Băn khoăn quy định cấp chứng chỉ hành nghề Y cho bác sĩ

Thanh Lam

Liên quan đến quy định bác sĩ muốn hành nghề sẽ phải thi lấy chứng chỉ, đại diện ngành Y tế cho rằng đây là việc làm cần thiết để sàng lọc chất lượng bác sĩ, trong khi đó đội ngũ bác sĩ lại băn khoăn rằng việc thi cử làm tăng thêm áp lực, dễ gây ra tiêu cực, không cẩn thận sẽ trở thành một “giấy phép con”.

Nhiều ý kiến trái chiều

Mới đây, tại buổi làm việc với Chủ tịch hội đồng Trường và Hiệu trưởng các trường đại học Y Dược trực thuộc bộ Y tế, quyền Bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng bác sĩ tốt nghiệp các trường cần phải thi chứng chỉ hành nghề.

Không thể “mẹ hát con khen hay”, bác sĩ tốt nghiệp các trường ra đều được hành nghề như nhau. Về lâu dài, điểm thi cấp chứng chỉ hành nghề sẽ là căn cứ để các bệnh viện tuyển chọn nhân lực. Việc thi cấp chứng chỉ hành nghề này sẽ được thực hiện sớm, không đợi đến năm 2030 mà sẽ được thực hiện khi Luật Khám bệnh, Chữa bệnh sửa đổi có hiệu lực", ông Long nói.

Trước thông tin này, không ít ý kiến trong dư luận tỏ rõ sự băn khoăn như: “Ngành y học 6 năm, cộng 18 tháng thực hành ở bệnh viện để được chứng nhận xin cấp chứng chỉ, giờ tiếp tục mất thêm tiền chứ không phải thêm chuyên môn mới được hành nghề sao?”; “Nếu như vậy thì bằng đại học không mang đủ ý nghĩa?”; “Liệu có xảy ra tiêu cực như chứng chỉ ở các môn khác đã nêu trước đây như tiếng Anh?”…

Chia sẻ với PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp Luật, một bác sĩ đang công tác tại một bệnh viện công lập tại Hà Nội (xin giấu tên) cho biết: “Việc thi lấy chứng chỉ sẽ căn cứ vào thông tư của bộ Y tế, phải có chứng chỉ mới được hành nghề nên phải tham gia thi. Việc cấp chứng chỉ là để xác nhận bác sĩ học và làm đúng theo chuyên khoa mà bác sĩ đó học như: Nội khoa, ngoại khoa, hồi sức cấp cứu… Tôi cho rằng việc cấp chứng chỉ là hoàn toàn phù hợp”.

Nhiều ý kiến cho hay ngành Y vốn đã có nhiều áp lực (Ảnh minh hoạ).

Tuy nhiên, theo vị bác sĩ này, có nơi quy định phải thi cả phần kỹ năng ứng xử, giao tiếp, có nơi chỉ cấp chứng chỉ theo quá trình công tác của người mới ra trường, như vậy là thiếu công bằng.

“Tôi lấy ví dụ, sinh viên ra trường sau đó công tác tại một bệnh viện công lập và sau khi làm 18 tháng mới được bệnh viện gửi danh sách lên, làm hồ sơ qua phòng tổ chức rồi sang phòng nghiệp vụ y của sở y tế thẩm định thời gian công tác của người làm hồ sơ đó là bao nhiêu năm, có đúng chuyên ngành xin cấp chứng chỉ hay không…, điều này khá phức tạp. Có người làm ở bệnh viện nhưng chưa đủ 12 tháng lại phải đi học 2 năm (chuyên khoa I, hoặc thạc sĩ) thì cấp trên lại không đồng ý cấp chứng chỉ, mà khi học xong 2 năm quay về phải làm việc lại từ đầu đến khi nào công tác tại bệnh viện đủ 12 - 18 tháng thì mới đủ điều kiện xin cấp chứng chỉ”, vị bác sĩ nêu quan điểm.

