Chiếc tủ chật kín điều tử tế ở bến xe Nước Ngầm

Quang Trường

Đó là chiếc tủ lưu giữ hành lý, tài sản của hành khách để quên, làm rơi tại bến xe Nước Ngầm. Bao năm qua, có rất nhiều người rất bất ngờ khi thấy những món đồ tưởng chừng đã mất của mình được “trưng bày” trong chiếc tủ kính chờ chủ nhân rước về.

Rất nhiều đồ bị bỏ quên

Nhiều người gọi nó là “tủ đồ tử tế” bởi trong đó, những đồ vật như: Giấy tờ tùy thân, ví tiền, túi xách, điện thoại, máy tính... thậm chí cả tiền mặt được đặt ngay ngắn cạnh khu vực nhà chờ, bên lối vào cho người đi bộ tại bến xe Nước Ngầm. Trên tủ có dòng chữ “Nơi trưng bày hành lý, tài sản của khách để quên” làm nhiều người không khỏi tò mò.

Giữa trời nắng như đổ lửa, anh Nguyễn Hà Bắc, 40 tuổi, nhân viên an ninh của bến xe Nước Ngầm, cũng là người thường xuyên lau dọn “tủ đồ tử tế” này, đang hối hả điều tiết xe trong bến. Được dịp nghỉ ngơi, lau mồ hôi trên mặt, anh cho biết, đã làm tại đây được 5 năm, khi anh đến đây làm đã có chiếc tủ này rồi.

“Bến xe Nước Ngầm hàng ngày tiếp đón khoảng 500 - 800 lượt xe ra vào, trong đó, có hàng nghìn hành khách, rất nhiều người bỏ quên hay đánh rơi đồ. Nhân viên của bến hoặc nhà xe nhặt được thì báo cho chúng tôi, chúng tôi lập tức báo lên loa phát thanh để người ta đến nhận lại. Có nhiều trường hợp báo trên loa rồi nhưng không thấy ai đến nhận, chắc họ rời khỏi bến rồi”, anh Bắc chỉ vào tủ đồ ở phía xa.

Đa phần khi báo trên loa, hành khách sẽ đến nhận đồ của mình ngay, nhưng có những trường hợp đồ để trong tủ cả vài năm cũng chưa có người nhận. Vì thế, chiếc tủ dần trở nên chật kín.

“Cảm ơn bằng hiện vật, nhưng chúng tôi không nhận”

Làm nhiều năm ở đây, anh Bắc đã chứng kiến nhiều trường hợp đánh rơi đồ rồi tìm lại được. Anh cho biết, có những trường hợp bị mất đồ cả vài tháng, khi có việc quay trở lại bến xe thì bất ngờ thấy đồ của mình trong tủ. Ban đầu, khổ chủ còn không nhận ra đồ của mình, sau khi biết họ mới mừng rỡ xin lại.

Có nhiều hành khách để quên cả tiền mặt, thậm chí vài chục triệu đồng. Có lần một người bỏ quên hành lý, trong đó có tới 23 triệu đồng. Các anh lục tìm được thông tin của khổ chủ và nhanh chóng liên lạc để trả lại.

Một trường hợp khác khiến anh ấn tượng, anh kể: “Có một sĩ quan quân đội làm rơi thẻ Đảng, thẻ Sĩ quan ở bến. Biết đấy là giấy tờ đặc biệt quan trọng nên chúng tôi nhanh chóng báo lên loa phát thanh nhưng không thấy đến lấy. Thì ra, anh sĩ quan này đã đi được nửa đường rồi, anh ấy nghĩ là không thể tìm lại được nhưng để làm lại những loại giấy tờ ấy rất vất vả và mất thời gian nên đã quay lại. Sau đó, may mắn là chỉ làm thủ tục, chứng minh đúng đồ của mình, là anh ấy cầm lại được “tài sản” của mình”, anh Bắc chia sẻ thêm.

Anh cũng cho biết, khi nhận lại đồ, có nhiều người đã cảm ơn bằng tiền mặt, hiện vật nhưng các anh đều từ chối. “Trước giờ, có nhiều người nhận lại đồ của mình thì mừng rỡ lắm, tài sản lớn nên họ vô cùng cảm kích. Họ cảm ơn xong hậu tạ nhưng chúng tôi thống nhất với nhau là không nhận đồng nào cả. Chúng tôi chỉ muốn trả lại cho hành khách thôi, họ gọi điện cảm ơn một câu là được rồi. Mình cũng thấy vui khi giúp được những người không may mắn như vậy”, anh Bắc cười nói.

Một ý tưởng độc đáo

Tủ tử tế - Nơi của rơi về lại tay người mất

Hành khách lần đầu đến bến xe Nước Ngầm đều không khỏi tò mò, thích thú với chiếc tủ mà họ chưa từng gặp ở bến xe nào. Lúc nào cũng có người đứng nhìn ngắm từng món đồ trong tủ, mặc dù họ không phải người bị mất. Thậm chí có người còn chụp ảnh lại, đăng lên mạng xã hội để người làm mất đồ may mắn thấy được.

Anh Nguyễn Duy Phương, 20 tuổi, quê Phú Thọ, lần đầu tiên nhìn thấy tủ đồ này liền chụp ảnh lại và đăng lên mạng xã hội. Trước kia do bất cẩn, anh cũng từng làm mất giấy tờ tùy thân khi đi xe khách và không tìm lại được. “Mình đi nhiều bến xe rồi nhưng lần đầu tiên thấy ý tưởng độc đáo này. Mình chụp lại đăng lên trang cá nhân, biết đâu người mất lại tình cờ thấy được. Mình nghĩ các bến xe nên triển khai rộng rãi việc làm ý nghĩa này”, Anh Phương chia sẻ.

Lần đầu tiên đến bến xe nước ngầm, anh Nguyễn Văn Đoàn, 40 tuổi, quê Bắc Giang cũng tỏ ra thích thú. “Tôi không nghĩ là số lượng bỏ quên lại nhiều như thế này, và chủng loại cũng đa dạng từ tiền cho đến giấy tờ cá nhân, đồ đạc. Tôi thấy giữ lại cho hành khách như thế này rất là tốt. Tuy nhiên tôi nghĩ nên có cách nào đó để liên lạc với chủ nhân, vì có nhiều người mất nhưng bản thân họ không biết mình quên trên xe hay rơi ở đâu. Đặc biệt những giấy tờ quan trọng mà có đầy đủ tên, tuổi, địa chỉ như chứng minh thư, bằng lái xe,...”, anh Đoàn vui vẻ nói.

Lan tỏa hành động tốt đẹp

Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật, ông Nguyễn Văn Lập – Giám đốc bến xe Nước Ngầm - cho biết, chiếc “tủ tử tế” được bến xe thành lập cách đây gần chục năm, nhằm giữ lại những đồ vật mà hành khách đánh rơi, lan tỏa ý nghĩa nhân văn.

“Rất nhiều đồ vật đã được trả về đến tay chủ nhân của nó, nhưng cũng có nhiều đồ vật thì vẫn nằm im lìm nhiều năm nay. Thường ngày vẫn có nhân viên tại bến xe trông coi và lau dọn cho sạch sẽ để biết đâu một ngày đẹp trời, chủ nhân đi qua lại tìm được đồ của mình đã mất từ lâu”- ông Lập chia sẻ.

Q.T