Năm 2024, chúng ta kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ ‟lừng lấy năm châu, chấn động địa cầu”. Chiến thắng là đỉnh cao của cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954, là chiến công chói lọi nhất của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954).

Chiến thắng lịch sử này đã giáng đòn chí mạng vào ý chí xâm lược của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, buộc chúng phải ký Hiệp định Giơnevơ, kết thúc chiến tranh, chấm dứt chế độ thuộc địa ở Đông Dương, mở ra một thời kỳ mới cho cách mạng Việt Nam, Lào và Campuchia, mở đầu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới, góp phần quan trọng đối với phong trào giải phóng dân tộc.

Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở màn trận chiến lược với quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm của Pháp tại Điện Biên Phủ.

Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Điện Biên Phủ như là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã, đồng thời, phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới đang lên cao đến thắng lợi hoàn toàn”. “Đó là thắng lợi vĩ đại của Nhân dân ta mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới”.

Cục diện thế giới được hiểu là “trạng thái” của thế giới tại một thời điểm hay trong một khoảng thời gian nhất định, phản ánh tương quan lực lượng và mối quan hệ giữa các chủ thể quốc tế khác nhau, trước hết và quan trọng nhất là các cường quốc, các trung tâm quyền lực lớn của thế giới. Nó cũng bao gồm cả xu hướng vận động của tương quan lực lượng và trạng thái quan hệ giữa các chủ thể chính tại thời điểm đó. Về nội hàm, cục diện thế giới bao quát diện mạo của thế giới trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, quân sự, văn hóa, khoa học công nghệ, tôn giáo...

Tuy nhiên, nghiên cứu, phân tích về cục diện thế giới thường tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng - an ninh. Đối với cục diện khu vực, đây chính là hình ảnh thu nhỏ của cục diện thế giới trong khu vực.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với một đơn vị bộ đội tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.

Chiến thắng Điện Biên Phủ diễn ra trong bối cảnh cục diện hai cực Xô-Mỹ được hình thành sau Chiến tranh thế giới II. Các chủ thể chính trên trường quốc tế là phe xã hội chủ nghĩa do Liên Xô đứng đầu, các nước tư bản, thực dân đế quốc đứng đầu là Mỹ, phong trao giải phong dân tộc tại các nước Á, Phi, Mỹ Latinh, các lực lượng hòa bình dân chủ. Sau Chiến tranh Triều Tiên năm 1953, Chiến tranh Đông Dương năm 1954, cục diện hai cực Xô- Mỹ bớt căng thẳng do xuất hiện xu thế hòa hoãn giữa các nước lớn, song cạnh tranh, giành giật phát triển mạnh trong chiến tranh lạnh.

Cục diện khu vực là cục diện Đông Dương, Đông Nam Á. Tại Đông Dương, Pháp chấm dứt chiến tranh, chế độ độ thuộc địa đã tồn tại gần một thế kỷ, buộc phải công nhận nền được lập của ba dân tộc Đông Dương; Mỹ hất cẳng Pháp, âm mưu biến Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới, lập khối quân sự Đông Nam Á (SEATO) nhằm ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản lan rộng.

Thứ nhất, chiến thắng của nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến trường kỳ, anh dũng, kiên cường chống thực Pháp, mà đặc biệt là chiến thắng lừng lẫy tại Điện Biên Phủ đã khuyến khích, cổ vũ nhân dân Angieria noi theo, đứng lên phát động đấu tranh vũ trang chống ách đô hộ của thực dân Pháp.

Pháp có ba thuộc địa ở Bắc Phi gồm Angieria, Tuynidi và Maroc. Thực dân Pháp muốn Angieria là trở thành một tỉnh của mình vì lúc đó có 1.5 triệu người Pháp đã sinh sống lâu đời tại quốc gia này và có ảnh hưởng khá lớn đối với chính giới Pháp. Song nhân dân Angieria kiên quyết phản đối. Phong trào đấu tranh giành độc lập do hai tổ chức yêu nước là ‟Liên minh Dân chủ của Cương lĩnh Angieria” và ‟Phong trào giành chiến thắng cho tự do, dân chủ” lãnh đạo. Nhiều lãnh đạo của hai tổ chức này chủ trương chỉ đấu tranh chính trị vì không tin vào đấu tranh vũ trang.

