Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Không nên dùng từ “giải cứu” nông sản

Hoàng Thị Bích

Hoàng Thị Bích

Thứ 3, 15/08/2023 16:10

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nói hàng giải cứu thì nông sản càng rớt giá, do đó cần tư duy lại vấn đề này.

Tạo sự gắn kết chặt chẽ

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 25, chiều 15/8 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực của Bộ NN&PTNT, phiên chất vấn được kết nối trực tuyến với 62 điểm cầu tại các tỉnh, thành trong cả nước. 

Đại biểu Nguyễn Thanh Phong (đoàn Vĩnh Long) đề nghị tình trạng giá nông sản rớt thê thảm ảnh hưởng đến đời sống người dân. Ông hỏi Bộ trưởng có giải pháp gì cứu nông sản cho ĐBSCL.

Đại biểu cũng muốn biết giải pháp cho việc người dân ùn ùn phá bỏ cây trồng khác để trồng sầu riêng vì giá mặt hàng này đang tăng cao?

Đối thoại - Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Không nên dùng từ “giải cứu” nông sản

Bộ trưởng Lê Minh Hoan trả lời chất vấn.

Đặt vấn đề làm sao hóa giải lời nguyền được mùa mất giá? Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh Bộ trưởng không đi giải cứu và cũng không nên dùng từ "giải cứu" nông sản nữa, vì nói hàng giải cứu thì nông sản càng rớt giá. Bộ trưởng đề nghị cần tư duy lại chỗ này.

Ông dẫn chứng ở Vĩnh Long, ông Hoan cho biết khoai lang Bình Tân đang được giá nhưng do tranh mua tranh bán giữa thương lái và doanh nghiệp nên có lúc nông sản bị đẩy giá lên, có lúc bà con bị bỏ lại.

“Chúng ta không cấu trúc lại ngành hàng, không đưa bà con vào hình thức hợp tác nào đó thì chúng ta không bao giờ thành công. Đừng đánh giá doanh nghiệp ép giá người nông dân. Có doanh nghiệp chụp hình gửi cho tôi khoai lang từ Vĩnh Long đưa ra cửa khẩu 40% phải bỏ vì không đủ quy cách, chủng loại”, người đứng đầu ngành Nông nghiệp dẫn chứng.

Về vấn đề sầu riêng, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định đó là sự lựa chọn của bà con, chúng ta không có thẩm quyền nào bắt bà con không được trồng sầu riêng.

Theo ông, phải tập hợp bà con để khuyến nông, thông tin về thị trường, kết nối với doanh nghiệp, vì giá cả sáng khác chiều khác, hiệu ứng nào cũng làm giá tăng lên, giảm xuống nên cần cân nhắc.

Nhấn mạnh cần cả hệ thống vào cuộc, ông Hoan nói không phải muốn né trách nhiệm của Bộ trưởng mà cần sự vào cuộc của các cấp để tạo sự gắn kết chặt chẽ.

Cẩn trọng giữa phát triển và giữ gìn

Đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Lê Thanh Hoàn (đoàn Thanh Hóa) cho biết, đất đai, đặc biệt là đất trồng lúa có vai trò rất quan trọng trong sản xuất nông nghiệp và vấn đề đảm bảo an ninh lương thực nước ta…

Đại biểu Lê Thanh Hoàn đề nghị Bộ trưởng làm rõ đến hiện tại đã có quy hoạch và chốt được vị trí các khu vực đất lúa để cấm không cho phép chuyển nhượng, chuyển đổi sang mục đích khác để người dân yên tâm canh tác, cải tạo đất, tăng năng suất, tăng sản lượng thóc gạo, góp phần đảm bảo an ninh lương thực của Việt Nam trong thời gian tới.

Đối thoại - Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Không nên dùng từ “giải cứu” nông sản (Hình 2).

Đại biểu Lê Thanh Hoàn chất vấn.

Trả lời câu hỏi về đất lúa, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, cách đây 10 năm thì quy mô đất lúa nước ta khoảng trên 4 triệu hecta. Hiện tại theo số liệu thống kê đất lúa còn 3,93 triệu hecta.

Theo Nghị quyết Quốc hội và Nghị quyết của Chính phủ là chúng ta sử dụng linh hoạt 5 triệu hecta đất lúa. Bộ trưởng làm rõ, linh hoạt ở đây có nghĩa là để đảm bảo an ninh lương thực và để sự phát triển kinh tế - xã hội thì cũng phải dành một quỹ đất nông nghiệp, trong đó có đất lúa.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết về quy hoạch đất lúa nằm trong quy hoạch đất đai. Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm chính về vấn đề này. Tại các các địa phương cũng đã đều ổn định những diện tích đất lúa và đã có trong quy hoạch của tỉnh, xác định rõ phân khu vực dành cho đất nông nghiệp.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng lưu ý các địa phương trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội cố gắng giữ gìn quỹ đất lúa, cân nhắc khi chuyển đổi đất trồng lúa bởi còn nhiều hệ lụy ảnh hưởng phía sau như về sản lượng lúa, bao nhiêu người nông dân trên đất lúa đó, rồi một chuỗi ngành hàng, doanh nghiệp chế biến, dịch vụ thương mại, những con người ở phía sau chuỗi ngành hàng đó…

Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông cũng sẽ kiên trì cùng với các địa phương để phân tích những tình huống khi nào chuyển đổi, khi nào không chuyển đổi với nguyên tắc cân nhắc và cẩn trọng giữa phát triển và giữ gìn.

Xem thêm: 

>>> Giá lúa gạo tăng: Bình tĩnh để nhận định trước mặt trái

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.