Băn khoăn khuyến nghị không đặt tên khai sinh cho trẻ quá dài, quá khác biệt

Hương Lan

Theo quy định mới tại Thông tư 04/2020 của bộ Tư pháp, việc đặt tên cho trẻ em phải phù hợp với pháp luật và yêu cầu giữ gìn bản sắc dân tộc, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của Việt Nam; không đặt tên quá dài, khó sử dụng. Xung quanh vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với TS.Nguyễn Văn Vịnh, Phó viện trưởng viện Công nghệ giáo dục.

Đặt tên cho con phù hợp với văn hoá, phong tục

PV: Có ý kiến cho rằng, việc đặt tên là quyền tự do cá nhân của cha mẹ, không nên “quản” việc đặt tên con quá dài. Ông nhận định sao về điều này?

TS.Nguyễn Văn Vịnh: Từ xưa đến nay, với người Việt, đặt tên cho con là chuyện các ông bố, bà mẹ rất quan tâm, cân nhắc, thậm chí tên của đứa trẻ sắp chào đời còn được cả ông bà và những người thân trong gia đình cùng suy nghĩ rồi mới đưa ra quyết định. Việc đặt tên con giữa gia đình nông thôn, thành thị cũng có sự khác biệt. Người có văn hóa thì đặt tên văn hoa, mĩ miều. Gia đình sống ở nông thôn thì quan niệm đơn giản rằng đặt tên sao cho dễ nuôi là được nên mới dẫn tới những cái tên không được thuận lắm.

Trong truyền thống văn hóa Á Đông, việc đặt tên còn dựa vào ngũ hành (căn cứ vào ngày, giờ, tháng, năm sinh-PV). Các thông tin về thời gian sẽ được quy đổi về âm dương ngũ hành. Người xưa quan niệm, nếu khuyết một hành nào đó sẽ gặp rắc rối về sức khỏe. Ví dụ, nếu thiếu hành kim thì dễ mắc bệnh về phổi, khuyết hành mộc thường yếu gan, khuyết hành thổ thì đại tràng, dạ dày, khuyết hành thủy thì thường mắc bệnh thận, khuyết hành mộc dễ mắc bệnh về tay, chân… Vì thế, khi đặt tên theo ngũ hành, nhiều người cho rằng vừa tâm linh vừa khoa học, mang tính nhân văn nhất định.

TS.Nguyễn Văn Vịnh, Phó viện trưởng viện Công nghệ giáo dục.

Bên cạnh đó, quan niệm đặt tên của người Việt nhiều khi xuất phát từ tham vọng của bố mẹ nên khi đặt tên thường hướng đến kỳ vọng về quyền chức, trí tuệ, tiền bạc, sắc đẹp…Tuy nhiên, gần đây xu hướng đặt tên con của người Việt xuất hiện nhiều hiện tượng bất thường, tên dài dằng dặc, tên “lạ đời”… Có giai đoạn, bố mẹ nghiện xem phim Hàn Quốc và đặt tên con giống với tên diễn viên mình thần tượng hoặc đặt theo các danh nhân, nhân vật trong tác phẩm văn nghệ. Có trường hợp vì bất mãn trong cuộc sống mà đặt tên con theo hướng tiêu cực, cười ra nước mắt. Trước thực tế này, theo quan điểm của tôi, bộ Tư pháp có Thông tư hướng dẫn việc đặt tên con theo đúng thuần phong mỹ tục, không quá dài là cần thiết.

PV: Nhiều ý kiến cho rằng, Thông tư 04/2020 của bộ Tư pháp quy định không được đặt tên dài là “vượt qua Hiến pháp”, vi phạm quyền riêng tư. Ông nghĩ sao về điều này?