Bức tranh Panorama tái hiện toàn cảnh Chiến dịch Điện Biên Phủ

Dưới ảnh hưởng của chiến thắng Điện Biên Phủ, một bộ phận ‟Phong trào giành chiến thắng cho tự do, dân chủ” do Ben Bella đứng đầu chủ trương đấu tranh vũ trang để giành độc lập, tách ra lập Mặt trận giải phóng Dân tộc Algérie (FLN) vào tháng 8/1954. Ngày 1/11/1954, FLN phát động khởi nghĩa vũ trang, liên tiếp giành nhiều thắng lợi. Lo sợ bị mất Angieria như mất Việt Nam, Đông Dương, năm 1962, Tướng De Gaulle Tổng thống Pháp đã buộc phải ký kết Hiệp định Eviăng với FLN chấm dứt chiến tranh (18/3/1962) và công nhận nền độc lập của Angieria. Ngày 3/7/1962 Angeria tuyên bố độc lập.

Thứ hai, từ cuối thế kỷ XIX, hầu hết các quốc gia ở châu Phi bị chủ nghĩa thực dân phương Tây xâm lược và đô hộ, trong đó Anh và Pháp là hai nước có thuộc địa lớn nhất ở châu Phi. Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 và cũng như thắng lợi của nhân dân Angieria năm 1962, làm rung động hệ thống thuộc thuộc địa của Pháp, Anh ở châu Phi. Năm 1956, ba nước Maroc, Tuynidi, Sudan giành được độc lập. Một năm sau đó, nhân dân Bờ Biển Vàng lật đổ ách thống trị của Anh, thành lập quốc gia độc lập Ghana.

Tù binh Pháp ở Điện Biên Phủ (1954)

Năm 1960, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc lan rộng và bùng lên mạnh mẽ khắp châu Phi, có 17 quốc gia ở châu Phi giành được độc lập nên được gọi là “Năm Châu Phi”. Các nước giành được độc lập là Đông Camorun (1/1/1960), Togo (27/41960), Madagaxca (26/6/1960), Xomali (1/7/1960), Đahômây (1/8/1960), Nigie (3/8/1960), Thượng Volta (5/81960), Côte d'Ivoire tức Bờ Biển Ngà (7/8/1960), Tchad (11/8/1960)), Cộng hòa Trung Phi (13/8/1960), Congo-Brazzaville (15/8/1960), Gabon (17/8/1960), Soudan (22/9/1960), Nigeria (1/10/1960) và Mauritanie (28/11/1960).

Cũng trong năm 1960, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ra tuyên bố thủ tiêu hoàn toàn chủ nghĩa thực dân, trao trả độc lập cho các quốc gia và dân tộc thuộc địa, là cơ sở pháp lý, động lực góp phần thúc đẩy phong trào đấu tranh giành độc lập ở các nước Á, Phi và Mỹ Latinh .

Hội nghị Geneve về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Đông Dương là kết quả của Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Thứ ba, chiến thắng của Việt Nam tại Điện Biên Phủ cũng là chiến thắng của phe xã hội chủ nghĩa vì trong chiến công này có sự giúp đỡ vô cùng to lớn về vật chất và tinh thần của Liên Xô, Trung Quốc. Chiến thắng đã góp phần tăng cường sức mạnh của phe xã hội chủ nghĩa.

Năm 1953, Liên Xô có bom khinh khí và năm 1957 có tên lửa vượt đại châu khiến lãnh thổ nước Mỹ không còn bất khả xâm phạm. Năm 1957, Trung Quốc hoàn thành kế hoặch 5 năm lần thứ nhất, các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội theo kế hoạch. Chính những sự kiện liên tiếp này đã góp phần quan trọng giúp thế và lực của phe xã hội chủ nghĩa được nâng cao, tạo thế cân bằng với phe tư bản chủ nghĩa trong quan hệ quốc tế.

Không chỉ vậy, chiến thắng Điện Biên Phủ cũng là chiến thắng của phong trào giải phóng dân tộc ở các nước Á- Phi -Mỹ Latinh, bởi đây là đồng minh tự nhiên của các nước xã hội chủ nghĩa vì có cùng mục tiêu chống chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân và bảo vệ hòa bình thế giới.

Thứ tư, phong trào giải phóng dân tộc bước vào một thời kỳ phát triển mạnh mẽ khắp 3 châu lục: Á – Phi - Mỹ Latinh, trước hết ở châu Á, Châu Phi dưới tác động trực tiếp của Điện Biên Phủ, buộc Mỹ phải tìm cách đối phó. Mỹ phải điều chỉnh chiến lược toàn cầu nhằm chống lại phong trào giải phóng dân tộc mà miền Nam Việt Nam là ngọn cờ đầu.

Mặc dù, do các nước lớn triệu tập và chi phối, song thực chất là Điện Biên Phủ là nhân tố quyết định dẫn đến Hội nghị Giơnevơ năm 1954 về Đông Dương. Kết quả Hội nghị Pháp buộc phải chấm dứt chiến tranh, chế độ thuộc địa và công nhận các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam, Lào, Cămpuchia; miền Bắc Việt Nam được giải phóng bắt đầu con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.

