phòng bệnh?
Thời tiết nồm ẩm kéo dài tạo điều kiện cho virus phát triển, tuy nhiên theo bác sĩ Hoàng người dân không nên nghe và tin theo những lời chia sẻ vô căn cứ trên mạng xã hội.
“Việc điều trị F0 nếu trên 60 tuổi, có bệnh nền, suy giảm miễn dịch thì nên nhập viện. Còn F0 không thuộc nhóm nguy cơ cao, chỉ cần điều trị triệu chứng, ăn uống đầy đủ, vận động nhẹ nhàng, ngủ đủ giấc. Không cần dùng thuốc gì đặc biệt và không nhất thiết phải mua các loại thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe được quảng cáo là có tác dụng nâng đề kháng, giúp nhanh khỏi...”, BS Hoàng đưa lời khuyên.
Bên cạnh đó, bác sĩ Hoàng cho rằng trước tình hình số ca mắc Covid-19 gia tăng hiện nay, người dân nên thực hiện tiêm tăng cường vắc-xin phòng Covid-19. Việc tiêm mũi vắc-xin tăng cường có vai trò quan trọng để bảo vệ những người có nguy cơ cao tái nhiễm và trở nặng, đó là người già, nhiều bệnh nền, suy giảm miễn dịch. Cần tiêm nhắc lại, không kể là mũi 3, mũi 4 hay mũi 5 với các đối tượng này.
Để dịch bệnh không lây lan, vị bác sĩ khuyên cáo thêm, điều đầu tiên cần lưu ý là hết sức bình tĩnh, bởi hiện chưa có bằng chứng cho thấy có sự xuất hiện của biến thể nào mới mà vẫn là các biến thể thông thường của Omicron.
Ngoài ra, hiện nay đang xuất hiện nhiều thông tin vô căn cứ lan truyền trên mạng xã hội rằng có sự xuất hiện của biến chủng mới, gây tử vong nhanh chóng. Do đó, người dân cần hết sức bình tĩnh, theo dõi các thông tin chính thống từ cơ quan y tế.
Cùng với đó, phải nghiêm túc thực hiện thông điệp 2K của Bộ Y tế, đó là đeo khẩu trang và khử khuẩn khi đến những nơi đông người hay tiếp xúc với những người có nguy cơ cao, đảm bảo ăn uống đầy đủ, vận động nhẹ nhàng, kiểm soát stress, ngủ đủ giấc.
“Dù Covid hay không, trong thời điểm giao mùa, mọi người đều nên súc miệng nước muối sinh lý ấm hàng ngày, kết hợp thêm một số dung dịch sát khuẩn họng”, bác sĩ Hoàng chia sẻ.
Ưu tiên tiêm chủng bảo vệ nhóm nguy cơ cao
Trước đó, GS.TS Phan Trọng Lân – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, theo đánh giá của các chuyên khoa, một điểm cần lưu ý là đặc tính hiệu quả của vắc-xin trong phòng lây nhiễm với biến thể Omciron còn hạn chế, tuy nhiên khả năng phòng chuyển nặng, nhập viện, tử vong thì hiệu quả.
Tổ chức Y tế thế giới đánh giá những người đã tiêm vắc-xin phòng Covid-19 hoặc đã từng nhiễm bệnh hầu hết đều có miễn dịch – do vắc-xin hoặc do mắc phải. Chính yếu tố này làm các trường hợp khi mắc bệnh có biểu hiện nhẹ hơn, ít hoặc không có triệu chứng.
Theo khuyến nghị mới, cần tập trung ưu tiên tiêm chủng bảo vệ nhóm nguy cơ cao (người cao tuổi, người mắc bệnh nền, người suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai). Bởi, nếu miễn dịch của các đối tượng trên giảm dễ dẫn đến tình trạng tăng nặng, nhập viện, tử vong.
Các địa phương cần rà soát, đánh giá nhu cầu tiêm vắc-xin phòng Covid-19 theo quy định và đề xuất gửi về Bộ Y tế làm cơ sở phân bổ cân đối đầy đủ vắc-xin và có kế hoạch tiêm đúng thời điểm, đạt hiệu quả phòng dịch tốt nhất.