TS.Nguyễn Văn Vịnh: Hiến pháp không cấm việc đặt tên dài. Việc đặt tên chỉ đơn thuần là một nét văn hóa, không ảnh hưởng tới quốc phòng, an ninh quốc gia, an toàn xã hội, đạo đức xã hội… Tuy nhiên ở thời đại 4.0, việc đặt tên cũng chỉ nên đủ những ký tự nhất định theo mẫu chung, theo thông lệ quốc tế (thẻ căn cước công dân, thẻ ngân hàng, visa, thủ tục ở sân bay…).

Nếu một người có tên quá dài sẽ gây phiền hà cho chính người đó (không đủ khoảng trống trên khuôn giấy kê khai, người làm thủ tục hộ tịch cũng có thể ghi thiếu ký tự- PV). Theo quan điểm của tôi, quy định không được đặt tên quá dài là phù hợp với thời đại công nghệ số và lường trước được những tình huống rắc rối trong một số thủ tục hành chính.

Cán bộ tư pháp có bị “làm khó”?

PV: Thông tư 04 chỉ quy định chung chung, không nêu cụ thể “thế nào là tên quá dài” liệu có gây khó cho cán bộ tư pháp hộ tịch và người được đặt tên, thưa ông?

TS.Nguyễn Văn Vịnh: Theo lẽ thông thường, cách đặt tên của người Việt chủ yếu là 3 chữ, 4 chữ (10- 15 ký tự) và không quá nhiều trường hợp đặt tên có số ký tự quá dài lên đến 30- 40 ký tự.

Theo quan điểm của tôi, không nên áp đặt cụ thể số ký tự khi đặt tên bởi mỗi họ có số ký tự khác nhau. Có những họ chỉ 2 ký tự, 5 ký tự nhưng cũng có những dòng họ trâm anh, quý tộc lên tới 10-12 ký tự (ví dụ: Công Tằng Tôn Nữ-PV)… Do vậy, trước hiện tượng đặt tên không đúng với thuần phong mỹ tục, cơ quan chức năng cũng cần có quy định điều chỉnh.

Nhiều ý kiến cho rằng, đặt tên con quá dài chẳng khác nào làm khổ con (ảnh minh họa)

PV: Thực tế, tên quá dài gây ảnh hưởng đến việc sử dụng các dịch vụ xã hội. Theo ông, hướng khắc phục như thế nào để tránh được phiền phức, rắc rối liên quan đến hộ tịch?

TS.Nguyễn Văn Vịnh: Đứa trẻ không được quyền chọn tên nhưng tên gọi lại đi theo suốt cả cuộc đời của mỗi cá nhân vì thế việc đặt tên cần tránh gây phiền toái cho con sau này. Việc một số người đặt tên con quá dài, có khi lên đến 30-40 chữ như thời gian qua đã khiến việc làm hồ sơ hay giao dịch gặp khó khăn, phức tạp. Nếu bố mẹ đặt tên dễ gây nhầm lẫn, khiến con mặc cảm, vướng các thủ tục hành chính thì cũng là “làm khổ” con. Vì thế, đặt tên cần theo thuần phong mỹ tục, tránh lai căng, kỳ dị quá.

PV: Xin cảm ơn ông!

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Vũ, Phó giám đốc sở Tư pháp TP.HCM cho biết, thời gian tới, khi thông tư có hiệu lực thi hành thì trong quá trình thực hiện Sở sẽ tập hợp, báo cáo bộ Tư pháp nhằm có quy định bao nhiêu ký tự là dài, bao nhiêu ký tự là bình thường. Ông Vũ thông tin, nhiều trường hợp đặt tên con quá dài khi được khuyên chấp nhận thay đổi tên khác nhưng cũng có những người kiên quyết không đổi tên. Đây là vấn đề riêng tư, cá nhân, không vi phạm luật gì nên cán bộ hộ tịch cũng chỉ dừng ở mức khuyên chứ không thể bắt buộc họ được vì chưa có quy định cụ thể là đặt tên phải giới hạn bao nhiêu ký tự, bao nhiêu chữ

H.L