Đồng thời, Mỹ “nhảy” vào miền Nam Việt Nam thay chân Pháp. Âm mưu của Mỹ biến Nam Việt Nam thành thuộc đại kiểu mới và căn cứ quân sự ngăn chủ nghĩa cộng sản lan xuống Đông Nam Á. Mỹ coi trọng Nam Việt Nam vì chính sách của Mỹ đối với Đông Dương, Đông Nam Á luôn luôn gắn với chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc và hệ thông xã hội chủ nghĩa. Theo Học thuyết Domino nếu để mất Nam Việt Nam thì có thể mất Đông Nam Á. Ngăn chặn được phong trào cách mạng ở Nam Việt Nam, Mỹ coi như đánh bại được phong trào giải phóng dân tộc, đánh bại được chủ nghĩa xã hội và ngăn chủ nghĩa xã hội phát triển, là điều chỉnh chiến lược lớn của Mỹ. Không lâu sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Mỹ đã lập khối xâm lược quân sự SEATO vào tháng 9/1954, gồm 8 nước, đặt miền Nam Việt Nam, Lào, Campuchia dưới ô bảo hộ của tổ chức quân sự này.

Thứ năm, dưới tác động của cuộc kháng chiến anh dũng chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân Việt Nam, một số nước độc lập sau khi thoát khỏi ách thực dân đã đi vào con đường hòa bình trung lập, không tham gia các liên minh quân sự, chính trị song phương, đa phương do các nước phương Tây chi phối; đồng thời xu hướng đoàn kết Á - Phi chống đế quốc cũng từng bước phát triển. Điều đó thể hiện qua Hội nghị 5 nước châu Á ở Colombo, Sri Lanka (5/1954); Hội nghị 29 nước Á - Phi ở Bangdung, Indonesia (4/1955).

Thứ sáu, chiến thắng Điện Biên Phủ đã góp phần làm tan rã hệ thống thuộc địa của thực dân Pháp (Pháp và Anh là hai cường quốc có nhiều thuộc địa nhất trên thế giới). Như vậy, phong trào giải phóng dân tộc được cổ vũ phát triển mạnh mẽ với mục tiêu chống đế quốc thực dân góp phần làm suy yếu phe đế quốc.

Mặt khác, sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, một số nước như Anh, Pháp, Hà Lan… do suy yếu phải dựa vào Mỹ để khôi phục và phát triển kinh tế, song khi sức mạnh đã khôi phục họ lại đấu tranh chống sự lệ thuộc vào Mỹ như nước Pháp của De Gaulle. Mâu thuẫn giữa các nước này với nhau đã làm suy yếu phe đế quốc. Như vậy, phe đế quốc suy yếu do bị phong trào giải phong dân tộc tấn công và cũng là do mâu thuẫn ngày càng gia tăng giữa chúng với nhau.

Thủ tướng Pháp Edouard Philippe thăm di tích chiến trường Điện Biên Phủ, tháng 11/2018

Tóm lại, có thể nói chiến thắng Điện Biên Phủ đã giáng đòn chí mạng vào chủ nghĩa thực dân, mở đầu quá trình sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ, góp phần làm suy yếu phe đế quốc, thực dân đứng đầu là Mỹ.

Chiến thắng Điện Biên Phủ, thúc đẩy phong trào giải phóng dân tộc, trước hết tại các thuộc dịa của Pháp Anh ở châu Phi, đưa đến sự xuất hiện một loạt các quốc gia độc lập, cớ xu hướng chống đế quốc, thực dân làm thay đổi bàn cờ chính trị thế giới, khu vực châu Phi, Đông Dương, Đông Nam Á.

Phong trào giải phóng dân tộc vốn là đồng minh tự nhiên của các nước xã hội chủ nghĩa vì có chung mục tiêu chống đế quốc, thực dân, chống chiến tranh, bảo vệ hòa bình thế giới. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã góp phần tăng cường sức mạnh của phe xã hội chủ nghĩa do Liên Xô làm trụ cột.

Cuối cùng, chiến thắng Điện Biên Phủ góp phần làm sụp đổ hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân, đế quốc tạo xung lực cho phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc, tăng cường sức mạnh phe xã hội chủ nghĩa, làm thay đổi cục diện thế giới và khu vực, nhất khu vực Đông Nam Á, tác động việc Mỹ, kẻ đứng đầu phe tư bản chủ nghĩa phải điều chỉnh chiến lược, coi chống phong trào giải phóng dân tộc là nhiệm vụ chiến lược, mà trọng điểm là cuộc kháng chiến của nhân dân miền Nam Việt Nam hòng ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản lan rộng.

Đây thực sự chính là ý nghĩa thời đại của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ mà dân tộc Việt Nam đã tạo nên.

Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ.

NGUOIDUATIN.VN | Thứ 2, 15/04/2024 | 10:29