Chính việc học xong quay trở về bị ngắt quãng, mới dẫn đến chuyện có nhiều người muốn bỏ thi cấp chứng chỉ ngành mà mình đã theo học.

“Việc tổ chức thi cử có hai mặt, mặt tốt là sẽ sàng lọc được nhân sự cán bộ của ngành y, ai đủ tiêu chuẩn giỏi giang sẽ được lựa chọn. Nhưng, mặt tiêu cực là chắc chắn sẽ tạo thêm áp lực và tăng thêm những vấn nạn như chạy chứng chỉ…”, bác sĩ này bày tỏ lo ngại.

Quan trọng là đạo đức

Trong khi đó, trao đổi với PV, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó Chủ tịch hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam - chia sẻ: “Ở trong trường thường đào tạo những kiến thức rất cơ bản, do đó sau khi những kiến thức cơ bản đã đạt được thì bác sĩ sẽ phải qua khâu thực hành tất cả các kiến thức đã được học. Việc cấp chứng chỉ hành nghề Y ở trên thế giới vẫn làm, nên theo tôi việc này tại Việt Nam là cần thiết”.

Nói về lo ngại thi cử sẽ gây ra những áp lực vô hình, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng: “Áp lực nặng nề hay không do người đứng ra tổ chức thi. Nếu thi tạo điều kiện để kiểm tra bác sĩ này đủ khả năng hành nghề hay chưa thì đó là cần thiết. Nhưng, nếu gây áp lực cho người thi căng thẳng, đòi hỏi phải thế này thế kia thì không nên”.

PGS.Trần Xuân Nhĩ cho rằng lợi dụng quy trình đào tạo để xảy ra tiêu cực cần lên án.

Theo ông Nhĩ, việc cấp chứng chỉ hành nghề Y là đúng theo quy trình đào tạo. Nhưng, điều quan trọng là phải loại trừ tất cả những tiêu cực xảy ra trong quá trình cấp chứng chỉ.

Chia sẻ lý do mà nhiều người thắc mắc tại sao không nâng cao chất lượng đào tạo ngay từ trong trường, để rồi ra trường lại phải thi chứng chỉ hành nghề, ông Nhĩ cho hay: “Thời gian đào tạo bác sĩ trong trường thường không đủ điều kiện thực hành tay nghề, chính vì vậy cần phải dựa vào sự kết hợp giữa lý thuyết và thực hành tại các bệnh viện để rút kinh nghiệm. Đây là quy định chung của quy trình đào tạo”.

Bày tỏ sự lo ngại về việc cấp chứng chỉ hành nghề y sẽ có nguy cơ xảy ra tiêu cực trong thi cử, ông Nhĩ nhấn mạnh: “Nếu lợi dụng quy trình đào tạo để xảy ra những chuyện tiêu cực thì phải lên án mạnh mẽ, kiên quyết xử lý. Tôi cho rằng, đạo đức con người cực kỳ quan trọng, trong tất cả các lĩnh vực, con người cần phải có đạo đức, nếu không có đạo đức thì dù có giỏi đến mấy cũng dễ xảy ra tiêu cực. Bởi, việc cấp chứng chỉ suy cho cùng cũng muốn người hành nghề khi ra đời có thể phục vụ xã hội một cách tốt hơn”.

Đừng trở thành một “giấy phép con”!

“Việc thi lấy chứng chỉ hành nghề phụ thuộc vào hội đồng tổ chức chấm thi, nếu hội đồng đầy đủ bộ đề, trung thực thì không có gì đáng bàn. Cái mà tôi quan tâm ở đây là bộ đề thi, bộ câu hỏi có thực tế hay không? Việc tổ chức thi sẽ làm tăng thêm áp lực, không cẩn thận sẽ khiến quy định trở thành một “giấy phép con”. Nếu làm không tốt thậm chí sẽ xảy ra tiêu cực hoặc những rắc rối như không đủ người để tổ chức chấm thi…” - Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm-Thần kinh (bệnh viện Nhi đồng I, TP.HCM)

T.L